Phục Truyền Luật Lệ, bài 08
Phục Truyền 9:1-29
“Hỡi Israel hãy nghe! Hôm nay anh em sẽ vượt qua sông Jordan để đánh đuổi các dân tộc đông hơn và mạnh hơn anh em, có những thành lớn và tường luỹ cao ngất trời” (1). Hôm nay có nghĩa là đã đến lúc, chứ không có nghĩa là chính ngày hôm ấy.
Những dân tộc đang cư ngụ trong xứ Canaan đều đông dân hơn Israel. Nói rằng họ mạnh hơn là vì tác người của họ cao lớn và sức lực cường tráng hơn dân Israel.
Chiều cao của tường thành do các sắc dân ở Canaan thời ấy xây thường cao hơn 12 thước tây; cho nên, Môi-se gọi đó là những thành lớn và tường luỹ cao ngất trời.
A-nác là ông tổ của giống người khổng lồ nổi tiếng rất mạnh mẽ mà không ai dám đương đầu (2). Nhưng, Israel có thể yên tâm đánh đuổi các dân tộc ấy, vì thật ra không phải họ đánh mà “Đức Chúa Trời của anh em sẽ đi trước anh em như một đám lửa hừng, sẽ tiêu diệt và hạ các dân nầy” trước mặt họ như lời Ngài hứa. Phận sự của Israel là phải nhanh chóng trục xuất và tiêu diệt (3).
Tâm lý thông thường của người ta là khi họ hành động mà có kết quả thì tưởng là do sự công chính của mình mà được Chúa thưởng, quên rằng đó là việc Đức Chúa Trời làm. Vì thế, lời dặn của Môi-se không phải là thừa:
“Đừng tự nhủ rằng: ‘Nhờ sự công chính của ta nên Đức Giê-hô-va đã đem ta vào chiếm hữu đất nầy. Thật ra, chính vì tội ác của các dân tộc đó mà Đức Giê-hô-va đánh đuổi chúng” (4).
Môi se nói lại một lần nữa là: Vì tội ác của dân tộc ấy mà Chúa đánh đuổi và tiêu diệt chúng để làm ứng nghiệm lời Ngài đã hứa với Abraham, Y-sac và Gia-cốp, chứ chẳng phải do sự công chính hay lòng chính trực gì của dân Israel cả. Lời ấy được Môi-se nhắc lại ba lần để Israel nhớ rằng họ là một dân cứng cổ, mà được hưởng miền đất tốt tươi Canaan, là do Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa, và do tội ác của dân Canaan là quá mức tưởng tượng (5-6).
Đứng trước một viễn cảnh thành công, đạt tới mục tiêu mong muốn, người ta thường quên là họ có nhiều lỗi lầm rất nặng trong quá khứ. Môi-se nhắc cho Israel nhớ lại rằng thế hệ hiện tại và cha ông họ đã chọc giận Giê-hô-va Đức Chúa Trời và thường xuyên phản nghịch Ngài từ ngày ra khỏi xứ Ai-cập (7).
Hô-rếp là một tên khác của núi Sinaii; núi nầy được gọi là núi Đức Chúa Trời (1Vua 19:8), tại đó ký ức dân Israel chưa kịp phai mờ về quyền phép vĩ đại của Chúa dẫn họ đi qua Biển Đỏ, nước chảy ra từ vầng đá, bánh mana, chim cút, rồi thấy sự hiện ra quá kinh khủng đáng sợ của Đức Chúa Trời trên núi Sinaii, nhưng lại họ đúc tượng bò bằng vàng để thờ lạy, chọc giận Ngài đến nỗi Ngài định tiêu diệt họ và dùng Môi-se để làm thành một dân mới (8 Xuất 32:10).
Môi se thuật chuyện ông lên núi gặp Đức Chúa Trời trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, Ngài ban cho ông hai bảng đá mười điều răn do chính tay Ngài viết, và dạy ông tất cả luật lệ (9-10).
Hai bảng đá viết mười điều răn cũng gọi là bản giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân Israel (11), cho nên cái rương bọc vàng chứa hai bảng ấy gọi là Rương Giao Ước.
Ngày Đức Chúa Trời trao hai bảng đá cho Môi-se là ngày dân Israel đã đúc xong tượng con bò bằng vàng, dựng nó lên để thờ lạy rồi bày trò nhậu nhẹt và dâm dật buông thả. Vì thế Chúa thúc giục Môi-se: “Hãy đứng dậy, mau xuống khỏi đây vì dân mà con đem ra khỏi Ai-cập đã trở nên bại hoại. Chúng đã vội bỏ đường lối mà Ta đã truyền dạy và đúc cho mình một hình tượng” (12).
Những ai không mang tâm tánh phản nghịch đều rất ngạc nhiên trước thái độ và hành động phản phúc nhanh chóng của dân Israel. Bởi vì mới hơn một tháng trước đó, họ đã long trọng thề nguyện trước mặt Đức Chúa Trời trong buổi lễ lập giao ước với Ngài tại chân núi Sinaii (Xuất 19:5, 8).
Những lời hứa vẫn còn tươi trong ký ức đã bị vất bỏ cách vội vàng, chứng tỏ rằng mức độ hạ cấp của con người là không thể ngờ nổi. Vì vậy, lòng người ngày nay cũng vẫn giống như người thời xưa không có mức độ tôn trọng thích đáng đối với Đấng đã giải thoát họ ra khỏi xiềng xích của tội lỗi. Người ta vẫn làm theo ý riêng của họ thay vì thực hiện lời hứa long trọng lúc nhận lễ báp-têm là trọn đời bước theo Chúa, hết lòng thờ kính Ngài và làm theo các luật lệ của Ngài.
Mặc dù Đức Chúa Trời là Chúa của cả trời đất, nhưng vì đã kêu gọi Môi-se từ hoang mạc trở về Ai-cập để hướng dẫn dòng dõi lời hứa của Abraham về miền đất mà trước kia Ngài thề sẽ ban cho họ, nên Chúa không thể tự ý tiêu diệt đoàn dân cứng cổ ấy mà không có sự đồng ý của Môi- se.
Sự kiện nầy đã bày tỏ cho con dân Chúa ngày nay thấy rằng Đức Chúa Trời không độc đoán trong các quyết định của Ngài. Những gì có liên quan đến công việc của những người được Ngài kêu gọi, đều phải có sự chân thành đóng góp ý kiến của những người ấy quy vinh quang về Ngài. Vì thế, Chúa bảo Môi-se:
“Ta đã thấy dân nầy thật là một dân cứng cổ! Cứ để mặc Ta, Ta sẽ tiêu diệt chúng và xoá tên chúng khỏi thiên hạ. Nhưng Ta sẽ làm cho con trở thành một dân tộc hùng mạnh và đông hơn dân ấy” (13-14). Môi-se vội vàng xuống núi và trông thấy cảnh dân Israel đang lạy tượng bò con trong lúc cả núi vẫn còn bốc lửa, ông giận quá ném vỡ nát hai bảng đá giao ước (15-17).
Trong lời can gián và cầu khẩn vì dân Israel (Xuất 32:32), Môi-se lên núi phủ phục trước mặt Chúa bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn cũng không uống nước, vì tội của Israel là quá nặng.
Từ ngày Đức Chúa Trời giáng lâm xuống núi Sinaii trong đám lửa hừng trước mặt toàn thể Israel; lửa vẫn tiếp tục cháy sáu tuần liên tục, mà dân Israel cả gan đúc con bò con bằng vàng, bỏ lời thề nguyện long trọng lập giao ước với Đức Chúa Trời. Tội ấy là quá nặng; nếu họ có bị Chúa tiêu diệt thì cũng không oán trách chi được.
Tại sao họ đúc tượng con bò mà không là hình tượng con thú hay cái gì khác? Hơn bốn trăm năm ở xứ Ai-cập, họ đã bị nhiễm nặng tín ngưỡng thờ bò con của người Ai-cập. Trong lúc chờ đợi Môi-se gặp Chúa ở trên núi, lo lắng cho tương lai chưa biết sẽ ra sao, họ quay trở lại thông tục mà họ thấy trước kia. Một số tín hữu thời nay cũng chẳng khác gì, số ấy sẵn sàng bắt chước số đông người quanh họ thờ cúng tà thần khi gặp khó khăn.
Trước cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va vì Israel đã chọc giận Ngài, Môi-se run sợ quỳ trước mặt Chúa để khẩn nài cho dân Israel. Đức Chúa Trời nhân từ đã nhậm lời cầu xin của Môi-se tha tội cho dân Israel (18-19); nhưng Chúa cho biết là vào ngày trừng phạt, Ngài sẽ trừng phạt những kẻ phạm tội (Xuất 32:34).
Vào thời điểm A-rôn sợ bị dân Israel giết chết nên đúc con bò bằng vàng cho họ, thì ông chưa được lập làm thầy tế lễ thượng phẩm. Môi-se kể: “Đức Giê-hô-va cũng nổi thịnh nộ với A-rôn đến nỗi muốn giết ông, nhưng ngay lúc đó tôi cũng cầu thay cho A-rôn” (20).
Mặc dù vàng là quý kim và số lượng vàng để đúc con bò con không phải là ít, Môi-se cũng đem “cái sản phẩm tội lỗi ấy đốt trong lửa, nghiền nát, tán nhuyễn thành bụi rổi đổ bụi ấy vào khe nước từ trên núi chảy xuống” (21).
Như ông đã dặn: “Anh em phải thiêu huỷ hình tượng các thần của chúng. Đừng tham muốn rồi lấy cho mình bạc hay vàng trên các tượng ấy kẻo anh em bị mắc bẫy, vì đó là thứ ghê tởm đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em (Phục Truyền 7:25).
Taberah là nơi lửa của Đức Giê-hô-va bùng cháy trong dân chúng, thiêu huỷ ngoài rìa trại quân (Dân số 11:3); Massah là nơi dân Israel gây sự cãi cọ với Môi-se khi thiếu nước uống (Xuất 17: 7); Kibroth Hattaavah là nơi chôn một đám dân tham ăn (22 Dân số 11:34). Kadesh Barnea là nơi đoàn mười hai thám tử được sai đi do thám miền đất hứa, mà mười người trở về phao phản làm khủng hoảng tinh thần toàn dân (23 Dân số 13:32-33).
Thành tích phản nghịch quá nhiều (24). Trong lúc phủ phục trước mặt Đức Chúa Trời, Môi se cầu thay cho dân Israel, xin Chúa đừng tiêu diệt dân của Chúa, là cơ nghiệp mà Ngài đã chuộc ra khỏi Ai-cập bằng quyền phép vô song và sự uy nghi cao cả. Ông xin Chúa hãy vì lời hứa với Abraham, Y-sac và Jacob mà bỏ qua sự cứng lòng, tính hung dữ và tội ác của Israel (25-27).
Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu xin của Môi se, để những kẻ thù của Ngài không có bằng cớ nào để bêu riếu Ngài trước thiên hạ (28-29).
Ngày nay, rất nhiều lần Chúa tha thứ, giải cứu và bảo toàn mạng sống của chúng ta vì sự vinh quang của Danh Ngài. Hãy nhớ rõ điều đó để ghi ơn của Chúa đối với chúng ta trong bao năm tháng đã qua.
Còn tương lai của chúng ta thì rất huy hoàng ở miền đất hứa trên thiên đàng đang chờ đợi con cái của Chúa trên trời.
PhucTruyen08.docx
Rev. Dr. CTB