Phục Truyền Luật Lệ, bài 30

Phục Truyền 29:1-29

Đức Chúa Trời ra lệnh cho Môi-se lập giao ước với Israel tại đồng bằng Moab, phía đông sông Jordan, trước khi họ vượt sông Jordan để tiến vào vùng đất Ngài hứa ban cho họ làm sản nghiệp.

Trong phần sau nói rằng “ngoài giao ước mà Ngài đã lập với họ tại Hô-rếp” (1), thì giao ước nầy không phải là một giao ước khác hay mới, mà là nhắc lại giao ước Chúa đã lập với Israel trước khi họ khởi hành từ hoang mạc ở chân núi Sinaii tiến về đất hứa. Vì thế, Môi-se triệu tập toàn thể dân chúng để cùng họ ôn lại quãng đường đã đi qua.

Tuy nhiên, những người trưởng thành “tận mắt thấy mọi điều mà Đức Giê-hô-va đã làm tại Ai-cập” (2), tới thời điểm đó ngoài Môi-se, Giô-suê và Caleb, thì đều đã ngã chết trong hoang mạc “vì dân Israel đã đi trong hoang mạc bốn mươi năm cho đến khi tất cả dân chúng và những chiến sĩ đã rời Ai-cập đều chết hết, vì không vâng theo tiếng của Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 5:6).

Vậy thì những người mà Môi-se nói là “chính mắt anh em đã thấy những thử thách lớn lao, là những dấu lạ, phép mầu phi thường” (3), là những ai?

Đó là những người chưa trưởng thành khi ra khỏi Ai-cập; vì Chúa phán: “Tất cả những người đã được kiểm tra từ hai mươi tuổi trở lên, là những kẻ đã cằn nhằn với Ta, sẽ không được vào xứ mà Ta đã thề ban cho các con” (Dân số 14:29-30).

Tuy vậy, Đức Chúa Trời chưa ban cho những người còn sống đó “tấm lòng để biết, con mắt để thấy hay lỗ tai để nghe” (4), mặc dù chính chân họ bước đi qua hoang mạc, mắt thấy nhiều điều xảy ra, và tai họ cũng đã nghe tiếng Chúa phán từ trên núi, nhưng họ vẫn chưa hiểu gì hết về mục đích của những việc Chúa làm; bởi vì họ đã thấy và nghe bằng mắt và tai của thân thể nhưng không thấy bằng tâm trí và tấm lòng.

Giống như nhiều tín hữu ngày nay chưa thể hiểu nổi Lời Chúa và những việc Ngài đã làm trong Hội thánh vì chỉ thấy bề ngoài, không xem xét bằng tấm lòng.

Trong bốn mươi năm vừa đi bộ vừa hạ trại ở nhiều nơi trong hoang mạc, sự chăm sóc quyền năng của Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Israel biết rằng Ngài là Chúa của họ.

Áo không sờn, dép không mòn, họ không cần phải mua bánh hay bột ngũ cốc để làm bánh ăn, họ uống nước từ vầng đá và nước suối thiên nhiên, không có thức uống có men hay rượu, Israel tồn tại cho tới ngày nay chỉ nhờ sự nâng đỡ đầy quyền năng của Đức Chúa Trời, để họ nhận ra Ngài là Chúa, không phải như các thứ thần mà họ nghe hoặc thấy tại Ai-cập, nhưng dù vậy họ vẫn chưa nhận biết Ngài (5-6).

Khi họ tới gần bờ cõi của Moab thì phải liên tiếp đánh hai trận chiến lớn, thắng trận và chiếm toàn lãnh thổ của hai dân tộc ấy (7-8). Vậy, Israel phải tuân giữ và thực hành những lời của giao ước để được thành công trong mọi việc họ làm (9).

Ngày hôm đó, toàn dân Israel và nô lệ của họ đều đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời “để bước vào giao ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và lời thề mà Ngài lập” với họ (10-12).

Các trưởng chi tộc, trưởng lão và quan chức của Israel lúc đó đều chưa tới 60 tuổi. Vì thế, đấy là một dân tộc trẻ phải bắt đầu nhận biết Chúa. Hôm ấy, Đức Chúa Trời xác nhận Israel là dân của Ngài và Ngài là Đức Chúa Trời của họ như Ngài đã phán với họ và thề hứa với tổ phụ họ là Abraham, Y-sac và Jacob (13).

Môi se nói: “Không phải tôi chỉ lập giao ước và lời thề nầy với anh em thôi đâu, nhưng cả với người nào hôm nay đang đứng đây trước mặt Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta, cũng như với những người không có mặt tại đây với chúng ta hôm nay” (14-15).

Những người đang có mặt là người thừa kế lời hứa phước lành, dòng dõi của họ là những người không có mặt ngày đó cũng thừa hưởng ơn phước; vì thế, họ đồng phải giữ đúng các đòi hỏi của giao ước.

Từ Ai-cập rồi đi qua lãnh thổ của các dân tộc thờ cúng hình tượng trên đường tới đồng bằng Moab, dân Israel đã thấy biết bao nhiêu thần tượng của các sắc dân ấy không cứu nổi họ, nghĩa là các dân ngoại không biết gì về Đức Chúa Trời nên đã thờ cúng đủ thứ thần mà họ tưởng là có đủ quyền phép để ban phước và bảo vệ họ.

Nhưng đối với những người đã biết Đức Chúa Trời, biết rằng mọi thứ thần tượng đều bị Ngài nhờm tởm, gớm ghiếc (16-17). Cho nên, những người đã biết Ngài, dù thuộc bất cứ chi tộc nào, cũng không được thay lòng đổi dạ, lìa bỏ Đức Chúa Trời, quay đi thờ cúng các thần của những dân tộc đó (18).

Sự thay lòng đổi dạ, phản bội Đức Chúa Trời đều là “rễ sinh ra trái độc và quả đắng.” Những người nghe luật pháp cũng đừng tự mãn tưởng  rằng dù có cố ý phạm lỗi gì đi nữa vẫn được bình an, vì đã được giao ước của Chúa bảo đảm (19).

Chúa biết trước tâm lý ỷ lại của nhiều người thời xưa cũng như thời nay khi chung hưởng ơn phước của dân tộc. Đó là sống theo sự tưởng tượng của ý riêng mà nghĩ rằng chẳng có gì phải âu lo vì phước của Chúa sẽ đổ xuống chung cho cả Hội-thánh.

Hội-thánh bình an thì mình cũng yên thân; “như thể đất bùn cũng bị trôi đi như đất bụi” nghĩa là khi bão tố ập đến thì mọi người sẽ bị tai hoạ như nhau cả, từ người hiền đến kẻ ác đều bị khốn khổ như nhau (19).

Môi-se cảnh cáo cho những người có tư tưởng ấy rằng “Đức Giê-hô-va sẽ không tha thứ cho người ấy đâu, nhưng cơn giận và sự kỵ tà của Đức Giê-hô-va sẽ đốt cháy người ấy. Tất cả các lời nguyền rủa chép trong sách nầy sẽ đổ xuống trên nó và Đức Giê-hô-va sẽ xoá tên nó trong thiên hạ” (20).

Đấng tạo nên vũ trụ vĩ đại và từng chi tiết nhỏ trong thân thể loài người thì có khả năng trừng phạt người phạm tội mà giữ người khác được bình an.

Ngài sẽ tách người ấy khỏi các chi tộc Israel để chịu tai hoạ, theo mọi lời nguyền rủa của giao ước đã được ghi trong sách luật pháp nầy” (21).

Mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành vi và tư tưởng của mình. Đức Chúa Trời không vì tội của một vài người mà trừng phạt mọi người của dân tộc ấy. Nhưng tai hoạ sẽ đổ trên cả nước khi số đông người không chịu suy xét mà nghe theo lời dụ dỗ giả dối của kẻ ác.

Nếu các thế hệ đi trước vì vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời mà bị các tai hoạ thảm khốc do sự trừng phạt kinh hoàng của Ngài giáng trên họ, thì các thế hệ tương lai và những người từ phương xa sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những tai ương kinh khiếp xảy ra cho dân Israel cũng như cho các dân tộc phạm tội trọng.

Ví dụ như đồng bằng ở phía đông Biển Chết hiện nay “là đồng khô cỏ cháy với diêm sinh và muối, không gieo trồng, không canh tác, không có cây cối đâm chồi, không có rau cỏ mọc lên” (22-23), trước kia vốn rất trù phú.

Nhưng nó bị điêu tàn vì nó là địa điểm của các thành Sodom, Gomorrah, Admah, và Zeboim bị lửa của Đức Chúa Trời thiêu huỷ (Sáng thế 19:24-25).

Xứ Israel cũng bị điêu tàn và hoang phế cả mười mấy thế kỷ vì từ vua tới dân đều phạm tội, không giữ giao ước của Đức Chúa Trời lập với họ.

Những khách phương xa đến thăm Xứ Thánh trong các thế kỷ 18 và 19 đều thắc mắc “tại sao toàn xứ quá vắng vẻ, cư dân thưa thớt, nhà cửa lèo tèo!” (24).

Người ta sẽ trả lời rằng: ‘Vì họ đã chối bỏ giao ước mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ họ đã lập với họ khi Ngài đem họ ra khỏi Ai-cập. Họ đi thờ phượng và quỳ lạy các thần khác là những thần mà họ chưa từng biết và Ngài cũng không cho phép họ thờ lạy.’ Vì vậy, Đức Giê-hô-va đã trút cơn thịnh nộ trên xứ nầy và giáng trên nó mọi lời nguyền rủa ghi trong sách nầy. Trong cơn thịnh nộ, lôi đình và vô cùng tức giận, Đức Giê-hô-va đã trục xuất dân nầy khỏi đất họ và ném họ vào một xứ khác, như điều đang có ngày nay’” (25-28).

Những điều huyền nhiệm, bí mật, thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời cho mỗi cá nhân hay dân tộc, và mỗi thời kỳ mà Ngài dự định thi hành đều thuộc về Ngài, chúng ta không ai có thể hiểu và biết được các huyền nhiệm và những lý do nào khiến Ngài hành động. Tuy nhiên, chúng ta được khuyến khích suy gẫm và tìm hiểu những điều đã được Ngài mặc khải cho chúng ta biết để thực hiện.

Vì Đức Chúa Trời đã mặc khải cho loài người mọi điều mà họ phải làm để hưởng các ơn phước tốt lành, chẳng những ích lợi cho thế hệ cha ông mà còn ích lợi cho các thế hệ con cháu mai sau (29).

Mặc dù chúng ta chẳng biết được các chương trình cụ thể của Đức Chúa Trời ra sao, nhưng Ngài đã mặc khải cho ta biết ý muốn thiện hảo của Ngài là mọi người cần phải được cứu khỏi hình phạt đời đời.

PhucTruyen30.docx

Rev. Dr. CTB