Bổn Phận Tín Hữu

Rôma 13:1–14

Trong đoạn nầy, Phaolô chỉ dẫn các con cái Chúa về bổn phận người dân đối với nhà cầm quyền, tức là đối với những người đang có quyền cai trị; thật ra, không phải là đối với cá nhân người cầm quyền, nhưng là đối với chức vụ của từng cấp chính quyền trong xã hội.  Mặc dù có thể những người đang ở trong các chức vụ ấy là những kẻ gian ác, bổn phận chúng ta vẫn phải tôn trọng chức vụ đó.  Trong vấn đề nầy cần phải làm rõ nhiều điểm khiến chúng ta lấn cấn với ý tưởng phải phục tùng bất cứ nhà cầm quyền nào.  Đối với những người dùng các thủ đoạn gian xảo bịp bợm lên nắm quyền, và cai trị bằng sự dối trá quỷ quyệt, thì lòng của người dân rất khó phục tùng những kẻ như vậy.  Thái độ mà Kinh Thánh nói ở đây là sự tôn trọng kể cả trong việc nói với nhà cầm quyền và nói về họ nữa.  Sự vâng phục mà chúng ta phải thực hiện là vâng theo các sắc lệnh hợp pháp và ngay thẳng.  Đối với một số trường hợp khác thì nhẫn nại làm theo để tránh các hình phạt.

Phaolô viết thư nầy cho tín hữu tại Rôma đang lúc các triều đình của đế quốc nầy đang bách hại con cái Chúa.  Đối với nhiều tín hữu yêu mến Chúa và ngưỡng vọng những mỹ đức thiện hảo của Ngài, thì việc phải công nhận các chính phủ gian ác thù nghịch với phúc âm là do Đức Chúa Trời thiết lập theo nghĩa đen của câu (1) “…vì chẳng có chính quyền nào là không bởi Đức Chúa Trời, các chính quyền hiện hữu đều do Đức Chúa Trời thiết lập,” trở thành cuộc tranh chấp trong lòng giữa lương tâm bất khuất trước cường quyền với mệnh lệnh của Phaolô nói ở đây.  Đối với họ thì chấp nhận sự kiện Đức Chúa Trời trao quyền bính cho những kẻ quỷ quyệt, là rất khó tiêu hoá!  Nhất là đối với con cái Chúa ở Việt Nam đã từng trải qua những thời kỳ đạo bị bắt bớ, cấm đoán, thì sao? Trong các trường hợp như thế, hãy áp dụng lời nói của các sứ đồ trong Công Vụ 5: 29 “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta.”  Dù chúng ta không đồng ý với các chủ trương quỷ quyệt của nhà cầm quyền, nhưng khi xem lại công việc Chúa ở quê nhà trong hơn 30 năm qua, chúng ta phải thấy ý định tuyệt diệu của Ngài khi làm cho con cái Ngài bị bắt bớ để Hội Thánh tăng trưởng vượt bậc so với hơn 60 năm phát triển không bị bắt bớ.

Đối với con cái Chúa đang sống trong những thể chế dân chủ thì sự vâng theo các mệnh lệnh tùng phục nhà cầm quyền, hoặc cơ quan công lực để trấn áp và trừng trị những kẻ phạm pháp, là chuyện bình thường (3–4).  “Họ là người thừa hành của Đức Chúa Trời” đối với những kẻ có dã tâm như thú dữ đối với đồng loại mình.  Nhà cầm quyền giống như hàm thiếc và dây cương để kềm giữ lừa ngựa. (5) “Vậy, anh em phải phục tùng, không những vì sợ hình phạt, nhưng cũng vì luơng tâm.”  Lương tâm ở chỗ nầy nói về lòng yêu mến đạo đức.  Chúng ta có bổn phận giúp các công chức nào phục vụ ở các cơ quan công quyền thi hành nhiệm vụ của họ trong sự ngay thẳng và kính sợ Đức Chúa Trời. (6) “Đó là lý do tại sao anh em đóng thuế, vì nhà cầm quyền là người phục dịch Đức Chúa Trời phải thường xuyên lo công việc ấy.”  Đóng thuế là dấu hiệu phục tùng và là một sự xác nhận trong lương tâm rằng mình phải trả thuế.  Sở dĩ mọi Cơ-đốc-nhân nên làm như thế “để chúng ta được yên tịnh, thanh bình mà sống cuộc đời đạo đức, khả kính.” (1Tim.2:2)

“Trả hết mọi khoản…” (7) là lời răn bảo của Phaolô về công lý và đức nhân ái.  Chúng ta trả những gì mình phải trả.  Ngoài nợ thuế ra, chúng ta có những món nợ đối với chính mình, với gia đình, với những mối liên hệ họ hàng, quen biết, với cộng đồng, với Hội Thánh, với người có giao dịch công việc, và với những người bất hạnh hơn mình.  Nếu có nợ ai, hãy vui vẻ mà trả nợ mình đang thiếu, đừng chờ đến khi bị buộc phải trả.  Ngoài sự trả thuế vì nhiệm vụ phải trả, cũng trả vì sự tôn trọng luật pháp. “Đừng mắc nợ ai chi hết” (8) nghĩa là khi có khả năng trả, hãy trả món nợ mình đang thiếu; đừng lần lửa cù nhầy như người không biết tự trọng.  Vì có người tiêu xài riêng trên những món tiền đáng ra phải trả lại cho người mình thiếu nợ.  Người ta thường rất nhạy cảm về những rắc rối hay trục trặc trong đời nhưng rất ít suy nghĩ về thứ tội bị nợ nần.

Tình yêu thương, đức nhân ái đối với người khác là một món nợ mà chúng ta phải trả, chúng ta bị buộc phải yêu thương nhau, vì “yêu thương là giữ trọn luật pháp” (10).  Phaolô liệt kê năm điều răn chót của 10 điều răn mà ông nói rằng có thể “tóm tắt trong câu: ‘Hãy yêu người lân cận như chính bản thân.’” (9).  Vì chúng ta phục vụ một Chúa tốt lành, cho nên tất cả bổn phận của chúng ta đều gom gọn trong một từ ngữ ngắn và ngọt ngào nhất: “yêu thương” là nét đẹp và hoà hợp của vũ trụ.  Đức Chúa Trời là tình yêu (1Gi.4:16).  Một luật phổ thông về bản chất của tình yêu là: “Tình yêu thương không làm hại người lân cận” (10).  Vì ai buớc đi bằng sự yêu thương, là người được điều khiển bởi nguyên tắc thương yêu. Người đó sẽ không thực hiện hoặc âm mưu làm hại láng giềng của mình.  Làm hại không chỉ có nghĩa là tính chuyện ác chống láng giềng mà còn là giữ, từ chối không làm điều thiện cho người mà mình phải làm.  Tình yêu là động lực giữ chúng ta không làm điều ác và buộc ta phải làm điều thiện; vì thế, nó là nguyên tắc sống tích cực về sự vâng giữ trọn luật pháp.

Bốn câu còn lại (11–14) dạy chúng ta về sự tỉnh thức và cách sống đạo thành kính của mình.  Chúng ta phải dành sự chăm sóc quan trọng nhất cho hồn linh của chính chúng ta.  Có bốn điều phải quan tâm tới: thời điểm phải thức tỉnh, trang bị cho mình cái gì, sống ra sao, và đừng chiều theo xác thịt. Đã đến thời điểm phải tỉnh thức khỏi cơn ngủ mê của tâm linh, vì ở trong tình trạng tội lỗi tức là tâm linh đang ở trong tình trạng ngủ mê.  Cũng phải tỉnh thức khỏi sự lười biếng và hờ hững cẩu thả. –  Đức Chúa Giêxu kể chuyện các người nữ đồng trinh khôn và dại đều ngủ mê (Math.25:5).  Ngài truyền lệnh cho các môn đồ Ngài phải tỉnh dậy thức canh.  Chúng ta phải biết quan tâm về linh hồn mình, cảnh giác về tội lỗi, luôn luôn trông đợi ngày trở lại của Chúa.  Thời điểm nầy là lúc hết sức bận rộn, còn rất nhiều việc chưa hoàn tất; cũng là thời kỳ hiểm nguy rình rập, vì chúng ta đang sống giữa kẻ thù và bẫy rập đầy dẫy chung quanh. “Sự cứu rỗi đến gần hơn lúc chúng ta mới tin” (11).  Sự cứu rỗi đến gần chừng nào, sự vận hành của tâm linh chúng ta cần phải lanh lẹ và năng nổ hơn chừng đó.

Phải “từ bỏ những việc làm trong bóng tối” (12), tức là những việc làm tội lỗi, trước khi mặc lấy “khí giới của ánh sáng.” Không phải chỉ là ngưng không làm nữa, mà phải biết gớm ghét ghê tởm những việc làm ấy, không còn dính líu gì nữa. Cơ-đốc-nhân là những chiến sĩ sinh hoạt giữa những kẻ thù của mình.  Cuộc sống đạo của chúng ta là chiến tranh, vì vậy phải trang bị khí giới cần thiết cho chính mình.  Ân điển của Đức Thánh Linh là áo giáp chống sự cám dỗ và tấn công của satan.  Điều cực kỳ quan trọng nữa là phải mặc lấy Đức Chúa Giêxu (14), tức là chống lại sự “chè chén say sưa, dâm dục phóng dãng, cãi vã ganh ghét” (13).  Mặc lấy Đấng Christ là mặc sự công chính của Ngài để được xưng công nghĩa; mặc lấy tinh thần và ân điển của Ngài để nhận sự thánh hoá. Đức Chúa Giêxu Christ là trang phục tuyệt hảo cho tín hữu mặc lấy và tự trang bị cho mình.  Không có Ngài, chúng ta loã lồ và tật nguyền, mọi việc lành của chúng ta đều bị xem như rác rưởi dơ bẩn.

Khi đã được ăn mặc và trang bị rồi, chúng ta không thể ngồi yên tụng niệm, mà phải bước đi hiên ngang như con cái của sự sáng giữa ban ngày.  Cơ-đốc-nhân phải hành xử đặc biệt vì nhiều cặp mắt của người đời luôn luôn theo dõi chúng ta.  Cho nên, sự chè chén say sưa, tư tưởng hành động dâm dục phóng đãng, thái độ thù hằn, cãi vã ganh ghét, là những điều vô cùng không xứng hợp với danh nghĩa tín đồ Đấng Christ.  Chúng là công việc của những người sống trong tối tăm.  Lời khuyên kế tiếp là không chiều theo những ham muốn của xác thịt mà thoả mãn các dục vọng của thể xác (14b).  Nó bao gồm sự chăm lo về đồ ăn uống, đua đòi chưng diện, tìm sự chú ý của đám đông, kiêu căng hợm hĩnh.  Chúng ta chỉ cần thoả mãn các nhu cầu căn bản cần thiết, không cần thoả mãn những sự ham muốn, hoặc những gì không cần thiết.  (Mua hàng mình cần, không cần mua hàng mình mơ ước).

BHKTRoma13.docx

Rev. Dr. CTB