Giải Quyết Những Xung Khắc

Rôma 14:1–23

Trong Hội Thánh tại Rôma đã diễn ra sự tranh cãi giữa hai phái có hai quan điểm khác nhau về sự ăn uống và giữ ngày. Đức Chúa Giêxu đã nói trước về sự chia rẽ sẽ xảy đến và mong muốn các môn đồ Ngài sẽ gìn giữ sự hiệp nhất.  Nhưng bây giờ việc chia rẽ đã có.  Những điều Phaolô viết trong đoạn 14 nầy nhằm đưa ra những cách giải quyết khôn ngoan để tránh va chạm và giữ sự hiệp một giữa các tín hữu.  Có hai điều được nói đến rõ ràng; có thể đã có vài việc thuộc lãnh vực khác cũng gây ra các quan điểm khác nhau tương tự như hai điều nầy; nhưng có lẽ sự xung khắc, tranh chấp về vấn đề ăn uống và giữ ngày là ồn ào nhất, đáng được để ý hơn cả.

Sở dĩ đã xảy ra quan điểm khác nhau là do trong Hội Thánh của Chúa tại Rôma có hai nhóm người từ hai nguồn gốc khác nhau.  Một nhóm tín hữu từ nguồn gốc ngoại bang, còn nhóm kia là từ người Giuđa (Công 28:24).  Những tín hữu người Giuđa đã lớn lên trong truyền thống giữ gìn lễ nghi Dothái giáo về các ngày lễ, ngày rằm, những thức ăn nào được phép ăn và những thức ăn không nên động đến.  Những điều ấy dường như đã ăn sâu trong xương tuỷ của họ, khó có thể rũ bỏ mặc dù sau khi đã trở thành Cơ-đốc-nhân.  Họ cũng chưa được dạy dỗ kỹ càng về sự đình chỉ luật pháp về lễ nghi qua sự chết của Đấng Christ; cho nên, vẫn tiếp tục giữ các hình thức nghi lễ mà họ đã quen thực hành.  Trong khi đó, những tín hữu có nguồn gốc dân ngoại lại hiểu biết khá hơn.  Họ hiểu biết sự tự do mà họ được hưởng trong Đấng Christ; vì vậy, họ không quan tâm bao nhiêu tới các luật lệ và nghi lễ của Dothái giáo.  Tình trạng ấy dẫn tới xung khắc giữa hai trường phái tín hữu.

Phaolô khuyên tín hữu sau khi mặc sự công chính, tinh thần và ân điển của Đức Chúa Giêxu Christ để được xưng công nghĩa và được thánh hoá (13:14), thì hãy “tiếp nhận người yếu đức tin, đừng chỉ trích ý kiến của họ” (1). Ý kiến được nói ở đây là về thịt thú vật trong bữa ăn hàng ngày (2).  Luật Dothái giáo chỉ cho phép ăn thịt những con vật sạch (Lêvi 11:3), cấm chạm tới hoặc ăn thịt những con vật ô uế (Lêvi 11:4–8).  Thuỷ hải sản, cầm điểu và côn trùng cũng vậy (Lêvi 11:9 –23).  Hơn nữa, vì người ngoại giáo ở Rôma thường đem thịt cúng thần trước khi đưa ra chợ bán, cho nên, những tín hữu người Giuđa nào vẫn giữ luật pháp cử ăn thịt vì sợ ăn phải thịt đã bị cúng cho thần tượng hay ma quỷ (1Côr. 8:7; 10:20), và chỉ ăn rau.  Ngược lại, tín hữu từ dân ngoại tin họ được ăn mọi thứ, vì họ hiểu rằng sự phân biệt thú sạch, thú dơ theo nghi lễ không còn hiệu lực nữa; bởi mọi vật do Chúa dựng nên đều tốt (Công 10:9–16), chẳng vật nào tự nó là ô uế cả (14).

Những tín hữu có đức tin vững vàng đã thực hiện sự hiểu biết của họ, ăn mọi món người ta dọn ra cho ăn, không cần phải hỏi nguồn gốc (1Côr.10:27). Tín hữu có đức tin yếu là người chưa biết rõ sự tự do của Cơ-đốc-nhân, vẫn không ăn thịt loại thú mà luật pháp liệt là dơ dáy, và tránh khỏi phạm luật bằng cách chỉ ăn rau. – Về việc giữ ngày thì tín hữu còn giữ lễ nghi luật pháp cho rằng có những ngày quan trọng hơn mọi ngày khác; ví dụ lễ Vượt Qua, ngũ tuần, ngày trăng non, lễ lều tạm, vv.  Họ vẫn giữ các nghi thức lễ và nghỉ ngơi vào những ngày ấy.  Còn các tín hữu tin rằng các lễ ấy đã bị Đấng Christ bỏ rồi, thì xem mọi ngày bằng nhau (5), ngoại trừ Chúa Nhật.  Ở thư nầy, Phaolô khuyên tín hữu Rôma cần thông cảm với những tín hữu còn bị ảnh hưởng từ bối cảnh luật pháp. Nhưng ở thư Galati, ông hết sức cứng rắn với những tín hữu dân ngoại bắt chước thói tục người Giuđa. Ông mắng họ là bị bùa ếm mê hoặc (Galati 3:1), và nô lệ các nguyên tắc sơ đẳng (Gal.4:9–11).  Việc xảy ra ở Rôma là tín hữu vững đức tin khinh dễ người yếu, thay vì nâng đỡ họ; ngược lại người yếu thì phán xét người khác mình, cho rằng họ còn nặng tính xác thịt.

Để giải quyết tình trạng ấy, Phaolô đưa ra lời khuyên các tín hữu vững vàng: “Hãy tiếp nhận người yếu đức tin” (1), và “Người ăn đừng khinh người không ăn, người không ăn cũng đừng chỉ trích người ăn” (3). Nghĩa là, họ phải biết chịu đựng nhau, không cần dở trò dứt phép thông công cấm đoán, hoặc làm im tiếng phía không đồng ý với mình. Căn bệnh trầm kha nầy vẫn còn hoành hành trong Hội Thánh ngày nay.  Nếu mọi người đều chịu xem xét những luật lệ Phaolô đã đặt ra cho Hội Thánh Rôma: Tiếp nhận nhau thay vì cãi cọ (1) không khinh chê, không xét đoán (3), có lẽ các Hội Thánh sẽ sống êm ấm với nhau.  Sở dĩ tín hữu phải làm như vậy vì Chúa đã tiếp nhận những người khác với mình và giữ cho họ đứng vững, và cũng vì Chúa là Chủ của họ (4). Chúng ta chẳng có bổn phận gì xét đoán đầy tớ của người khác. Hơn nữa, người giữ ngày, ăn hay không ăn cũng vì Chúa và đều tạ ơn Ngài (6), chẳng lẽ vì thế mà họ bị xét đoán sao? (1Côr.10:30). Mục tiêu và cứu cánh của chúng ta không phải là chính mình, nhưng là Chúa của chúng ta (7).

“Chúng ta sống là sống cho Chúa; nếu chết, là chết cho Chúa.  Vậy dù sống hay chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (8).  Phaolô cũng khuyên tín hữu ở các địa phương khác “Khi nói hay làm điều gì, anh em hãy nhân danh Đức Chúa Giêxu, và nhờ Ngài mà cảm tạ Đức Chúa Cha” (Côl. 3:17); lấy ý muốn của Chúa làm luật lệ chi mình, và nhắm vinh quang của Đấng Christ làm cứu cánh “vì đối với tôi, sống là Christ, chết là lợi ích” (Philíp 1:17).  Lời Phaolô khuyên đặt trên nền tảng là “Đấng Christ đã chết và sống lại để làm Chúa của người chết lẫn người sống” (9); nghĩa là Ngài có toàn quyền trên chúng ta vì Ngài đã trả cái giá ấy bằng chính mạng sống của Ngài. Và vì người của cả hai bên ý kiến đều phải ứng hầu trước toà án Đấng Christ để khai trình việc mình đã làm (10–12) (đây không phải là toà án trắng chung thẩm sẽ phán xét mọi người, toà án nầy chỉ dành cho con cái Chúa 2Côr.5:10).  Chúng ta sẽ khai trình về chính mình, không phải về ai khác; về việc chúng ta đã sử dụng thì giờ ra sao, đã có tận dụng mọi cơ hội hay không, đã làm những gì và thực hiện như thế nào?  Vì vậy, sự đoán xét người khác hoặc họ đoán xét chúng ta là vô ích.

Vì trọng tâm của Cơ-đốc-giáo không đặt trên những việc đang có tranh chấp nầy, và các việc đó cũng chẳng hệ trọng gì về mặt tôn giáo “vì nước Đức Chúa Trời đâu phải là chuyện ăn uống, nhưng là sống công chính, bình an và vui mừng trong Đức Thánh Linh. Ai phụng sự Đấng Christ theo cách ấy, được Đức Chúa Trời đẹp lòng và được người ta tôn trọng” (17–18).  Vì thế tại sao chúng ta lại dành quá nhiều nhiệt tâm để chỉ trích hoặc bảo vệ những chuyện không đáng?  Điều tai hại nhất cho Hội Thánh của Chúa là khi tín hữu đặt sự chú trọng vào hình thức, lễ nghi, cùng các trạng huống; mà bỏ qua việc sống công chính, vui vẻ và bình an trong Đức Thánh Linh cũng như sự phục vụ Đấng Christ.  Phaolô khuyên không nên chỉ trích nhau nữa, và quyết định không làm điều chi gây cho anh em mình vấp phạm (13).  Ông cũng nói: “Hãy theo đuổi những gì đem lại sự hoà bình và những gì gây dựng cho nhau” (19).  Ông đưa ra một luật là: “Mỗi người hãy giữ vững điều mình tin trong tâm trí” (5).  Rồi ông trình bày điều ông biết “Trong Đức Chúa Giê –xu, tôi biết và tin quyết không có vật gì tự nó là ô uế; nhưng nếu ai coi vật gì là ô uế, nó là ô uế đối với người đó” (14).

Luật pháp của nước thiên đàng là đức nhân ái, vì thế “Nếu vì thức ăn làm buồn lòng anh em mình, chính anh em không còn sống trong tình yêu thương nữa; đừng để thức ăn của anh em làm cho người đã được Đấng Christ chết thay phải hư mất.” (15). –  Ông cũng đưa ra lời khuyên cho những người cậy sự hiểu biết của mình mà làm anh em khác vấp phạm “Đừng vì thức ăn mà phá huỷ công việc của Đức Chúa Trời. Thật ra, mọi thức ăn đều tinh sạch, nhưng nếu ai vì ăn mà gây cho người khác vấp phạm, ấy là xấu” (20).  “đừng để ai chê bai điều anh em cho là tốt” (16). Có nhiều điều dù hợp pháp như ăn thịt và uống rượu, nhưng tốt hơn hết là không nên khiến anh em mình vấp phạm vì thấy mình ăn uống những món ấy (21).

“Ai tin điều gì là đúng, hãy giữ điều đó cho mình trước mặt Đức Chúa Trời.  Phước cho ai không tự buộc tội khi làm điều mình nghiệm là đúng” (22).  Chúng ta cũng không làm chi nghịch với điều lòng mình còn nghi ngờ, bởi vì “việc gì mình không tin mà làm là có tội” (23).  Mọi quy tắc của nước Chúa đều vì tình yêu thương nhắm vào sự an lành của linh hồn mọi anh em khác.

BHKTRoma14.docx

Rev. Dr. CTB