Sự Sống Lại (1)

1Côrinhtô 15:1–34

Trong đoạn nầy, vị sứ đồ xác định và thiết lập giáo lý về sự sống lại của người chết, là điều mà một số tín hữu ở Côrinhtô kịch liệt chối bỏ (12). Nếu những người ngoại giáo bác bỏ sự sống lại vì nhiều lý do khác nhau, thì vẫn có thể hiểu được động lực của họ; nhưng tự xưng là Cơ-đốc-nhân, những người có niềm tin được khải thị, biết rõ về một sự thật rành rành, lại bác bỏ sự sống lại của người chết vào ngày tận thế, thật là điều đáng ngạc nhiên. Phaolô tin rằng đã đến lúc ông phải làm sáng tỏ thêm chân lý nầy. Ông bắt đầu tóm tắt về phúc âm mà ông đã giảng cho họ là sự chết và sống lại của Đức Chúa Giêxu Christ. Rồi dựa trên chân lý nầy làm nền tảng, ông cẩn thận xây dựng giáo lý về sự sống lại của người chết.

Ông nói rằng: a) đây là những điều ông luôn luôn giảng, b) là điều họ đã nhận bởi lòng tin, c) nó là điều duy nhất mà họ có thể hi vọng về sự cứu rỗi (1–2) bởi vì “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì dưới bầu trời chẳng có Danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12). Sự hi sinh của Đấng Cứu Chuộc chúng ta và sự chiến thắng của Ngài đối với sự chết, chính là nguồn của sự sống tâm linh và những hi vọng của chúng ta. Điều Phaolô muốn nhắc nhở là “nếu anh em cứ giữ vững lời tôi đã rao giảng, thì nhờ Tin Lành đó anh em được cứu rỗi, nếu không, anh em có tin cũng vô ích” (2).

Bây giờ Phaolô dùng Kinh Thánh để chứng minh cho điều ông muốn nói: “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta, đúng theo lời Kinh Thánh”(3, Êsai 53:4-6); “Ngài được mai táng, qua ngày thứ ba Ngài sống lại, đúng theo lời Kinh Thánh” (4, Ôsê 6:2 “Trong hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta tỉnh lại; ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy, chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài.”). Đây là sự xác nhận mạnh mẽ cho đức tin của chúng ta khi tìm thấy sự tương ứng của phúc âm với những lời tiên tri thời cổ xưa. Ông lại dùng lời chứng của những người tận mắt thấy, ngoài ông ra (5–6); “12 sứ đồ” là cách quen nói thời ấy, thật ra chỉ có 11 người, vì trước khi Chúa sống lại, Giuđa Íchcariốt đã thắt cổ tự tử chết. C. 7 là chỗ duy nhất trong Tân Ước đưa ra chi tiết Chúa hiện ra riêng cho Giacơ, là em ruột của Ngài, được gặp. Điều nầy rất đúng, vì trước đó Giacơ còn nghi ngờ anh mình (Giăng 7:5), nhưng sau nầy thì ông là một trong các trụ cột của Hội Thánh (Galati 2:9).

Như vậy, với số người tận mắt chứng kiến ở nhiều thời điểm khác nhau về Đức Chúa Giêxu sống lại và về trời, là các chứng cớ áp đảo chứng minh sự sống lại của Ngài từ kẻ chết. Phaolô là người được Chúa hiện ra cuối cùng (8). Một điều kiện căn bản để được công nhận chức vụ sứ đồ là phải tận mắt thấy Đức Chúa Giêxu (Công vụ 1:21–22). Ông tự nhận mình được Chúa hiện ra như một hài nhi sinh non trong Chúa, một lời phát biểu đầy khiêm nhường, ông cho mình là nhỏ nhất, vì ông là sứ đồ cuối cùng được Chúa chỉ định, dù ông không xứng đáng được gọi là sứ đồ “bởi lẽ ông đã bắt bớ Hội Thánh của Chúa” (9). Nhưng ở một chỗ khác thì ông quả quyết: “thiết tưởng tôi chẳng thua kém gì các sứ đồ có địa vị cao trọng nhất” (2Côrinhtô 11:5) vì các ân tứ, ân điển, sự phục vụ, và chịu khổ, thì ông không thua ai cả. Các con cái Chúa cũng có thể hãnh diện nói rằng “nhờ ân điển Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay” (10), nếu chúng ta biết đã được sanh lại.

Sau khi đưa ra các bằng chứng rành rành về việc Đức Chúa Giêxu đã sống lại từ kẻ chết, ông trở lại với lý luận của mình rằng không phải một mình ông rao giảng chân lý ấy, mà bất cứ sứ đồ nào khác cũng đã giảng như vậy; và đó là điều mà tín hữu ở Côrinhtô đã tin (11). Từ chỗ đó ông lý luận chống lại tà thuyết cho rằng không có sự sống lại của người chết (12). Một số người ở Cô –rinhtô cho rằng sự sống lại của kẻ chết là chuyện không thể xảy ra, vì đó là cảm nghĩ chung của những người theo ngoại giáo. Để chống lại điều nầy, Phaolô đưa ra bằng chứng không thể bác bỏ là Đấng Christ đã sống lại “Nếu người chết không sống lại, Đấng Christ cũng đã không sống lại” (13,16). “Nếu Đấng Christ đã không sống lại,… đức tin anh em cũng vô dụng” (14,17). Êphêsô 1:7 nói: “Trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha thứ tội lỗi…”

Nếu Đấng Christ đã đổ huyết, mạng sống Ngài bị cất đi không bao giờ phục hồi nữa, thì lấy bằng chứng nào chúng ta có trong Ngài để được xưng công nghĩa và có sự sống vĩnh cửu? Nếu Ngài vĩnh viễn ở dưới quyền sự chết, thì Ngài sẽ lấy gì để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực ấy? Hậu quả sai lầm nữa của tà thuyết nầy là “…những người đã qua đời trong Đấng Christ cũng hư vong” (18). Tin Chúa, sống chịu khổ, từ bỏ mọi thứ chỉ mong được bình an ở đời nầy, rồi chết đi chẳng hi vọng gì sẽ được sống lại, thì lòng tin và sự giữ đạo ấy khốn khổ biết bao (19).

“Nhưng bây giờ Đấng Christ đã từ cõi chết sống lại, Ngài là Người đầu tiên của những người chết sống lại” (20). Nguyên văn câu nầy ví sự sống lại của Đấng Christ như trái đầu mùa của mọi người đã chết trong niềm tin vào Ngài. Như Ngài đã chắc chắn sống lại, thì sự sống lại ấy ban sự bảo đảm rằng những người chết trong Ngài cũng sẽ sống lại. “…Nếu trái đầu mùa là thánh, thì cả đồng cũng thánh” (Rôma 11:16); và thân thể của Christ bởi đức tin được hợp nhất với Ngài, nhờ sự sống lại của Ngài bảo đảm. Đấng Christ không chỉ sống lại cho riêng Ngài mà là cái đầu của Hội Thánh sống lại. “..chúng ta tin Đức Chúa Giêxu đã chết và sống lại, chúng ta cũng tin Đức Chúa Trời sẽ đem những người đã qua đời trong Đức Chúa Giêxu đến với Ngài” (1Têsalônica 4:14).

Phaolô dùng biểu tượng tương đồng Ađam với Đấng Christ (21–22) để chứng minh bởi tội lỗi của Ađam mọi người đều phải chết; thì bởi sự sống lại của Đấng Christ, mọi người ở trong Ngài cũng sẽ sống lại. Nhưng thứ tự: “Đấng Christ sống lại trước nhất, rồi đến những người thuộc về Đấng Christ khi Ngài trở lại” (23). Những người thuộc về Christ sẽ sống lại vì có mối liên hệ với Ngài. Kế đó “Ngài sẽ trao vương quốc lại cho Đức Chúa Cha sau khi đã tiêu trừ mọi chủ quyền, mọi phó quyền, mọi thế lực. Vì Đấng Christ phải  cai trị cho đến khi Đức Chúa Trời đặt tất cả kẻ thù dưới chân Ngài. Kẻ thù bị tiêu trừ sau cùng là sự chết.” (24–26). Vì sự chết sẽ bị tiêu trừ, nên các thánh đồ được sống lại sẽ không chết nữa.

Đức Chúa Giêxu Christ là người và trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, nên Ngài có một vương quốc đã giao cho Ngài. Là người, Ngài phải được giao cho uy quyền; là trung bảo Ngài mang cả hai bản tánh nhân loại và thiên thượng để phục hoà loài người với Đức Chúa Trời. Quyền làm chủ đó sẽ giao lại cho Đức Chúa Cha sau khi Ngài đã trị phục hết mọi loài trên trời, dưới đất (27–28). Vấn đề “chịu báptêm cho kẻ chết” (29), thì có nhiều ý kiến về nghĩa của câu nói bí ẩn nầy, song đa số không hợp lý. Sự chết của một số người dự tiệc thánh cách cẩu thả (11:30) có thể làm cho một số người khác kinh sợ mà tin Chúa và chịu báp têm, như viên đề lao tin Chúa sau khi thấy động đất (Công vụ 16:29), thì gọi là báptêm cho người chết; hoặc vào thế kỷ đầu tiên, có tập quán sai trật là tín hữu chịu báp têm nhân danh và thay chỗ người mới quy đạo bị chết mà chưa có cơ hội chịu phép báp têm. Dù ý nghĩa nào, người Côrinhtô cũng hiểu ý của Phaolô.

Phaolô dùng bản thân để lý luận rằng nếu người chết không sống lại, thì ông chịu khổ để làm chi (30–32)? Về câu “tôi chiến đấu với các loài thú tại Êphêsô…” thì Nicephorus kể lại là Phaolô thật có bị bắt phải đánh nhau với sư tử, nhưng phép lạ đã làm cho sư tử đến gần mà chẳng hại gì ông. Nếu chuyện có thật, chắc Luca đã không bỏ qua. Ý kiến khác cho rằng ông nói về việc phải đối phó với đám đông cuồng nộ tại Êphêsô muốn phân thây ông mà thôi (Công vụ 19:24). Hơn nữa, Phaolô đã không nhắc việc nầy trong các chi tiết chịu khổ của ông (2Côrinhtô 11:24–27).

Ông khuyên tín hữu ở Côrinhtô cẩn thận đừng thân thiết với những người có lý luận sai trật (33). Ông bảo họ: “Hãy tỉnh táo, có tinh thần đúng đắn, đừng phạm tội nữa” (34), nghĩa là đừng để bị các lý luận tà ác dẫn dụ, nếu họ chịu suy nghĩ chín chắn. Ông quở trách thật nặng: “..có người không hiểu biết gì về Đức Chúa Trời cả. Tôi nói thế để anh em xấu hổ.” Làm một Cơ-đốc-nhân mà không biết gì về Đức Chúa Trời của mình, đúng là một điều vô cùng xấu hổ. Có rất nhiều người dốt đặc về Chúa vẫn lý luận bậy bạ, vì không có mối tương giao cá nhân với Ngài, thường nói ra trong những cuộc trò chuyện tại Hội Thánh hoặc ở nhà riêng. Hễ càng dốt nát chừng nào thì càng đưa ra nhiều lý luận, thắc mắc ngu dốt chừng nấy. Thuốc chữa bệnh dốt là chịu đọc, nghiên cứu Kinh Thánh mỗi ngày, để được Đức Thánh Linh ban cho sự khôn ngoan.

1Corinhto24.docx

Rev. Dr. CTB