1 Samuel, bài 05

1Samuel 3:1–21

Chỉ một câu thôi, tác giả đã gom gọn lịch sử một thời kỳ quý báu của dân tộc Israel, tuy không quá lâu dài, là những chi tiết vô giá sau nầy được ghi vào Kinh Thánh. Thầy tế lễ Eli mặc dù đáng trách vì đã không trừng trị hai ông con làm ô uế Đền Tạm và Danh Thánh Đức Chúa Trời, nhưng dù ít người để ý tới, ông vẫn là người có công rất lớn trong sự dạy dỗ và hun đúc một vị tiên tri kiệt xuất cho tương lai của dân Israel. Công thứ nhất của ông là không để cho Samuel bị hai người con gian ác đồi bại gây ảnh hưởng; thứ nhì là ông đã truyền đạt được tất cả thủ tục, lễ nghi đền thánh, luật pháp Ngũ Kinh, dạy chữ cho Samuel, và sử ký truyền khẩu của dân tộc (1).

Vì Samuel đã trở thành một người liêm khiết và được toàn dân Israel kính trọng, công lớn ấy phải thuộc về ơn dạy dỗ của thầy tế lễ Eli. Hãy thấy khung cảnh Samuel lớn lên là quẩn quanh môi trường trang nghiêm huyền bí của Đền Tạm. Có lẽ nơi duy nhất cậu bé chưa bước vào là nơi chí thánh đặt Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời. Đức tin vào Chúa mà mẹ Hannah đã nhào nặn cho Samuel từ những ngày thơ ấu phải rất mạnh mới có thể giữ một đứa trẻ sẵn lòng phục vụ trong sự nhàm chán và khô khan của một nơi thờ tự chẳng có lời hay khải tượng từ Đức Chúa Trời đến (1b).

Ngày nay, mặc dù Hội Thánh ở mọi nơi đều có Kinh Thánh, nhưng tình trạng Lời Chúa phán hoặc khải tượng soi sáng từ Chúa trực tiếp cho các chi hội địa phương, đối với một số giáo hội và giáo phái, vẫn hiếm hoi như thời kỳ Samuel còn thơ ấu vậy. Nếu Đức Chúa Trời vẫn luôn chăm lo Hội Thánh Ngài, thì nguyên nhân của tình trạng ấy khá rõ ràng: Người ta dám tuyên bố rằng Chúa không còn phán trực tiếp với con dân Ngài nữa, vì Kinh Thánh đã được hoàn tất rồi. Tại sao họ nói như thế? Bởi vì họ giải nghĩa thần học và lập giáo lý theo quan điểm họ cho là đúng. Nếu chấp nhận sự soi sáng mới nào, thì lý thuyết thần học cũ của họ có nguy cơ bị sai trật trầm trọng.

Có lẽ nơi thầy tế lễ Eli thường nằm ngủ là một gian nhà sát với gian thánh của Đền Tạm; còn Samuel thì nằm ngủ trong gian thánh của Đền, chỉ có một bức màn che ngăn cách gian ấy với nơi đặt Rương Giao Ước; đèn của Đức Chúa Trời ở gian thánh; từ chiều, đèn được thắp sáng (Lêviký 24:3) đến giờ Samuel đi ngủ thì đèn chưa tắt vì trời chưa sáng (2–3). “Lúc ấy, Đức Giê-hô-va gọi Samuel, và cậu thưa: ‘Có con đây!’” (4). Rồi cậu chạy đến Eli vì tưởng rằng Eli đang mù lòa cần sự giúp đỡ của mình. Chi tiết nầy chứng tỏ Eli thường gọi Samuel để nhờ giúp chuyện lặt vặt (5), Samuel lại là một cậu bé rất ngoan ngoãn. Eli bảo Samuel rằng ông không gọi, hãy đi ngủ lại đi.

Đức Chúa Trời gọi Samuel lần thứ nhì và thứ ba (6, 8). Ở đây chép rằng “Lúc bấy giờ, Samuel chưa biết Đức Giê-hô-va, và lời Đức Giê-hô-va chưa được bày tỏ cho cậu” (7). Theo ý câu nầy thì Samuel chưa biết phân biệt giữa tiếng của Đức Chúa Trời với tiếng của thầy tế lễ Eli. Không phải Samuel chưa được nghe Eli dạy về Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Samuel cũng chưa có kinh nghiệm gì về sự hiểu biết đặc biệt được truyền đạt qua sự mặc khải riêng. Theo vài nhà nghiên cứu Kinh Thánh thì lúc Samuel được Chúa gọi trong đêm, ông đã lên mười hai tuổi, lúc đã biết nhận định và có tri thức. Như Đức Chúa Jesus lúc 12 tuổi đối đáp với các thầy thông giáo (Luca 3:46-47).

Sau khi Samuel lại chạy đến với ông lần thứ ba, Eli hiểu rằng Đức Giê-hô-va gọi đứa trẻ, nên bảo Samuel: “Hãy về ngủ đi, và nếu có ai gọi con thì con hãy nói: ‘Lạy Đức Giêhôva xin phán dạy, vì đầy tớ Ngài đang nghe’” (8–9). Ngài đến đứng bên giường Samuel nằm và gọi một lần nữa. Samuel đáp lại tiếng gọi của Chúa theo lời chỉ dẫn của Eli “Xin Chúa phán, vì đầy tớ Ngài đang nghe!” (10). Thật vinh dự cho Samuel, vì cậu được nghe lời Chúa phán trực tiếp với mình, hạnh phúc của người được Chúa chọn. Sau một thời gian rất dài, Chúa lại đến phán với loài người.

Đức Chúa Trời bày tỏ cho Samuel biết Ngài sắp thực hiện lời cảnh cáo, mà Ngài đã thông báo trước cho Eli, “một việc trong Israel mà ai nghe đến đều phải lùng bùng cả hai tai.” Nhà Eli sẽ bị trừng phạt đến đời đời, vì ông đã biết tội lỗi đáng nguyền rủa của các con trai mình mà không ngăn cấm. Chúa “thề cùng nhà Eli rằng tội của nhà ấy sẽ không bao giờ chuộc được bằng sinh tế hay lễ vật” (11–14). Nguyên văn của chữ ‘tội lỗi‘ và ‘tội‘ trong các câu 13-14 là “đáng ghê tởm” và “sự gian ác.” Đức Chúa Trời không xem các việc làm của Hophni và Phinehas là lỗi lầm hay tội lỗi, mà đáng nguyền rủa tức là bị Ngài ghê tởm và là sự gian ác giống như tội của cherub Lucifer.

Nghe xong, Samuel “nằm ngủ cho đến sáng rồi mở các cửa Đền Thờ của Đức Giêhôva” vì cậu không dám thuật lại cho thầy tế lễ Eli lời hăm dọa quá kinh khủng của Đức Chúa Trời (15). Lời hăm dọa mà ai trong Israel nghe đến đều khiếp sợ đến nỗi hai tai phải bị lùng bùng. Bởi vì tội của gia tộc Eli sẽ không bao giờ chuộc được, tức là được tẩy rửa, bằng sinh tế hay lễ vật. Đền Tạm được Đức Chúa Trời chỉ dẫn cho Môise thiết lập từ thời dân Israel đóng trại ở chân núi Sinaii, đến thời Samuel đã hơn ba trăm năm. Đền ấy còn gọi là Lều Hội Kiến, không có cửa bằng gỗ như các loại đền khác. Như vậy, để có cửa cho Samuel mở mỗi buổi sáng, thì có lẽ người ta đã cất một cái nhà, hoặc làm vách ngoài bằng gỗ, che chở cho cái lều đã trải qua hơn ba thế kỷ.

Có lẽ đêm đó thầy tế lễ Eli ngủ không yên. Đức Chúa Trời gọi Samuel tới ba lần, tức là Ngài muốn phán với Samuel điều chi đó, chứ Ngài không phán trực tiếp với ông. Rồi khi thức dậy, cậu học trò Samuel không nói gì với ông cả. Còn Samuel thì chắc là tránh mặt ông, khiến ông thêm tò mò; cho nên, ông gọi thiếu niên Samuel vào gặp ông để hỏi (16–17): “Đức Giê-hô-va đã phán với con điều gì? Con đừng giấu ta chi hết. Nếu con giấu ta bất cứ điều nào trong mọi điều Ngài đã phán với con, nguyện Đức Chúa Trời phạt con nặng nề.” Có lẽ thầy tế lễ Eli cảm thấy vô cùng xấu hổ, vì Chúa không phán gì với ông, mà chỉ phán cho cậu bé Samuel.

Khi Chúa không phán với ông mà phán với người Ngài chọn, thì những lời phán ấy chắc chắn không phải là tin tốt, mà là tin xấu. Cho nên, ông nói rằng nếu Samuel giấu điều gì Chúa đã phán, thì Samuel sẽ bị tai họa ngặng hơn tai họa mà Chúa nói nghịch với gia tộc ông. Sau khi Samuel kể lại hết mọi lời Chúa phán, ông nói: “Ấy là Đức Giê-hô-va, nguyện Ngài làm điều đẹp ý Ngài” (18). Lời nói nầy sau khi nghe tin dữ từ Đấng Toàn Năng đã thông báo hai lần cho Eli, mặc dù ông thiên vị hai người con trai, chứng tỏ lòng ông vâng phục Chúa. Ông không lằm bằm tìm cách biện minh sự thiếu sót của mình, nhưng vâng phục sự phán xét công minh của Đức Chúa Trời.

Sự chọn lựa và xức dầu của Đức Chúa Trời đối với Samuel được bày tỏ rõ ràng cho toàn dân Israel được thấy qua tính tình chính trực của Samuel. Mọi lời nói của ông đều có hiệu quả; nguyên văn là “không lời nói nào của ông rơi xuống đất,” tức là những gì ông nói trước đều xảy ra, những gì ông xác nhận đều có thật, và không một lời dối trá nào ra khỏi miệng ông. Bằng cớ ấy chứng tỏ Đức Chúa Trời ở cùng Samuel trong thời gian ông khôn lớn dần (19). “Từ Đan tới Beer-Sheba” tức là các chi tộc Israel đang ở trong toàn thể chiều dài của lãnh thổ đều công nhận Samuel là tiên tri của Đức Chúa Trời, tức là Quan xét trên toàn thể Israel (20).

Đức Giê-hô-va tiếp tục hiện ra tại Si-lô; vì tại đó, Đức Giê-hô-va mặc khải cho Samuel qua lời của Ngài(21). Đây là một câu vô cùng quan trọng để chứng minh những chi tiết được ghi chép trong phần lớn của Ngũ Kinh, sách Giô-suê, Các Quan Xét, và sách Ruth, đều do Đức Chúa Trời mặc khải cho Samuel ghi chép lại. Bởi vì hầu hết các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đều tin rằng chỉ có Samuel mới có đủ tri thức nối tiếp Môise ghi chép lại phần lịch sử đã qua. Ngoài Môise, không người nào khác được Đức Chúa Trời hiện ra mặc khải trực tiếp như Samuel. Ông là một người rất hạnh phúc hơn mọi người đồng thời với mình hoặc sống sau ông.

1Samuel05.docx

Rev. Dr. CTB