Phục Truyền Luật Lệ, bài 07
Phục Truyền 8:1-20
Phần dặn dò kế tiếp của Môi-se là nhắc lại mệnh lệnh phải biết vâng theo tất cả các điều răn; lời mà Môi-se sẽ phải tiếp tục nhắc nhở trong các bài giảng cuối cùng của ông trước khi ông giã từ con dân Israel đã ở dưới sự chỉ huy của ông trong suốt bốn mươi năm qua.
Muốn vâng lời thì phải “cẩn thận làm theo” (1), thực hiện tất cả các điều răn, kính sợ Đức Chúa Trời là Chúa của họ bằng một sự kính sợ thánh. Vì bí quyết để Israel “được sống, gia tăng dân số và vào nhận làm sản nghiệp vùng đất mà Đức Giê-hô-va đã thề với tổ phụ” họ, là cẩn thận làm theo tất cả các điều răn mà Môi se đã truyền cho họ.
Để giúp dân Israel biết vâng lời, Môi-se bảo họ hãy nhớ lại suốt chặng đường hoang mạc mà Chúa đã dẫn họ đi trong suốt bốn mươi năm qua (2). Chữ chặng đường ở đây nói về cách thức Ngài đã dùng quyền phép bảo vệ, giải thoát, cung ứng, sửa phạt, dẫn họ qua gian khổ, hạ họ xuống để thử thách lòng họ có chịu vâng theo các điều răn Ngài hay không.
Sự đói khát của thân thể vẫn luôn là cách thử nghiệm lòng người hiệu quả nhất. Vì như cách ngôn đông phương đã kết luận: “Phú quý sinh lễ nghĩa; bần cùng sinh đạo tặc.” Vì thế, chỉ khi bị đói và khát người ta mới bộc lộ bản chất bên trong của họ.
Lúc Israel thấy tương lai mờ mịt trong hoang mạc, nơi không thể gieo trồng gì cả vì không có nước, thì họ lên tiếng oán trách Đức Chúa Trời và Môi-se. Nhưng Chúa ban cho họ mana mà họ và tổ phụ họ chưa từng biết (3), để dạy cho họ biết “loài người sống không chỉ nhờ bánh, nhưng nhờ mọi lời phán từ miệng Đức Giê-hô-va.” ‘Vì Ngài phán thì mọi sự liền có‘ (Thi-thiên 33:9a).
“Suốt bốn mươi năm nay, áo quần anh em không sờn rách, chân anh em chẳng sưng phù” (4). Không thể nào Israel có đủ vật liệu để dệt vải cho số đông người trong bốn mươi năm; chẳng những áo quần họ không sờn rách mà lớn dần theo chiều cao của đám trẻ con lớn lên trong bốn mươi năm ấy; chân cũng không sưng vì cát nóng và đá.
Vì vậy, nếu đã thấy sự giải cứu và chăm sóc của Đức Chúa Trời trong những khổ nạn chúng ta đã trải qua, thì hãy biết rằng khi bị Ngài sửa phạt như cha sửa phạt con, thì điều đó là nhằm ích lợi cho con cái Ngài vậy (5).
Người nào hiểu điều nầy thì việc tuân giữ những điều răn của Chúa, đi trong các đường lối Ngài và kính sợ Ngài (6) sẽ không phải là những sự bó buộc khó chịu, mà là điều lòng ưa thích thực hiện vì yêu mến và kính sợ Đấng đã yêu thương chăn dắt ta.
Đến cuối đoạn đường gian khổ, sửa soạn bước vào đất hứa, Môi-se dõng dạc công bố rằng “Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ đưa anh em vào một vùng đất tốt tươi, có nhiều sông suối và các mạch nước tuôn chảy trong các thung lũng và trên đồi núi” (7); nơi đó có lương thực và các thứ trái cây mà Israel ưa thích. Họ sẽ được no đủ không thiếu một thứ gì; họ sẽ có cả quặng sắt và đồng nữa (8-9).
Sau khi nhận được sản nghiệp và no nê trong sản nghiệp đó, Israel phải nhớ chúc tụng Đấng đã ban cho họ vùng đất tốt tươi ấy (10).
Thời được sung túc sau cảnh khổ là lúc người ta quên ơn những người đã làm ơn cho họ. Vì vậy, khi đã có thừa mứa đồ ăn, cuộc sống đã trở nên thoải mái không còn phải chạy lo miếng ăn cho từng bữa, là lúc phải cẩn thận gìn giữ thân, hồn và linh của mình không sa vào sự cám dỗ mà quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta (11).
Chúng ta đã bám chặt Đức Chúa Trời trong thời đói khổ và túng thiếu; tâm linh chúng ta tỉnh thức và chờ đợi nghe tiếng phán, lời chỉ dạy và sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh trong từng vấn đề lớn hay nhỏ, và cũng luôn dâng lời ca tụng, ngợi khen Chúa về mọi ơn lành và sự dẫn dắt của Ngài. Sở dĩ chúng ta không dám buông Ngài ra vì thấy rõ chung quanh nơi mình sống thì các mối hiểm nguy không ngừng đe doạ; mà ở trong Chúa thì thấy rõ mình được bình an và được bảo vệ.
Nhưng hầu hết các chiến sĩ thập tự đều gác vũ khí sau khi đến bến bờ tự do, không còn phải lo sợ bị kẻ thù hung hãn hãm hại nữa. Giống như dân Israel xưa “sau khi ăn no nê, xây nhà tốt để ở, thấy bò chiên gia tăng, bạc vàng và mọi tài sản mình đều dư dật, thì lòng ……..kiêu ngạo, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng đã đem …. khỏi nhà nô lệ” (12-14).
Hầu hết, nếu không nói là tất cả những con cái Chúa rất nóng cháy và hăng hái cho công việc nhà Ngài ở quê nhà, vừa yên ổn nơi quê hương thứ nhì bình an và sung túc nầy, thì lòng nóng cháy ấy không còn nữa; chỉ một thời gian ngắn sau, tinh thần nguội lạnh, bê trễ, nuông chiều xác thịt, và cả sự hèn nhát đã len lỏi vào tâm linh của mình lúc nào không biết.
Như Đức Chúa Trời đã từng than thở “dân Ta đã quên Ta từ bao ngày không đếm được” (Giêrêmi 2:32b). Ngài đã than “nhưng trong lúc hoạn nạn, chúng lại nói: ‘Xin mau cứu giúp chúng con‘” (Giêrêmi 2:27b).
Những lời Đức Chúa Trời phán về Israel trong thời gian Ngài dẫn họ lang thang trong hoang mạc, thì chẳng khác gì lúc chúng ta ở trong khổ nạn: “Ta nhớ đến lòng trung thành của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi như cô dâu mới về nhà chồng, lúc ngươi theo Ta trong hoang mạc, trong đất không gieo trồng” (Giêrêmi 2:2).
Đúng như thế! Các con cái Chúa đã trải qua cảnh khổ và được hưởng sự thăm viếng của Đức Thánh Linh trên Hội-thánh, thì biết rõ hơn ai hết tình trạng lòng mình yêu mến, kính sợ Chúa và hăng hái trong công việc nhà Ngài như thế nào.
Hoặc các anh chị em tin Chúa ở quê hương mới, bị bệnh nan y, bám lấy Ngài và được Chúa chữa lành cách kỳ diệu, thì lòng yêu mến và biết ơn Chúa cách nồng nàn. Nhưng thời gian trôi qua, sau khi đã ổn định sức khoẻ thì ngọn lửa tình yêu đó tàn lụi dần.
Cho nên, lời Môi-se căn dặn dân Israel hãy cẩn thận, đừng quên Chúa là Đấng đã bao bọc và dẫn dắt họ, không phải là thừa.
Những nỗi hiểm nguy trong hoang mạc khô cằn không phải chỉ là thiếu nước uống, mà còn là rắn lửa và bò cạp. Hoang mạc mênh mông của bán đảo Sinaii mà dân Israel đã trải qua trên lối về đất hứa, có thể ví như linh trình của chúng ta thời nay trên đường về nước trời.
Như Đức Chúa Trời đã cung cấp nước cho Israel từ tảng đá rất cứng (15), tâm linh khô hạn của chúng ta đã được Đức Thánh Linh làm cho tươi mát trở lại sau những lần được sửa dạy về các lầm lỗi. Tuy vậy, lối đi trên linh trình của chúng ta trong lúc còn sống ở trần gian vẫn luôn có các mối hiểm nguy rình rập như rắn lửa và bò cạp. Thứ nọc độc chết người sẵn sàng quật ngã bất cứ ai bị chúng cắn.
Đấy là hình bóng về nọc độc của tội lỗi trong thế gian. Israel phải đi bộ trong suốt bốn mươi năm. Họ phải rất cẩn thận trên đường đi. Nhưng sau khi phạm tội thì nhiều người bị rắn lửa cắn chết.
Môise nhắc lại bánh ma-na, lương thực nuôi sống cho hai triệu người Israel trong khoảng thời gian bốn mươi năm kham khổ; rồi cuối cùng họ được Chúa ban phước.
Môise dặn dò: “Vậy, phải cẩn thận đừng tự bảo rằng: ‘Chính năng lực và sức mạnh của đôi tay ta đã tạo dựng cho ta cơ đồ nầy‘” (16-17); ngược lại, họ phải tưởng nhớ Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho con cái Ngài sức lực để làm việc và tạo dựng cơ đồ của mình.
Ngài làm việc đó chẳng phải vì dân Israel mang công lao gì, nhưng vì để thực hiện giao ước mà Ngài đã thề với tổ phụ của họ (18).
Ngày nay, sự ứng dụng ý nghĩa đó cho chúng ta là, ngoài tình yêu thương bao la mà Đức Chúa Trời dành cho cả nhân loại, Ngài còn ban mọi ơn lành và sự bảo vệ kỳ diệu cho thân, hồn và linh của tín hữu nữa, để chúng ta được thịnh vượng trong đời sống tâm linh mình; đó là Ngài thực hiện giao ước mà Đức Chúa Jesus đã lập với tất cả những ai tiếp nhận ơn cứu chuộc qua sự chết hi sinh của Ngài.
Lời cảnh cáo về hình phạt dành cho những kẻ bội phản chắc chắn sẽ xảy đến; mà hình phạt đó là sự diệt vong của cả một dân tộc.
Môise nói rằng: “Nếu anh em quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em mà theo các thần khác, phục vụ và thờ lạy chúng, thì hôm nay tôi cảnh báo anh em rằng chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong. Anh em sẽ bị tiêu diệt như các dân tộc mà Đức Giê-hô-va tiêu diệt trước mặt anh em, vì anh em đã không vâng theo tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em” (19-20).
Các thứ thần khác mà tín hữu ngày nay theo đuổi thì nhiều lắm. Tiền bạc là một thứ thần phổ thông, nhưng còn thần danh vọng, sĩ diện và vô số điều khiến chúng ta không vâng lời Chúa. Những loại ‘thần’ ấy thì đầy dẫy chung quanh ta.
Tuy nhiên, thứ uế linh đáng phải để ý hơn hết chính là bản tính con người xác thịt của mình. Vì nó là thứ uế linh mạnh nhất, khó trị nhất. Chính nó gây ra sự chia rẽ, đố kỵ, bất hoà, và phá đổ sự hiệp một của Hội-thánh.
PhucTruyen07.docx
Rev. Dr. CTB