Thư Hê-bơ-rơ, bài 12

Hê-bơ-rơ 9:8–12

Đức Chúa Giêxu làm hai nhiệm vụ trong vai trò Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc: 1) Đấng Phục Vụ của Nơi Chí Thánh trên trời và, 2) Đấng Trung Bảo của Giao Ước mới trong lòng tín hữu.

Nơi Chí Thánh là chỗ tượng trưng cho sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Nói đến sự thánh khiết là nói về Đức Thánh Linh; vì Ngài là ‘Linh Thánh Khiết’ đem sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đến mỗi cõi lòng của chúng ta. Vì thế, tín hữu cần phải hiểu rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa Nơi Chí Thánh với Đức Thánh Linh là như thế nào.

Đức Thánh Linh dùng điều nầy để dạy chúng ta: Chừng nào Đền Tạm thứ nhất đang còn, thì đường vào Nơi Chí Thánh chưa mở cho mọi người”(8). Có nghĩa là chừng nào còn bức màn ngăn cách giữa Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh, thì không người trần gian nào được đến gần tương giao thân mật với Đức Chúa Trời.

Nơi Chí Thánh đòi hỏi người vào nơi đó phải thánh khiết tuyệt đối; vì thế, Đức Thánh Linh hoàn toàn quản trị đường vào chốn ấy. Ngài ấn định bức màn ngăn cách, Ngài ấn định mọi kiểu mẫu thờ phượng, Ngài chuẩn bị một thân thể cho Ngôi Lời nhập thể làm Người.

Ngài đầy dẫy trên Đức Chúa Giêxu trong suốt thời gian Chúa sống trên đất, Ngài hướng dẫn Đức Chúa Giêxu dâng thân thể mình cho Đức Chúa Trời làm sinh tế chuộc tội, Ngài đã làm cho Đức Chúa Giêxu sống lại từ cõi chết và đem Chúa lên ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.

Sau khi Đức Chúa Giêxu được quang vinh và đường vào Nơi Chí Thánh đã được mở ra, thì Đức Thánh Linh được ban xuống để đem sự sống vinh quang và vĩnh cửu của Đức Chúa Giêxu vào lòng của mọi con dân chân thật của Ngài.

Chính Đức Thánh Linh hướng dẫn mọi tín hữu đi vào Nơi Chí Thánh để kinh nghiệm sự hiện diện vinh quang của Đức Chúa Trời và hiểu biết sự thánh khiết thiên đàng là thể nào.

Cũng Đức Thánh Linh khải thị huyền nhiệm về hi vọng vinh quang của con dân Chúa là: Họ sẽ gặp Đức Chúa Trời cực thánh trong Nơi Chí Thánh của Ngài, khi họ được Đấng Christ thành hình trong lòng qua công tác thánh hoá của Đức Thánh Linh.

Hi vọng ấy là sự vinh quang do nhận quyền năng của Đức Thánh Linh, các con cái thật của Ngài sẽ chiếm hữu mọi phước hạnh và sức sống của thiên đàng trong lúc họ còn sống trên trần gian.

Thế thì, tín hữu phải hiểu cặn kẽ về những diễn biến trong công tác biến đổi của Đức Thánh Linh đối với tâm linh con người xác thịt của mình là ra sao.

Nếu chúng ta nghĩ rằng mình phải tự rèn luyện để trở nên thánh khiết, thì ta sẽ tuyệt vọng. Vì tất cả chúng ta đều bị di truyền bản chất từ tổ phụ, chứ không có quyền quyết định gì trong việc nầy.

Nhưng Đức Chúa Giêxu thừa khả năng đặt trong chúng ta bản thể di truyền thánh khiết của Ngài; để con dân Ngài có thể thực hiện nổi những tiêu chuẩn mà Ngài đưa ra.

Mọi sự dạy dỗ của Đức Chúa Giêxu đều để giúp con dân Ngài ứng dụng bản thể thánh khiết vào đời sống họ, mà Đức Thánh Linh đã đặt trong họ.

Chúng ta chỉ có thể nhận được bản thể thánh khiết của Đức Chúa Giêxu khi nào mình ưng thuận bản án đối với tội lỗi mình đã bị phán xét trên thập tự giá của Ngài.

Rồi phải nhận biết mình cần phải có sự thánh khiết thiên đàng trong lòng để thắng hơn sự cám dỗ của thế gian và sự yếu đuối của ý chí xác thịt.

Khi đó, Đức Chúa Trời mới ban Thánh Linh Ngài vào tâm linh chúng ta để quyền năng của Con Đức Chúa Trời thực hiện công tác đổi mới, làm cho Đấng Christ thành hình trong lòng chúng ta (Ga-la-ti 4:19).

Nếu ai không để cho Đức Chúa Trời đặt một bản thể mới vào lòng người ấy qua sự nhận biết bản chất tội lỗi và gian ác của mình, và sự thật lòng ăn năn quá khứ bất khiết, thì người ấy không thể bước vào Nơi Chí Thánh.

Huyền nhiệm của sự đổi mới đời sống, và bí quyết để nhận được sự biến đổi ấy là sự nhận ra nhu cầu của mình hết sức cần một bản thể thánh khiết của thiên đàng, mà khả năng riêng không bao giờ đạt tới nổi.

Nếu chúng ta không biết mình cần phải có bản thể của Đức Chúa Giêxu, thì Đức Chúa Trời không thể đặt vào tâm linh ta điều mà ta không thấy cần, cũng không muốn.

Cứu chuộc có nghĩa là được giải thoát khỏi tính di truyền của tội lỗi, và nhận một bản thể tinh sạch không ô nhiễm trần gian, đó là Đức Thánh Linh, Đấng dẫn chúng ta vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời, để ánh sáng, tình thương và sự thánh khiết của Chúa chiếu sáng trong lòng ta.

Vì thế cho nên, nếu ai muốn cậy sức và khả năng riêng để hoàn thành luật pháp của giao ước cũ, không nhận lãnh công tác thánh hoá của Đức Thánh Linh cho mình qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, tức là không nhận một bản thể di truyền hoàn toàn thánh sạch, không bợn nhơ của Ngài là Đức Thánh Linh, thì đối với những người đó, bức màn chặn lối vào Nơi Chí Thánh vẫn còn nguyên vẹn; hậu quả là ‘đường vào nơi chí thánh chưa mở’ ra cho những người như thế.

Tất cả các luật lệ của giao ước cũ về “các lễ vật và sinh tế dâng lên” để chuộc những lỗi lầm “liên quan đến các món ăn, thức uống, lễ thanh tẩy, các quy tắc về thân thể con người (9–10), thì nó “không thể làm sạch lương tâm của người thờ phượng được” (9).

Cho nên, những ai muốn áp dụng các luật lệ của giao ước cũ sẽ hoàn toàn thất bại trên linh trình của họ; bởi Đức Thánh Linh không có cơ hội vào tâm linh họ để làm cho Đấng Christ thành hình trong lòng họ.

Các tín hữu nầy chỉ muốn Đức Chúa Giêxu thay mặt họ theo phẩm trật A-rôn, chứ chưa hiểu biết Ngài theo phẩm trật Mên-chi-xê-đéc; là Đấng “đã đến làm Thầy Tế Lễ thượng Phẩm của những gì tốt đẹp trong hiện tại; Ngài đã vào nơi thờ phượng vĩ đại và hoàn thiện hơn, không do tay người ta dựng lên, nghĩa là không thuộc về cõi thọ tạo nầy” (11).

Cựu-ước đưa ra hình bóng của những gì sẽ đến; Tân-ước hoàn thành những điều Cựu-ước đã tiên báo. Luật lệ về đền thờ và nghi lễ thờ phượng của Cựu ước, do Thiên-sứ truyền cho Môi-se ban bố, tiềm ẩn huyền nhiệm về sự cứu rỗi qua bốn điều:

1) Thầy tế lễ,

2) Nơi Chí Thánh tại Đền thờ,

3) Huyết chuộc tội, và

4) Đường vào Nơi Chí Thánh.

Sau khi Đức Chúa Giêxu chịu bị đóng đinh, chịu chết để chuộc hết tội lỗi của nhân loại, Ngài sống lại và thăng thiên, thì Ngài thực hiện cả bốn điều trên:

1) Ngài lãnh chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc.

2) Ngài đi vào Nơi Chí Thánh của Đền-thờ vĩ đại và toàn hảo ở trên trời.

3) Ngài đem chính huyết mình vào nơi đó (12).

4) Ngài mở đường cho mọi con cái Ngài được đi thẳng vào Nơi Chí Thánh.

Chúng ta phải hiểu và nắm vững 4 điểm về huyền nhiệm của sự cứu rỗi nầy, thì sẽ hiểu được ý nghĩa của việc Ngài: “lấy chính huyết mình mà cứu chuộc chúng ta đời đời” (12).

Để hiểu vững vàng huyền nhiệm trên, chúng ta hãy học những điều Đức Thánh Linh dạy dỗ về con đường Đức Chúa Giêxu đã đi qua để xé bức màn ngăn lối vào Nơi Chí Thánh.

Trước hết Ngài đã chịu mang “lấy thể xác giống như thể xác tội lỗi” của loài người (Rô-ma 8:3). Rồi Ngài phải chịu đựng mọi sự yếu đuối của thể xác và bị cám dỗ trong thân xác ấy. Ngài học tập sự vâng lời Đức Chúa Trời, và thường xuyên cầu nguyện để giữ mối tương giao với Đức Chúa Cha.

Đó là cách mà Chúa phải đi qua Nơi Thánh trước khi vào Nơi Chí Thánh. Ngài chịu chết khiến bức màn bị xé đôi để Ngài có quyền bước vào Nơi Chí Thánh của Đền-thờ thật ở trên trời.

Trong Nơi Chí Thánh, Ngài dâng chính huyết vô tội của Ngài làm lễ vật chuộc tội cho cả nhân loại, và mở đường cho mọi người nào chịu chết bản ngã, quyết tâm nhận sự tha tội từ dòng huyết Ngài; để được tự do bước vào Nơi Chí Thánh tiếp nhận vinh quang của Đức Chúa Trời, nhận sự sống của Đức Chúa Giêxu vào tâm linh mình.

Tức là nhường cho Thánh Linh của Đức Chúa Trời cai quản, dạy dỗ và hướng dẫn mình trong mọi bước đường của đời sống. Ai nhận được điều đó là tiếp nhận Nước Trời ngay lúc còn sống ở trần gian.

Những điều vừa đề cập là ý nghĩa của việc Đức Chúa Giêxu “lấy chính huyết mình mà cứu chuộc chúng ta đời đời” (12).

Hãy suy gẫm thật kỹ càng về huyền nhiệm vinh quang mà chúng ta được hưởng qua công ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêxu. Mọi việc Ngài đã thực hiện trên thế gian và trên trời cho chúng ta đều nhắm vào mục đích cuối cùng là:

Mọi con dân đã được Ngài chuộc về đều được bước vào Nơi Chí Thánh của Đức Chúa Trời đáng tôn kính và thờ lạy mãi mãi.

ThuHeboro12.docx

Rev. Dr. CTB