Thứ Sáu, August 15th, 2014

Bài nầy tuy đã được trình bày trong loạt bài học sách Phúc-âm Giăng, nhưng để nhiều người hiểu rõ hơn, nhân dịp Hội-thánh Khởi Đầu Mới cử hành thánh lễ Báp Têm lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, chúng tôi xin đăng bài đã được hiệu đính và bổ sung. Kính mời quý độc giả cùng đọc và theo dõi.

Giăng 3:22–25

 

Ngày nay, bất cứ ai gia nhập một giáo hội Cơ-đốc-giáo đều phải nhận phép báp têm như một thánh lễ chính thức của các giáo hội, cũng thường được gọi là một phép bí-tích, tức là thánh lễ mà mọi tín hữu đều phải nhận để hưởng tất cả phúc lợi tâm linh của một thành viên Cơ-đốc-giáo. Nhưng rất ít người được dạy tường tận về ý nghĩa của thánh lễ nầy trước khi nhận phép báp-têm.

Trước lúc về trời, Đức Chúa Giêxu Christ truyền cho Hội-thánh Ngài phải thực hiện phép báp têm cho những tân tín hữu: “Vậy hãy đi, khiến muôn dân trở thành môn đồ Ta, nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ vâng giữ mọi điều Ta đã truyền bảo các con” (Mathiơ 28:19). Vậy, ý nghĩa và của phép báp têm là gì và gốc gác từ đâu mà có.

Thời Cựu ước, nhiều người trong các dân ngoại muốn gia nhập cộng đồng Do-thái để kính thờ Đức Chúa Trời chân thật theo cách thờ phượng của Do-thái-giáo. Có ba nghi lễ mà họ phải chịu để được chấp nhận vào hội: Phép cắt bì, dâng con thú sinh tế, và lễ thanh tẩy Tvilah.

Lễ thanh tẩy Tvilah thời ấy là tự trầm mình chìm hẳn dưới mặt nước ở sông, suối hay ở một dòng nước chảy (tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Mikvah), để tự tắm rửa, là biểu tượng về sự tẩy sạch khỏi mọi ác uế của thế gian, một sự thay đổi tình trạng của quyết tâm trong lòng đã chết đối với thế giới ngoại bang và sống lại trong một cuộc sống mới, làm thành viên của một gia đình mới, trong mối tương giao mới với Đức Chúa Trời.

Tuy vậy, lễ thanh tẩy, ở các mikvah, của Do-thái giáo có thể tái diễn nhiều lần trong đời mỗi khi bị ô uế do vi phạm các quy định và luật cấm trong luật pháp Môise. Ví dụ như bất cứ thứ gì của người theo đạo bị chạm vào xác chết của người hay thú vật, hoặc người nam ngủ đêm bị mộng tinh, vv, thì những người ấy phải tới tắm ở các mikvah để thanh tẩy.

Khi Đức Chúa Giêxu đến thế gian và sửa soạn đi hành đạo, thì Giăng Baptist thi hành thánh vụ dọn đường cho Sứ Giả của Đức Chúa Trời thánh khiết và đòi hỏi sự công nghĩa. Ông rao giảng cho người Do-thái sự ăn năn tội và trở lại với Đức Chúa Trời, rồi làm báp têm cho họ như một biểu tượng tự nguyện trở lại của lương tâm trong lòng muốn thờ kính Đức Chúa Trời.

Do mệnh lệnh của Đức Chúa Giêxu truyền cho các môn đồ của Ngài, phép báp-têm được thiết lập thành một thánh lễ ngay từ thời sơ lập của Hội-thánh. Và lễ báp-têm được cử hành trong Hội-thánh thời ấy ở mọi nơi đều có hình thức trầm mình dưới nước. Nhưng ý nghĩa thì hơi khác so với thời Giăng Baptist, hoặc lúc các sứ đồ của Đức Chúa Giêxu đã làm khi Ngài còn ở với họ.

Đã có thời người ta xem phép báp-têm như một hình thức ‘rửa tội.’ Nhưng khi vấn đề người tín hữu dễ phạm tội sau khi chịu phép báp têm được nêu ra, thì ý nghĩa rửa tội được xét lại. Bởi vì báp têm chỉ cử hành một lần cho người đã hiểu rõ ý nghĩa của phép báp têm và hứa nguyện sẽ giữ lấy niềm tin vào Đức Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời đã chết thay cho tội lỗi của họ. Nếu họ lại phạm tội, và chắc chắn điều đó sẽ xảy ra, thì làm sao có thể cử hành lễ báp têm nhiều lần?

Cũng vì lý do đó mà nhiều hệ phái Cải-cách (tức là Tin-lành ngày nay) không chấp nhận báp têm như một lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em chưa hiểu gì về lòng tự nguyện ăn năn tội.

Ý nghĩa của phép báp têm bây giờ không phải chỉ là sự ăn năn, khác với phép báp têm bằng nước của Giăng và các môn đồ của Đức Chúa Giêxu đã làm ngày xưa. Bởi vì khi một tín hữu chịu phép báp têm trầm mình trong nước, thì không phải chỉ là biểu tượng về sự chết, chịu bị chôn, và đã được phục sinh của Đấng Christ, nhưng là sự tình nguyện hợp nhất của người đó với Đấng Christ trong sự chết, chôn, và sống lại ấy (Rôma 6:3–5).

Do tính cách quan trọng của hình thức phép báp têm trầm mình trong nước, mọi tín hữu cần nắm vững sự hiểu biết nầy. Báp têm trầm mình trong nước nhân Danh Đức Chúa Giêxu, là biểu tượng cụ thể về sự đồng lòng của mình muốn được liên hiệp tâm linh mình với Chúa trong sự chết của Ngài. Như Kinh Thánh đã dạy:

Vì trong anh em, tất cả những ai đã chịu phép báp têm liên hiệp với Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ” (Galati 3:27)

Anh em được chôn với Ngài ngay trong lễ báp têm, và được sống lại với Ngài nhờ đức tin đặt vào năng quyền hành động của Đức Chúa Trời” (Côlôse 2:12)

Hay anh em không biết rằng khi chúng ta chịu phép báp têm trong Đức Chúa Giêxu Christ, là báp têm trong cái chết Ngài sao?” (Rôma 6:3).

Muốn đồng hưởng sự sống vinh quang của Đấng Christ trong con người mới thì trước hết phải đồng chịu đau đớn của sự chết với Ngài qua phép báp têm bằng nước và báp têm (rửa sạch) trong tâm linh, mới có thể được liên hiệp với Chúa trong sự sống lại của Ngài (Rôma 8:17).

Về phép báp-têm mà Đức Chúa Giêxu đã phán: “Có một phép báp têm mà Ta phải chịu, Ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành” (Luca 12:50). Lời phán nầy là ý của Đức Chúa Giêxu muốn nói trước về sự hi sinh, chết và chịu bị chôn của Ngài, chứ không phải phép báp têm bằng nước như đang nói đến ở đây.

Không chỗ nào trong Kinh-Thánh Tân Ước nói về báp têm rảy nước hoặc thoa nước; nhưng các tác giả luôn luôn mô tả là sau khi người ta chịu báp têm, thì từ dưới nước bước lên bờ (Mác 1:10; Công Vụ 8:39). Đó cũng là lý do Giăng Baptist làm phép báp têm ở Ênôn gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước (23). Sau nầy, các môn đồ của Chúa cũng làm báp-têm chỗ có nhiều nước. Nếu chỉ rảy nước hoặc thoa nước, chẳng ai cần phải xuống sông.

Lý luận của một số người thuộc vài giáo hội hay hệ phái cổ điển về việc rảy hoặc thoa nước, thường là nhằm bênh vực cho truyền thống sai lầm của giáo hội hoặc hệ phái nào đó. Nhưng các lý luận ấy không có sự hỗ trợ của Kinh-Thánh Tân Ước hoặc lịch sử Hội-thánh thời sơ lập.

Sau nầy, một số giáo hội dùng lễ nghi của luật pháp Cựu Ước để cử hành các nghi lễ của Hội Thánh ngày nay, như rảy nước thánh cho người hoặc đồ vật. Nhưng khi họ bắt chước các nghi lễ đó thì vẫn không đúng ý nghĩa. Vì ở thời Cựu Ước, các thầy tế lễ rảy nước pha với huyết con sinh tế; còn ‘nước thánh’ của các giáo hội thời nay không pha máu của con thú bị giết làm lễ vật hi sinh, bởi vì trong giao ước mới không còn dùng con thú hi sinh làm lễ vật chuộc tội.

Nói tóm lại, khi tín hữu nhận lễ báp têm nhân danh Đức Chúa Giêxu, thì sẽ chịu trầm mình dưới mặt nước, trước khi được đỡ lên khỏi mặt nước; với ý nghĩa là sẵn lòng cho con người xác thịt cũ của mình đồng chịu chết và chôn với Đức Chúa Giêxu. Khi được nâng lên khỏi mặt nước, thì có ý nghĩa là được sống lại với Ngài như Ngài đã sống lại từ cõi chết.

Việc đồng chết và đồng sống lại xảy ra khi lòng chúng ta quyết tâm thực sự liên hiệp tâm linh mình với Đức Chúa Giêxu trong sự chết và sự sống lại của Ngài. Chứ không phải là các nghi lễ bề ngoài. Bởi vì, dù có được làm báp-têm bởi mục sư danh tiếng, nhưng lòng chưa thực sự quyết định liên hiệp với Đức Chúa Giêxu, thì việc đó vẫn là vô giá trị trước mặt Đức Chúa Trời.

Chịu phép báp têm cũng là sự hứa nguyện rằng, từ nay trở đi sẽ duy trì một đời sống mới, ăn năn về tất cả tội lỗi đã phạm trước đây và quyết chí không tái phạm. Rồi cầu xin Chúa sử dụng đời sống mình làm nguồn phước đem hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.

PhepBapTem0814.docx

Rev. Dr. CTB