Thư 1Têsalônica, bài 01

  Chào Thăm
1Têsalônica 1:1–10

Khi trước, Têsalônica là một thành phố thị tứ của xứ Maxêđoan; bây giờ là Thessaloniki của vùng phía Bắc nước Hy-lạp. Theo các ký thuật của Bác sĩ Luca, sứ đồ Phaolô bị Đức Thánh Linh cấm không cho truyền đạo vùng phía đông Tiểu Á, và ban cho ông sự chỉ dẫn trong chiêm bao là ông phải sang truyền giáo cho xứ Maxêđoan (Công Vụ 16:6–12). Nhờ sự vâng lời của Phaolô, một Hội Thánh vững vàng đã được thành lập tại Philíp. Đức Chúa Trời đã sử dụng Hội Thánh nầy để trợ giúp tiền bạc cho sứ đồ Phaolô trong suốt các hành trình truyền giáo của ông (Philíp 4:15–18).
Nhân vụ bị bắt bớ đánh đòn tại Philíp, Phaolô và Sila đi đến Têsalônica để bắt đầu giảng đạo và thành lập một Hội Thánh ở đó; gồm cả người Do-thái lẫn những người thuộc dân ngoại đã quy đạo (Công Vụ 17:1–4). Dân Do-thái chống đối dùng bọn côn đồ để gây sự và làm rối loạn. Anh em tín hữu vội đưa Phaolô và Sila qua Berea. Sau đó Phaolô đến thủ phủ Athens, rồi Côrinhtô. Chính tại nơi nầy, Phaolô viết thư thứ nhất gửi cho Hội Thánh ở Têsalônica. Mặc dù thư nầy bị xếp sau các thư tín khác của Phaolô trong Kinh Tân Ước, nhưng thực ra nó là thư tín đầu tiên do ông viết để gây dựng các Hội Thánh thời ấy, có lẽ vào năm 51 A.D.
Đại ý của thư là lòng biết ơn của Phaolô đối với Chúa, vì Ngài đã cho ông giảng đạo thành công giữa người Têsalônica, và đức tin họ đã được thiết lập vững vàng. Ông khuyên giục tín hữu hãy sống đời thánh khiết, đồng thời tiết lộ những việc sẽ xảy ra khi Đức Chúa Giêxu trở lại tiếp rước Hội Thánh của Ngài. Ở ngay câu đầu, Phaolô đã nói rõ ông là tác giả của thư; dù ông có ghi thêm tên của Sinvanus (hay Sila) và Timôthê, để tỏ tính khiêm tốn đáng phục của ông, và cũng dành vinh dự cho những người hầu việc Chúa với ông nữa. Ông xác nhận Hội Thánh Têsalônica là “của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ” (1), chẳng phải của bất cứ ai khác. Đức Chúa Trời là ý niệm trung tâm của các tôn giáo trần gian nghĩ ra. Nhưng Đức Chúa Giêxu Christ là tác giả và trung tâm của tôn giáo được mặc khải. Do đó, có thể biết chắc rằng lòng tin của chúng ta vào Chúa của mình không phải dựa vào một niềm tin mơ hồ nào, nhưng tin vào ơn cứu chuộc đã được mặc khải. Lời chúc được “hằng hưởng ân điền và bình an” là dấu ấn của Phaolô trong các thư tín của ông.
Đức tin của tín hữu Têsalônica là lý do khiến Phaolô “lúc nào cũng cảm tạ Đức Chúa Trời … luôn luôn nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện” (2). Sự cảm tạ, ngợi khen được kết hợp với lời cầu nguyện. Điều khiến ông cảm tạ Chúa là “công việc anh em thực hiện nhờ đức tin, nỗi khó nhọc anh em chịu vì tình thương, sự kiên nhẫn của anh em vì niềm hi vọng đặt nơi Đức Chúa Giêxu Christ, Chúa chúng ta” (3). Ông nói rằng đức tin của họ đã rất nổi tiếng “Đạo Chúa từ anh em vang ra không những chỉ đến xứ Maxêđoan và Achai mà thôi, nhưng đức tin anh em đặt vào Đức Chúa Trời cũng được đồn ra khắp nơi, nên chúng tôi không cần phải nói thêm gì nữa” (8). Ân điển được ban cho vì họ: “được Đức Chúa Trời yêu mến, chọn lựa” (4). Điều vô cùng hạnh phúc là trong Đấng Christ “chúng ta được lựa chọn theo kế hoạch Đức Chúa Trời đã định trước, vì Ngài là Đấng làm mọi việc theo chương trình Ngài định lấy” (Êphêsô 1:11).  
Một lý do nữa mà Phaolô dâng lời cảm tạ Chúa vì anh em tín hữu tại Têsalônica là sự thành công của thánh vụ mình giữa họ “không phải chúng tôi chỉ nói suông, nhưng nói với quyền năng, với Đức Thánh Linh và với niềm tin quyết” (5). Những người theo đạo vì khả năng thuyết phục của bài diễn thuyết hùng hồn, thì đức tin họ sẽ không có nền tảng vững chắc như những người không chỉ tin qua lời nói, mà đã chứng kiến quyền năng chứng minh cho lời giảng về Đức Chúa Giêxu là từ Đức Chúa Trời đến, rồi đời sống được Đức Thánh Linh biến đổi tuyệt diệu sau khi đã đặt niềm tin quyết vào ơn cứu độ của Đức Chúa Trời. Nền tảng vững chắc ấy giúp cho người tin có đủ khả năng vượt qua những thách thức của mọi sự tấn công vào đức tin chân thành của họ. Nền tảng nầy là rất quan trọng đối với đức tin của chúng ta. Những giáo hữu có nếp sống đức tin bạc nhược, yếu đuối, không thể thắng nổi những sự cám dỗ, cũng như không giữ được lòng tin vào sự tốt lành hoặc sự thật về sự hiện hữu của Đấng Toàn Năng và ơn cứu độ từ Ngài đã đến cho thế gian, là những người theo đạo qua những bài diễn thuyết mà chưa từng thấy dấu kỳ, phép lạ do quyền năng Đức Chúa Trời thi thố. Hễ nơi nào Tin Lành được rao giảng cặp theo quyền năng, thì đó là dấu hiệu có Đức Thánh Linh đang hành động tại nơi đó. Và nếu không có Thánh Linh Đức Chúa Trời chứng thực bằng quyền phép của Ngài, thì chúng ta chỉ nghe một thứ văn tự chết. “Vì chữ làm cho chết, nhưng Thánh Linh ban sự sống” (2Côrinhtô 3:6).  
Tin Lành đã đến với người Têsalônica với rất nhiều sự bảo đảm. Sự bảo đảm đó được chứng minh qua quyền phép của Đức Thánh Linh. Họ được hoàn toàn thuyết phục bởi chân lý; vì lý do đó, những thứ lý thuyết hoài nghi hoặc sự chống đối muốn làm lung lay đức tin của họ là điều rất khó khăn. Đối với họ, Lời Chúa không giống như những quan niệm của các thứ triết thuyết đoán mò đầy hoài nghi, nhưng Lời ấy là đối tượng của đức tin và là sự bảo đảm chắc chắn. “Đức tin là sự bảo đảm cho những điều ta hi vọng, là bằng chứng của những điều ta chưa thấy”(Hêbơrơ 11:1). Niềm tin quyết của Phaolô và các bạn đồng hành của ông đã truyền được cho người Têsalônica, vì họ đã thấy cách sống của đoàn truyền giáo là hoàn toàn nhắm tới lợi ích linh hồn của họ.
Khi Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng của Ngài cho chúng ta thấy để tin cậy Ngài là Chân Thần, và Ngài ban Đức Thánh Linh cho chúng ta như lời Ngài hứa cho bất cứ ai tin Ngài cách chân thành, thì đó là bằng chứng chúng ta đã được Ngài chọn lựa và yêu mến (4). Bằng cớ nữa về thánh vụ thành công của Phaolô ở Têsalônica là “Anh em đã trở nên người bắt chước chúng tôi và bắt chước Chúa; mặc dù gặp nhiều khốn khó, anh đã tiếp nhận đạo Chúa với niềm vui của Đức Thánh Linh. Bởi thế, anh em đã trở nên một tấm gương sáng cho tất cả các tín hữu ở Maxêđoan và Achai” (6–7). Sứ đồ Phaolô đã làm gương trong cách sống của ông, để những người tin Chúa qua công tác truyền giảng của ông sẽ không bị vấp phạm, mà họ sẽ bắt chước ông và bắt chước Chúa mà họ chỉ nghe chứ chưa thấy “Anh em biết chúng tôi đã sống như thế nào khi ở với anh em: sống vì anh em” (5).
Tác động tuyệt vời của Lời Đức Chúa Trời trên tín hữu ở Têsalônica đã lan truyền bởi nhiều lời chứng của tín hữu từ Maxêđoan và Achai từng chứng kiến: “Chính anh em ở các nơi đó kể lại việc anh em tiếp đón chúng tôi, việc anh em quay về với Đức Chúa Trời, lìa bỏ các thần tượng để phục vụ Chân Thần, Đức Chúa Trời hằng sống” (9). Sự kiện những người trước đây thờ hình tượng, nay lìa bỏ các thần tượng để quay về với Đức Chúa Trời, đã được đồn ra khắp nơi; bởi sự kiện ấy là việc rất khó xảy ra. Đức tin làm biến đổi cách sống, thói quen với các truyền thống hư hoại cũ, trở thành nếp sống mới; cho nên được nổi tiếng ở khắp vùng Maxêđoan và Achai. Vì thế lời khen tặng của Phaolô không phải là quá lời. Đối với anh chị em tân tín hữu ngày nay cũng đã từ bỏ thần tượng giả dối, trở lại tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Chúa Trời hằng sống, là hành động đầy can đảm giữa một cộng đồng quyết chí giữ các truyền thống sai trật của họ, là hành động rất đáng khen ngợi. Anh chị em đã lập quyết định đúng và phước hạnh cho chính mình và gia đình.
Sự từ bỏ các thứ thần tượng giả dối không phải là theo một đạo mới, nhưng để nhắm mục đích “chờ đợi Con Ngài từ trời trở lại, là Con mà Ngài đã khiến sống lại từ cõi chết, tức là Đức Chúa Giêxu, Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ đang xảy ra” (10). Sự chờ đợi Đấng Cứu Thế trở lại tiếp rước Hội Thánh Ngài là đặc điểm độc đáo chỉ Cơ-đốc-giáo mới có. Các giáo chủ đạo lạc đều đã chết, không thể sống lại. Các tôn giáo ấy không có hi vọng nào giống như chúng ta. Niềm tin và hi vọng của chúng ta không hão huyền. Tất cả dấu hiệu thời đại đang chứng minh rằng mọi lời hứa của Kinh Thánh đều ứng nghiệm. Chúng ta sẽ được cứu thoát khỏi sự trừng phạt trong cơn đại nạn sẽ đổ xuống khắp thế gian, vì tội lỗi của người không tin.
1Tesalonica01.docx Rev. Dr. CTB