Sách Công Vụ, bài 15
Công Vụ 6:9 – 7:16
Khi “Ê-tiên được đầy ân điển và quyền năng, làm nhiều việc kỳ diệu và phép lạ rất lớn giữa nhân dân” (8), chắc chắn là qua Danh của Đức Chúa Giêxu, thì chẳng bao lâu đã có sự chống đối nổi lên nghịch lại ông. Lần nầy là từ những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp từ các xứ dân ngoại trở về sinh sống tại Giê-ru-sa-lem, cũng như Ê-tiên vậy. Theo truyền thuyết người Do-thái kể lại, thì nhóm người nầy có nhiều ‘nhà hội’ riêng và giữ nghiêm ngặt những gì họ đã được dạy. Sở dĩ gọi là ‘nhà hội của những người tự do’ (9) là vì nhiều người Do-thái bị quân La-mã bắt làm nô lệ, bây giờ họ được những người chủ La-mã trả tự do trở về cố quốc. Một số người từ Cyrene bên bờ Địa-trung-hải, phía tây Ai-cập; một số từ thành phố Alexandria của Ai-cập; có người Cilicia, ở phía đông-nam Tiểu-Á, quê hương của Phao-lô, và người tỉnh Tiểu-Á nữa.
Những người Do-thái bị tan lạc khắp nơi từ khi đất nước họ bị quân Ba-by-lôn xâm lăng và giải thể, phải sống giữa vòng người ngoại bang nên phải đối diện rất nhiều mối đe doạ nghịch lại những sự dạy dỗ và cách sống của họ. Việc đó đã tạo nên trong dân Do-thái lưu vong một thái độ khăng khăng bảo vệ niềm tin của họ, và kịch liệt chống lại những gì khác với sự dạy dỗ mà họ đã được dạy bởi các ‘rabbis.’ Bây giờ, trở về sống ở Giê-ru-sa-lem, nghe về một đạo khác lạ với đạo truyền thống, lại có nhiều dấu kỳ phép lạ xảy ra. Để bảo vệ niềm tin vốn có từ tổ tiên truyền tụng, họ cự cãi, tranh luận với Ê-tiên. “Tuy nhiên, họ không đương đầu nổi sự khôn ngoan và Thánh Linh mà ông nhận được để đối đáp” (10). Nghĩa là mọi thứ lý luận của họ không công nhận Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng Mết-si-a đều thất bại thảm hại trước bằng chứng của dấu kỳ, phép lạ.
Trong lãnh vực niềm tin tôn giáo, không một người nào đã bị thua trong cuộc tranh luận sẵn sàng chấp nhận lý luận của người thắng là đúng, mà luôn luôn tìm cách để trả đũa. Nếu biết rằng sẽ không thể thắng trong cuộc tranh luận, người ta lợi dụng mọi thủ đoạn để hãm hại đối phương. Trong trường hợp nầy, “họ ngầm xúi giục người ta đi tố cáo: ‘Chúng tôi có nghe người nầy xúc phạm Môi-se và Đức Chúa Trời’” (11). Từ khước không chịu tin, nhưng không bác bỏ được bằng chứng rành rành về các việc quyền năng đã được các môn đồ của Đức Chúa Giêxu thi thố, chứng tỏ Ngài là Con Đức Chúa Trời như Ngài đã tuyên bố. Số người nầy bèn “khích động quần chúng, xúi giục các trưởng lão, các thầy dạy luật, rồi xông vào bắt Ê-tiên, giải đến trước hội đồng” tôn giáo (12), là hội-đồng đã không thể cấm cản nổi sự truyền giáo của các sứ đồ.
Đối với tín đồ của các ‘tôn giáo độc thần,’ tội báng bổ thần của họ là tội rất nặng. Nhằm diệt trừ Ê-tiên, là người mà họ không thể thắng trong cuộc tranh luận, nhóm người nầy chẳng còn lối nào khác ngoài việc bóp méo, xuyên tạc, bẻ cong lời nói của đối phương. Chính Đức Chúa Giêxu đã bị người Do-thái xuyên tạc, kết tội Ngài là phạm thượng (Giăng 10:33). Cho nên, không có gì lạ khi họ “nại chứng dối, khai gian: ‘Người nầy luôn luôn xúc phạm nơi thánh và luật pháp. Chúng tôi nghe nó nói Giêxu, người Na-xa-rét sẽ phá huỷ nơi nầy và thay đổi tục lệ Môi-se đã truyền dạy’” (13–14). Điều nầy là họ kể lại lời Đức Chúa Giêxu có nói về việc phá huỷ đền thờ, tức là cứ giết thân thể Ngài đi, sau ba ngày Ngài sẽ sống lại (Mác 14:58); chứ không phải phá huỷ đền thờ theo nghĩa đen như lời những kẻ thù ghét xuyên tạc. Bây giờ họ gán những lời đó cho Ê-tiên.
Nghe bất cứ điều gì liên quan đến Danh Đức Chúa Giêxu đều làm cho hội đồng tôn giáo phải đặc biệt chú ý; bởi vì các môn đồ của Ngài đã truyền giáo mạnh mẽ, thu phục nhiều người tin, tiếng tăm lừng lẫy vì những dấu kỳ phép lạ chữa bệnh. Những sự kiện ly kỳ mới nhất không phải từ hành động của các sứ đồ mà hội-đồng nầy đã biết, nhưng từ một người vô danh vừa dấy lên giữa vòng các tín hữu; cho nên, “mọi người đang ngồi trong hội-đồng chăm chú nhìn Ê-tiên, thấy gương mặt ông như diện mạo thiên sứ vậy” (15). Gương mặt sáng trưng là dấu hiệu của mối liên hệ gần gũi với Đức Chúa Trời, vì sự sáng ấy là sự phản chiếu vinh quang vô hình từ Chúa.
“Thầy tế lễ thượng phẩm (có lẽ là Cai-phe) hỏi Ê-tiên: ‘Những điều họ nói có đúng không?’” (7:1) để Ê-tiên có cơ hội trả lời sự tố cáo của phe thù nghịch. Ê-tiên đáp lại rất lễ phép: “Thưa các bậc phụ huynh, xin nghe tôi trình bày”(7:2), rồi ông bắt đầu tóm tắt lịch sử của dân tộc Israel, một lịch sử mà hội đồng tôn giáo đã biết quá rõ. Mục đích của ông là để bênh vực Phúc-âm chống lại các lời vu cáo, và để trình bày sự tương đồng trong cách người Do-thái thời Cựu-ước đối xử với các vị tiên tri đời xưa, so với cách các nhà lãnh đạo Do-thái cư xử với Đức Chúa Giêxu ngày nay.
“Đức Chúa Trời vinh hiển đã hiện ra với Áp-ra-ham … khi ông còn ở vùng Lưỡng-hà, trước khi đến ở Cha-ran” (2), nghĩa là Đức Chúa Trời tự mặc khải chính Ngài trong vinh quang; thành phố Ur, quê hương của Áp-ra-ham, thuộc xứ Canh-đê nằm ở vùng Lưỡng-hà, giữa hai dòng sông lớn là Tigre và Euphrate. ‘Cha-ran’ là cách người Do-thái phát âm chữ ‘Ha-ran.’ Đức Chúa Trời ra lệnh cho Áp-ra-ham rời quê hương và thân nhân họ hàng để đi tới một xứ mà Ngài sẽ chỉ cho (3). Áp-ra-ham vâng lời “ra khỏi xứ Canh-đê và định cư tại Cha-ran” (4) cho đến khi cha của ông qua đời. Ông đã dời đi lần lần và tới một xứ mà sau đó trở thành tổ quốc của người Israel. Nhưng đang lúc Áp-ra-ham còn sống, “Chúa không cho ông sản nghiệp gì trong xứ, dù chỉ một tấc đất cũng không. Nhưng Ngài hứa sẽ ban xứ nầy cho ông và hậu tự ông làm sản nghiệp” (5) dù lúc ấy ông đã hơn 75 tuổi và chưa có con. Ông đã tin lời hứa của Chúa và trao đời mình vào tay Ngài.
Đức Chúa Trời lại mặc khải cho Áp-ra-ham biết trước về tương lai của một dân tộc, dòng dõi sẽ thành hình sau nầy từ lời Chúa hứa với ông. Dân tộc ấy sẽ phải làm kiều dân ở một xứ, mà sau nầy dân xứ ấy sẽ bắt họ làm nô lệ và ngược đãi họ. Thời gian mà dòng dõi đó phải chịu hoạn nạn là bốn trăm năm (6). Bốn trăm năm tuy là một thời gian dài, nhưng so với bề dầy của lịch sử loài người thì thời kỳ ấy chỉ là tạm bợ. Đức Chúa Trời lại hứa là Ngài sẽ trừng phạt dân tộc đã bắt họ làm nô lệ. Sau đó, họ sẽ ra khỏi xứ ấy và trở về thờ lạy Đức Chúa Trời tại vùng đất mà Ngài hứa ban cho dòng dõi của đứa con theo lời hứa của Chúa đối với Áp-ra-ham (7).
Một việc khác mà Đức Chúa Trời ban cho Áp-ra-ham là giao ước về lễ cắt bì. Ngài phán với Áp-ra-ham: “Đây là giao ước của Ta mà các con phải giữ, là giao ước giữa Ta và con cũng như dòng dõi con sau nầy: Đó là mọi người nam trong các con phải chịu cắt bì. Các con phải chịu cắt da quy đầu, và đó sẽ là dấu hiệu của giao ước giữa Ta và các con” (Sáng Thế 17:10–11). Vì thế, sau khi Y-sác sinh ra được tám ngày, là người con của lời hứa do bà vợ cả Sa-ra sinh cho Áp-ra-ham lúc ông đã được 100 tuổi, thì “Áp-ra-ham làm lễ cắt bì cho con” (8). Y-sác chỉ có một vợ và hai con trai sinh đôi là Ê-sau và Gia-cốp. Gia-cốp được xem là con kế tự, vì Ê-sau khinh thường bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp lấy một tô canh đậu khi đi săn về mệt mỏi và đói (Sáng 25:33).
Mười hai con trai của Gia-cốp trở thành tổ phụ và trưởng tộc của người Do-thái. Nhưng “các trưởng tộc ghen ghét Giô-sép,” là đứa em áp út, “nên bán ông qua Ai-cập” (9). Giô-sép làm nô lệ trong nhà Phô-ti-pha, quan thị vệ của hoàng đế Ai-cập. “Nhưng Đức Chúa Trời ở với ông và giải cứu ông khỏi mọi khốn khó, cho ông khôn ngoan trước Pharaôn, vua Ai-cập, được vua quý mến và phong ông làm tể tướng trông coi cả nước Ai-cập và hoàng gia” (9–10; Sáng Thế 41:37–43). Nạn đói mà Giô-sép đã báo trước, lúc ông giải mộng cho vua Ai-cập, đã diễn ra trên toàn cõi Trung-đông, gồm cả xứ Ca-na-an. Các tổ phụ Israel không tìm đâu ra lương thực, được biết xứ Ai-cập có lúa, “Gia-cốp sai các con qua đó lần thứ nhất. Lần thứ hai, Giô-sép cho các anh em biết mình là ai, và Pha-ra-ôn được biết gia đình Giô-sép.” (12–14).
Giô-sép rước cha và cả nhà sang Ai-cập. Gia-cốp được gặp lại đứa con trai yêu quý, và sau một thời gian, ông từ trần tại đó. Mười hai con trai của Gia-cốp, là các trưởng tộc của mười hai chi tộc Israel, cũng lần lượt qua đời. Nhưng “hài cốt họ được dời về Si-chem, và cải táng tại nghĩa địa mà Áp-ra-ham đã dùng bạc mua của con cháu Hê-mô, tại Si-chem” (15–16). Ê-tiên tóm tắt phầu đầu của lịch sử Israel, từ Áp-ra-ham tới thời kỳ làm nô lệ ở Ai-cập.
SachCongVu15.docx
Rev. Dr. CTB