Đừng Ỷ Lại

Rôma 2:1–29

Người Dothái đã sai lầm trong việc dựa vào địa vị đặc biệt của dân tộc họ.  Họ nghĩ rằng vị thế đặc quyền của họ sẽ miễn trừ họ khỏi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.  Họ chắc chắn rằng họ sẽ đương nhiên hưởng ơn cứu rỗi vĩnh viễn bởi vì họ là dòng dõi của Ápraham.  Đoạn 1 sách Rôma lên án những người thế gian nào đã chối bỏ sự khải thị về quyền phép đời đời và bản tánh của Đức Chúa Trời qua cõi thiên nhiên. Họ bị lên án về ba loại tội lỗi: thờ hình tượng (1:18–23); vô luân nghịch tự nhiên và đồi bại (1:24–27); với, đủ mọi thứ ác (1:28–31).  Vì bản tánh hư hoại của họ, loài người ngày càng suy đồi, không thể khá hơn; cho nên, họ đáng bị nhận lãnh sự thịnh nộ công nghĩa của Đức Chúa Trời.  Trong 16 câu đầu của đoạn 2, Phaolô đưa ra một căn bản để đánh giá sự công nghĩa của dân Dothái dựa trên 5 nguyên tắc phán xét của Đức Chúa Trời:

1. Đức Chúa Trời phán xét loài người theo các tiêu chuẩn họ tự đặt (1-4).–Người Dothái khoái trá trước sự phán xét mà người ‘ngoại bang’ phải chịu vì đã chối bỏ Đức Chúa Trời.  Họ tự đặt mình vào địa vị quan án để phán xét người ‘ngoại bang.’  Họ đã tự đặt chính họ dưới các tiêu chuẩn của mình.  Đức Chúa Giêxu đã dạy trong Math.7:1, 2 “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.  Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy.” Các tiêu chuẩn do chúng ta tự đặt sẽ được Đức Chúa Trời dùng để phán xét chúng ta, không phải căn cứ trên tiêu chuẩn chúng ta gán cho người khác.

2. Đức Chúa Trời phán xét loài người theo các việc họ làm (5–11) – Người ta thích được phán xét theo những gì họ tuyên bố chứ không phải những gì họ thực hành.  Nhưng giữa lời nói với việc làm thường có một khoảng cách rất lớn.  Mặc dù người ta được xưng công nghĩa và được cứu rỗi bởi đức tin, nhưng sẽ bị phán xét trên căn bản những việc họ đã làm.  Bởi vì đức tin sẽ chỉ được chứng minh qua việc làm, vì “đức tin không có việc làm thì chết…” (Giacơ 2:20b).

3. Đức Chúa Trời phán xét loài người theo lượng khải thị họ nhận được (12) – Sự khải thị cho người trần gian thì rõ ràng qua cõi tạo vật về quyền phép đời đời và thần tánh của Ngài (1:20).  Người Dothái lại được khải thị bằng văn tự của Kinh Cựu Ước, trong đó trình bày bản thể của Đức Chúa Trời, các sự đòi hỏi đạo đức của Ngài, và công bố con đường cứu rỗi.  Ngài sẽ phán xét mỗi người dựa trên những gì người đó biết về sự khải thị thiên thượng.

4. Sự phán xét Đức Chúa Trời trên loài người là không thiên vị (3, 11) – Người Dothái vẫn tin rằng họ được Đức Chúa Trời ưu ái đặc biệt. Nhưng Chúa không thiên vị ai cả.  Không ai được vào thiên đàng vì là dòng dõi của Ápraham, cũng sẽ không ai bị loại trừ vì không phải là hậu tự của Ápraham.

5. Đừng lầm lẫn sự phán xét của Đức Chúa Trời với lòng nhẫn nại khoan dung của Ngài (4–5) Mặc dù cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đang đổ trên người thế gian tội lỗi là rõ ràng (1:17,27) và việc người Dothái (hay tín hữu) chưa bị trừng phạt không có nghĩa là tội lỗi họ được bỏ qua; nhưng là vì Chúa nhẫn nại và khoan dung để chúng ta có cơ hội ăn năn, chứ Chúa không muốn chúng ta phạm tội thêm để tự chất chứa sự thịnh nộ kinh hoàng cho mình.

Người Dothái vẫn hãnh diện về việc Luật Pháp thánh của Chúa được ban cho họ, được bảo tồn và truyền lại cho hậu thế.  Họ nghĩ rằng sự sở hữu luật pháp sẽ dẫn họ tới sự công nghĩa. Các câu 2:17–20 nói rằng chẳng những họ được trao cho Luật Pháp, họ còn được hiểu nó đầy đủ để rao giảng cho người khác.  Không phải sự sở hữu luật pháp dẫn tới sự xưng công nghĩa, mà là sự thực hành Luật Pháp ấy.  Được sở hữu Luật Pháp là một đặc quyền, nhưng sự sở hữu ấy đòi hỏi trách nhiệm phải hiểu biết nhiều hơn.  Sự tự hào về Luật Pháp của người Dothái là vô ích, bởi vì chẳng những họ đã không thực hiện được những đòi hỏi của luật pháp, họ lại còn không thể sống

công nghĩa trước mắt người ‘ngoại bang’ làm cho Danh Chúa bị nói phạm (24).

Áp dụng ý nghĩa hình bóng về những nguyên tắc phán xét nầy của Đức Chúa Trời trên nếp sống đạo của chúng ta ngày nay, mỗi con cái Chúa cần nhận diện nền tảng nào mình đang đứng trước mặt Chúa để hi vọng hưởng đời sống vĩnh cửu ở thiên đàng.  Có phải là một bộ luật về đạo đức không?  Không thể giữ nổi! Vì Đức Chúa Trời đòi hỏi sự công chính toàn hảo, là điều không ai có thể đạt tới.  Cũng không ai giữ nổi tiêu chuẩn công nghĩa mình đặt ra cho người khác.  Có thể có người dựa vào các hình thức lễ nghi để mong được Chúa chấp nhận, nếu không đạt đến sự công nghĩa trong lòng thể hiện ra bằng hành động bên ngoài, thì các hình thức lễ nghi ấy thật vô nghĩa. Không phải phép báptêm, tiệc thánh, hay bất cứ phép bí tích nào, hoặc gia nhập làm thành viên của một giáo hội có thể giúp chúng ta kiếm được chiếc vé vào thiên đàng. Tất cả các điều ấy sẽ ích lợi nếu chúng biểu hiện cho mối tương giao thân mật với Đấng Christ qua đức tin.

Lượng khải thị mà chúng ta đã nhận được là rất nhiều hơn so với nhiều anh chị em tín hữu khác, và hơn rất xa những người chưa tin.  Chúa mong muốn chúng ta phải có nếp sống đạo khá hơn những người khác, vì chúng ta được Ngài ban cho biết nhiều sự khải thị thiên thượng.  Được khải thị không có nghĩa là chúng ta được ưu ái miễn trừ khỏi những đòi hỏi thánh khiết của thiên đàng, nhưng bị đòi hỏi phải sống xứng hợp với lượng khải thị mà mình nhận được.  Chúa không quan tâm về việc chúng ta biết bao nhiêu về giáo lý hoặc các vấn đề thần học.  Ngài chỉ quan tâm về việc chúng ta sống thế nào với những hiểu biết mình đã được ban cho.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng đa số người ta quan niệm tín ngưỡng là các thủ tục, lễ nghi.  Người Dothái thì xem sự cắt bì là cực kỳ quan trọng để được Chúa chấp nhận.  Phaolô nói rằng phép cắt bì là hành động bên ngoài biểu tượng cho một vài thực tế trong tâm linh (25–27). Phép ấy là một dấu hiệu giao ước giữa Đức Chúa Trời với dân sự của Ngài trong Kinh Cựu Ước.  Những bổn phận về giao ước ấy được mô tả trong Luật Pháp. Nhưng sự không giữ nổi Luật Pháp chứng tỏ người Dothái đã khước từ giao ước ấy, và như thế nghi lễ cắt bì là hành động vô nghĩa.  Như chiếc nhẫn cưới là biểu tượng giao ước trong hôn nhân, nó là quý báu nếu giao ước ấy được giữ vững; bằng không nó chỉ là một vật vô nghĩa. Người không có nhẫn mà giữ bền chặt hôn ước cũng giống như người có mối liên hệ tương giao với Chúa mà không cần cắt bì vậy. Người ngoại bang nào có thể giữ các đòi hỏi của Luật Pháp thì được xem như đã chịu lễ cắt bì, mặc dù chưa thể hiện bằng biểu tượng ấy ngoài thực tế.  Nhưng nếu có cắt bì mà thực tế trong lòng chẳng giữ nổi Luật Pháp của giao ước thì sự cắt bì ấy là vô giá trị.

Người Dothái thời ấy tự hào và ỷ lại vào mối liên hệ ruột thịt với Ápraham là tổ tiên của họ, vào việc được sở hữu Luật Pháp của Chúa, và vào sự thực hành các nghi lễ, như lễ cắt bì. Nhưng Đức Chúa Trời không căn cứ trên bề ngoài mà phán xét.  Sự công nghĩa là một vấn đề thuộc tâm linh, trong lòng. Chúa soi xét lòng dạ và tư tưởng của chúng ta, vì mọi điều làm cho mình bị ô uế đều ra từ trong lòng.  Đức Chúa Giêxu dạy: “… Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người!  Vì thật là tự trong lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tham lam, tà dâm, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng” (Mác 7:20–22).

Ngày nay, đừng ai ỷ lại rằng mình là Cơ-đốc-nhân, hoặc do truyền thống gia đình, hoặc mối liên hệ hôn phối, hoặc tư cách thành viên của một giáo hội mang danh nghĩa Đấng Christ, mà vi phạm giao ước thánh Đức Chúa Giêxu đã lập với chúng ta bằng chính huyết báu vô tội của Ngài. Ai làm như vậy thì bị kể như người chưa tin Chúa; vì “… bề trong là Cơ-đốc nhân mới là Cơ-đốc nhân thật.”

BHKTRoma02.doc

Rev. Dr. CTB