Phục Truyền Luật Lệ, bài 26
Phục Truyền 28:1-14
Đức Chúa Trời sẵn sàng ban các ơn vô cùng đặc biệt cho những người nào thật lòng lắng nghe tiếng phán của Ngài và cẩn thận làm theo mọi điều răn Ngài (1).
Lời dặn dò và lời hứa ban phước nầy là cho cả dân tộc. Được hãnh diện hay bị mang nỗi nhục nhã của một dân tộc là điều không ai tránh được, dù cho có nhập tịch ở một quốc gia khác, cái gốc vẫn không thể rũ bỏ cách dễ dàng; cho nên, dân tộc nào được Chúa đem lên trổi vượt mọi dân tộc trên đất, thì đó là niềm hãnh diện chung cho cả dân tộc ấy.
Dù cho một dân tộc có nhiều người tài giỏi, nhưng do tội lỗi từ các đời tổ phụ truyền lại, những sự bất hạnh tiếp tục bao trùm cả đất nước dân tộc đó; cho nên, Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ ban nhiều thứ phước giáng trên dân tộc nào vâng lời (2).
“Anh em sẽ được ban phước trong thành cũng như ngoài đồng ruộng” (3). Trong thành tức là chỗ ở, đồng ruộng là nơi làm việc, vì sau khi vào đất hứa thì công việc thường ngày của Israel là nông nghiệp và chăn nuôi. Nơi họ ở cũng được phước và công việc ngoài đồng cũng được phước từ trời giáng xuống.
Mặc dù cả hai đều là phước nhưng phước trong chỗ ở khác với phước ngoài đồng ruộng. Phước tại chỗ ở là bình an, không bị trộm cắp, nhà cửa không bị hư hỏng, sức khoẻ dồi dào không bị bệnh tật gì, xóm giềng hoà thuận, và trong thành không có tội ác xảy ra.
Phước ngoài đồng ruộng là hoa lợi dư dật, ngũ cốc và cây trái không bị phá hoại hay thất thoát vì những loài thú vật hay côn trùng. Mưa sẽ dồi dào và đúng thời, đúng lúc, không bị hạn hán đe doạ.
“Bông trái của thân thể anh em, hoa quả của đất đai anh em, bầy con của đàn gia súc, và cả chiên con lẫn bò con của anh em đều sẽ được ban phước” (4). Phước trên bông trái của thân thể tức là sinh sản con cái; chẳng những sẽ sinh được nhiều con mà chúng đều khoẻ mạnh, không tật nguyền, không bị chết yểu.
Hoa quả của đất đai được ban phước là vườn rau, vườn cây trái, đồng ruộng gieo trồng ngũ cốc, đồng cỏ nuôi gia súc; mọi thứ trái cây cần thiết cho đời sống của người chủ đất vườn năm nào cũng sum suê, sai trái, dư thừa.
Bầy con của đàn gia súc là con của bầy lạc đà và bầy lừa sử dụng trong việc chuyên chở; chiên con, bò con là gia súc để dâng tế lễ và ăn thịt theo nhu cầu mỗi ngày của gia đình.
Chúng được ban phước là sinh sản nhiều, không tật nguyền, không bị bệnh hoạn, không bị thú dữ cắn xé hay ăn cắp tha đi.
“Cái giỏ và thùng nhồi bột … đều sẽ được ban phước” (5). Cái giỏ hoặc đan bằng lá kè, hoặc là cái túi bằng da, để đựng trái cây hay thức ăn khi đi ra ngoài, cũng dùng để mang xách đồ dùng hoặc ngũ cốc, trái cây, vv., cái giỏ được ban phước nói về các thứ cần phải dùng tới giỏ để mang về hay đem đi lúc nào cũng nhiều dư dật.
Thùng nhồi bột dùng để làm bánh cho nhu cầu thức ăn ở nhà. Trong nguyên tác nó còn có nghĩa là kho chứa; cho nên, thùng nhồi bột là biểu tượng các nhu cầu ở nhà, hoặc cái kho để tích trữ đồ đạc riêng tư. Thùng nhồi bột được phước là nó luôn có bột để nhồi làm bánh, không bao giờ sợ đói. Thùng đó được phước thì không bao giờ bánh bị hư hỏng lúc nhồi bột; bánh ấy lúc nào cũng dư dật và ăn ngon.
“Anh em sẽ được ban phước khi đi ra cũng như lúc đi vào” (6). Đi ra là các hoạt động và nếp sống bên ngoài căn nhà và gia đình; được phước khi đi ra là được bảo vệ, được phù trợ để thành công trong mọi công việc làm, mọi thương vụ buôn bán hay giao dịch đều thuận lợi và may mắn.
Đi vào là về nhà; được phước khi về nhà nghĩa là không có việc xấu nào xảy ra cho người được ban phước. Nếu đi ra là các công việc chỗ công cộng, giao tiếp với người ngoài, thì đi vào là các vấn đề riêng tư, những chuyện nội bộ gia đình; tất cả đều sẽ được bảo vệ và may mắn.
“Kẻ thù nổi lên chống anh em sẽ bị đánh bại trước mặt anh em. Từ một đường chúng kéo ra đánh anh em, thì phải theo bảy đường mà chạy trốn khỏi anh em” (7).
Điều nầy đã xảy ra đúng y như lời Đức Chúa Trời hứa chỗ nầy vào thời vua David, một người biết kính sợ và vâng lời Chúa giữ gìn các điều răn của Ngài; tất cả những kẻ thù của David và Israel, là các dân tộc lân bang, đã bị David đánh cho đại bại và bị hoàn toàn thần phục, chẳng khi nào dám nổi lên chống lại David nữa.
Từ một đường kéo ra có nghĩa là đoàn quân tấn công tập hợp thành một quân đội đông đảo kéo đến, hàng ngũ chỉnh tề, khí thế hùng mạnh. Theo bảy đường mà chạy trốn nghĩa là bị đại bại, tan tác, mạnh ai nấy chạy trốn để bảo toàn mạng sống. Lời hứa nầy nói về cuộc chiến thắng toàn vẹn vẻ vang, hoàn toàn đánh bại quân địch và khiến chúng bị tan rã.
“Đức Giê-hô-va sẽ truyền cho phước lành đến với anh em trong kho lúa và trong mọi công việc của tay anh em. Ngài sẽ ban phước cho anh em trong xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho anh em” (8). Ý nghĩa của câu nầy và câu tiếp theo sau thì quá rõ ràng; bởi vì phước lành chỉ được ban cho khi nào Israel chịu “tuân giữ các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và đi theo đường lối Ngài” (9).
Phước hạnh còn lớn và dồi dào hơn nữa là được Chúa lập họ làm dân thánh của Ngài, như Ngài đã thề với Israel. “Mọi dân tộc trên địa cầu sẽ thấy rằng anh em được mang danh Đức Giê-hô-va và chúng sẽ sợ anh em” (10). Được mang danh Đức Giê-hô-va nghĩa là được gọi là con cái Ngài, dân của Ngài, phần của Ngài và cơ nghiệp Ngài; đối lại, họ thuộc về Chúa, Ngài là của họ vì Ngài chăm sóc họ, cung ứng các nhu cầu của họ, và bảo vệ họ.
Môi se nhắc lại các ơn phước ở câu 4 mà Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho Israel, nếu họ vâng theo các điều răn của Ngài (11). Những ơn phước nầy là vật chất trong cõi sống tạm của thế gian.
Đời sống của những người làm nông nghiệp phải bị lệ thuộc vào nước mưa từ trời rơi xuống; vì cây xanh, rau cỏ, ngũ cốc, và cây ăn trái đều phải nhờ vào nước mưa để có thể sống, tăng trưởng phát triển và sinh sôi nẩy nở. Bầu trời là kho báu của Đức Giê-hô-va khi Ngài ban mưa phải thời đúng mùa. Không có nước thì loài người không thể sống, không có mưa, cây cối sẽ chết khô hết.
Mọi của cải, vàng bạc, châu báu đều chẳng nghĩa lý gì khi Chúa không cho mưa đổ nước xuống đồi núi, đất ruộng. Nơi nào có nhiều nước hay sông suối lớn, đời sống dân chúng nơi đó sung túc. Israel sẽ trở nên giàu có nhờ họ luôn luôn được mùa nhờ Chúa cho mưa phải thời; vì vậy, họ sẽ cho nhiều dân tộc vay chứ không vay mượn ai cả (12).
Lời hứa sẽ được đứng đầu chứ không bị đứng chót, đứng trên cùng chứ không phải dưới đáy bị đè bẹp, là lời hứa đòi hỏi phải tuân theo điều kiện là “nếu anh em vâng theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời …. tuân giữ và thực hành” (13), thì dân tộc Israel mới được hưởng loại phước hạnh vô cùng hiếm hoi ấy.
Đứng đầu hay ở trên chóp là cầm quyền cai trị trên những dân tộc bị trị. Người vâng lời Chúa sẽ được Ngài đem lên địa vị cao, hoặc là danh tiếng tốt, hoặc là có quyền thế trên những người khác. Đứng chót đằng sau đuôi là những người thấp kém bị cai trị bởi người khác. Lịch sử và thực tế hiện nay chứng minh rõ ràng Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa của Ngài đối với những ai vâng lời.
Nếu có những trắc trở nào trong đời sống thì đều là hậu quả của các tánh xấu mình vẫn nuôi dưỡng nên chưa dứt bỏ được. Ngày nào hoàn toàn vâng theo các điều răn của Chúa để trừ diệt cá tánh con người bề trong, thì Chúa sẽ bảo vệ và bao phủ.
Điều kiện Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi dân Israel vào thời họ phải vâng lời toàn thể luật pháp Môi-se thì khắt khe hơn thời kỳ ân điển mà chúng ta được hưởng ngày nay. Niềm hạnh phúc mà dân Israel nhận được phải tuỳ thuộc vào thái độ của họ đối với luật pháp của Chúa và cách thức họ thi hành luật pháp ấy ra sao.
Môi se nói rằng “nếu anh em không lìa bỏ một lời nào tôi truyền cho anh em hôm nay, không quay sang bên phải hoặc bên trái, không chạy theo và phụng thờ các thần khác” (14), thì họ mới được hưởng các phước hạnh như lời Chúa đã hứa ở trên.
Chúng ta ngày nay được Đức Thánh Linh trợ giúp trong trận chiến chống lại bản ngã của mình. Vì vậy, hãy cẩn thận làm theo sự dạy dỗ của Ngài để quyền phép của Ngài biến đổi tâm tánh đầy ích kỷ và tự ái của con người xác thịt vẫn còn tranh chiến bên trong chúng ta.
Người nào vâng lời Chúa thì chắc chắn sẽ được hưởng tất cả các phước hạnh theo lời hứa của Đức Chúa Trời.
PhucTruyen26.docx
Rev. Dr. CTB