Các Bổn Phận của Tín Hữu

Rôma 12:1–2

Bất cứ đặc ân, đặc quyền nào cũng có nhiệm vụ đi kèm theo.  Vì vậy, muốn hưởng và duy trì đặc quyền đặc ân mãi thì phải biết rõ các bổn phận ấy là gì. –  Nền tảng các tập quán hành xử của nếp sống Cơ-đốc-nhân phải được đặt trên đức tin và kiến thức Cơ-đốc.  Có nghĩa là Cơ-đốc-nhân  cần hiểu rõ cách thức và ý nghĩa của việc mình đã tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ làm Chủ đời mình như thế nào trước đã, rồi mới có thể biết rõ hơn về cách thức bước đi trong Ngài.  Các đoạn 4, 5, 6, 7, 8 của thư Rôma đã trình bày các giáo lý căn bản của Cơ-đốc-giáo. Các đoạn 9, 10 & 11 cho biết về việc các dân ngoại bang được nhập vào gia đình của Đức Chúa Trời bởi chương trình khôn ngoan tuyệt vời của Ngài. Ai đã hiểu rõ các đoạn trước, thì sẽ có thể hiểu và áp dụng những lời khuyên và mệnh lệnh về nếp sống tín đồ từ đoạn 12 trở đi.  Đoạn 12 nói về ba nguyên tắc chủ đạo của bổn phận Cơ-đốc-nhân: Bổn phận đối với Chúa, bổn phận đối với bản thân, và bổn phận đối với các anh chị em tín hữu khác.

Bổn phận đối với Chúa là sống đời tin kính; nền móng vững chắc của đời sống tin kính đó là hoàn toàn phục tùng Chúa, phục tùng là trao đời mình cho Ngài làm chủ. Quyết định ấy trở thành động lực giúp chúng ta có thể vâng lời Chúa và thi hành mọi bổn phận.  Phaolô có thể dùng thẩm quyền sứ đồ để dạy bảo và ra lệnh, nhưng xuất phát từ tình yêu của Chúa, ông nài khuyên mọi tín hữu hãy “dâng thân thể mình làm sinh tế sống…” (1).  Dâng thân thể là hiến dâng tất cả những gì thuộc con người mình.  Đây là nghĩa bóng về các lễ nghi dâng sinh tế trong đền thờ ngày xưa của dân Israel.  Có hai loại tế lễ: sinh tế chuộc tội và sinh tế hoà thuận.  Đức Chúa Giêxu Christ đã là sinh tế chuộc tội một lần đủ cả cho toàn nhân loại; vì vậy, sự dâng thân thể của chúng ta làm sinh tế sống là loại sinh tế hoà thuận để tôn kính Đức Chúa Trời.

Trình dâng thân thể cho Chúa có ngụ ý không phải chỉ là tránh các tội lỗi do thân thể phạm hay nghịch lại thân thể, mà là dùng thân thể làm đầy tớ cho tâm linh để phục vụ Chúa, vinh danh Ngài bằng thân thể mình (1Côr.6:20), dùng thân thể tham gia vào các nhiệm vụ thờ phượng, đáp ứng sự kêu gọi đặc biệt, và sẵn sàng chịu khổ khi cần. Sinh tế sống là sự đầu phục của các chi thể trong thân khiến chúng trở nên những dụng cụ để thân phục vụ sự công chính.  Không phải giống thời xưa, các con thú tế lễ phải bị giết trước khi dâng trên bàn thờ theo quy định của luật pháp, sự dâng thân thể của chúng ta ngày nay là nhường cho Đấng Christ đến làm Chủ tâm linh chúng ta, khiến nó trở thành sinh tế sống (Gal. 2: 20). Không phải chỉ là sống mà phải thánh nữa.  Sự thánh khiết bao gồm sự hoàn toàn chính trực của tấm lòng và cách cư xử, bắt chước theo bản chất và ý chỉ của Đức Chúa Trời; thậm chí không thể cho phép thân thể phạm tội hoặc làm những hành vi ô uế, mà chỉ dành cho Chúa sử dụng việc thánh khiết.

Có ba lý do phải làm như thế: 1) Bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời: Có sự thương xót ở trong Chúa và sự thương xót đến từ Chúa.  Sự thương xót ấy đã được bày tỏ ra khi Chúa chuyển ân huệ mà người Dothái từ bỏ sang cho chúng ta là các dân ngoại (Êph.3:4–6).  Khi chúng ta nộp thân thể mình cho Ngài thì Ngài sẽ sử dụng cách nhân từ. Ngài biết tính mong manh của thân thể loài người.  Bởi sự thương xót ấy mà chúng ta không bị trừ diệt và tâm linh ta được nhận sự sống mới. Thương xót là khi Đấng Christ đã dùng chính thân thể và linh hồn Ngài để hi sinh chuộc tội cho chúng ta. 2) Điều đó được Đức Chúa Trời đẹp lòng: Mục tiêu cuối cùng lớn nhất của con cái Chúa là được Ngài hài lòng (2Côr.5:9); Chúa đẹp ý về việc dâng thân thể làm sinh tế sống hơn là các tế lễ đắt tiền của kẻ ác bị Chúa xem là tởm lợm. 3) Ấy là sự thờ phượng phải lẽ: phải biết thờ phượng Chúa bằng tâm linh và sự thông hiểu. Lời của Chúa không loại bỏ thân thể trong việc thờ phượng thánh. Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta là các tạo vật có lý trí biết đáp ứng lại tình yêu của Ngài và hiểu biết chính mình.  Vì thế, chúng ta phải biết trình dâng thân thể mình cho Chúa bằng cách bày tỏ qua các hành động thờ phượng.

“Đừng đồng hoá với đời,” (2) có nghĩa là đừng bắt chước làm theo những gì người đời hành xử.  Người trong xã hội ngày nay thường hùa theo số đông sai quấy.  Những điều đa số người ưa thích không có nghĩa là điều đó đúng hoặc tốt.  Điều có quyền làm cách hợp pháp theo luật pháp loài người không có nghĩa là điều ấy đúng hoặc nên làm. Về mặt đạo đức loài người còn như thế, đạo đức của con cái Chúa còn phải tốt hơn nhiều.  Không được đồng hoá với các sự mê tham của xác thịt và của mắt.  Khi người chưa tin Chúa rủ rê, mời mọc, chúng ta không nên đồng lòng với họ.  Cũng không bắt chước những phong tục, tập quán, ý thích sai trật của xã hội ngoại giáo, hay nhắm tới những sự ưa chuộng của thế gian làm cứu cánh đời sống chúng ta.  Mục đích của quyết tâm không đồng hoá là để ‘được biến hoá nhờ tâm trí đổi mới.’ Sự quy đạo và sự thánh hoá là sự đổi mới của tâm trí, tấm lòng, tinh thần, thiên hướng, cảm thông, và cả ý thích; sự hiểu biết được soi sáng, lương tâm mềm mại, và ý nghĩ chính trực.  Tâm trí chính là phần cai trị các hành động của chúng ta; vì thế, sự đổi mới tâm trí là đổi mới toàn diện con người.  Tiến trình thánh hoá, sự gia tăng ý chí quyết tâm chết đối với tội lỗi là phương tiện thực hiện công tác đổi mới nầy, nó sẽ hoàn tất khi chúng ta bước vào cõi vinh quang.  Biến hoá có nghĩa là như vậy.

Mục tiêu của việc không ‘đồng hoá với đời, nhưng được biến hoá nhờ tâm trí đổi mới’ ấy là hầu cho chúng ta “có thể thử nghiệm để nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời, điều gì là tốt, trọn vẹn và đẹp lòng Ngài.”  Ý muốn của Đức Chúa Trời là chúng ta phải hiểu ý chỉ đã được khải thị của Ngài về các nhiệm vụ của mọi tín hữu, những gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta; là ý muốn chung của Ngài, kể cả sự thánh hoá của chúng ta đã được trình bày trong Tân Ước; khi Ngài dùng chính Con Ngài để phán bảo chúng ta vào thời đại cuối cùng của thế giới (Hêbơrơ 1:2).  Những gì Ngài đã đòi hỏi các thiên sứ phải thi hành trên thiên đàng, thì Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải thi hành trên đất, để ý muốn của Ngài phải được thành tựu ở trên đất như đã thành tựu ở trên trời vậy.

Trước hết, chúng ta cần biết điều gì là tốt theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều tốt thì tự nó là thiện và tốt cho chúng ta.  Michê 6:8 chép “Hỡi người!  Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giêhôva đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công nghĩa, ưa sự nhân từ, và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” Ba sự đòi hỏi nầy tự nó là thiện và tốt cho người nào thực hiện nó.  Điều tốt trái ngược với điều ác.  Không phải chỉ là tốt, mà còn phải trọn vẹn và đẹp lòng Chúa nữa.  Trọn vẹn có nghĩa là đã đủ, không cần phải thêm gì vào nữa. Ý muốn đã được khải thị của Chúa là luật lệ đầy đủ cho đức tin và cách hành xử.  Nó chứa đựng mọi điều có thể làm cho con người trở nên hoàn hảo, người được chuẩn bị để làm mọi việc lành.  Tiếp đến việc biết điều gì là tốt, trọn vẹn và đẹp lòng Chúa còn có nghĩa biết qua sự thực hành, không phải chỉ là tri thức.  Nhận biết sự tuyệt vời của ý muốn Chúa qua kinh nghiệm và làm theo.  Như Phil. 1:10 nói rằng “để anh em thử nghiệm cho biết điều gì là tuyệt hảo.”  Đó là nhanh chóng hiểu biết sự kính sợ Đức Chúa Trời sẽ đem đến lợi ích vĩnh cửu.

Thứ ba là người nào có khả năng thực hiện giỏi nhất những gì là tốt, trọn vẹn và được chấp nhận là đẹp ý Đức Chúa Trời, ấy là người đã được biến hoá bởi sự đổi mới của tâm trí.  Như Đức Chúa Giêxu đã phán ở Giăng 7:17 rằng “Nếu ai chịu làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì sẽ biết đạo lý của Ngài.” Người tự cho mình là khôn ngoan thường tranh cãi, lý luận về ý muốn của Đức Chúa Trời; trong khi đó một người thành thật, khiêm nhường, các giác quan thuộc linh được luyện tập và vận dụng, sẽ ưa thích và áp dụng Lời của Đức Chúa Trời trong nếp sống hàng ngày, và tâm trí ngày càng được đổi mới nhiều hơn, trở nên khôn ngoan hơn, nhạy bén hơn trong nhiều lãnh vực của đời sống.  Những người ấy được Chúa chỉ dẫn, khải thị những điều mầu nhiệm, bởi vì chỉ họ mới có khả năng hiểu những điều mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.  Lợi ích của đổi mới tâm trí theo ý muốn của Chúa là vô cùng vô tận, vượt xa điều chúng ta có thể mơ tưởng.

BHKTRoma12a.doc

Rev. Dr. CTB