Sách Công Vụ, bài 35

Công Vụ 18:1–17

Sau đó, Phao-lô rời A-then đi Cô-rinh-tô” (1), một thành phố thương mại lớn ở cách A-then về phía tây khoảng 50 dặm, một trong hai thành phố nổi tiếng nước Hy-lạp cổ xưa. Khác với A-then là trung tâm học vấn và văn hoá chỉ có khoảng 10,000 dân, Cô-rinh-tô là trung tâm thương mại đường biển có khoảng 200,000 dân.

Vì nguồn lợi tức huyết mạch của thành phố đến từ sự buôn bán trao đổi hàng hoá bằng đường biển, nên sự cúng thờ thần biển Neptune ở Cô-rinh-tô là rất phổ biến. Ở đó lại có đền thờ Venus (Vệ-nữ), nữ thần tình yêu phóng túng. Trong đó có 1,000 nữ nô lệ phục vụ mãi dâm cho đền thờ; cho nên, Cô-rinh-tô nổi tiếng về sự phóng túng vô đạo đức.

Và trong tiếng Hy-lạp đương thời, thì tên Cô-rinh-tô đồng nghĩa với sự hoang dâm. Neptune quyến rũ bằng sự giàu có tiền tài, còn Venus cám dỗ lòng người vào sự ham mê nhục dục.

Dựa trên thời kỳ Ga-li-ôn làm tổng trấn La-mã ở xứ A-chai (12), thì thời gian Phao-lô ở Cô-rinh-tô là khoảng từ mùa thu năm 50 A.D. tới mùa xuân năm 52 A.D. Người đọc Kinh-thánh Tân-ước thường biết nghề nghiệp để sinh nhai của Phao-lô là một thợ may lều. Ông làm việc như thế để khỏi thành gánh nặng của các Hội-thánh mà ông thành lập.

Tuy nhiên, cần phải nhận xét cách chính xác rằng đối với Phao-lô, làm việc mưu sinh chỉ là thứ yếu; ông không dành hết thì giờ cho việc đó. Ông gặp Aquila và Priscilla, những người cùng nghề (2–3), và có lẽ đã tiếp nhận đạo từ khi họ còn ở thành Rôma. Luca không ghi lại bằng cách nào Phao-lô biết về Aquila và Priscilla, nhưng mục đích ông đến thăm họ để hợp sức thành lập Hội-thánh mới là điều rõ ràng.

Phao-lô vẫn áp dụng nguyên tắc mùa gặt trong việc truyền giáo ở một chỗ mới để có nhân sự nòng cốt cho Hội-thánh sẽ thành lập, “mỗi ngày sa-bát, ông giảng luận trong nhà hội, cố thuyết phục cả người Do-thái và Hy-lạp” (4).

Có lẽ lý do khiến cho “Phao-lô chỉ lo việc giảng đạo” sau khi Si-la và Ti-mô-thê đến từ Ma-xê-đoan (5), là vì họ đem các món trợ giúp tài chính khá nhiều từ các Hội thánh ở Ma-xê-đoan gửi cho Phao-lô. Bằng cớ là sau nầy khi viết thư cho tín hữu Cô-rinh-tô, ông thố lộ: “Khi ở với anh em, gặp lúc thiếu thốn, tôi không làm phiền ai cả, vì anh em ở Ma-xê-đoan đã đến tiếp tế đầy đủ cho tôi” (2Cô-rinh-tô 11:9). Các Hội-thánh ở Ma-xê-đoan đều có nhiều người giàu và phụ nữ thượng lưu (17:4), cho nên họ dâng hiến cách dư dật.

Những người Do-thái-giáo cuồng nhiệt với đạo mình, ở bất cứ nơi đâu, đều bực bội khi nghe giảng rằng nhở đức tin vào Đức Chúa Giêxu là Đấng Mết-si-a, thì “đều được xưng công chính về mọi điều mà luật pháp Môi-se không thể xưng công chính” (13:39). Sở dĩ họ chống cự Phúc-âm là vì nền tảng mà họ xây dựng hệ thống thần học và cộng đồng là: Phải vâng giữ trọn vẹn Kinh-luật Môi-se, thì người ta mới tìm được con đường duy nhất dẫn đến Đức Chúa Trời.

Ngược lại, Phao-lô giảng rằng chỉ nhờ đức tin vào Đức Chúa Giêxu Christ, người ta sẽ được xưng công chính mà không cần tuân phục Kinh-luật Môi-se. Vì thế, người Do-thái nổi giận khi Phao-lô long trọng “chứng minh cho người Do-thái biết rằng Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ” (5), họ nói là ông đã phạm thượng và báng bổ luật thánh của họ.

Đồng thời vì Phao-lô cũng giảng cho người dân ngoại rằng bất cứ ai tin Đức Chúa Giêxu thì đều được Đức Chúa Trời xưng là công chính, tội lỗi được tha mà không cần phải chịu phép cắt bì để trở thành người Do-thái; cho nên người Do-thái càng thù ghét thêm.

Nhưng khi họ chống đối nói lời xúc phạm, ông giũ áo, bảo họ: ‘Máu các ông đổ lại trên đầu các ông. Còn tôi vô can. Từ nay tôi sẽ đến với người nước ngoài” (6). Mục tiêu của Phao-lô là truyền giáo chứ không phải để tranh luận về giáo lý hay thần học. Ông đã áp dụng lời dạy của Đức Chúa Giêxu là phủi bụi khỏi chân mình (Mathiơ 10:14). Trong thư gửi cho tín hữu tại Rôma, Phao-lô viết: “Tin-lành là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Giu-đa, sau là người Hy-lạp” (Rô-ma 1:16). Phao-lô biết đã đến lúc phải dồn nỗ lực truyền rao Tin-lành cho người Hy-lạp.

Rời khỏi nhà hội, Phao-lô bước vào nhà của Titius Justus ở sát bên nhà hội (7). Justus là dân Rô-ma và rất có thể người mang tên Gaius cũng chính là ông nầy. Tình thế hết sức thuận lợi cho công việc Chúa ở Cô-rinh-tô vì Crispus, chủ nhà hội, cùng cả gia đình đều tin Chúa (8).

Không ai biết gia đình Crispus tin Chúa trong lúc Phao-lô còn giảng ở nhà hội hay sau một thời gian nào đó. Justus và Crispus là hai người có thế lực, và sự tiếp nhận đạo của gia đình Crispus phải trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong vòng cộng đồng người Do-thái. Bởi vì cả gia đình Crispus từ nhà hội chỉ cần bước sang nhà Justus là có thể nhóm lại với Hội-thánh, và đa số tín hữu trong Hội-thánh là người thuộc các dân ngoại, mà người Hy-lạp là chính (8).

Chẳng biết sau thời gian đó được bao lâu, thì Sosthenes, người thay thế Crispus quản lý nhà hội, cũng tiếp nhận đạo (1Cô-rinh-tô 1:1). Những sự quy đạo hết sức nổi tiếng nầy cho thấy thất bại thảm hại của nhóm người Do-thái chống đối Tin-mừng, và giải thích lý do họ công phẫn cách cuồng loạn vì cảm thấy bị nhục nhã do bị thua trong cuộc tranh chấp do họ khởi xướng.

Người ta đoán rằng Crispus và cả gia đình tiếp nhận đạo sau khi Phao-lô đã rời khỏi nhà hội. Nguyên nhân có thể là do chứng kiến quyền phép Chúa diễn ra ngay sát bên chỗ họ ở.

Vì khi Phao-lô giảng tại nhà hội, ông dùng lời lẽ thuyết phục, đặc biệt là các lời lẽ nhằm “chứng minh cho người Do-thái biết rằng Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ” (5). Nhưng khi giảng cho dân ngoại, là những người muốn thấy quyền phép siêu nhiên hơn là các lý luận thần học, thì Phao-lô phải chú trọng về phép tắc siêu nhiên của Chúa nhiều hơn, mặc dù vẫn phải có lời nói giải nghĩa cặp theo.

Chính những phép lạ từ quyền phép siêu nhiên của Đức Chúa Trời khiến cho toàn gia đình Crispus, rồi sau đó Sosthenes đều hoan hỉ tiếp nhận đạo. Họ là những người ở sát bên nhà Justus, được thường xuyên chứng kiến những thể hiện siêu nhiên của đạo Chúa, nên đã hết lòng quy đạo và trở thành những người rường cột của Hội-thánh.

Vì sự thù nghịch của người Do-thái, nên một đêm nọ Chúa phán với Phao-lô trong chiêm bao rằng: “Đừng sợ! Hãy tiếp tục nói, đừng nín lặng. Ta ở cùng con, không ai tấn công làm hại con được, vì nhiều người trong thành nầy thuộc về Ta” (9–10). Một khi Chúa đã lên tiếng xác nhận, thì chẳng ai có thể hãm hại đầy tớ của Ngài. Phao-lô ở Cô-rinh-tô một năm rưỡi để dạy lời Chúa cho Hội-thánh ở đó (11).

Người Do-thái tưởng rằng quan tổng trấn A-chai mới nhậm chức, là Ga-li-ôn, chắc sẽ muốn lấy lòng họ, nên họ “đồng lòng nổi lên bắt Phao-lô đưa ra toà” (12), và tố cáo “Người nầy xúi giục dân thờ lạy Đức Chúa Trời một cách trái luật” (13). Phao-lô chưa kịp bào chữa thì Ga-li-ôn đã bảo người Do-thái: “Nếu là một vụ về lỗi, hay về tội ác, thì tôi có lý để chịu khó nghe các anh. Nhưng nếu chỉ là vấn đề giáo lý, danh hiệu, giáo luật của các anh; chính các anh phải tự giải quyết lấy! Tôi không xét xử các vụ đó (14–15). Như vậy, lời Chúa cho biết trước rằng: Không ai tấn công làm hại Phao-lô được, thì đã ứng nghiệm.

Chính quyền La-mã từ lâu vẫn xem Cơ-đốc-giáo như là một nhánh của Do-thái-giáo; cho nên họ không quan tâm tới những vụ kiện tụng về giáo lý hay giáo luật.

Bị đuổi ra khỏi toà (16), người Do-thái quá bẽ mặt, không biết làm chi hơn, chỉ có quay lại hà hiếp người chủ nhà hội, chắc lúc ấy đã tin nhận Chúa rồi, và đánh đòn ngay trước toà án. “Nhưng Ga-li-ôn chẳng lưu ý” (17).

Sự kiện ấy cho thấy vào thời điểm đó chính quyền La-mã không xem sự truyền giảng Tin-mừng là vi phạm luật pháp La-mã; rằng lúc ấy Phao-lô và nhóm tín hữu theo Đức Chúa Giêxu đã giành được một mức độ chấp nhận đáng kể trong xã hội tại Cô-rinh-tô. Có lẽ công chúng có thiện cảm với Phao-lô nhiều hơn vì những dấu kỳ phép lạ mà Chúa đã thực hiện qua tay Phao-lô để làm cho vững đạo, mà họ là những người được ích lợi.

Hội-thánh tại Cô-rinh-tô đã được thành lập trong bối cảnh nói trên; một Hội-thánh tuy rất nổi danh vì có nhiều thành viên, có mọi ân tứ của Đức Thánh Linh vận hành giữa Hội thánh, phong phú về mọi phương diện; nhưng cũng là một Hội-thánh có nhiều nan đề trầm trọng trong các vấn đề về thần học, quản trị và đạo đức, mà sau nầy Phao-lô phải chấn chỉnh rất vất vả.

SachCongVu35.docx

Rev. Dr. CTB