Sách Công Vụ, bài 29
Công Vụ 15: 1–21
Vấn đề mà giáo hội nghị đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem phải thảo luận và đối phó đã tạo ra một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử của Hội-thánh. Trước đó một thời gian, tín đồ người Giu-đa và những người lãnh đạo Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem đã bằng lòng với lời giải thích của Phi-e-rơ về việc Chúa chấp nhận những người dân ngoại chưa chịu cắt bì ở Sê-sa-rê vào Hội-thánh bằng dấu hiệu cho họ nhận báp têm bằng Đức Thánh Linh (Công Vụ 11:15–18).
Tuy vậy, vấn đề phải giữ luật lệ của Do-thái-giáo trong Hội-thánh theo truyền thống của người Giu-đa vẫn còn ăn sâu vào lòng của những người thuộc phái Pha-ri-si đã quy đạo. Vì vậy, có “một số người từ xứ Giu-đê xuống An-ti-ốt, dạy các anh em tín hữu: ‘Nếu không chịu cắt bì theo quy tắc Môi-se ấn định, anh em không được cứu rỗi’” (1). Việc ấy xảy ra lúc Phao-lô và Ba-na-ba đã trở về An-ti-ốt khá lâu.
Giáo lý nầy là một sự sai lầm trầm trọng, vì lý luận ấy có hàm ý cho rằng sự chết hy sinh của Đức Chúa Giêxu chưa đủ hiệu lực cứu chuộc nhân loại, và cần phải giữ các luật lệ của luật pháp Môi-se để bảo đảm được cứu rỗi. Do đó, “Phao-lô và Ba-na-ba không đồng ý, tranh luận sôi nổi với họ” (2).
Mặc dù ở An-ti-ốt có cả tiên tri và giáo sư, nhưng sự dạy dỗ ấy đã có thể bắt rễ trong vòng các tín hữu của Hội-thánh; cho nên, họ không biết chắc chắn ai đúng, ai sai. Để làm rõ vấn đề, “anh em quyết định xin Phao-lô và Ba-na-ba cùng đi với mấy người trong nhóm ấy lên Giê-ru-sa-lem, gặp các sứ đồ và trưởng lão về vấn đề nầy” (2).
Tình yêu thương và tinh thần hợp nhất của Hội-thánh thời ấy biểu lộ qua việc cả “Hội-thánh tiễn họ lên đường” (3). Không vì sự bất đồng ý kiến mà xem nhau như xa lạ, thậm chí xem nhau là kẻ thù như một số người ngày nay.
Từ Syri ở phía bắc xuôi về nam để tới Giê-ru-sa-lem, trên đường đi phái đoàn ghé lại Phê-ni-xi (Phoenicia) trên bờ Địa-Trung-Hải, rồi theo đường trong đất liền qua tỉnh Sa-ma-ri để về Giê-ru-sa-lem. Có lẽ đã có nhiều Hội-thánh địa phương được thành lập tại Sa-ma-ri; ở mỗi Hội-thánh mà Phao-lô và Ba-na-ba ghé qua, họ đều “tường thuật việc các dân ngoại trở về với Chúa, khiến anh em rất vui mừng” (3).
Chắc chắn là các sứ đồ đã kể chuyện bị bắt bớ cũng như những việc kỳ diệu Chúa đã làm, kể cả sự báp têm bằng Đức Thánh Linh và sự xác quyết đức tin của các tân tín hữu dân ngoại trong chuyến truyền giáo của họ tại Tiểu Á. Sự vui mừng của những tín hữu ở các Hội-thánh nói trên chứng tỏ mọi con cái Chúa thời ấy đều có thái độ tích cực về truyền giáo.
Phái đoàn được Hội-thánh tại Giê-ru-sa-lem, các sứ đồ và trưởng lão niềm nở tiếp đón. Nghe phái đoàn “báo cáo mọi việc Đức Chúa Trời đã cùng làm với họ, có mấy người thuộc phái Pha-ri -si đã tin Chúa đứng lên nói: ‘Phải làm lễ cắt bì cho họ và buộc họ giữ luật pháp Môi-se’” (4–5).
Việc nầy cho thấy lập trường và quan điểm về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua ơn chuộc tội của Đức Chúa Giêxu trong thời sơ lập của Hội-thánh giữa vòng người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem cho tới thời điểm ấy vẫn chưa được thiết lập rõ ràng hay vững chắc. Sinh hoạt của Hội-thánh vẫn lấy đền thờ làm trung tâm thờ phượng, mặc dù họ vẫn tụ họp tại các nhà để bẻ bánh và dùng bữa với nhau.
Vấn đề phải giữ luật pháp Môi-se của những người vốn thuộc phái Pha-ri-si nêu ra làm cho các sứ đồ và trưởng lão sực tỉnh về việc họ chưa nghĩ tới; bởi vì tất cả đều là người Do-thái.
Cho nên, “các sứ đồ và trưởng lão họp lại để cứu xét việc ấy” (6). Buổi họp đó là bước ngoặt trọng đại của lịch sử Hội-thánh Chúa. “Sau khi thảo luận khá lâu” (7), có nghĩa là bàn thảo nhiều ý kiến của những người tham dự buổi họp đưa ra.
Dù nhiều ý kiến nhưng gom lại chỉ có hai điểm chính: Nên giữ luật Môi-se, hay không cần phải giữ luật ấy? Họ thảo luận chứ không tranh luận. Và Đức Thánh Linh là Đấng chăn dắt và điều động Hội-thánh đã can thiệp và ban cho sứ đồ Phi-e-rơ lời nói khôn ngoan để giải quyết vấn đề cách rành mạch, dứt khoát:
“Thưa các anh em, trước đây Đức Chúa Trời đã chọn tôi trong số các anh em, dùng tôi truyền giảng Tin-lành cho người dân ngoại, để họ nghe lời Chúa và tin, như anh em đã biết. Đức Chúa Trời là Đấng biết rõ lòng người, ban Đức Thánh Linh cho họ để chứng tỏ Ngài tiếp nhận họ, cũng như Ngài đã ban Thánh Linh cho chúng ta. Ngài không phân biệt họ với chúng ta, vì Ngài cũng tẩy sạch lòng họ khi tin nhận Ngài. Như thế, tại sao anh em dám thách thức Đức Chúa Trời, đặt lên cổ môn đồ nước ngoài cái ách mà chính tổ tiên chúng ta và cả chúng ta chẳng mang nổi? Ngược lại, chúng ta tin rằng nhờ ân điển của Đức Chúa Giêxu Christ, chúng ta được cứu cũng như họ vậy” (7–11).
Việc Đức Chúa Trời ban Đức Thánh Linh cho ai là dấu hiệu Ngài tiếp nhận người ấy. Chẳng người nào có quyền quyết định về số phận người khác. Những người chủ trương các tín hữu dân ngoại phải giữ luật Môi-se vì họ cho rằng người ta được tinh sạch nhờ giữ luật Môi-se. Suy nghĩ ấy là sai, vì lòng chúng ta được tẩy sạch bằng huyết của Đức Chúa Giêxu khi ta tin nhận Ngài. Ý kiến giữ luật pháp vì thế không đứng vững; bởi vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà người ta được cứu chứ chẳng phải nhờ công đức mình thực hiện.
Như thế, vấn đề gây tranh luận do các tín hữu phái Pha-ri-si chủ trương đã bị dập tắt tại giáo hội nghị đầu tiên nầy của Hội-thánh Chúa. Tuy thất bại lần nầy, nhưng chủ trương giữ luật pháp Môi-se trong tín hữu người Giu-đa vẫn tiếp tục gieo ảnh hưởng tai hại ở những Hội-thánh non trẻ xứ Ga-la-ti (Ga-la-ti 3:1–5), và cả vài tín hữu thời bây giờ.
Những người chủ trương đó quên rằng làm như vậy là “thách thức Đức Chúa Trời” (10); cho nên, “mọi người yên lặng nghe Ba-na-ba và Phao-lô báo cáo những phép lạ và việc diệu kỳ Đức Chúa Trời đã dùng hai ông thực hiện giữa các dân ngoại” (12). Khi thuật lại những phép lạ, dấu kỳ mà Chúa đã làm, hai ông có hàm ý rằng những phép lạ ấy chứng tỏ sự quan tâm của Chúa đối với các dân ngoại để dẫn họ tới đức tin nơi Đấng Christ.
Ý ấy cũng phù hợp với thư của Phao-lô gửi cho Hội-thánh Cô-rinh-tô: “Lời tôi giảng dạy không phải là những lời khôn ngoan, khéo léo, nhưng bày tỏ Thánh Linh và quyền năng; …… đức tin anh em sẽ không dựa trên sự khôn ngoan loài người, nhưng trên quyền năng Đức Chúa Trời” (1Côrinhtô 2:4–5).
Gia-cơ, em trai của Đức Chúa Giêxu, liền trích dẫn lời sách tiên tri A-mốt nói rằng, việc dân ngoại trở lại tìm kiếm Chúa, đã được Ngài báo trước từ xưa và phù hợp với lời tiên tri. Vì từ ban đầu “Đức Chúa Trời đã thương xót các dân ngoại, chọn giữa vòng họ một dân mang danh Ngài” (13–18). Cách nói của Gia-cơ không phải là cậy uy quyền trưởng thượng, nhưng như một anh em với nhau trong Chúa.
Những lời nói đầy khôn ngoan và có sức thuyết phục những người Do-thái còn tiếc nuối, hoài cổ. Vì ông nhắc lại lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ xây dựng lại trại Đa-vít đã sụp đổ, tu bổ những chỗ đổ nát, phục hồi nó lại. Nghĩa là dù vinh quang của triều đại Đa-vít phôi pha lâu rồi, Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một Đấng Mết-si-a từ các hậu tự của Đa-vít để phục hồi hi vọng, không phải chỉ cho người Israel, mà còn cho những người dân ngoại nào chấp nhận Đấng Mết-si-a và trở thành một phần của dân sự Đức Chúa Trời.
Hội-đồng im lặng chấp nhận, nên Gia-cơ đề nghị: “Theo ý tôi, không nên gây khó khăn cho người dân ngoại trở lại với Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ nên viết thư bảo họ phải kiêng những vật bị thần tượng làm cho ô uế, tránh gian dâm, không ăn thịt thú vật chết ngạt, và không ăn huyết” (19–20).
Những vật có liên quan hoặc dính líu tới sự thờ cúng thần tượng là đã bị ô uế rồi. Gian dâm giữa nam nữ hay đồng tính đều bị Chúa tởm lợm, vốn là thói quen vô đạo đức và dâm loạn của nhiều giống dân ngoại. Ăn thịt của thú vật bị chết ngạt còn ứ huyết và ăn huyết là điều bị nghiêm cấm bởi Đức Chúa Trời (Lê-vi-ký 17:10–14), cũng là thói quen ăn uống của những người chưa biết Chúa. Còn người Do-thái vẫn được nghe đọc luật Môi-se mỗi ngày Sa-bát (21).
Hai điều cấm đầu tiên là tiêu chuẩn cao về đạo đức và thanh sạch mà Đức Chúa Trời đòi hỏi, hai điều cấm sau là lệnh Chúa truyền cho Nô-ê: “Các con không được ăn thịt còn máu, tức là còn sự sống. Chắc chắn Ta sẽ đòi lại máu của sinh mạng các con” (Sáng thế 9:4–5). Chúa cũng truyền cho Môi-se như thế. Đề nghị đó trở nên giới luật đầu tiên từ giáo hội nghị lần đầu đề ra.
SachCongVu29.docx
Rev. Dr. CTB