Thư Hê-bơ-rơ, bài 08

Hê-bơ-rơ 6:1–12

Hai tình trạng tâm linh khác nhau của hai trình độ tín hữu trong Hội-thánh Chúa bây giờ là một thực tế, giống như hai trình độ tín hữu người Do-thái ngày xưa vậy.

Hạng tín hữu đáng lẽ có thể làm người đỡ đầu thuộc linh để giúp đỡ người khác từ lâu, nhưng đến nay vẫn ở trong tình trạng ấu trĩ; là những người luôn cần có người khác dạy cho các bài học sơ đẳng về đạo.

Loại tín hữu thứ nhì là những người có đời sống thuộc linh trưởng thành, biết tập luyện các giác quan tâm linh để hiểu, hoặc tiêu hoá những vấn đề khó giải thích, và họ có thể sử dụng hay vận hành trong các ân tứ siêu nhiên do Đức Thánh Linh ban cho.

Tác giả thúc giục hạng tín hữu ấu trĩ hãy thoát ra khỏi tình trạng lười nhác, bạc nhược về các vấn đề tâm linh, để tiến lên trình độ trưởng thành. Họ phải làm điều đó bằng cách “gác một bên các giáo lý sơ đẳng” (1).

Những vấn đề được gọi là sơ đẳng đó (1–2), tuy vẫn cần thiết đối với các tín hữu chưa nắm vững những điều họ tin, nhưng có thể tạm gác qua một bên để học biết các vấn đề sâu nhiệm hơn. Bởi vì những giáo lý sơ đẳng giống như một cái nền nhà, sau khi đã được đặt rồi, thì không ai lại xây trên đó một cái nền nữa, mà người ta sẽ xây những phần của cái nhà trên nền ấy.

Tuy vậy, nếu ai chưa được học những giáo lý sơ đẳng, thì cần phải đặt nền trước đã (3).

Sở dĩ chúng ta phải tiến lên trình độ trưởng thành là để tránh bị “sa ngã” lìa xa Chúa (6).

Tin Chúa tức là nhận được năm thứ ân phúc từ Ngài (4–5):

1) Được soi sáng, tức là nhận ra tội lỗi của mình, biết có một ơn cứu độ mà mình có thể nhận được bằng đức tin.

2) Nếm biết món quà thiên thượng, tức là nhận được sự tha tội và ơn cứu rỗi qua sự chết đền tội của Đức Chúa Giêxu, là Đấng Cứu Thế của cả nhân loại.

3) Dự phần trong Thánh Linh, tức là nhận được sự tái sinh từ Đức Thánh Linh hành động trong lòng.

4) Nếm đạo lành của Đức Chúa Trời, tức là bắt đầu được biến hoá con người bề trong, biết ưa thích điều thiện và gớm ghê những điều ô uế, gian ác, và

5) Nếm các quyền năng của thời đại tương lai, tức là được biết mình sẽ về thiên đàng, biết kinh sợ hoả ngục, biết mục đích và thấy quyền phép của Đức Chúa Trời thể hiện, được Đức Chúa Giêxu cầu thay, biết các lời hứa phước hạnh của tin mừng và các lời hứa vĩnh cửu của Đức Chúa Trời.

Những người nầy “nếu sa ngã, thì không thể nào khiến họ ăn năn một lần nữa, vì chính họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời một lần nữa, và công khai sỉ nhục Ngài” (6). Sa ngã tức là trở lui và tìm mọi cách nói những lời lên án, gièm chê, trách móc, và chống trả Đức Chúa Trời để biện minh cho quyết định của mình. Tác giả nói rằng sẽ không còn sự tha tội nào cho những người đó.

Khi đề cập đến những câu trên, cũng như nghiên cứu đến phần Hê-bơ-rơ 10:26–30, một số người đã đặt câu hỏi: “Những câu ấy có mâu thuẫn với lời Đức Chúa Giêxu hứa hay không?” Vì Ngài quả quyết rằng: “Ta cho chúng sự sống vĩnh cửu, chúng chẳng bao giờ bị hư vong, và chẳng ai có thể cướp chúng khỏi tay Ta. Cha Ta, Đấng quyền năng vĩ đại hơn hết đã cho Ta đàn chiên đó. Chẳng ai có thể cướp chúng khỏi tay Cha” (Giăng 10:28–29).

Về vấn đề đó thì Giăng 10:28–29Hê-bơ-rơ 6:4–8; 10:26–30 đều trình bày cùng một chân lý, nhưng nói tới hai phương diện khác nhau.

Giăng 10:28–29 là về phía Chúa, còn Hê-bơ-rơ là phía trách nhiệm của người. Chúng ta cần phải xem xét những chỗ khác trong Kinh-thánh nói về phần trách nhiệm của người tin liên quan đến kết quả cuối cùng về việc sẽ được cứu, hay sẽ bị đuổi xuống hoả ngục.

Ý tưởng về một cái vé bảo đảm lên thiên đàng là một điều mà Kinh-thánh Tân-ước không tuyên bố. 2Cô-rinh-tô 6:1 cho biết có người “tiếp nhận ân điển Đức Chúa Trời cách vô ích.” Những người đã có lần “nhân danh Chúa nói tiên tri, nhân danh Chúa đuổi quỷ, và nhân danh Chúa làm nhiều phép lạ,” lại bị chính Đức Chúa Giêxu từ khước “Ta không hề biết các ngươi! Lui ra, những kẻ làm điều gian ác!” (Ma-thi-ơ 7:22–23).

Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy lấy lòng kính sợ run rẩy thực hành sự cứu rỗi” (Phi-líp 2:12b), và cũng nói rõ có một số người “giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính” (2Ti-mô-thê 3:5)

Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở: “Anh em hãy thánh khiết trong mọi nếp sống, cũng như Đấng kêu gọi anh em là thánh. Vì Kinh-thánh chép: ‘Hãy nên thánh, vì Ta là thánh” (1Phi-e-rơ 1:15–16);

ông cũng cảnh cáo về số phận những người “đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian nhờ biết Đức Chúa Giêxu là Đấng cứu chuộc, lại vướng vào đó lần nữa vì bị thua, tình trạng sau nầy của họ còn xấu hơn trước. Thà họ đừng biết con đường công chính còn hơn đã biết rồi, sau lại từ bỏ điều răn thánh mình đã nhận được” (2Phi-e-rơ 2:20–21). Còn có nhiều lời nhắc nhở tương tự.

Đức Chúa Giêxu cũng không hứa tín hữu sẽ an toàn sau khi được ghi tên vào sách sự sống ở trên trời: “Ai thắng cũng sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xoá tên người ấy khỏi sách sự sống, nhưng sẽ tuyên nhận tên người ấy trước mặt Cha Ta, và trước các thiên sứ của Ngài” (Khải-huyền 3:5). Nghĩa là, nếu tín hữu không cẩn thận để bị thua ma quỷ, hoặc vì quá sợ chết mà chối Chúa hoặc chối bỏ đạo, thì chắc là tên của người đó sẽ bị Chúa xóa bỏ khỏi sách sự sống, dù tên đã được ghi vào sách trước đó rồi.

Như vậy, chiên thật của Chúa phải biết Ngài một cách thân mật: “Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta, cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy… Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng, và chúng theo Ta” (Giăng 10:14–15, 27).

Đàn chiên được bình an trong tay Chúa là đàn chiên do Đức Chúa Cha tiếp nhận và giao cho Đức Chúa Giêxu. Chiên lạc đàn không có bình an. Hơn nữa, phải biết chắc mình là chiên đã được Đức Chúa Cha giao cho Đức Chúa Giêxu. Hạng tín hữu lười nhác chắc là không nằm trong đàn chiên của Đức Chúa Giêxu; bởi vì không có mối liên hệ thân thiết với Ngài; cho nên, không quen nghe tiếng của Đấng Chăn Giữ mình.

Hai phương diện của một chân lý đều phải hoàn thành; cho nên, “miếng đất nào được thấm nhuần mưa móc thường xuyên, sinh ra cây cỏ ích lợi cho người cày cấy, sẽ nhận được phước lành từ Đức Chúa Trời; nhưng nếu đất đó sinh gai gốc, cỏ dại, thì chỉ là vô dụng, sắp đến ngày bị bỏ hoang, và rốt cuộc bị thiêu huỷ” (7–8).

Những ai theo Chúa chỉ để tìm kiếm các lợi lộc vật chất và bình an tạm bợ ở đời, mà chưa bao giờ có mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Giêxu, thì số phận đời sau rất là bi thảm.

Vì thế, mọi tín hữu đều phải tiến lên trình độ trưởng thành, chứ không thể ở mãi tình trạng tâm linh ấu trĩ, bị cai trị bởi tâm tánh xác thịt của con người cũ.

Để biết mình có phải là chiên trong bầy được Đức Chúa Cha giao cho Đức Chúa Giêxu hay không, chúng ta phải tự xem xét mình có được thấm nhuần mưa móc thường xuyên, tức là thấm nhuần Lời hằng sống của Chúa qua các buổi học Kinh-thánh, nghe giảng, qua giờ ở riêng tương giao với Chúa hay không.

Dấu hiệu được thấm nhuần mưa móc thường xuyên là phước lành từ Đức Chúa Trời tuôn đổ vào tâm linh, khiến lòng yêu mến Chúa ngày càng gia tăng. Người ta có thể lừa dối người khác, rồi tự lừa dối. Tội tự lừa dối là một tội rất nguy hiểm. Lòng người phạm tội trở nên chai lì, và kết quả là sẽ bị thiêu huỷ.

Sau khi đưa ra thông điệp chung cho cả hai loại tín hữu, tác giả nói những lời khích lệ và an ủi các tín hữu đã trưởng thành (9–10). Đây là những tín hữu chắc chắn đã nhận được ơn cứu rỗi và đời sống tâm linh của họ đã có những kết quả tốt đẹp.

Việc lành không phải là công đức để mua ơn cứu độ, mà là những việc tự nẩy sinh trong đời sống đã kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Chúa (9).

Việc lành được khen ngợi ở đây là: vì Danh vinh quang của Đức Chúa Trời các tín hữu đã vui vẻ “phục vụ các thánh đồ và còn tiếp tục phục vụ nữa” (10). Chúa không bao giờ quên những việc làm đó; bởi vì Ngài không bất công đối với những ai vì danh Ngài mà yêu thương người khác.

Chúng tôi ước mong mỗi anh em đều tỏ ra lòng nhiệt thành như thế, giữ niềm hi vọng thật vững chắc cho đến cuối cùng; không trở nên lười biếng, nhưng bắt chước những người đã nhờ đức tin và lòng kiên trì mà hưởng được lời hứa” (11–12).

Mặc dù chúng ta không làm được gì để mua được ơn cứu rỗi, vì đó là công việc của Chúa; nhưng việc ấy không có nghĩa là sau khi nhận được sự tha tội rồi thì tín hữu không cần làm gì hết. Trái lại, mỗi người phải chuyên cần học hỏi lời Chúa, siêng năng tương giao với Ngài qua những giờ cầu nguyện, nhận lãnh và suy gẫm cách kỹ càng những sự dạy dỗ hay nhắc nhở của Đức Thánh Linh.

Lời hứa của Chúa cho con dân Ngài là thuộc về chúng ta. Nhưng để được hưởng các lời hứa ấy, chúng ta phải bắt chước những gương “đức tin và lòng kiên trì” của những anh hùng đức tin trong lịch sử như Nô-ê, Áp-ra-ham, Giô-sép, Môi-se, Đa-vít, vv.

Từ khi lời hứa được ban tới lúc họ nhận được các điều hứa ấy là những khoảng thời gian rất lâu dài. Vì thế, ta cần phải kiên trì.

ThuHeboro08.docx

Rev. Dr. CTB