Thư 1Têsalônica, bài 7

  Những Lời Khuyên Quan Trọng
1Têsalônica 5:12–28

Trước khi chấm dứt bức thư, sứ đồ Phaolô đưa ra nhiều lời khuyên quan trọng. Những lời ấy gần như đã trở thành giáo lý căn bản của Hội Thánh, mặc dù chỉ là những lời khuyên về cách đối xử với những vị lãnh đạo Hội Thánh địa phương (12–13), các thái độ phải có trong cuộc sống đạo
(14–22), và lời chúc phước vô cùng đặc biệt liên quan tới cả ba phần thân, hồn và linh của tín hữu
(23). Sở dĩ những câu ngắn ngủi trong phần cuối của thư tín nầy trở thành quan trọng, bởi vì nội
dung của từng câu súc tích cách thực hiện nhiều vấn đề căn bản, mà người đọc sau khi hiểu rõ sẽ áp dụng một cách có hiệu quả những vấn đề cần phải làm trong cuộc sống đạo mỗi ngày.
Cách đối xử với những người lãnh đạo tinh thần trong một Hội Thánh địa phương, mà đa số thành viên và các người được đặt vào cương vị lãnh đạo, đều là tân tòng, thì không phải là vấn đề đơn giản. Lúc vị sứ đồ còn ở giữa họ thì sự tôn trọng dành cho ông với những người cộng sự của ông có lẽ không gặp trở ngại. Bây giờ, khi ông đã đi rồi, chỉ còn các thành viên địa phương ở lại với nhau, biết nhau từ lúc mới tin Chúa, lại có người được vị sứ đồ cắt cử làm trưởng lão hoặc giám mục, để làm nhiệm vụ “hướng dẫn anh em trong Chúa và khuyên bảo anh em” (12), thì nảy sinh vấn đề uy tín và lòng tin cậy. Nhưng Phaolô khuyên họ bằng lời nài xin: “Chúng tôi xin anh em hãy quý trọng” những ấy bởi vì họ “làm việc khó nhọc vì anh em.” Những người không thấy nỗi khổ tâm, sự khó nhọc của người chăn bầy hay người giảng dạy, thì dễ đưa ra những lời phê bình vô tình hoặc đầy ác ý. Cái khó của một đầy tớ Chúa là giảng làm sao cho những người ngu dốt nhưng đầy tính kiêu căng vô lý, hiểu được những điều mà người bình thường hiểu dễ dàng.
Có thể các giám mục là những người đồng trang lứa hay tin Chúa đồng thời với thành viên Hội Thánh; nhưng khi vị sứ đồ được Đức Thánh Linh chỉ dẫn trao cho họ nhiệm vụ chăn bầy, thì vai trò và công việc của họ bắt đầu khác hẳn với các thành viên khác của Hội Thánh. Công việc của họ là “hướng dẫn” và “khuyên bảo,” nên họ cần được “hết lòng yêu kính …… vì công việc họ làm” (13). Lời khuyên “hãy sống hoà thuận với nhau” (13) phản ảnh nan đề mà những người lãnh đạo phải đối phó với những người không phục tùng họ. Vì lý do đó, việc giải quyết những vấn đề trục trặc trong Hội Thánh do những người ngỗ ngược gây ra không phải cứ dồn hết cho mục sư giải quyết. Phaolô kêu gọi những người khác trong Hội Thánh “hãy khiển trách những người ngỗ ngược, an ủi người ngã lòng, nâng đỡ người yếu đuối, kiên nhẫn với mọi người” (14). Nghĩa là sẽ hợp tác với nhau để cùng làm cho Hội Thánh vui vẻ, tăng trưởng trong tình yêu thương nhau. Vì nếu không khéo léo, sẽ sinh ra đủ thứ lộn xộn.  
Để có thể giữ hoà thuận thì “đừng ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn làm điều thiện cho nhau và cho mọi người” (15). Tâm lý trả thù và trả đũa người xúc phạm hay hãm hại mình thì vẫn luôn có trong mỗi người. Nhưng Đức Chúa Giêxu đã dạy: “Trong mọi sự, điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm cho người ta” (Mathiơ 7:12). Vì thế, lời khuyên của Phaolô là sự nhắc lại lời dạy của Chúa. Việc không nên lấy ác trả ác đã trở nên một luật đạo đức phổ biến ở nhiều vùng của thế giới: “Lấy oán báo oán, oán ấy chồng chất; lấy ơn trả oán, oán ấy tiêu tan.” Người đời còn biết như vậy, chẳng lẽ con cái Chúa không thể vượt cao hơn người trần gian sao?
Chỉ những ai có niềm vui thật của thiên đàng thì mới “vui mừng mãi mãi” được (16); nghĩa là cứ tiếp tục vui mừng. “Cầu nguyện không thôi” (17) là điều cần phải làm để duy trì sự vui mừng lâu dài. Lời khuyên nầy có nghĩa là cứ duy trì một tinh thần tương giao với Chúa trong tâm linh ở bất cứ hoàn cảnh nào. Vì cầu nguyện là tương giao trò chuyện. Thái độ cầu nguyện luôn không ngừng nghỉ sẽ giúp cho những công việc chúng ta làm hàng ngày được tấn tới, không bị cản trở, gia tăng lợi tức, và cũng tốt lành nữa. Nếu chúng ta giữ tinh thần cầu nguyện không bị gián đoạn, thì cũng phải biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh (18), “vì đó là cách Đức Chúa Trời muốn anh em sống trong Đức Chúa Giêxu Christ.” Nghĩa là vì Đức Chúa Trời đã chủ động phục hoà với chúng ta bằng cách ban chính Con Ngài, nếu chúng ta hiểu rõ điều đó thì sẽ cảm tạ Chúa luôn. Chúng ta “đừng dập tắt Đức Thánh Linh” (19), vì Ngài là Thần ân điển và nài xin sẽ giúp đỡ cho sự yếu đuối của chúng ta, Ngài trợ giúp chúng ta trong sự cầu nguyện và tạ ơn; nếu chúng ta dập tắt Ngài là dập tắt nguồn trợ giúp của mình. Điều nầy cũng chỉ ra rằng con dân của Chúa vẫn có thể dập tắt Đức Thánh Linh bởi thái độ vô ơn và vô tín. Người ta cũng có thể khinh dể những
lời tiên tri (20), do tâm trí dốt nát hay thái độ vô tín. Nếu những lời tiên tri đã ghi chép trong Kinh Thánh là không thể bị khinh thường, thì đây là lời Phaolô khuyên “đừng khinh dể những lời tiên tri” được nói ra bởi sự cảm thúc của Đức Thánh Linh từ thời Hội Thánh Tân Ước đến nay. Tuy vậy, không phải hễ lời nói tự xưng là lời tiên tri thì chúng ta phải đều phải tiếp nhận, “nhưng hãy thử nghiệm mọi sự, và giữ lấy điều tốt” (21). Nghĩa là chúng ta có bổn phận suy xét kỹ những lời nào cho là được Chúa cảm thúc nói ra, để nhận biết là bởi ý riêng của người nói, hay từ Chúa, và nếu biết rằng nó đến từ Chúa, vì nó tốt, thì chúng ta phải giữ lấy để suy gẫm và làm theo. “Hãy lánh xa điều ác, bất kỳ dưới hình thức nào” (22) là cách tốt nhất để không bị lừa dối bởi các thứ giáo lý giả nguỵ, hoặc đức tin bị lung lay. Lòng cưu mang điều ác dễ khiến cho tâm trí bị mắc phải những sai lầm chết người. Trái lại, lòng trong trắng và liêm chính sẽ khiến chúng ta dễ tiếp nhận chân lý và yêu mến sự thật. Vì vậy, chúng ta phải tránh xa điều ác, hoặc các điều có vẻ hình như ác hay tội lỗi. Ở đầu thư, sứ đồ Phaolô nói rằng ông vẫn luôn nhắc đến anh em ở Têsalônica trong khi cầu nguyện (1:2). Bây giờ thì lời cầu nguyện của ông là “Cầu xin chính Đức Chúa Trời bình an thánh hoá anh em hoàn toàn; và cầu xin cả tâm linh, tâm hồn và thân thể anh em đều được giữ gìn trọn vẹn, không chỗ chê trách, khi Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta đến” (23). Ông cầu xin cho họ được thánh hoá bởi chính Đức Chúa Trời bình an; chỉ có Ngài mới có thể thánh hoá chúng ta hoàn toàn, tức là không phải chỉ là sự thánh hoá cá nhân, nhưng tất cả đều được thánh hoá trong sự hoà thuận và hiệp nhất; đồng thời, cũng thánh hoá toàn thể ba thành phần: thân, hồn, linh từng tín hữu. Nhờ đó họ mới có thể được giữ gìn trọn vẹn. Khi công tác tốt đẹp của ân điển đã bắt đầu thì nó sẽ được tiếp tục. Và tất cả những người được thánh hoá trong Đức Chúa Giêxu Christ, sẽ được gìn giữ trọn vẹn cho tới ngày Ngài trở lại. Phaolô cầu xin và tin Chúa sẽ nhậm lời vì “Đấng kêu gọi anh em là Đấng thành tín, Ngài sẽ thực hiện điều đó” (24). Dù là sứ đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh, được Chúa sử dụng thực hiện công tác mở mang Vương-quốc của Đức Chúa Trời đạt đến rất nhiều thành công, Phaolô vẫn cần sự cầu nguyện, là sự cầu thay của thánh đồ khắp nơi: “Xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi” (25). Cầu nguyện cho nhau là vì các chi thể trong cùng một thân thể phải biết lo tưởng đến nhau; để bày tỏ tình yêu
thương huynh đệ; người hầu việc Chúa luôn cần sự cầu thay của nhiều người, vì là mục tiêu công kích của ma quỷ và mọi kẻ thù; nơi nào cầu nguyện nhiều cho mục sư của mình, thì mục sư ở đó càng được ơn Chúa để đem rất nhiều ích lợi đến cho Hội Thánh. Lấy tình yêu thương chân thành chào hỏi nhau (26) là nét đẹp của Hội Thánh Đức Chúa Trời. Thư tín từ các sứ đồ phải được đọc cho mọi người ở tất cả các Hội Thánh đều nghe (27). Một số nơi, một số tổ chức, và một số giáo hội vẫn có thái độ xem các tín đồ bình thường thuộc hạng thứ dân, là những người không đáng được biết những điều quan trọng. Ngày nay một số mục sư vẫn giấu giếm những sách hay và hữu ích, không cho tín hữu biết, để dành làm tài liệu soạn bài giảng trộ người chưa biết, để họ tưởng người đó tài giỏi. Cũng có nhiều người giấu, không muốn phổ biến cho tín đồ đọc sách của mục sư khác đã xuất bản. Tất cả chỉ vì tự ái, sợ thua kém. Câu chót của thư (28) là lời chúc phước sứ đồ: “Cầu cho anh em hằng hưởng được ân điển của Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta.”
1Tesalonica07.docx Rev. Dr. CTB