Tâm Tình của Vị Sứ Đồ

Rôma 15:14–33

Phaolô, vị sứ đồ của dân ngoại, là một người rất khéo ăn nói trong sự thành thật.  Ở đầu thư, lời khen “…khắp nơi trên thế giới người ta đều nói đến đức tin của anh em” (1:8), không phải là lời nói nịnh, vì trong thư có những lúc ông quở trách họ.  Bây giờ ông chuẩn bị kết thúc thư bằng lời khen (15:14), công nhận khả năng và phẩm chất của tín hữu tại Rôma.  Đây là một gương dẫn dắt chúng ta hãy biết nhìn nhận và khen ngợi những phẩm chất của anh chị em trong Chúa.  Phao lô chưa có mối liên hệ quen biết riêng với một số tín hữu tại Rôma, ngoài những người bị lưu lạc mà ông đã có dịp gặp ở các vùng Achai và Maxêđoan, nhưng ông dám khen vì ông tin lời kể về họ.  Dù chúng ta không nên tin cách khờ khạo về mọi điều mình nghe; tuy vậy, cũng không nên hoài nghi mọi chuyện, nhất là những chuyện tốt về người khác.  Phaolô tin rằng họ có nhiều tính tốt, đầy sự hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau.  Phaolô gọi họ là “anh em” (15) để dạy họ về tình yêu thương huynh đệ, và lời nói “vài điểm nói mạnh, cốt để nhắc nhở” là hình thức nói khiêm nhường của Phaolô không nghĩ rằng đó là những điều họ chưa biết, mà có lẽ mấy việc ấy đã được dạy bởi các người khác. Vì là sứ đồ của dân ngoại nên ông phải nói “dựa trên ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho tôi.” (Công vụ 22:21; Galati 2:7–9).

Trong vai trò của một trưởng tế phục vụ công tác truyền giảng tin mừng, khi dân ngoại bang tin nhận Đấng Christ thì xem như ông đã dâng một lễ vật được Đức Chúa Trời vui nhận (16).  Vì ấy là một sinh tế sống và thánh trong Danh Đức Chúa Giêxu Christ, bởi công tác thánh hoá của Đức Thánh Linh; vì Đức Chúa Trời chỉ chấp nhận những gì đã được thánh hoá.  Những điều bất khiết dâng lên sẽ không được Đức Chúa Trời thánh chấp nhận.  Hiệu quả thánh vụ của Phaolô là lý do khiến ông “hãnh diện về việc phụng sự Đức Chúa Trời” (17), cũng là một niềm khích lệ vô cùng cho Hội Thánh của Chúa tại Rôma, rằng họ không cô đơn trong việc xưng nhận đức tin vào Đấng Christ, mặc dù họ chỉ là một nhóm nhỏ người đang ở giữa một xã hội tràn ngập sự thờ hình lạy tượng.  Phaolô không khoe về công việc và thành tích không phải của ông, chỉ khoe các công tác mà Chúa đã dùng ông để thực hiện (18). Ông nhấn mạnh rằng chính Đấng Christ đã dùng ông qua lời ông nói và việc ông làm, nghĩa là Chúa giúp ông sống theo những gì ông đã rao giảng.

Hành trình truyền giáo và kết quả công việc của Phaolô trải dài từ Giêrusalem đến tận xứ Y-liri (tức là xứ Bulgaria ngày nay, giáp giới với Hungaria), đều được ghi dấu bởi “quyền năng của dấu kỳ phép lạ,” “bằng quyền phép của Đức Thánh Linh” (19).  Đấy là những chỗ chưa bao giờ được nghe đến phúc âm (20–21); Phaolô như một người đi khai phá đất mới, cày vỡ đất hoang, đặt hột giống đầu tiên, giới thiệu phúc âm cho những vùng đất xưa nay bị ngự trị bởi tục thờ lạy hình tượng và tà thuật.  Công việc của ông giống như phải đập vỡ những tảng băng lâu đời đóng cứng, công việc đầy trở lực, khó khăn và ngã lòng.  Ông đã phải mạnh bạo tấn công thế giới tối tăm mới có thể tiến vào truyền giáo cho một vùng đất mới.  Ma quỷ đã phản công cách hung bạo nhưng không giết nổi Phaolô (Công vụ 14:19–20; 16:16–39), bởi vì ông đã thi hành thánh vụ của mình dựa trên quyền phép của Đức Thánh Linh và các dấu kỳ phép lạ của Đức Chúa Trời.  Điều đáng kể hơn hết trong thánh vụ của Phaolô là ông đã đem dân ngoại đến sự vâng phục Chúa. Bởi vì phúc âm đã được thiết lập để đem người ta đến chỗ vâng phục; nó không chỉ là một chân lý để tin, nhưng là một luật để vâng theo.

Dấu kỳ phép lạ bởi quyền phép của Đức Thánh Linh luôn luôn cần trong sự rao truyền phúc âm, bởi vì chúng làm cho sự rao giảng có hiệu quả.  Nếu ai tuyên bố phép lạ là công tác của Đức Thánh Linh, nhưng lại tỏ thái độ chống phép lạ, cho rằng đó là những chuyện mê tín huyền hoặc, thì thái độ ngược ngạo ấy chính là sự báng bổ xúc phạm đến Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà Đức Chúa Giêxu đã cho biết rằng tội ấy dù đời nầy hay đời sau cũng chẳng được tha (Mathiơ 12: 31–32).  Cũng phải cần hiểu rằng, dù cho Phaolô giảng đạo tài giỏi đến đâu, và có thể làm nhiều phép lạ dấu kỳ thế nào đi nữa, cũng không thể đem một ai đến sự vâng phục Chúa nếu không có

quyền năng cộng tác của Đức Thánh Linh.

22–27 là sự thố lộ của Phaolô về lý do ông muốn tới thăm Hội Thánh tại Rôma.  Thật ra tín hữu tại Rôma có lẽ đã nghe rất nhiều về Phaolô, và họ rất mong mỏi được gặp ông.  Phaolô cũng trần tình về nguyên nhân khiến ông không thể đến sớm “nhưng bây giờ tôi phải đi Giêrusalem để phục vụ các thánh đồ” (25). – Dự trù của Phaolô là sẽ ghé qua Rôma trên đường đi Tây Ban Nha (24), chắc chắn là để rao giảng Tin Mừng và thành lập Hội Thánh Chúa tại đó; nhưng ông cần họ giúp đưa ông đi, sau khi ông ở lại với họ ít lâu.  Ông mong rằng ông sẽ “đến với phước hạnh dồi dào của Đấng Christ” (29).  Theo cách nói nầy, Phaolô tỏ ra dè dặt không dám trông mong điều tốt nhất, vì ông đã qua nhiều kinh nghiệm không dám hoàn toàn tin tưởng nơi loài người.  Về sau ông viết cho Timôthê biết tình cảnh ông tại Rôma “Khi ta tự biện hộ lần thứ nhất, không ai bênh vực ta cả, mọi người đều bỏ ta.” (2Tim.4:16). Bây giờ thì Phaolô phải đi Giêrusalem để đem quà cứu tế của các tân tín hữu tại Maxêđoan và Achai gửi giúp các thánh đồ ở Giêrusalem (26), cũng hứa rằng sau khi làm xong việc ấy ông sẽ đến thăm họ (28).

Khi Phaolô nói về phẩm vật cứu tế, có lẽ ông cũng muốn khích lệ tín hữu ở Rôma tham gia vào công tác cứu trợ các thánh đồ nghèo túng ở Giêrusalem (26).  Rõ ràng là vào thời kỳ ấy, tín hữu ở Giêrusalem nghèo túng hơn các nơi khác, có lẽ vì cơn đói kém đã lan rộng khắp đế quốc từ thời Claudius Caesar.  Hoặc các thánh đồ ở Giêrusalem đã bị bắt bớ nhiều hơn các nơi khác vì những người Giuđa tỏ ra hăng hái và quỷ quyệt hơn mọi người chưa tin khác về sự bài bác và bắt bớ các Cơ-đốc-nhân.  Sự đóng góp cứu trợ nầy được ghi lại trong Công vụ 11:28–30.  Công cuộc cứu trợ của các tín hữu ở các xứ xa Giêrusalem dạy chúng ta rằng khi nào có khả năng cứu giúp anh chị em đồng đức tin, hãy vươn tay mình ra dù có xa xôi đến đâu, như chép trong Châm ngôn 31:20 “Nàng mở đưa tay ra giúp kẻ khó khăn, giơ tay mình lên tiếp người nghèo khổ.” Tín hữu ở Maxêđoan gửi tiền cứu trợ là nói về các tín hữu tại Hội Thánh Philíp, và Hội Thánh tại Côrinhtô là thuộc xứ Achai, là hai Hội Thánh đang tăng trưởng và thịnh vượng, mặc dù họ là những tín đồ tân tòng.

Phaolô cho biết lý do của sự đóng góp ấy là vì “họ vui lòng giúp đỡ, và đồng thời họ cũng là con nợ của các thánh đồ” (27).  Đây là một món nợ đặc biệt: Các dân ngoại mắc nợ và phải biết ơn người Dothái, phải biết đối xử tử tế với họ.  Vì Đấng Christ về phần xác đã được sinh ra bằng dân Dothái.  Ngài là ánh sáng soi đường cho dân ngoại bang.  Cũng từ dân Dothái đã sinh ra các tiên tri, các sứ đồ, và những người truyền giáo đầu tiên của phúc âm.  Những lời sấm truyền của Đức Chúa Trời đã phú thác cho họ, họ đã trở thành những người “quản thủ thư viện” của Cơ-đốc –giáo.  Hệ thống nhà-nước-giáo-hội của họ đã bị giải thể, họ đã bị chặt bỏ để các dân ngoại được gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời.  Như thế, các dân ngoại được dự phần các ơn phước thuộc linh và phúc âm về sự cứu rỗi như thể là thừa hưởng từ người Dothái.  Vì vậy, bổn phận của họ là họ phải biết ơn để giúp đỡ lại các tín hữu người Dothái bằng của cải vật chất, là việc nhỏ nhặt nhất mà họ có thể thực hiện.

Dù Phaolô là một sứ đồ nổi danh, ông vẫn xin các thánh đồ cầu nguyện cho ông (30–32) “vì Đức Chúa Giêxu và vì tình yêu thương của Đức Thánh Linh.”  Họ phải cầu nguyện cho ông vì ông làm việc cho Chúa, nếu họ biết Ngài là Chủ của họ, và nếu họ đã nhận được tình yêu từ Đức Thánh Linh thì hãy bày tỏ tình yêu ấy ra.  Sự cầu nguyện là nhằm giúp Phaolô “thoát khỏi những người không vâng phục Chúa” và “những của quyên góp được các thánh đồ ở Giêrusalem chấp nhận” (31).  Nhờ đó ông có thể vui mừng đến với tín hữu tại Rôma vàđược nghỉ ngơi giữa vòng họ (32).  Cuối cùng ông cầu xin Đức Chúa Trời bình an ở với tất cả tín hữu tại Rôma (33).

BHKTRoma15b.docx

Rev. Dr. CTB