Thư Hê-bơ-rơ, bài 05

Hê-bơ-rơ 3:1–19

Tất cả những ai đã thật lòng tiếp nhận ơn cứu độ từ Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu Christ, để mọi tội lỗi do thừa hưởng từ tổ tiên hoặc do chính mình vi phạm, đều được tha thứ, thì được thiên đàng gọi là người thánh (1), vì tâm linh họ được Đức Chúa Giêxu thánh hoá khi họ chân thành tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài.

Tiếp nhận ơn cứu rỗi còn có nghĩa là đón nhận Đức Chúa Giêxu Christ vào làm Chủ và Chúa của đời mình. Được gọi là người thánh vì tác giả khẳng định: “Đấng thánh hoá và những người được nên thánh đều từ một Cha mà ra” (2:11). Đồng thời họ cũng là “những người được Đức Chúa Trời kêu gọi” vào hưởng cơ nghiệp thiên đàng vĩnh cửu của Ngài (1).

Được kêu gọi có nghĩa là được nhận quyền năng, sự sống và tinh thần của thiên đàng để sống vững vàng và chiếu sáng trong thế gian hư hoại nầy.

Những người đó được khuyên “hãy chú tâm vào Đức Chúa Giêxu,” tức là tập trung tư tưởng và tấm lòng họ vào Đấng thánh hoá mình, để có kinh nghiệm và nếp sống thánh khiết. Bởi vì các đặc quyền và quyền năng thiên đàng được Đức Chúa Giêxu truyền vào những người đang được Ngài thánh hoá.

Nguyên nhân chính làm cho nhiều giáo đồ của Cơ-đốc-giáo sống đạo một cách vất vả, hay không thể làm theo lời Kinh-thánh dạy, là vì những người đó chưa biết, hay biết quá ít về nếp sống thánh khiết mà con dân thiên đàng phải có.

Sở dĩ họ bị như vậy là do chưa chú tâm hoặc không biết rằng họ phải chú tâm vào Đức Chúa Giêxu. Lời kêu gọi nầy cũng hướng tới loại người vì quá chú ý vào danh vọng cá nhân, nên vài sự hiểu biết về nước Chúa thường bị sai lạc.

Sở dĩ cần chú tâm vào Đức Chúa Giêxu, vì Ngài “là Sứ Giả và là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm mà chúng ta tin cậy” (1). Ngài là Sứ Giả do Đức Chúa Trời sai tới để trình bày cách chính xác và rõ ràng về Đấng đã sai Ngài đến.

Trước đó tác giả cũng đã cho biết Đức Chúa Giêxu là “Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy lòng thương xót và trung tín, có thể đền tội cho dân” (2:17b). Như vậy Ngài là Sứ Giả thay mặt Đức Chúa Trời đến với nhân loại, và là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm thay mặt nhân loại trước mặt Đức Chúa Trời; cho nên Ngài là Đấng Trung Bảo mà chúng ta có thể tin cậy, chăm chú nhìn, để hiểu biết Ngài nhiều thêm.

Vì vai trò trung bảo có liên hệ tới Môi-se, mà mọi người Do-thái đều tôn kính; cho nên, tác giả so sánh Đức Chúa Giêxu với Môi-se (2), và xác định Ngài là cao trọng hơn Môi-se (3–6).

Một người trung thành với Đấng sai mình, thì luôn luôn là người đáng tin cậy; huống gì Đức Chúa Giêxu mãi mãi thực hiện các lời hứa của Đức Chúa Trời cho con dân Ngài. Bởi vậy, hễ ai đặt đức tin mình vào đức thành tín của Đức Chúa Giêxu, thì đức tin ấy sẽ được Ngài làm cho gia tăng mạnh mẽ.

Vai trò trung bảo của Môi-se, là hình bóng về Chúa Cứu Thế sẽ đến sau nầy; tuy vậy, Đức Chúa Giêxu là Đấng xây cất Nhà Chúa, Môi-se là đầy tớ phục vụ trong nhà; Đức Chúa Giêxu là Con, là Đấng lãnh đạo và Chủ ngôi nhà của Ngài. Vì vậy, Ngài cao trọng hơn Môi-se. “Mà nhà Chúa là chúng ta” (6), theo ý nghĩa đó, tất cả chúng ta đều là nơi được Chúa ngự.

Vinh dự được Chúa đến cư ngụ trong lòng là niềm hạnh phúc vô biên của mỗi con cái Chúa và của các Hội-thánh nữa, “miễn là chúng ta giữ vững lòng can đảm và tin tưởng vào điều chúng ta hi vọng cho đến cuối cùng” (6b). Điều chúng ta hi vọng là các chân lý của Phúc-âm, mà trên đó các niềm hi vọng của chúng ta về ân sủng và vinh quang được thiết lập.

Giữ vững lòng can đảm tức là mạnh dạn và công khai làm chứng về những chân lý ấy với sự vững vàng và kiên nhẫn cho đến cuối cùng. Thiếu tin tưởng và không can đảm thì không thể làm chứng được gì hết.

Để làm được điều đó thì trước hết, chúng ta phải tiếp nhận các chân lý ấy vào trí não và lòng mình; kế đến, phải xây dựng hi vọng về hạnh phúc trên các chân lý đó; thứ ba là luôn công khai xưng nhận các chân lý mình đã biết; cuối cùng là sống cách nào để giữ bằng chứng rõ ràng mình vui mừng trong sự hi vọng ấy.

Nói vắn tắt là, chúng ta phải bước đi sát với chân lý một cách kiên định, can đảm và bền bỉ trong đức tin và sự thực hành phúc âm. Làm điều ấy cách hữu hiệu, để khi Chúa trở lại tiếp rước Hội-thánh, thì Ngài chuẩn thuận cách mà chúng ta đã sống đạo.

Tác giả dùng Thi-thiên 95:7–11 làm bối cảnh cho điều ông muốn trình bày lời phán của Đức Thánh Linh (7–11); không phải cho người Do-thái chống đối đạo Chúa, mà dành cho người Do-thái đã theo đạo nhưng có đời sống đức tin bạc nhược.

Lời khuyên ấy cũng dành cho tín hữu ở mọi thời đại. Mang danh là con cái Chúa thì không thể cứ cứng lòng trước lời khuyên của Đức Thánh Linh. Vì dù cho ai có thuộc lòng các chân lý của Kinh-thánh, mà lòng không tan vỡ, ăn năn các sự vi phạm của mình, thì Lời Chúa sẽ chẳng có chút ảnh hưởng gì trên người ấy.

Người mà Chúa đoái đến là “người khiêm nhường có tâm linh thống hối, người run sợ khi nghe lời Ta phán” (Ê-sai 66:2b).

Những người cứng lòng là người: a) Để cho sự tham dục trần gian cai trị mình, b) thích những triết lý cao siêu của Cơ-đốc-giáo, nhưng lòng không nghe được tiếng của Đức Chúa Trời, c) biết mà không làm, học mà không chịu thực hiện, “giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính” (2Timôthê 3:5), d) hoài nghi, không bước đi bởi đức tin vào Lời Chúa và quyền phép của Ngài, xét đoán mọi sự bằng lý trí chủ quan, e) chưa khi nào có mối tương giao trực tiếp với Chúa, cho nên, chưa bao giờ biết vâng phục Ngài.

Đừng cứng lòng khi nghe tiếng Chúa phán dạy qua Kinh-thánh, các bài giảng, bài đọc, vv, là bài học đầu tiên mà Đức Thánh Linh dạy chúng ta.

Ngài không thể đem chúng ta vào quyền năng và phước hạnh đã hứa trong Lời Chúa, nếu ta không chú tâm lắng nghe lời ấy. Ngài chỉ chạm tới  những ai quyết tâm lắng nghe và vâng phục lời dạy của Ngài.

Đối với nhân loại thì quá khứ đã đi mất, tương lai thì chưa tới. Họ chỉ có hiện tại, tức là “ngày nay,” để lập quyết định. Không người nào có quyền quyết định về thời gian. Vì vậy, sự vâng lời phải bắt đầu từ ngày nay, bây giờ.

Tổ tiên người Do-thái đã cứng lòng dù đã tận mắt thấy sự giải cứu của Chúa và vô vàn phép lạ của Ngài thi thố để giải thoát họ khỏi ách nô lệ và giúp đỡ họ trên đường về đất hứa. Vì thế tất cả đã ngã chết trong hoang mạc, ngoại trừ hai người có đức tin và những người được sinh trưởng trong 40 năm lang thang ở hoang mạc (8–11).

Vì lời khuyên ấy cũng dành cho chúng ta, nên “anh em hãy thận trọng, để …. không một người nào vì lòng gian ác, vô tín mà lìa bỏ Đức Chúa Trời hằng sống” (12). Sự hoài nghi thiện ý của Đức Chúa Trời phát xuất từ lòng gian ác và ưa thích tội lỗi của người không chịu đầu phục Ngài. Cho nên, “đừng ai bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng” (13).

Sở dĩ người “giữ vững niềm tin ban đầu cho đến cuối cùng ….. chắc chắn được dự phần với Đấng Christ” (14), bởi vì Đức Chúa Giêxu đã chịu phần huyết nhục chung với mọi con cái khác của Đức Chúa Trời (2:14); tức là khi dự phần vào thể xác xương máu thịt với loài người trần gian, Ngài hợp nhất với chúng ta, để sự chết và sự sống của chúng ta hợp nhất với sự chết và sự sống của Đức Chúa Giêxu.

Sự dự phần với Đấng Christ là điều vinh dự vô biên, mầu nhiệm diệu kỳ; bởi vì Đức Chúa Giêxu không chỉ cầu thay và làm việc cho chúng ta từ bên ngoài, mà Ngài còn tác động từ bên trong.

Dự phần có nghĩa là được Chúa ngự trong đời sống, được hợp nhất trong sự sống của Ngài. Tín hữu chỉ có thể biết Chúa và vui thích về mọi điều của Ngài, khi họ có mối liên hệ tương giao sống động với Ngài. Ngài sẽ đem ta vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Tác giả nhắc lại những sự kiện đã xảy ra cho những người Do-thái phản loạn vào thời Môise dẫn họ ra xứ Ai-cập, để chứng minh cho lời kêu gọi của Đức Thánh Linh đối với mọi người ngày nay mang danh là con dân Ngài cũng được áp dụng như vậy.

Những người đã được Môi-se dẫn ra khỏi Ai-cập. … Những người đã phạm tội, bị ngã chết trong hoang mạc. … những người bất tuân” (15–18), đều là những người thuộc hội chúng Do-thái, người được hưởng tất cả phước hạnh và ân huệ của Đức Chúa Trời.

Họ là hình bóng của các tín hữu ngày nay đang mong mỏi sẽ được Chúa đưa vào sự an nghỉ của Ngài, nhưng đức tin bạc nhược vì vẫn bị những sự tham dục của xác thịt cai trị. Những người ấy không vào sự an nghỉ của Chúa được vì họ không tin (19).

Ngày nay, nếu tín hữu nào cứ cứng lòng, hoài nghi hoặc vô tín đối với Chúa, thì chắc chắn thảm hoạ cũng sẽ đau khổ như vậy mà thôi. Vì thế, ngày nay, nếu anh chị em nghe tiếng Ngài, thì đừng cứng lòng nữa!

ThuHeboro05.docx

Rev. Dr. CTB