Sách Công Vụ, bài 04

Công Vụ 2:1–4

Lễ Ngũ Tuần còn được gọi là Lễ Mùa Màng hay Lễ Các Tuần (Xuất Aicập 34:22; Phục Truyền 16:09); là ngày thứ năm mươi sau ngày 14 tháng A-bíp của lịch Do-thái, tức là sau Lễ Vượt Qua. A-bíp là tháng Giêng theo tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng sau khi bị lưu đày trở về, thì người Do-thái lại gọi là tháng Ni-san theo tiếng Ba-tư. Tháng A-bíp nằm khoảng giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư dương lịch ngày nay. Do đó, Lễ Ngũ Tuần thường đến khoảng trước hay sau ngày 20 tháng Năm bây giờ vài ngày. Đó cũng là ngày dâng tế lễ chay mới, nhằm ngày thứ năm mươi sau nghi lễ dâng bó lúa đưa qua đưa lại (Lê-vi-ký 23:15–16). Mặc dù Đức Chúa Giêxu đã thiết lập một giao ước mới với nhân loại bằng chính máu của sinh mạng Ngài để “bãi bỏ luật pháp dựa trên điều răn, lệ luật” (Êphêsô 2:15); nhưng các môn đồ của Ngài, là người Do-thái, vẫn tôn trọng các ngày lễ và chưa hoàn toàn hiểu tinh thần hoạt động của giao ước mới là gì.

 

Thời ấy người Sa-đu-sê là giai cấp tôn giáo đang nắm quyền kiểm soát các hoạt động tại đền thờ. Họ áp dụng luật ngày sa-bát thứ bảy sau lễ Vượt-qua như luật pháp quy định; cho nên, ngày lễ Ngũ-tuần năm ấy, ngày Đức Thánh Linh giáng lâm “là ngày sau ngày sa-bát thứ bảy” (Lê-vi-ký 23:15), nhằm vào Chúa-nhật. Đó là lý do hàng năm Hội-thánh vẫn kỷ niệm ngày Đức Thánh Linh giáng lâm, tức là lễ Ngũ-tuần trọng đại đầu tiên của Hội-thánh, vào Chúa-Nhật, thay vì căn cứ vào ngày thứ năm mươi sau ngày 14 của tháng A-bíp theo âm lịch.

 

Theo sự giải thích từ trước tới nay, các bài giảng vẫn cho rằng 120 môn đồ đã tụ họp chờ đợi và cầu nguyện trên phòng cao. Nhưng, nếu xem xét lý luận theo lòng sùng kính Đức Chúa Trời và thói quen hành đạo của các môn đồ, lúc ấy vẫn nhiệt thành với Do-thái-giáo, thì khu vực đền thờ vẫn là nơi họ thực hiện các sinh hoạt tôn giáo đang khi chờ đợi lời hứa từ Đức Chúa Cha ban cho. Dù đa số người đọc Kinh-thánh tin rằng sự kiện Đức Thánh Linh giáng lâm đã diễn ra trên phòng cao, chỗ các môn đồ tụ họp mỗi ngày, vì dựa trên chi tiết: “Có tiếng từ trời như luồng gió thổi mạnh, tràn vào nhà họ đang ngồi” (2). Nhưng lời tường thuật của Luca: “Đến ngày lễ Ngũ-tuần, các môn đồ đều họp lại một nơi” (1), thì không thể xác định địa điểm ấy là chỗ nào.

 

Hơn nữa, nếu căn cứ vào lời giải thích của Phi-e-rơ  “… bây giờ mới là giờ thứ ba” (15), thì rất có thể họ đang ở tại đền thờ và có lẽ ở khu hành lang mà phụ nữ được phép vào. Lý luận nầy cũng giải thích việc nhiều người mộ đạo đang có mặt tại Giêrusalem đều kéo tới chỗ các môn đồ tụ họp khi nghe tiếng động tràn đến như tiếng gió thổi ào ào (5–6). Tuy nhiên, nếu xem xét từng chi tiết do Luca mô tả, có lẽ các môn đồ đang ở trong một ngôi nhà hay phòng thì đúng hơn; vì lúc ấy họ đang ngồi (2) chứ không phải đang đứng cầu nguyện như khi ở đền thờ. Sở dĩ có nhiều lập luận cho rằng việc ấy xảy ra tại phòng cao, bởi vì đó là địa điểm quen thuộc, là “tổng hành dinh” của các môn đồ, mà họ vẫn họp mặt từ khi ở núi Olive trở về, bởi quê quán của đa số môn đồ là xứ Ga-li-lê, họ không có nhà cửa hay người thân thuộc nào ở Giêrusalem.

 

Có tiếng từ trời như luồng gió thổi mạnh, tràn vào nhà họ đang ngồi” (2). Các môn đồ nghe tiếng ào ào, như tiếng gió thổi mạnh, chứ không phải luồng gió thật. Tiếng gió nhắc họ nhớ cảnh hiển lộ quyền năng thời Cựu-ước: “Đức Giêhôva khiến một trận gió đông thổi mạnh để dồn biển lại. Ngài làm cho nước rẽ ra, biển thành đất khô” (Xuất Ai-cập 14:21). Gió cũng thường xuyên là biểu tượng Thần Chúa trong Cựu-ước (Ê-xê-chi-ên 37: 9, 10, 14). Đức Chúa Giêxu cũng dùng gió để nói về Đức Thánh Linh (Giăng 3:8). Âm thanh của luồng gió chuyển động báo cho những người có mặt ở nơi đó biết Đức Chúa Trời sắp sửa bày tỏ chính Ngài và Đức Thánh Linh theo một cách hết sức đặc biệt. Âm thanh của gió thổi tượng trưng cho sức mạnh và năng lực không gì cản nổi.

 

Cũng thình lình: “Các môn đồ thấy những chiếc lưỡi, như lưỡi bằng lửa, chia nhau đậu trên mỗi người” (3). Lửa nầy không phải là lửa thể chất, nên chẳng ai bị cháy bỏng; nhưng lửa và ánh sáng là các biểu tượng thông thường của sự hiện diện thần thượng, như Môi-se thấy bụi gai cháy ở hoang mạc, hoặc Đức Chúa Trời giáng lâm trong đám lửa trên đỉnh núi Sinai (Xuất Aicập 3:2; 19: 18). Những hiện tượng về tiếng gió và lưỡi lửa, diễn ra ngay trước lúc các môn đồ của Chúa nhận được phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh, đã không tái diễn trong sách Công Vụ khi người khác cũng được báp têm bởi Đức Thánh Linh ở các lần khác và nơi khác (Công Vụ 8:17; 10:44–47; 19:6). Lần xảy ra tại Samari, tác giả không nói có hiện tượng gì đã xảy ra khiến cho thuật sĩ Simôn phải bỏ tiền ra xin mua quyền phép ấy (8:18–19). Tại nhà Cọt-nây thì những người được báp têm bằng Đức Thánh Linh “nói các thứ tiếng, và tôn vinh Đức Chúa Trời” (10:45–46), chứng tỏ các môn đồ người Giu-đa nghe và hiểu một số điều họ nói. Lần sự việc xảy ra tại Ê-phê-sô thì các môn đồ ở đó “nói tiếng lạ và nói tiên tri” (19:6). Nghĩa là không phải mọi lần đều giống hệt như nhau, chỉ xảy ra một lần có gió với lửa xuất hiện trong phép báp-têm Đức Thánh Linh ở sách Công Vụ.

 

Tác giả diễn tả phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh lần đầu tiên: “Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bắt đầu nói các tiếng khác, như Đức Thánh Linh cho họ nói” (4). Hai biểu hiện bề ngoài của dấu hiệu được đầy dẫy Đức Thánh Linh là nói thứ ngôn ngữ mình chưa biết và điệu bộ giống như bị say rượu (13) trong biến cố chưa từng xảy ra nầy. Những gì Đức Chúa Giêxu hứa trước khi thăng thiên bây giờ đã được hoàn thành. Một số người phân biệt sự đầy dẫy Đức Thánh Linh khác với báp-têm bằng Đức Thánh Linh; nhưng nếu cẩn thận xem xét những cách dùng chữ khác nhau của Kinh-thánh về vấn đề nầy, như “đổ Thần Ta” (17, 18), “đổ Thánh Linh xuống” (33), “nhận lãnh Đức Thánh Linh” (38), “Đức Thánh Linh giáng xuống” (8:18; 10:44; 11:15), “Chúa ban Thánh Linh xuống” (10:45), vv, thì với nhiều cách diễn tả như thế, không thể nào phân biệt được sự khác nhau giữa báp-têm bằng Thánh Linh với sự dầy dẫy Đức Thánh Linh trong ý nghĩa nầy.

 

Vì Đức Thánh Linh là một thân vị của Đức Chúa Trời, nên báp têm hay đầy dẫy Đức Thánh Linh là một kinh nghiệm đem tới một mối liên hệ tương giao mới và đặc biệt. Mỗi cách diễn đạt mô tả một khía cạnh của kinh nghiệm lễ Ngũ-tuần; vì thế, không chữ nào có thể diễn tả toàn thể kinh nghiệm được Đức Thánh Linh giáng xuống đầy dẫy và báp têm cho bằng quyền năng Ngài. Cũng cần phải phân biệt sự đầy dẫy Đức Thánh Linh khi được Ngài báp têm, khác với việc được Ngài vận hành đặc biệt trên toàn thể thân hồn linh của ai đó để sử dụng cho mục đích đặc biệt mà Ngài muốn hoàn thành, và cũng được gọi là “đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Công Vụ 4:8, 31; 6:3; 7:55).

 

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ là sách duy nhất nói về sự báp-têm bằng Đức Thánh Linh có kèm theo việc ban cho nói tiếng mới, hay ngôn ngữ khác. Sở dĩ các phái Tin Lành theo khuynh hướng Ngũ-tuần và Ân-tứ ngày nay quả quyết rằng ân-tứ nói tiếng lạ là dấu hiệu đầu tiên của phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh, là vì họ căn cứ trên ba chỗ Luca ký thuật dấu hiệu kèm theo khi được báp-têm bằng Đức Thánh Linh là “nói các thứ tiếng(Công Vụ 2:4; 10:46; 19:6). Họ tin rằng tiếng lạ là dấu hiệu thông thường khi được báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Điều quả quyết nầy tạo ra tâm lý mong đợi nhận được ân tứ tiếng lạ trong vòng các tín hữu; đồng thời, những người cầu nguyện cho người khác cũng mong người được cầu nguyện mở miệng ra nói tiếng lạ, thay vì mong được Đức Thánh Linh ban cho ân tứ khác, như nói tiên tri chẳng hạn (2:17). Nhiều người căn cứ vào câu “sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi” (1Cô-rinh-tô 13:8), nên không tin ‘tiếng lạ’ vẫn còn vận hành ngày nay; nhưng không áp dụng câu kế tiếp “sự thông biết hầu bị bỏ.” Nghĩa là không áp dụng toàn thể câu Kinh-thánh, chỉ chọn phần nào họ không thích. Có lẽ những người đó chưa bao giờ kinh nghiệm sự đầy dẫy Đức Thánh Linh là ra sao! Lý do là họ rất ác cảm với Đức Thánh Linh.

 

Đúng là chúng ta phải có những gương mẫu trong Kinh-thánh để so sánh với những sự kiện xảy ra với mục đích xem xét tính cách chân thực của các biểu hiện ấy. Tuy nhiên, có hai việc cần phải cẩn thận trong vấn đề rất quan trọng nầy: 1) Được báp-têm bằng Đức Thánh Linh có thể có nói tiếng lạ; nhưng nói tiếng lạ không hẳn là đã được báp têm bằng Đức Thánh Linh. Bởi vì người bị tà ma nhập hay bị ám ảnh cũng nói những thứ tiếng lạ lùng và kỳ quái. 2) Điều thứ nhì là có một số người bịa ra thứ tiếng nói lông bông vô nghĩa với hậu ý làm cho người ngoài tưởng mình đã nhận được phép báp têm Đức Thánh Linh. Sự giả mạo nầy không phải là ít. Làm thế nào để nhận ra sự giả mạo? Hãy áp dụng nguyên tắc an toàn nhất là dùng hàng thật so với hàng giả. Nghĩa là hãy vươn tới đời sống đức tin chân thật để nhận được phép báp têm Thánh Linh thật; rồi sau đó chính Đức Thánh Linh sẽ ban cho ơn phân biệt các linh để nhận ra bất cứ sự giả mạo nào.

SachCongVu04.docx

Rev. Dr. CTB