Phục Truyền Luật Lệ, bài 12

Phục Truyền 14:1-29

Môi-se tiếp tục nhắc nhở dân Israel về cách đối xử của Đức Chúa Trời đối với họ: “Anh em là con dân của Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (1). Họ không phải chỉ là loài thọ tạo, cũng không là dòng dõi của Chúa, nhưng là một dân đặc biệt, đầy tớ và là những người thờ kính Đức Chúa Trời chân thật duy nhất, những người nằm trong giao ước của Đức Chúa Trời.

Israel được trở thành con dân của Chúa bởi một hành động yêu thương của Đức Chúa Trời; vì vậy, họ không thể bắt chước thói tục xấu xa của các dân ngoại mà làm nhục Ngài. Vài thói tục đó là “vì người chết cắt da thịt mình, hoặc cạo tóc phía trên trán” để bày tỏ lòng đau buồn không chút hi vọng gì sẽ gặp lại.

Thói tục đó là của những dân tộc thờ hình tượng thực hiện trên thân thể của họ khi có người thân bị chết. Cắt da thịt là tự làm hại thân thể, bất lợi cho sức khoẻ, nên không được phép làm.

Phần “cạo tóc phía trên trán” là cách suy diễn của một số dịch giả, vì nguyên văn của câu đó là: ‘cũng không được làm cho sói (hay cạo lông) giữa hai con mắt của anh em.

Làm cho bị sói trán hay cạo tóc phía trên trán thì trông chẳng quái đản gì lắm; nhưng nếu lông mày mỗi bên cạo một nửa thì rất khó coi và bất thường. Vì có nhóm chữ ‘giữa hai con mắt,’ nên câu văn là khó hiểu đối với người thời nay.

Lệnh cấm nầy cũng giúp con cái Chúa ngày nay có thể dùng để xem xét cách bày tỏ lòng thương tiếc đối với người chết thế nào cho thích hợp và không làm ô danh Chúa.

Các tập quán và thói tục tang chế của người Á-đông thường bắt nguồn từ tín ngưỡng ngoại giáo quan niệm về cõi chết khác với những diều Kinh-thánh cho biết. Vì vậy, con cái Chúa nên rất cẩn thận mỗi dịp cử hành quan hôn tang tế theo phong tục và lễ nghi của truyền thống dân tộc.

Giống như Israel là một dân thánh được Đức Chúa Trời chọn lựa trong số muôn dân trên thế gian, con cái Chúa ngày nay cũng là những người được Ngài kêu gọi làm một dân thuộc riêng về Ngài; cho nên, chúng ta phải luôn tâm niệm vinh dự ấy trong mọi cách hành xử mỗi ngày thế nào để Chúa được vinh danh qua chúng ta (2).

Câu nầy nối kết sự nghiêm cấm thói tục của ngoại giáo về tang chế với sự nghiêm cấm ăn các vật gì đáng kinh tởm (3). Đức Chúa Trời không muốn dân thánh thuộc về Ngài ăn phải những loài không hợp vệ sinh.

Hãy để ý về các loài thú được Chúa kể là thú thanh sạch đều ăn rau cỏ mà sống, chúng không ăn các món hôi thối hay vật chết (4-5). Tuy vậy, cũng có loài thú chỉ ăn cỏ nhưng không được kể là thú sạch như ngựa, lạc đà, thỏ rừng và chồn núi (7).

Dấu hiệu để nhận diện loài thú thanh sạch là chúng phải có móng chẽ và nhai lại (6). Có móng chẽ mà không nhơi, hoặc nhơi mà không có móng chẽ cũng bị kể là ô uế.

Cho tới ngày nay, người ta chỉ có thể đoán là con thú nào ăn cỏ mà nhơi, thì thịt của nó lành hơn thịt con thú không nhơi.

Theo nhà giải kinh Matthew Henry thì, để biệt riêng dân Israel khỏi các dân ngoại, Đức Chúa Trời không muốn họ ăn thịt các loài thú nào được các dân ngoại mê tín tạc tượng thờ. Sự cấm nầy là thử Israel có vâng lời hay không; giống như thời xưa Chúa cấm ông Adam không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác vậy.

Ngày nay, lệnh cấm nầy không còn áp dụng đối với tín hữu, những người ở dưới giao ước mới, là vì Đức Chúa Jesus đã vâng lời làm trọn mọi sự đòi hỏi của luật pháp.

Chẳng những thời ấy dân Israel không được ăn thịt những con thú thuộc loài ô uế, họ cũng không được đụng tới xác chết của chúng nữa (8).

Về các loại cá được kể là thanh sạch và được phép ăn thì cũng có hai đặc điểm là có vi và có vảy (9). Không có tên loại cá nào được nêu ra. Còn tất cả các loại cá da trơn đều bị kể là loài cá ô uế, không được ăn (10).

Danh sách của các loài chim ô uế không được phép ăn thì khá dài: “Đại bàng, diều hâu, kên kên, chim diều, chim ó, và mọi loài diều hâu; mọi loài quạ, đà điểu, chim cú, hải âu, và loài bồ cắt, chim mèo, cú mèo, chim hạc, chàng bè, cồng cộc, bồ nông, các thứ cò diệc, chim rẽ quạt, và dơi” (12-18). Những con chim không nằm trong danh sách chim ô uế là chim sạch và được phép ăn thịt.

Đây là phần nhắc lại cấm không được ăn thịt những con thú đã kể ở Lê-vi-ký 11 rồi. Về các loài côn trùng thì con nào có cánh đều là không thanh sạch. Nhưng các côn trùng không có cánh cũng là ô uế, mặc dù luật không nói đến chúng. Bởi vì rất có thể người Israel bắt các loài côn trùng mà ăn khi ở trong hoang mạc (19).

Tuy vậy, cũng có các loài côn trùng người Israel được phép ăn là loại có cánh và chân chúng có khớp để nhảy trên đất như cào cào, châu chấu và các loài dế (20, Lê vi ký 11:21-22).

Người Israel không được ăn thịt những con thú sạch bị chết tự nhiên, vì họ là “một dân tộc biệt riêng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (21). Họ được phép biếu hay bán cho những người ngoại kiều đang cư ngụ ở giữa họ để ăn.

Điều nầy không có nghĩa Đức Chúa Trời xem dân Israel là thượng đẳng, hay để hạ thấp các dân tộc khác, nhưng dân của Đức Chúa Trời thì phải khác hẳn những dân tộc không phải là dân của Chúa. Những người ấy không bị buộc phải mua, cũng không bị buộc phải ăn thịt con thú bị chết. Họ có quyền chọn lựa ăn hay không ăn.

Dê con phải được sống bên mẹ nó bảy ngày trước khi bị dâng làm sinh tế. Nhưng dê con phải dứt sữa mới được dùng làm thực phẩm, và cũng để ngăn người Israel bắt chước dân ngoại mê tín nấu dê con trong sữa mẹ nó để được mùa.

Thuế một phần mười được nhắc tới ở cả ba sách: Lê-vi-ký, Dân-số-ký và Phục Truyền. Ngày xưa, Israel phải đóng ba loại thuế một phần mười: Loại thứ nhất để nuôi những người Lê-vi vì họ phải phục vụ ở Đền Tạm hay Đền Thờ về sau (Lê-vi-ký 27:30-33; Dân-số 18:21); loại thứ nhì để họ và gia đình ăn tại chỗ nào cũng được, tức là dâng phẩm vật rồi ăn các phẩm vật ấy (Dân-số 18:31); và thứ ba là cứ mỗi ba năm, họ phải dành một phần mười để những người nghèo, kẻ goá bụa mồ côi và ngoại kiều được ăn uống no nê (Phục Truyền 14:28-29).

Vậy, thuế một phần mười nhắc tới ở đây là để người dâng hiến được vui vẻ ăn uống “trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” của họ tại địa điểm mà Chúa sẽ chọn đặt Danh Ngài, tức là Đền Thờ của Ngài, tại đó (22-23).

Đây là cách anh em học tập để suốt đời kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em.” Người nào tập được thói quen dâng hiến một phần mười là người biết kính sợ Đức Chúa Trời trong lãnh vực tiền bạc.

Đa số tín hữu ngày nay phạm tội không trung tín với Chúa nhiều nhất về lãnh vực tiền bạc vì gian lận về một số một phần mười lợi tức phải nộp cho Hội-thánh của Chúa. Vì Chúa là Đấng dò xét lòng người và biết rõ động lực thúc đẩy người ta lập quyết định, nên không gì có thể che giấu được Ngài và Hội-thánh có sự hướng dẫn của Ngài.

Nơi nào không biết dạy cho tín hữu biết kính sợ Đức Chúa Trời thì chắc chắn ở đó không có sự hiện diện của Chúa trong các buổi thờ phượng. Con cái Chúa hãy tập tành sự kính sợ Chúa qua hành động làm tròn bổn phận của mình. Chúa sẽ luôn ban phước cho những người trung tín với Ngài trong lãnh vực tiền bạc.

Việc ăn uống thông công nhau trong Hội-thánh được nhắc tới ở đây một lần nữa, chứng tỏ rằng sinh hoạt ấy thật là cần thiết để tạo tình thân mật gắn bó với nhau giữa các con cái Chúa; nhờ đó, tinh thần kính sợ Chúa sẽ bày tỏ qua tình yêu thương, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau (24-26).

Các Hội thánh Việt Nam ít khi để ý tới tình cảnh của người hầu việc Chúa tại Hội-thánh nhà. Bởi vì văn hoá Á-đông thiếu tinh thần quan tâm tới người khác, là tinh thần đã thấm nhuần trong các xã hội Cơ-đốc-giáo Âu-Tây qua việc thực hiện các lời dạy của Kinh Thánh (27).

Thứ văn hoá ích kỷ của người Á-đông vẫn còn cai trị trên các Hội-thánh nói tiếng Việt; cho nên, ít khi con cái Chúa quan tâm hay biết ơn người đã hết lòng dẫn dắt mình.

Đồng thời, cũng chính từ văn hoá ích kỷ của người Á-đông đã khiến cho vô số tín hữu thờ ơ trước cảnh khốn cùng của nhiều người lân cận. Khi có tai hoạ nào đó xảy ra cho một địa phương trên thế giới, người Á-đông rất ít đóng góp trợ giúp cho các nơi bị nạn.

Chúng ta phải tập thói quen bày tỏ đức bác ái của Đức Chúa Trời đối với những cảnh ngộ khốn khổ quanh ta. Đây không phải là một sự chọn lựa, nhưng là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời cho tất cả những ai tự nhận mình là con dân Ngài (28-29).

Kết quả của tinh thần vâng lời đó là “Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho mọi công việc tay anh em làm.” Vì thế, hãy vâng lời Chúa, đừng quá chắt bóp mà mất phước và mang hoạ.

PhucTruyen12.docx
Rev. Dr. CTB