Phục Truyền Luật Lệ, bài 09

Phục Truyền 10:1 – 11:32

Môi-se tiếp tục thuật lại những việc đã xảy ra (10:1-5). Tuy nhiên, lệnh của Chúa về việc phải đóng một cái rương bằng gỗ để đựng hai bảng đá giao ước đã được truyền từ trước (Xuất 34:1) chứ không phải vào lúc Môi-se phải đẽo hai bảng đá mới.

Hai bảng đá trước do Chúa ban cho Môi-se được Chúa làm sẵn; để bù lại, Môi-se phải đục đẽo hai bảng mới, chứ Đức Chúa Trời không làm sẵn cho ông như lần trước. Chi tiết nầy khiến người ta phải suy gẫm; những điều từ Chúa ban mà ta làm hỏng, thì chính ta phải tạo điều kiện để được Ngài ban phước trở lại. Đừng thụ động mong rằng ơn phước sẽ tự động đến.

Như Môi-se phải cầm hai bảng đá trong tay và đi lên núi, con dân Chúa ngày nay cũng phải chịu vất vả mới nhận lại các ơn phước, mà do không kềm giữ được bản tính tự nhiên của mình, nên đã làm hỏng không sửa chữa gì được (10:3-4).

Rương Giao Ước được Bezaleel chế tạo sau khi Môi-se đã xuống núi (Xuất 34:29) và hai bảng đá giao ước được đặt vào trong Rương vào ngày toàn dân Israel cung hiến Đền Tạm (Xuất 40:20); cho nên, những lời tường thuật ở đây chỉ là nhắc lại việc đã xảy ra ba mươi chín năm trước (10:5).

Môise tóm tắt lý do tại sao chi tộc Lê-vi sẽ không được chia sản nghiệp đất đai; họ đã được Chúa chọn vào thánh vụ và Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của họ (10:6-9 Thi-thiên 33:12).

Sau khi phủ phục trước mặt Đức Chúa Trời suốt bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, Môi-se được Ngài nhậm lời cầu khẩn: “Đức Giê-hô-va phán với tôi: ‘Con hãy đứng dậy, tiếp tục lãnh đạo dân chúng, để họ có thể vào và chiếm hữu vùng đất mà Ta đã dành cho họ như đã thề với tổ phụ họ” (10:10-11).

Những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi Israel ngày xưa cho đến nay không bao giờ thay đổi đối với ai thuộc về Ngài là “tôn kính Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đi trong đường lối Ngài, hết lòng hết linh hồn mà kính mến và phục vụ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tuân giữ các điều răn và luật lệ của Đức Giê-hô-va …. để anh em được phước” (10:12-13).

Người đọc Kinh-thánh phải hiểu nhóm chữ “Trời và các tầng trời cao nhất” đúng nghĩa thật của nó, vì ý nghĩa của câu ‘heaven and heaven of heavens‘ là ‘trời và tầng trời cao nhất của các tầng trời‘ nói về cõi thiên đàng của Chúa mà chưa ai trong nhân loại biết rõ.

Mặc dù sứ đồ Phao-lô đã được lên tới tầng trời thứ ba (2Côrinhtô 12:2), vẫn chưa ai dám xác định đó là tầng trời cao nhất trong cõi thiên cung của Đức Chúa Trời.

Tất cả các sự giải nghĩa từ trước tới nay chỉ là đoán mò mà thôi. Vì thế, ý nghĩa của nhóm chữ đó là dù cho có bao nhiêu tầng trời đi nữa, thì Đức Chúa Trời là Đấng Chủ Tể tất cả cõi trời (10:14).

Một dân tộc nhỏ trên thế gian đã chẳng đáng kể, mà từng cá nhân lại càng nhỏ nhoi hơn; vậy mà Đức Chúa Trời đã chọn Israel, dòng dõi của những người được Ngài tỏ lòng yêu thương.

Còn chúng ta ngày nay cũng được chọn vì được kể là dòng dõi của Abraham nhờ có đức tin (Galati 3:7, 9; 10:15). “Vậy hãy cắt bì tấm lòng anh em và đừng cứng cổ nữa” (10:16).

Sứ đồ Phao-lô giải nghĩa ý nầy: “… sự cắt bì thật phát xuất từ tấm lòng, bởi Thánh Linh, chứ không theo chữ nghĩa” (Rôma 2:29b), và ý nghĩa chính xác của mệnh lệnh ấy là: “Hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thoả mãn những dục vọng xác thịt” (Galati 5:16).

Lý do mà con cái Chúa phải đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh luôn luôn “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em là Thần của các thần và Chúa của các chúa, là Đức Chúa Trời vĩ đại, đầy quyền năng và đáng kính sợ, là Đấng không thiên vị và không nhận hối lộ” (10:17).

Câu trước nói về những thuộc tính của Chúa, thì câu sau nói về các việc Ngài vẫn làm để bày tỏ sự yêu thương, chính trực của Ngài: “Ngài phân xử công minh cho kẻ mồ côi, người goá bụa, yêu thương người tha hương, ban cho họ bánh ăn áo mặc” (10:18).

Vì vậy, để bày tỏ lòng yêu mến và kính sợ Chúa, phục vụ Ngài và gắn bó với Ngài, thì con cái Chúa phải biết thực hành tình thương yêu nhân loại đối với những người phải đi kiếm sống ở nơi xa quê hương của họ.

Trong bối cảnh các phong trào di dân bất hợp pháp, con cái Chúa cần thận trọng và tuân phục luật pháp của nước mà mình di dân đến (10:19).

Người dám nhân danh Chúa mà thề nguyện là người biết kính sợ và gắn bó với Chúa. Người không biết kính sợ Chúa sẽ vi phạm đủ thứ điều bất hợp pháp.

Người đã chứng kiến các việc lớn lao Chúa đã làm cũng sẽ ca tụng Ngài (10:20-21). Nếu ai biết nhìn lại những gì Chúa đã làm trong đời mình, thì người đó mới biết ơn Ngài (10:22).

Đông như sao trên trời” là một thành ngữ nói về số nhiều khó đếm được bằng mắt nhìn. Vì vậy, thành ngữ đó không có nghĩa là những số hàng tỉ không thể đếm nổi.

Những lời căn dặn kế tiếp vẫn nằm chung trong một bài giảng mà Môi-se nói với Israel tại hoang mạc Moab; cho nên, vì nhớ lại các ơn phước Chúa thì Israel phải kính yêu và tuân giữ những luật lệ, mệnh lệnh và điều răn mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy họ (11:1).

Dù những người đang nghe Môi-se là thế hệ khi ra khỏi Ai-cập còn là thiếu niên, thì họ cũng đã chứng kiến những phép lạ, sự vĩ đại, sự uy nghiêm, và cánh tay quyền năng mở rộng của Ngài khi họ còn ở Ai-cập, cũng như trên suốt đoạn đường gian khổ trong hoang mạc (11:2-3).

Ai nhớ lại việc Đức Chúa Trời rẽ Biển Đỏ cho Israel đi qua rồi lấp biển lại vùi lấp đoàn quân của vua Ai cập bắt chước xuống lòng biển để qua bờ bên kia (11:4), thì mới thấy quyền năng của Ngài vĩ đại đến mức nào. Chúa đã cung ứng các nhu cầu ăn và uống của Israel ở nơi không ai ngờ được, đều là các chứng cớ để Israel nhớ ơn Ngài (11:5).

Đối với những người dám cả gan chống lại các mệnh lệnh của Chúa, dù họ đã thấy mọi việc Ngài làm, thì số phận của họ là bị tiêu diệt (11:6-7).

Vậy nên, để có đủ sức tiến vào tiếp nhận vùng đất hứa và để được sống lâu trên đất ấy, thì điều kiện là vâng giữ tất cả các điều răn Chúa truyền qua Môi-se (11:8-9).

Giữa việc dùng sức người dẫn nước vào ruộng với các điều kiện thiên nhiên thuận lợi, thì không ai muốn chọn sự nặng nhọc. Châu thổ sông Nile ở Ai-cập vốn được nổi tiếng là nông nghiệp trù phú, nhưng vùng đất hứa Chúa ban thì tốt hơn bội phần vì “mắt của Giê-hô-va Đức Chúa Trời … luôn đoái xem xứ ấy từ đầu năm đến cuối năm” (11:10-13).

Tuy nhiên, phước ơn từ trời chỉ được ban cho những ai trung tín vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và hết lòng, hết linh hồn kính yêu và phụng sự Ngài. Bởi vì Ngài là Đấng ban mưa đúng mùa, đủ để cỏ ngoài đồng mọc dư dật cho đàn súc vật của con dân Ngài (11:14-15).

Nhưng đối với những người hay phản nghịch, xoay sang thờ các thứ thần vật chất, thì trời sẽ đóng lại, họ sẽ nhanh chóng bị diệt mất (11:16-17).

Vì thế, để gìn giữ sinh mạng và cuộc sống tươi đẹp mình đang có, thì hãy ghi lòng tạc dạ lời dạy dỗ của Chúa; cũng phải giáo huấn cho dòng dõi con cái, “nhắc đến khi  ngồi trong nhà, lúc ra ngoài đường, khi đi ngủ cũng như lúc thức dậy” rồi “viết các lời đó lên khung cửa nhà và trước cổng thành” có nghĩa là không bao giờ quên, để luôn được sống bình an trong nơi Chúa đã ban cho mình (11:18-21).

Điều người ta e ngại nhất là các kẻ thù hùng mạnh, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đối phó với chúng và tiêu diệt chúng, để “nơi nào bàn chân anh em đặt đến đều sẽ thuộc về anh em,” lãnh thổ sẽ mở rộng, vì không ai có thể đương đầu với con dân của Chúa. Ngài sẽ gieo sợ hãi và kinh hoàng để mọi kẻ thù phải chạy trốn (11:22-25).

Được hưởng phước lành hay bị sự nguyền rủa đeo đuổi đều là do quyết định của mỗi người đang nghe các lời giáo huấn từ luật pháp của Đức Chúa Trời. Ai vâng theo các điều răn của Chúa thì sẽ hưởng phước lành theo các lời hứa chắc chắn từ Đấng ban phước; ai không chịu vâng theo, quay lưng lại với các giáo huấn của Kinh-thánh, thì phải chịu những tai hoạ từ các lời nguyền rủa đã được chép trong sách. Hãy chọn phước lành đang đặt trước mặt thay vì tai hoạ (11:26-28).

Gerizim ở phía Nam và Ebal ở phía Bắc là hai đỉnh cao nhất của rặng núi nằm bên bờ tây con sông Jordan. Triền núi phía bắc của Gerizim thì tươi tốt, còn triền phía nam của Ebal thì khô hạn.

Đặt lời chúc lành hay đặt lời nguyền rủa có nghĩa là hướng về Gerizim nói lời chúc lành, và quay về Ebal nói lời nguyền rủa.

Các cây sồi của Mô-rê là nơi Abraham đặt chân tới đầu tiên; cho nên; Gerizim và Ebal là nơi nhắc lại lời hứa của Chúa cho Abraham.

Israel phải “cẩn thận thực hành tất cả những luật lệ và mệnh lệnh” đã được Môi-se nhắc trước khi bước chân vào xứ (11:29-31).

PhucTruyen09.docx
Rev. Dr. CTB