Thư 1Têsalônica, bài 2
Phong Cách Người Truyền Giáo
1Têsalônica 2:1–20
Sứ đồ Phaolô nhắc cho tín hữu ở Têsalônica nhớ lại phong cách truyền giáo của ông là hoàn toàn chân thật, ngay thẳng và đẹp lòng Đức Chúa Trời. Việc ông đến Têsalônica vào những năm trước, nay nhìn lại thì “việc chúng tôi đến với anh em không phải là vô ích,” và chính họ cũng biết như thế (1). Họ cũng biết rõ việc Phaolô và Sila bị đánh đòn và bỏ tù oan tại Philíp (Công Vụ 16:16–24); và họ cũng đã thấy những người Giuđa ở Têsalônica kịch liệt chống đối Phaolô ra sao
(Công Vụ 17: 5–8). Phaolô tin rằng việc ông có thể dạn dĩ truyền giảng Tin Mừng là nhờ Đức Chúa Trời giúp đỡ (2). Mục tiêu của tinh thần truyền giảng của Phaolô là để Đức Chúa Trời vui lòng, và Ngài đã xét thấy điều đó, nên Ngài giúp đỡ cho Phaolô có thể giữ được lòng trong sạch giữa nhiều khó khăn và chống đối (3–4). Nguyên nhân truyền giảng thành công của Phaolô cũng phát xuất từ động lực ngay thẳng và trong sáng của ông. Nhờ đó, Tin Lành đã được rao giảng có kết quả, và ơn cứu rỗi đã đến với người Têsalônica. Việc Phaolô đến đó thật không vô ích.
Giảng đạo là làm công tác quản lý các lẽ huyền nhiệm của Đức Chúa Trời, và “điều kiện đòi hỏi ở người quản lý là phải trung thành” (1Côrinhtô 4:1–2). Đức Chúa Trời là Đấng biết rõ mọi suy nghĩ của lòng người; cho nên, Phaolô nói rằng: “Như anh em biết, không bao giờ chúng tôi dùng lời xu nịnh hay viện cớ để che đậy lòng tham, có Đức Chúa Trời chứng giám” (5). Phaolô quyết lòng tránh không dùng thuật diễn thuyết, hay những lời nịnh hót hứa hẹn hi vọng hão huyền cho người nghe. Cũng không lợi dụng thánh vụ mình làm chiếc áo choàng che đậy lòng tham, nghĩa là không sử dụng Tin Lành như một phương tiện làm giàu. Ngày nay, những người trở nên giàu có nhờ thánh vụ phải luôn luôn đối diện với những sự cám dỗ khó chống lại và những hiểm nguy rình rập trên đường đời. Không ít người đã sa ngã, rồi bị loại trừ khỏi chức vụ thánh. Sứ đồ Phie-rơ đã cảnh báo “đã có những tiên tri giả … sẽ có những giáo sư giả xuất hiện giữa anh em, …… Bởi họ tham lam, nên sẽ dùng lời gian trá trục lợi anh em” (2Phierơ 2:1, 3).
Một mối hiểm nguy khác vẫn rình rập quanh những người truyền giảng Tin Lành, ấy là danh vọng hão. Rất nhiều người đã sập bẫy danh vọng. Điều đó hầu như là một miếng mồi khó từ chối đối với vô số người. Tự khen ngợi, tự khoe khoang thành tích của mình là dấu hiệu đã bị lọt bẫy. Phaolô nói: “Không bao giờ chúng tôi tìm cách để được một người nào tôn trọng, dù là anh em hay người khác, tuy chúng tôi có quyền đòi hỏi được tôn trọng, vì là sứ đồ của Đấng Christ” (6). Như ông đã khuyên tín hữu ở Galati “Chớ tìm kiếm hư danh mà khiêu khích và ganh ghét nhau”
(Galati 5:26). Một sứ đồ được Chúa ban cho uy quyền và quyền phép đặc biệt như Phaolô, đối với những thành tích chịu đựng được biết bao nhiêu tai hoạ, nhục nhã, chống đối do kẻ thù gây ra mà vẫn tiếp tục hăng hái truyền giảng Tin Mừng, thì sự tôn trọng dành cho một vị sứ đồ kiệt xuất là rất phải lẽ. Nhưng phẩm cách ưu việt của Phaolô là không tìm cách để được ai tôn trọng.
Ông nhắc đến tính dịu dàng trong cách hành xử của ông: “Chúng tôi cư xử cách dịu dàng với anh em, như người mẹ chăm sóc con mình”(7). Sự thành công lớn lao của Phaolô là từ nguyên do đó mà ra. Bởi vì một người có quyền hành xử đầy quyền uy, nhưng lại cư xử rất dịu dàng, chứng tỏ tôn giáo mà người ấy rao giảng rất đáng được quan tâm. Đồng thời, cách cư xử ấy phù hợp với đức nhân từ của Đức Chúa Trời đối với người phạm tội được bày tỏ ra qua Tin Mừng, hành động không trái ngược với lời giảng. Sự cư xử dịu dàng thân mật khác hẳn với hành vi xu nịnh. Với trí óc con người, lời Chúa là đầy uy quyền, không thiên vị ai. Nhưng nếu được truyền giảng bằng sự dịu dàng, thì người ta thấy vui thích trong quyền năng đó. Phaolô đã khuyên Timôthê rằng: “Đầy tớ của Chúa không được tranh chấp, nhưng phải hoà nhã với mọi người, khéo dạy dỗ, kiên nhẫn” (2Timôthê 2:24).
Phaolô bày tỏ tính cách dịu dàng và tốt lành của ông bằng vài cách. Trước hết là quý mến họ cách đặc biệt. Kế đó là “vui lòng chia sẻ cho anh em Tin Lành của Đức Chúa Trời,…và cả mạng sống (linh hồn) chúng tôi nữa” (8). Nghĩa là để mang phúc âm đến cho người Têsalônica, Phaolô sẵn sàng lao vào chỗ nguy hiểm, tức là đưa linh hồn hay sinh mạng mình vào một cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy và bất trắc. Ông sẵn sàng xả thân hoặc bị xả thân để phục vụ linh hồn của những người khác. Khi nói “vì anh em đã trở nên rất thân thiết với chúng tôi” (8), có nghĩa là ông dành một tình yêu rất lớn đối với họ. Thứ ba là làm việc ngày đêm không làm phiền luỵ bất cứ người nào mà ông đã giảng Tin-Mừng cho: “Hẳn anh em còn nhớ nỗi vất vả khó nhọc của chúng tôi: trong khi truyền giảng Tin–lành của Đức Chúa Trời cho anh em, chúng tôi còn ngày đêm làm lụng để khỏi phiền luỵ một người nào trong anh em cả. Anh em là nhân chứng, và Đức Chúa Trời chứng giám: chúng tôi ăn ở cách thánh khiết, công minh, và không chỗ chê trách giữa anh em là những tín hữu” (9–10).
Chúng ta hiểu không phải Phaolô chỉ lo làm lụng kiếm tiền nuôi thân, không còn thì giờ cho thánh vụ. Có lẽ ông đã hi sinh thời gian ngủ nghỉ để may trại, lấy tiền công tự cung cấp các nhu cầu của bản thân. Một gương mẫu về siêng năng vì sự cứu rỗi linh hồn người khác. – Không phải chỉ truyền giảng Tin-mừng, Phaolô còn làm nhiệm vụ của một người chăn bầy gương mẫu: “Anh em biết, chúng tôi đối xử với mỗi người trong anh em như cha với con: khích lệ, an ủi, giục giã anh em sống xứng đáng cho Đức Chúa Trời, Đấng kêu gọi anh em bước vào vương quốc và vinh quang của Ngài” (11–12). Gương mẫu nầy dạy chúng ta ngày nay không phải chỉ là thiện lành đối với sự kêu gọi chung của Chúa cho chúng ta làm con cái Ngài, nhưng còn phải là thiện hảo trong những sự kêu gọi đặc biệt mình nhận được và trong những mối liên hệ với các anh chị em trong đức tin. Trong lời tâm tình với các trưởng lão Hội Thánh, Phaolô nói: “Tôi chẳng bao giờ bỏ qua điều gì có ích cho anh em mà không truyền dạy. tôi đã dạy dỗ anh em nơi công cộng cũng như tại các tư gia” (Công Vụ 20:20).
Thành công của Phaolô là “khi anh em đón nhận lời Đức Chúa Trời do chúng tôi rao giảng, anh em không đón nhận như lời của loài người, nhưng như lời của Đức Chúa Trời…là lời quyền năng tác động trong lòng anh em” (13). Vì lý do đó mà ông “không ngớt cảm tạ Đức Chúa Trời.” Lời Chúa tác động trên tín hữu Têsalônica khiến họ “theo gương các Hội-thánh của Đức Chúa Trời tại xứ Giuđê, những Hội-thánh trong Đức Chúa Giêxu Christ, vì anh em đã chịu những nỗi đau khổ do đồng bào Do-thái gây ra, cũng như các Hội-thánh xứ Giuđê chịu” (14). Những việc mà người Do-thái đã làm từ thời các tiên tri đến Đức Chúa Giêxu, và các Hội-thánh của Ngài sau đó (15–16), “đã làm cho tội lỗi mình đầy ắp. Và cuối cùng, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng xuống trên họ.” Chống trả công việc của Đức Chúa Trời đã đem đến hậu quả tai hại biết bao.
Viết thư nầy, Phaolô cáo lỗi về sự vắng mặt của ông đã lâu không ghé qua thăm anh chị em tín hữu tại Têsalônica. Mặc dù từ Côrinhtô, nơi ông viết thư, tới Têsalônica không xa lắm, nhưng công việc của thánh vụ khiến ông không đến thăm như mong ước mà ông nói là “chúng tôi càng nôn nóng mong lại được gặp mặt anh em;” ý đó chứng tỏ “tuy xa mặt nhưng không cách lòng”
(17). Người ta có thể chủ động làm công việc của mình, nhưng không thể làm chủ thời gian như họ mong muốn. Phaolô nói rằng “Chúng tôi muốn đến thăm anh em – riêng tôi – Phaolô, đã định đi nhiều lần – nhưng satan cản trở chúng tôi” (18). Có lẽ rằng kẻ thù đã khuấy động ở những nơi cần sự có mặt của Phaolô, khiến ông phải tới đó, làm cho những lần dự định tới thăm Têsalônica phải bị đình hoãn.
Khi nói rằng tín hữu ở Têsalônica là “niềm hi vọng, niềm vui, mũ miện vinh hiển của chúng tôi trước mặt Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta khi Ngài trở lại” (19), thì ý của Phaolô là muốn tỏ lòng yêu thương sâu đậm dành cho những thành quả truyền giáo và gây dựng của ông, Phaolô lại nhấn mạnh: “Thật chính anh em là vinh hiển và niềm vui của chúng tôi” (20).
1Tesalonica02.docx Rev. Dr. CTB