Vấn Đề Ăn Đồ Cúng

1Côrinhtô 8:1–13

Trong đoạn nầy Phaolô trả lời tín hữu ở Côrinhtô về vấn đề đồ ăn đã cúng tế cho thần tượng, vấn đề tự cao về sự hiểu biết của mình, và sự hư vô của các thứ mà người ta cho là thần thánh, so với sự thực hữu tối cao của Đức Chúa Trời.  Vào thời sơ lập của Hội Thánh cũng giống như cách sống của xã hội Việt Nam thời Hội Thánh của Chúa chưa phát triển mạnh, tín hữu sinh sống giữa vòng những người thờ cúng tổ tiên và hình tượng.  Các thứ lễ lạt và cúng tế của người ngoại đạo thường là tiệc tùng, không phải chỉ để ăn riêng mà còn mời mọc bà con bạn bè cùng tham dự với họ.  Ở Côrinhtô thì thường tổ chức tại các đền miếu để thuận tiện cúng tế.  Một phần đồ cúng được đem biếu bạn bè, phần còn lại thì thuộc về các tế sư, là những người thỉnh thoảng đem thức ăn ấy bán ở chợ.  Hơn nữa, họ cũng có thói tục là đem cúng tế mọi thứ thức ăn trước khi ăn.

Khi con cái Chúa sống giữa những người thờ hình tượng và có những liên hệ quen biết vô số bằng hữu và hàng xóm, họ phải giữ mối liên hệ tốt với những người nầy và thỉnh thoảng ăn uống chung với họ.  Nếu thức ăn bày ra trước mặt là đồ đã cúng thì họ phải làm sao?  Hoặc nếu bị mời tới dự tiệc tại chùa miễu thì phải làm thế nào?  Qua hai câu 1–2, có vẻ như một số tín hữu ở Hội Thánh Côrinhtô nghĩ rằng họ có kiến thức giỏi về sự hư không của thần tượng, nghĩa là các thần mà người ngoại giáo thờ cúng là không có thật, nên đồ ăn đã cúng tế cho các loại thần ấy chẳng ảnh hưởng gì cả.  Phaolô nhắc nhở rằng: “Kiến thức sinh kiêu căng… Ai tưởng mình biết điều gì, người ấy chưa hẳn đã biết như đáng phải biết.”  Nghĩa là sự biết các thần tượng thì hư không là đúng, nhưng lạm dụng quyền tự do của mình trong sự ăn uống đồ cúng các thần tượng mà không nghĩ đến ảnh hưởng việc mình làm đối với những anh chị em tín hữu yếu kém đức tin hơn mình, khiến họ sa ngã, thì là tội lỗi.

Không phải những người sử dụng sự tự do của mình ăn uống đồ cúng là người duy nhất biết sự hư vô của thần tượng.  Người khác cũng biết rõ như vậy nhưng họ còn biết hơn nữa là họ phải giữ để không dùng tri thức mình làm anh chị em tín hữu bị vấp phạm.  Người tự hào về kiến thức của mình thường sinh kiêu căng; chẳng những đã không có lợi cho bản thân mà còn làm tổn hại đến anh chị em khác.  Tình yêu thương chân thật thì chăm lo cho anh chị em khác, cho lợi ích của họ nên “tình yêu thương xây dựng cho nhau” (1). Người hiểu biết nhiều nhất thì hiểu giới hạn của mình và sự bất toàn của tri thức loài người.  “Ai yêu kính Đức Chúa Trời” (3), thì bởi sự dạy dỗ của Ngài mà biết yêu thương láng giềng của mình. Vì Ngài dạy cho nên “Ngài biết người đó.” Ý nghĩa khác nữa là người nào yêu kính Đức Chúa trời thì sẽ vì Ngài yêu thương anh em mình và chăm lo cho phúc lợi của họ, người đó chắc được Chúa yêu thương nhiều.

Trong những câu tiếp theo Phaolô nói về sự hư vô của các thứ thần tượng.  Ngoài Đức Chúa Trời chân thật thì không có thần thánh cứu giúp nào khác. Các thứ tượng chạm, tạc, nắn, đúc đều chẳng có quyền lực gì; “thần tượng trong thế gian là không có thật” (4) có nghĩa là chẳng có thần tánh chi hết.  Chúng là các thứ thần do người ngoại đạo tưởng tượng, không có thật, chẳng quyền lực chi; cho nên, không xứng đáng cho các con cái Chúa ăn đồ cúng tế chúng nó.  Ngoại giáo tôn các thiên thể trong vũ trụ làm các thần, và cũng tôn những người đã chết là thần nữa để làm trung gian giữa người trên đất với các thần trên trời; phong những người ấy lên vị trí tối cao để thờ lạy, bỏ qua lời phát biểu của người đó nói rằng mình chẳng phải là thần thánh gì cả (5).

Chúng ta là con cái của một Chúa có thật thì biết rõ hơn người ngoại đạo là chỉ có một Đấng Tạo Hoá, là Đức Chúa Trời (6). Gọi Ngài là ‘Cha’ không phải để tách rời khỏi các thân vị còn lại của Ba Ngôi Đức Chúa Trời Thánh, nhưng để phân biệt với các loài thọ tạo do Ngài dựng nên; vì chữ Chúa Cha thỉnh thoảng được Kinh Thánh dùng để nói về Đức Chúa Trời.  Dù Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh cũng là Đức Chúa Trời trong Ba Ngôi, đồng đẳng, nhưng không phải là hai Chúa khác.  “Không phải mọi người đều ý thức được điều đó” (7).  Nghĩa là từ thời đó đến nay, không phải mọi Cơ-đốc-nhân đều biết rõ hoặc tin chắc rằng các thứ thần tượng là hư vô, không quyền lực.  Nghĩa là mặc dù họ đã quy đạo và xưng Phúc Âm là đạo chân thật duy nhất, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn loại trừ được chất men cũ, nên vẫn còn sự tôn trọng hoặc sợ hãi nào đó đối với các thứ hình tượng mà họ đã thờ lạy trước kia.

Những tín hữu yếu đuối nầy khi gặp cơ hội được mời ăn giỗ chạp, tiệc tùng lễ lạt ngoại giáo, “trước nay quen với ý niệm thần tượng” (7), thì họ ăn mà không biết tởm lợm, khinh thường hình tượng.  “Khi ăn các thức ăn, họ nghĩ là thức ăn ấy đã [tôn kính] cúng cho thần tượng [mà họ tin là có chút thần tánh, thì họ phạm tội thờ hình tượng, nên] lương tâm yếu đuối của họ bị hoen ố.” Chúng ta hãy rất cẩn thận đừng làm điều chi khiến lương tâm của tín hữu yếu đuối bị tổn thương. Phaolô khẳng định rằng thức ăn tự nó không làm cho người ăn trở nên thánh khiết hay thành tội lỗi (8); nghĩa là ăn hay không ăn thì chẳng có chút bản chất đức hạnh nào trong đó.  Phải ý thức rõ rằng việc kiêng cữ đồ ăn nào đó không làm cho người ta trở nên đặc biệt trước mặt Chúa; cho nên, các quan điểm, chủ trương về việc phải kiêng cữ không được phép ăn các loại thực phẩm nào đó là một lỗi lầm lớn, vì đã cố ý khinh thường lời khẳng định của Chúa: “Những gì được Đức Chúa Trời tẩy sạch, không được coi là ô uế” (Côngvụ 10:15).

Phaolô nhắc nhở đừng ai lạm dụng sự tự do của mình: “đừng để sự tự do của anh em làm cho người yếu đuối vấp ngã. Nếu có ai thấy anh em là người hiểu biết lại ngồi ăn trong đền miếu, lương tâm yếu đuối của người đó lại không khuyến khích họ ăn của cúng thần tượng sao?” (9–10).  Lương tâm yếu đuối có nghĩa là không biết rõ vấn đề, tưởng rằng hình tượng cũng có quyền lực, dạn dĩ ăn đồ đã cúng, không phải là thức ăn bình thường, thì phạm tội thờ hình tượng: “Như thế, vì sự hiểu biết của anh em mà một tín hữu yếu đuối, một người được Đấng Christ chết thay, phải bị hư vong” (11).  Ý của Phaolô muốn nói rằng hành động của người cho rằng mình hiểu biết tường tận về sự hư vô của thần tượng lại có thể làm cho những tân tín hữu, hoặc các tín hữu đã lâu năm mà không chịu học hành Kinh Thánh, có thể làm cho họ rơi vào tội thờ hình tượng, hoặc cũng có thể khiến họ lìa bỏ đạo thật của Chúa, quay trở lại ngoại giáo; thì hành động cậy hiểu biết của mình là hành động phạm tội nặng (12).

Chúng ta cần phải có ý thức rõ ràng về việc mình làm. Những người mà Đấng Christ đã chết thay để cứu chuộc họ bằng huyết quý báu của Ngài để họ không bị hư mất cũng giống như chúng ta đã được Ngài cứu chuộc vậy; họ phải trở thành những người anh chị em rất yêu dấu của chúng ta trong gia đình của Đức Chúa Trời.  Ai có Thánh Linh của Đấng Christ trong lòng, thì người đó sẽ yêu mến những người mà Chúa yêu thương, chăm lo cho phúc lợi tâm linh của họ, và sẽ tránh xa những gì làm họ bị tổn thương cách không cần thiết; lại còn cẩn thận hơn đối với những gì có thể khiến họ vấp ngã hay phạm tội.  Đức Chúa Giêxu xem những việc mà tín hữu làm tổn thương khiến người đã tin Chúa phạm tội trở lại, là phạm đến chính Ngài.

Vì chúng ta phải tránh không làm cớ cho người khác vấp ngã, giống như đặt một hòn đá vấp chân trên lối đi của người khác, thì sẽ cẩn thận làm theo gương của Phaolô.  Ông không nói rằng ông sẽ không bao giờ ăn nữa, nhưng nói rằng mặc dù cần phải ăn mỗi ngày để sống, nhưng thịt không phải là món cần thiết.  Vì vậy để không tạo dịp cho tín hữu khác vấp phạm, hễ còn sống bao lâu, ông sẽ kiêng cữ việc ăn thịt (13).  Có ý kiến dùng câu nầy để cổ võ cho sự ăn chay; thậm chí đi quá lố dẫn tới phong trào bảo vệ súc vật khỏi bị giết thịt làm thực phẩm, rồi phong trào bảo vệ môi trường sống của những loài bò sát hoặc thú dữ khỏi bị diệt chủng, vv.  Phaolô đã làm gương tại một xã hội mà mọi thứ thịt đều đã bị đem cúng tế trước khi bày bán ngoài chợ.  Ngày nay việc đó ít khi xảy ra; cho nên, chúng ta được tự do chọn thực phẩm mình ăn hàng ngày.  Chỉ cần lưu ý việc mình làm để xem có gây tổn thương cho người khác hay không mà thôi.

1Corinhto13.docx

Rev. Dr. CTB