Quỹ Cứu Tế và Lời Dặn Dò
1Côrinhtô 16:1–24
Đây là đoạn kết bức thư dài thứ nhất của Phaolô gửi cho tín hữu ở Côrinhtô; bắt đầu bằng huấn thị về việc dâng hiến đóng góp cứu tế các tín hữu nghèo khổ ở xứ Giuđê. Sự đóng góp nầy không phải là đòi hỏi của Phaolô, nhưng ông muốn họ làm theo thể lệ mà các Hội Thánh ở Galati vẫn làm theo sự dặn dò của ông (1); là vì “Tôi không muốn cho anh em chịu nặng nhọc để người khác được nhẹ …” (2Côrinhtô 8:13). Ông phải dùng gương các Hội Thánh xứ Galati để khơi trong họ tinh thần thi đua lòng rộng rãi làm điều nhân đức. Tín đồ của Đức Chúa Giêxu không nên để người khác vượt hơn mình về tinh thần phục vụ phát xuất từ tình yêu thương.
Cách thức thu góp là: “Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi người nên dành ra một khoản tiền, tuỳ theo lợi nhuận thu được” (2). Nghĩa là mỗi tín hữu lập một quỹ cá nhân dành cho công tác bác ái. Để dành tiền làm việc thiện là một việc mọi người nên làm (1Timôthê 6:17,18). Có một quỹ cá nhân sẽ giúp chúng ta không gặp khó khăn gì khi có việc bác ái phải đóng góp. Ai chưa tập điều đó trở nên một cách sống, sẽ bối rối khi đứng trước các nhu cầu cấp bách của anh chị em tín hữu, hay công việc nhà Chúa, mà mình không thể đóng góp như ý muốn. Một tinh thần sẵn sàng đóng góp tài chánh cho việc thiện luôn luôn là một đức tính đáng khen. ‘Tích tiểu thành đại’ vẫn là cách người ta vẫn thực hiện khi định làm việc lớn, mà không thể có ngay món tiền lớn. Hơn nữa, quỹ cá nhân dễ tự do sử dụng với tinh thần vui vẻ cho việc bác ái hơn quỹ chung. Việc dành dụm lại tuỳ theo thu nhập mà Chúa ban cho mình. Sự thịnh vượng của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời, vì thế sự bỏn xẻn thu góp cách ích kỷ, mà không biết ban cho, sẽ trở thành tai họa thay vì ơn phước.
Ngày đầu tuần lễ đã được Hội Thánh dành ra làm Chúa Nhật, ngày để con dân Chúa hội họp thờ phượng chung, ngày tâm trí nghỉ ngơi khỏi những lo toan trần tục. Vì thế, ngày đó tín hữu dễ nghĩ đến nghĩa vụ bác ái. Để dành dần cũng giúp cho khi Phaolô “đến sẽ không phải quyên góp.” Phaolô sẽ giao món tiền đó cho một phái đoàn người Côrinhtô đem đi (3). Nếu cần ông sẽ đi với họ (4). Dù nhiệm vụ của sứ đồ không phải là phục vụ ở bàn ăn, nhưng Phaolô sẵn sàng đi với họ khi có cơ hội làm việc phước đức.
Phaolô thông báo và giải thích mục đích ông sẽ thăm viếng Hội Thánh Côrinhtô. Ông đang ở vùng Tiểu Á, sẽ đi qua xứ Maxêđoan trên đường tới xứ Achai (8,19) để thăm viếng họ và có thể ở lại với họ qua mùa đông (5,6). Dù có một số người chống và coi thường ông, nhưng chắc chắn là ở Côrinhtô có rất nhiều người yêu mến, kính trọng vị sứ đồ đã sinh họ ra trong Đấng Christ (4:15) Nếu Phaolô ghé lại thì không phải chỉ ghé thăm vài ba ngày nghỉ chân, nhưng sẽ “lưu lại với họ một thời gian, nếu Chúa cho phép” (7). Dù Phaolô viết thư nầy dưới sự thần cảm của Đức Thánh Linh, nhưng ông vẫn không biết chương trình của Chúa dẫn dắt ông đi ra sao. Đưa đi có nghĩa là cung cấp đủ thứ cần dùng, an ủi, khích lệ, chứ không phải đưa tiễn bằng vài ba lời nói suông.
Phaolô cho biết lý do ông phải lưu lại Êphêsô vào lúc viết thư nầy đến lễ ngũ tuần (8): “Vì tại đây cánh cửa đang mở rộng cho tôi hoạt động, và cũng có nhiều người chống đối nữa” (9). Dựa vào chi tiết nầy và lời chào thăm của “các Hội Thánh Tiểu Á” (19), người ta có thể đoan chắc thư được viết từ Êphêsô. Kết quả lớn của Tin Mừng tạo thêm nhiều kẻ chống đối; sự chống đối càng nhiều càng làm tăng nhiệt tâm Phaolô truyền giảng và bênh vực Phúc Âm của Đức Chúa Trời.
Phaolô gửi gắm Timôthê cho Hội Thánh Côrinhtô, vì ông nhờ Timôthê đến để chấn chỉnh lại một số điều sai trật, cũng như chỉnh đốn tình trạng phe phái đang chống đối nhau tại đây. Sự kiêu ngạo rất khó tiếp nhận lời quở trách. Vì thế ông dặn “Nếu Timôthê đến, đừng để cho anh ấy e sợ gì cả khi ở với anh em, vì anh ấy cũng đang phục vụ Chúa như tôi. Đừng ai coi thường, nhưng hãy đưa anh ấy lên đường trở lại với tôi bình an” (10–11). Lời dặn dò nầy không thừa, vì Timôthê sẽ không làm chi cho Phaolô xấu hổ, nhưng với tuổi trẻ, và tình trạng kiêu căng đang lan tràn tại Côrinhtô, thì dễ có sự chống đối lời giảng dạy của Timôthê, cho rằng mục sư nầy quá trẻ để hiểu hết những vấn đề rắc rối. Người hầu việc Chúa trung tín chẳng những phải được tiếp đón tử tế mà còn phải được tiễn đưa với sự kính trọng và ân cần.
Mặc dù một phe ở Côrinhtô mượn danh Apollo để chống Phaolô (4:6), nhưng Phaolô không cản trở Apollo tới Côrinhtô đang lúc ông vắng mặt (12). Nghĩa là ông chẳng nghi ngờ gì về thái độ của Apollo. Người hầu việc Chúa trung tín không ganh tị, ghen ghét nhau, nhưng bàn luận với nhau vì lợi ích chung. Phaolô giục Apollo đi Côrinhtô để chứng tỏ lòng mình, còn Apollo không đi cũng để chứng tỏ lòng tôn trọng đối với Phaolô.
Bây giờ là những lời khuyên tổng quát: “Hãy cảnh giác, giữ vững đức tin, can đảm, và mạnh mẽ. Mọi việc anh em làm, hãy vì yêu thương mà làm” (13–14). Cơ-đốc-nhân thường xuyên ở trong tình trạng nguy hiểm. Muốn được an toàn thì phải hết sức cảnh giác, đứng vững vàng trên đức tin nắm chắc sự khải thị của Chúa, không bao giờ đầu hàng sự khôn ngoan của thế gian. Chỉ bởi đức tin vào Chúa mà chúng ta có thể giữ vững vị trí trong giờ bị cám dỗ. Vì đức bác ái là ân điển cao cả nhất (13:13), cho nên trong mọi việc con cái Chúa làm thì hãy làm vì tình yêu bác ái.
Cách đối xử với những người có công lao phục vụ vì Danh Đức Chúa Giêxu giữa vòng họ là điều cần phải được tôn trọng. Những người đầu tiên tin Chúa tại xứ Achai phải được tôn trọng vì họ bắt đầu phục vụ Chúa và anh chị em mình ngay từ lúc còn bơ vơ ít người. Đối với quan điểm thế gian thì những người nầy chỉ tốn kém thêm chứ chẳng được lợi gì hết. Gia đình Stephana là trái đầu mùa tại Achai. Họ đã hết lòng phục vụ, cung cấp mọi thứ cần dùng cho các thánh đổ (15). Đó là những người mà mọi người tin Chúa sau họ nên tuân phục, cũng như tuân phục những anh chị em đã vất vả làm việc với họ vì Danh Đức Chúa Giêxu (16).
Ba người đại diện cho Hội Thánh Côrinhtô đến thăm Phaolô để kể rõ ràng tình trạng hiện tại của Hội Thánh là một quyết định rất sáng suốt và hữu ích. Bởi vì không gì rõ ràng hơn là nghe sự tường thuật của những người chứng kiến mọi sự việc. Các tin đồn hoặc lời kể qua thư từ thường không đầy đủ và thiếu chính xác. Vì được biết rõ sự thật để có thể đưa ra những lời giải đáp đúng với nhu cầu, và những lời khuyên chính xác, Phaolô tin rằng khi tinh thần ông thanh thản sau khi đã bộc bạch hết những suy nghĩ, sự dạy dỗ và tình yêu thương của ông cho họ, thì tinh thần của tín hữu tại Côrinhtô cũng sẽ than thản. Tất cả là công lao chuyến đi của Stephanas, Fortunatus và Achaicus đến thăm Phaolô. Vì thế, tín hữu Côrinhtô “phải biết quý trọng những người ấy” (17,18)
Lời chào anh chị em tín hữu ở Côrinhtô từ các Hội Thánh vùng Tiểu Á gồm có Hội Thánh ở nhà của Aquila và Priscilla (vào lúc nầy có lẽ đang cư ngụ làm ăn tại Êphêsô), tín hữu của Hội Thánh Êphêsô và các Hội Thánh khác ở vùng Tiểu Á (19-20). Lời chào thăm của các Hội Thánh Cơ-đốc không phải là xã giao trống rỗng. Nó là những sự diễn đạt chân thành về thiện ý, về ước mong ân điển và phước lành từ Chúa đến cho anh chị em được chào thăm. Chào nhau bằng cái hôn thánh, trong sáng, là phong tục đẹp đẽ của những người thời ấy.
“Chính tay tôi, Phaolô, viết dòng chữ nầy chào thăm anh em” (21) là cách Phaolô xác nhận tính chân thực của các thư ông gửi đi. Toàn thể bức thư rõ ràng là do ông đọc cho ai đó viết, cuối cùng, ông mới viết lời chào thăm như là một chữ ký. Phaolô nghiêm khắc cảnh cáo những người không thật lòng kính mến Chúa, tức là những người chỉ theo đạo mà chưa biết ơn Chúa để kính yêu Ngài (22). Không kính mến ở đây có nghĩa là báng bổ Đấng Christ bằng sự từ chối các giáo lý của Ngài, cậy sự kiêu căng do tri thức và học thức loài người mà khinh thường thân thể Ngài, là Hội Thánh. Bị ‘nguyền rủa’ (Anathema) tức là bị sự rủa sả nặng và kinh khiếp nhất giáng cho. “Lạy Chúa xin hãy đến” theo nguyên ngữ Syriac là ‘Maranatha.’ Cuối cùng, Phaolô không quên bày tỏ tình thương yêu nồng nàn của ông cho Hội Thánh mà ông thành lập và gây dựng (23–24).
1Corinhto26.docx
Rev. Dr. CTB