Lê-vi-ký, bài 17

Lê-vi-ký 25:1–34

Trong lúc dân Israel đang đóng trại dưới chân núi Si-nai, Đức Chúa Trời truyền các lệnh đặc biệt về lúc dân Israel sẽ sống trong vùng đất hứa là:

Họ phải cho đất nghỉ ngơi vào năm thứ bảy sau sáu năm canh tác (1–4); chẳng những họ không được gieo cấy đồng ruộng hay cắt tỉa vườn nho, mà họ còn “không được gặt những gì tự mọc lên sau mùa gặt” và cũng không được “hái nho từ vườn nho không cắt tỉa” (5).

Vì mọi sản vật mà đất sinh ra trong năm sa-bát sẽ dùng làm thức ăn cho tôi tớ, những người làm thuê, khách trọ, gia súc, và thú vật trong xứ (6–7).

Sau khi Israel đã vào chiếm xứ Canaan, luật nầy bắt đầu áp dụng vào năm thứ hai mươi mốt; vì phải mất bảy năm họ mới chiếm được toàn xứ (Giô-suê 14:10; 18:1), rồi lại dành ra thêm bảy năm nữa để chia xứ cho các chi tộc (Giô-suê 19:51b); sau đó họ mới khai khẩn và gieo cấy trong sáu năm. Vì vậy, đến ngày áp dụng năm sa-bát thì họ đã vào xứ Canaan được hơn hai mươi năm rồi.

Luật về năm sa-bát đưa ra rất rõ là dân Israel phải hoàn toàn nghỉ ngơi việc đồng áng, vườn tược trong năm sa-bát; không được cắt tỉa các cành khô, cành chết của cây cối; tất cả hoa màu, trái cây, vv., đều phải để cho người nghèo được tự do thu hoạch.

Chủ đất cũng được ăn tại chỗ nhưng không được gặt, hái về trữ trong nhà; người nghèo cũng chỉ lấy vừa đủ ăn vài bữa. “Tất cả thổ sản đều được dùng làm thức ăn” (7) chứ không được chế biến thành sản phẩm khác, như xay hột lúa thành bột để làm bánh.

Luật Do-thái ở thời kỳ đền thờ thứ nhì về năm sa-bát rất khắt khe: Ví dụ có thể đốn cây làm củi đốt, nhưng không được nung củi thành than để nấu nướng hay sưởi ấm; được ăn rau cỏ mọc ngoài đồng nhưng không được dùng rau đó để chế thành dược liệu, vv.

Năm thứ năm mươi sau bảy lần năm sa-bát thì gọi là năm hân hỉ (8–10); vì năm ấy sẽ công bố tự do cho mọi người dân trong khắp xứ; sản nghiệp đã bán đều được trả lại cho nguyên chủ. Phía mua không lỗ lã gì, vì giá bán dựa trên hoa lợi của số năm còn lại trước kỳ hân hỉ sắp đến (11–17).

Mục đích của việc phải giữ mệnh lệnh của Chúa về năm sa-bát và năm hân hỉ là để được sống an lành trong xứ, vì dù không cần phải gieo trồng gì hết, đất vẫn sinh sản hoa lợi để dân được ăn no nê (18–19).

Để người Israel an tâm giữ năm sa-bát, Đức Chúa Trời hứa Ngài sẽ ban phước cho họ vào năm thứ sáu được mùa dư dật đủ dùng trong ba năm thứ bảy, tám và chín (20–22).

Giống như năm sa-bát đầu tiên xảy ra vào năm thứ hai mươi mốt sau khi dân Israel đã vào đất hứa, năm hân hỉ được kỷ niệm lần đầu tiên là năm thứ sáu mươi bốn sau khi họ vào xứ Canaan.

Trong ngày đại lễ chuộc tội của năm hân hỉ thì người Israel phải dùng kèn-tù-và bằng sừng chiên thẳng và dài thổi vang rền khắp xứ (9). Nghĩa là nơi nào có dân Israel sinh sống, thì nơi đó phải có một số người thổi các kèn-tù-và.

Tháng bảy của lịch tôn giáo là tháng đầu tiên của lịch dân sự. Khi kèn-tù-và thổi vang vào ngày thứ mười của tháng ấy, ngày đại lễ chuộc tội, lúc toàn dân kiêng ăn và cầu xin Đức Chúa Trời nhân từ thương xót tha thứ tội lỗi của họ, thì họ cũng phải thực hiện lòng bác ái tha nợ cho người thiếu nợ mình.

Điều nầy dạy chúng ta là đức nhân ái phải trở thành nền tảng trong cách chúng ta cư xử với người khác, hầu cho lòng ăn năn thống hối của chúng ta đối với tội lỗi mình đã phạm mới có giá trị và mới được huyết chuộc tội của Đấng Christ tha thứ cho. Năm hân hỉ cũng là thời điểm những nô lệ người Israel phải được chủ của họ trả tự do cho họ.

Vấn đề không được bán đứt mảnh đất được phân chia cho gia đình thì có ý nghĩa rất sâu. Người Israel được Chúa ban cho đất để cư ngụ và gieo trồng. Ngài không ban cho họ làm chủ vĩnh viễn (23). Vì thế, nếu họ cứ vâng lời Chúa, thì họ được vững lập trên đất họ sẽ được ban cho để cư trú, nhưng mỗi khi họ phản nghịch, thì Chúa để cho họ bị kẻ thù đánh bại và sống đời lưu đày xa xứ.

Bởi vì đất đai thuộc về Chúa, nên họ cũng chẳng thể tự ý nhượng đất cho dân tộc nào khác vì bất cứ lý do gì. Đặc điểm nầy là nhằm giúp cho dân Israel phải biết nương dựa vào Đấng bảo vệ toàn năng của họ.

Vào dịp năm hân hỉ, việc người chủ cũ có quyền chuộc lại đất đã bán là một nét rất đặc biệt trong luật về đất đai mà người Israel được hưởng (24–28). Nhưng sự chuộc lại phải không gây thiệt thòi cho người mua (25–27). Còn nếu người chủ bán đất không đủ khả năng để chuộc lại, thì tới năm hân hỉ, “đất ấy sẽ ra khỏi tay người mua và trở về nguyên chủ” (28).

Luật chỉ cho phép bán đất vì quá nghèo túng, nên không người Israel nào được bán đất do bất cứ lý do nào khác; bởi vì đất là từ tổ phụ trong dòng họ truyền lại (1Vua 21:3).

Luật cũng quy định là người bà con gần nhất có quyền chuộc và có đủ tiền thì bổn phận người đó “phải đến chuộc lại phần đất mà anh em mình đã bán” (25), để đất của dòng họ vẫn được nguyên vẹn. Người họ hàng có quyền chuộc đất cũng phải cưới người vợ goá không con của người bà con mình (Rutơ 3:13).

Ý nghĩa của chữ ‘xoay sở’ (26) không phải là vay nợ để chuộc đất, nhưng là làm lụng kiếm tiền cho việc ấy.

Giá tiền chuộc lại đất được tính bằng cách lấy giá bán, thường là tổng giá trị của hoa lợi tuỳ theo số năm kể từ lúc bán cho tới năm hân hỉ kế tiếp, trừ đi tổng giá trị sản lượng của số năm đã qua kể từ ngày bán tới ngày chuộc. Phần tiền còn lại phải trả đủ cho người mua (27).

Vấn đề bán nhà trong các thành có tường thành bao quanh thì khác hẳn với quy định bán đất và chuộc lại. Người bán nhà chỉ có quyền chuộc nhà lại trong vòng một năm sau khi bán mà thôi.

Nếu trong vòng một năm mà người bán không chuộc lại thì nhà ở trong thành có tường bao bọc đó sẽ vĩnh viễn thuộc về chủ mua và con cháu họ. Nhà đó sẽ không bị trả lại trong năm hân hỉ” (29–30).

Sở dĩ luật cho phép chuộc lại nhà trong một thời gian giới hạn, vì mặc dù người bán nhà có thể không bị hoàn cảnh bó buộc phải bán, gia đình của người ấy vẫn còn quyến luyến nơi cư ngụ lâu ngày của họ, cho nên luật thánh có dành ra một điều khoản bảo vệ người bán có quyền chuộc lại nhà trong một khoảng thời gian rất giới hạn.

Các nhà tại những thành không có vách thành bao bọc thì được xem như đất gieo trồng, chỗ căn nhà được cất lên. Sự bán mua nhà ấy là theo quy chế của luật đất năm hân hỉ.

Những nhà ở các làng mạc vào thời ấy rất có thể không cất thành từng xóm nhà, mà được xây cất ngay trên đất làm ruộng vườn, để thuận tiện cho việc canh tác và chăm sóc. Vì không tập trung thành một xóm các nhà cất gần nhau, nên không thể xây dựng vách thành bao bọc quanh làng.

Vì thế loại nhà ấy được tính như một phần của đồng ruộng: “Nhà cửa ở trong các làng mạc không có tường thành bao bọc thì được kể như ruộng đồng, người bán có quyền chuộc lại. Nhà đó sẽ được trả lại cho nguyên chủ vào năm hân hỉ” (31).

Lý do là khi người chủ bán đất, thì cái nhà trên đất đó cũng bị bán theo. Khi đất được chuộc lại, thì cái nhà cũng được chuộc theo đất. Người mua đất và nhà sẽ tính toán rất cẩn thận xem ở nhà đó có lâu dài không, vì chủ bán có thể chuộc đất và nhà lại.

Người Israel vâng lệnh Đức Giê-hô-va cấp cho người Lê-vi bốn mươi tám thành khi vào đất hứa (Giô-suê 21:41).

Người Lê-vi có quyền chuộc lại nhà cửa trong các thành thuộc quyền sở hữu của họ, mà họ đã bán, bất cứ lúc nào (32), mặc dù người Lê-vi đều ở trong thành có tường thành bao bọc. Nghĩa là nhà của họ có giá trị như đất của người thuộc các chi tộc khác.

Nếu người Lê vi không chuộc lại cái nhà trong thành thuộc quyền sở hữu của họ mà họ đã bán, thì đến năm hân hỉ nhà đó sẽ về nguyên chủ, vì nhà cửa trong thành của người Lê-vi là sản nghiệp của họ giữa dân Israel” (33).

Người của các chi tộc khác có thể mua nhà của người Lê-vi để ở, vì họ có thể sở hữu ruộng đồng ở gần thành ấy. Nhưng họ biết chắc là phải trả nhà vào năm hân hỉ.

Đất đồng cỏ được cấp cho người Lê-vi thì không nhiều (Dân số 35:2–5). Họ cũng không được phép bán, vì “đó là sản nghiệp đời đời của họ” (34).

Theo ý nầy thì những đồng cỏ chung quanh thành của người Lê-vi vẫn phải mãi mãi là đồng cỏ nuôi gia súc và cấy trồng; họ không được cất nhà trên các đồng cỏ ấy. Bởi vì đất ấy là sản nghiệp vĩnh viễn mà họ có để cho bầy thú của họ ăn cỏ. Nếu họ xây cất nhà ở trên đất ấy thì họ sẽ chẳng còn đất để trồng trọt hay đồng cỏ cho gia súc.

Hơn nữa, nếu có thể bán nhà mà không được bán đất, thì vấn đề pháp lý sẽ trở nên vô cùng rắc rối. Vì thế, người Lê-vi không được phép cất nhà trên đồng cỏ ngoài tường thành của họ.

Leviky17.docx
Rev. Dr. CTB