Nếp Sống Mới
Êphêsô 4:17–32
Sau khi khuyên nhủ về tình yêu thương lẫn nhau, sự hợp nhất và hoà thuận, sứ đồ Phaolô nói khái quát về nếp sống và tâm linh thanh sạch, thánh khiết của Cơ-đốc-nhân và đưa ra một số điều cụ thể. Ông nghiêm túc nói rằng: “Vậy, đây là điều tôi nói và long trọng công bố trong Chúa”(17) Nghĩa là qua những gì ông vừa trình bày, bởi thẩm quyền Chúa trao phó, ông khuyên anh chị em tín hữu hãy xem những điều ông sẽ nói là bổn phận của họ trong Danh Đức Chúa Giêxu Christ. Về tổng quát thì họ “đừng tiếp tục sống như dân ngoại nữa.” Những người chưa tin Chúa trong dân ngoại bị điều khiển bởi những sự hiểu biết về những chuyện phàm tục vô bổ, chẳng ích lợi gì cho linh hồn họ; đồng thời họ bị gạt gẫm bởi các thứ ham muốn của dục vọng và tin tưởng hão huyền vào các thứ thần thánh tưởng tượng. Vì thế tín hữu không thể sống như người ngoại đạo.
Họ xấu và sai lầm ra sao? “tâm trí họ viển vông, tư tưởng họ mờ tối” (18), dốt nát về sự hiểu biết Đức Chúa Trời, dù ánh sáng thiên nhiên vẫn dạy họ về Ngài; cho nên “xa lìa sức sống của Đức Chúa Trời, ngu dốt vì tấm lòng cứng cỏi.” Sự cố ý không muốn biết về Chúa khiến họ ngu dốt về các vấn đề tâm linh. Sự dốt nát ấy là kết quả của sự cứng cỏi và lì lợm trong lòng người chống trả mọi sự soi sáng và tri thức về sự thánh khiết thiên đàng; cho nên “họ đã lì, buông mình theo nếp sống phóng đãng, mải mê làm đủ điều ô uế.” (19) Họ sống buông thả và chiều theo mọi ham muốn ô uế của nhục dục, để cho nó cai trị hoàn toàn vì không ý thức nó là tội lỗi; cũng chưa biết hậu quả nguy hiểm và khốn khổ của nó ra sao. Thậm chí ngày nay có rất nhiều người lựa chọn tập tành cách sống và hành vi dâm dục trái tự nhiên, cực kỳ ghê tởm đối với những người có tâm trí bình thường. Khi lương tâm của người ta không còn nữa, thì không một giới hạn nào bị xem là tội lỗi đối với họ.
Những ai tự xưng là Cơ-đốc-nhân nhưng trong nếp sống, cách hành xử và lý sự chỉ để thoả mãn thứ nhục dục tục tĩu mà các tín hữu thật hết sức tởm lợm, thì những người ấy bị Kinh Thánh liệt vào giới ngoại đạo. Hãy xem lý luận của một số nhân vật chóp bu trong chính trường Hoa Kỳ hiện nay khi cho rằng vấn đề cấm đồng tính luyến ái trong quân đội Mỹ là sai. Nếu nó là sai, thì tại sao chỉ vài năm trước cũng trong cương vị đó họ không lên án, mà đợi đến khi khuynh hướng chính trị ấy có vẻ đang thắng thế trong xã hội ngoại đạo thì hùa theo? Những người nầy dù đã đi nhà thờ cả ngàn năm cũng là vô ích, chỉ kết thúc ở hoả ngục.
Con cái Chúa phải khác hẳn người chưa tin “phần anh em đã không học biết Đấng Christ theo cách ấy” (20). Những ai đã học biết về Đấng Christ thì đã được cứu khỏi sự tối tăm và ô uế; càng học biết Chúa chừng nào thì cách sống phải khá hơn người chưa học. Học biết Đấng Christ có nghĩa là học các giáo lý về Đức Chúa Giêxu và các luật lệ sống do Ngài dạy. “Vì nếu anh em đã thật sự nghe Ngài và được Ngài dạy dỗ, đúng theo chân lý trong Đức Chúa Giêxu.” (21) Được nghe giảng về các giáo lý của Chúa, được Đức Thánh Linh dạy dỗ và chỉ dẫn trong lòng. Các lời dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu được ghi lại trong Kinh Thánh để tín hữu có thể đọc, giống như được chính Ngài dạy. Giáo lý và đời sống của Ngài đã cho biết rõ chân lý trong Ngài là ra sao.
Phần thứ nhì của lời khuyên tổng quát khởi đầu bằng mệnh lệnh: “Anh em phải lột bỏ nếp sống cũ ……. và mặc lấy con người mới.” (22–24). Phaolô dùng áo quần làm ẩn dụ về việc vất cũ, mặc mới. Ông muốn nói về các nguyên tắc hành xử, các thói quen, và những thiên hướng trong hồn cần phải được thay đổi trước khi diễn ra sự thay đổi của đời sống được cứu rỗi. Sự thánh hoá diễn ra bởi hai điều,trước tiên là: “phải lột bỏ nếp sống cũ, là nếp sống hư hỏng bởi các dục vọng lừa dối.” (22) Bản chất đồi bại hư hỏng trong con người thừa hưởng từ tổ tiên tệ hại dần theo tuổi tác. Những điều ao ước và khuynh hướng tội lỗi là các dục vọng lừa dối, bởi vì chúng có vẻ hứa hẹn mang đến hạnh phúc, nhưng lại đem đến toàn là khốn khổ. Nếu không bị trấn áp và làm cho chết thì sẽ dẫn người bị lừa gạt đến chỗ huỷ diệt. Vì thế, những thứ đó phải bị lột bỏ như cái áo cũ dơ bẩn mà chúng ta xấu hổ không muốn mặc ra đường. Nó chính là các trạng thái và hành vi đã đề cập trong các câu trước.
Kế đến là “phải mặc lấy con người mới.” (24) Chỉ rũ bỏ cách sống hư hỏng, hành vi xấu thì chưa đủ, mà phải yêu mến, ưa thích thực hiện cách sống mới, ghi khắc vào lòng, tập tành làm điều tốt cho giỏi; vì thế “tâm trí anh em phải được đổi mới bởi Thánh Linh,” (23) tức là vận dụng những biện pháp mà Phaolô sẽ nói để có được tâm trí được đổi mới ngày càng hơn. Chỉ có quyền phép Đức Thánh Linh mới biến đổi được lòng chúng ta. Người mới tức là bản chất mới, tạo vật mới, hành động theo các nguyên tắc mới, dẫn tới đời sống mới, một nếp sống công chính và thánh khiết mà Chúa đòi hỏi. Người mới “được tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời, trong sự thánh khiết và thánh khiết của chân lý.” (24) Tức là được tạo giống như vẻ đẹp tuyệt mỹ, sự vinh quang, và hạnh phúc của Chúa.
Bây giờ Phaolô đề cập tới các điều cụ thể thực tiễn, vì các điều tổng quát khó tạo ảnh hưởng. Để có thể mặc lấy người mới, hành động và thực hiện các bổn phận của người mới ấy, tạo một sự thay đổi rõ ràng là: “phải từ bỏ sự dối trá, mỗi người hãy nói thật với người lân cận.” (25) Đối với người thế gian thì nói dối để được lợi hơn là nói thật mà bị tổn hại. Phần nầy trong người cũ phải bị cổi bỏ để có thể mặc vào sự nói thật của người mới. Con cái Chúa phải biết ghê tởm và ghét tánh nói dối, bởi vì “chúng ta là các chi thể của nhau” mắc nợ nhau về món nợ yêu thương. Nói dối là tội rất nặng, vì nó làm tổn thương cả cộng đồng tín hữu. Khi chúng ta vì một cớ công chính mà nổi giận, thì “khi giận, đừng phạm tội, đừng giận cho tới lúc mặt trời lặn.” (26) Khó có ai không nổi giận, và khi nổi giận thì khó giữ mức không phạm tội, mà để cho thịnh nộ bùng nổ. Vì vậy dù cớ giận có phải hoặc đúng cũng cần nhanh chóng dập tắt, “và đừng để cho ma quỷ lợi dụng.” (27) Sự căm giận mở cửa cho ma quỷ vào lòng tìm cách cai trị.
“Ai trộm cắp, đừng trộm cắp nữa.” (28) Trộm vặt ít khi xảy ra trong Hội Thánh, nhưng tánh gian lận để thủ lợi thì vẫn nhiều. Gây thiệt hại cho người khác cũng là hành động trộm cắp; vì thế “hãy chịu khó dùng tay mình làm ăn lương thiện để có thể giúp đỡ người đang túng thiếu.” Bần cùng sinh đạo tặc; cho nên sự giúp đỡ người túng thiếu làm giảm bớt ý nghĩ trộm cắp. Lười nhác và xấu hổ khi đi xin ăn là ngõ rộng dẫn đến hành vi ăn trộm. “Đừng nói một lời dữ nào, nhưng nếu cần, hãy nói lời lành xây dựng và đem ân điển đến cho người nghe.” (29) Lời dữ là lời nói ô uế, thô tục, độc địa, nguy hại, và truyền nhiễm, giống như miếng thịt bị hư thối vậy. Nó tồi bại ở miệng người nói và chủ tâm làm hư hỏng người nghe. Chẳng phải chỉ không nói lời dữ mà phải nói lời lành để xây dựng.
Một lần nữa Phaolô nhắc “hãy loại trừ khỏi anh em mọi sự cay đắng, thịnh nộ, giận dỗi, la lối, phỉ báng, cùng mọi thứ gian ác.” (31) Cay đắng, thịnh nộ, giận dỗi nghĩa là có một sự uất ức hung bạo trong lòng; la lối, phỉ báng là to tiếng nạt nộ, và lời nói tức tối doạ dẫm do sự cay đắng, giận dữ tự tuôn ra. Lời nói gian ác bộc lộ ý xấu nghịch người khác. Phạm những tội nói trên tức là “làm buồn Thánh Linh của Đức Chúa Trời.” (30) Ngài có thể lìa khỏi người phạm tội, ấn chứng cho ngày cứu chuộc bị cất đi thì không còn hi vọng được cứu.
“Ở với nhau cách nhân từ” hàm ý về nguyên tắc yêu thương trong lòng, và những sự biểu lộ bên ngoài của tình yêu ấy (32); “đầy dẫy lòng thương xót” là đối xử nhau bằng trái tim dịu dàng. Trong sự tiếp xúc, sinh hoạt, sẽ có những lúc xung khắc ý kiến; vì vậy, các con cái Chúa hãy bắt chước Ngài sẵn sàng tha thứ. Như Đức Chúa Trời vì Đấng Christ đã tha thứ tội lỗi của chúng ta, thì chúng ta hãy biết tha thứ lẫn nhau; những người đã được Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi, phải tập tành một tâm linh chân thành, sẵn lòng, vui vẻ tha thứ người khác. Nếp sống mới là một nếp sống đặt trên nguyên tắc yêu thương, siêng năng, và thánh khiết. Một nếp sống như vậy không làm hại ai, mà chỉ đem lại sự hoà hợp, vui vẻ, và biểu lộ được sự sống của Chúa trong lòng.
Epheso10.docx
Rev. Dr. CTB