1Samuel, bài 04

1Samuel 2:12–36

Thầy tế lễ Eli có hai con trai; vì là con thầy tế lễ nên lớn lên cũng làm thầy tế lễ. Cả đời họ quen với khung cảnh Đền Thờ tạm, không có Lời Chúa, không có khải tượng cũng không có quyền năng gì, nên hai chàng trai nầy không biết kính sợ Đức Chúa Trời. Họ chẳng những đồi bại mà còn là phường vô lại, đáng khinh bỉ (12). Họ không có một chút ý thức nào về sự thanh sạch trước mặt Đức Chúa Trời, hoặc sự thánh khiết ở Nhà Chúa, là nơi thánh. Cách họ lấy thịt sinh tế của dân chúng dâng tế lễ thì lợi dụng quyền hạn của chức tế lễ, lấn lướt người giống như ăn cướp (13–14).

Họ còn xem chức vụ thầy tế lễ như một phương tiện kiếm lợi qua việc bán thịt chưa nấu hay nướng cho người cần thịt ăn. Vì luật lệ Môi-se không cấp đất cho người Lê-vi, nên các thầy tế lễ không có đất làm sản nghiệp. Lợi tức để họ sống là nhờ của dâng một phần mười từ mười hai chi tộc Israel cấp cho họ; thầy tế lễ làm việc ở bàn thờ còn được thịt dâng ở bàn thờ làm thức ăn nuôi mình. Hai người con của Eli sai đầy tớ của họ giật lấy thịt chưa nướng làm phần của họ. Vì mỗi kỳ lễ đều có nhiều người dâng tế lễ, nên các đầy tớ của hai thầy tế lễ cướp được rất nhiều thịt cho chủ của họ. Vì vậy, hai người phạm tội nghiêm trọng vì khinh thường các lễ vật của Chúa (15–17).

Trong lúc hai người con của thầy tế lễ Eli triền miên phạm tội với Chúa, thì cậu bé Samuel ngoan ngoãn phụng sự Đức Giê-hô-va. Không biết ai đã may cái ê-phót bằng vải gai cho Samuel, bởi vì Samuel còn quá nhỏ, và có lẽ ông là người đầu tiên phục vụ Chúa ở tuổi thơ ấu như vậy, mà ê-phót là một tấm yếm quàng vai và che ngực chỉ dành cho chức tế lễ. Có lẽ những người nữ phục vụ tại cửa Đền Tạm đã may cho ông; (18). Samuel được cha mẹ tới thăm hàng năm và mỗi năm có một cái áo choàng nhỏ do mẹ may cho. Mặc dù Kinh Thánh không nói gì về cảm xúc của Samuel mỗi lần được gặp cha mẹ, nhưng chắc mỗi lần gặp mẹ thì Samuel đều vui mừng, hạnh phúc (19).

Lời chúc phước của một thầy tế lễ thượng phẩm đương niên rất là quan trọng, vì ông thay mặt người trước mặt Chúa, rồi đại diện Chúa đến với người. Ông cầu xin Chúa ban cho Hannah có thể tiếp tục sinh nở, đền bù Samuel mà hai vợ chồng đã dâng cho Chúa (nguyên văn là họ đã cho Chúa mượn). Được chúc phước xong, họ từ giã con mà trở về nhà (20). Lời cầu chúc của Eli được Chúa nhậm lời, nên trong khi Samuel khôn lớn trước Chúa, bà Hannah sinh thêm ba trai và hai gái (21).

Thầy tế lễ Eli đã nghe biết mọi điều bậy bạ của hai con trai mình làm. Trong phần nầy nói ông đã lớn tuổi nhưng không cho biết bao nhiêu tuổi. Những phụ nữ phục vụ tại cửa Lều Hội Kiến là những người tự nguyện dành trọn đời mình ở độc thân để phục vụ. Nhưng hai ông con của thầy tế lễ Eli lợi dụng chức quyền và uy thế của cha, nên đã ăn nằm với hoặc là tất cả, hoặc là nhiều người trong số họ, công khai phạm tội trước mặt Chúa (22). Có lẽ tai tiếng đã quá nhiều, nên người cha gọi hai ông con vào gặp riêng để ông quở trách họ.

Nhưng lời quở trách của Eli không phải là lời nghiêm khắc của thầy tế lễ thượng phẩm, mà là lời quá nhẹ nhàng của một người cha đối với con (23). Ông chỉ nói là việc họ làm không tốt lành gì, và các hành vi của họ khiến cho dân của Chúa vấp phạm. Mọi lời phê bình của tất cả các nhà giải kinh đều lên án hành vi của hai người con và lời quở trách yếu ớt của người cha (24).

Sở dĩ hai ông con không sợ vì họ chưa bao giờ biết kính sợ Đức Chúa Trời. Cho nên, họ không quan tâm lời Eli nói: “Nếu một người phạm tội với người khác, thì Đức Chúa Trời phán xét người đó; nhưng nếu người phạm tội với Đức Giê-hô-va thì ai sẽ cầu thay cho?” Kinh Thánh ghi rằng hai người đó không chịu nghe lời cha của họ, “vì Đức Chúa Trời định cho họ phải chết” (25).

Những lời tường thuật nầy đáng cho chúng ta suy gẫm: “Vì Đức Chúa Trời định cho họ phải chết!” Lỗi lầm do không biết thì rất khác với hành động cố ý phạm tội. Có thể người ta vì yếu lòng nên đã phạm tội một vài lần; có thể gọi là lỗi lầm. Nếu đã được nhắc nhở và cảnh cáo mà vẫn tiếp tục phạm tội thì đó là sự cố ý, không còn gọi là lầm lỗi nữa. Sự cố ý phạm tội triền miên sẽ dẫn tới hệ quả là bị Đức Chúa Trời định cho phải chết và chẳng khi nào được cứu rỗi.

Trong lúc hai người con của thầy tế lễ Eli triền miên phạm tội, thì cậu bé Samuel lớn lên trong sự thương mến, kính trọng của loài người và được Đức Chúa Trời đẹp lòng. Sự tương phản quá rõ giữa hai người con của Eli với Samuel, khiến cho người nghiên cứu Kinh Thánh thấy sự lựa chọn của Đức Chúa Trời đối với Samuel càng rõ ràng hơn nữa (26). Gương sáng của Samuel khiến người đọc Kinh Thánh phải suy xét. Chẳng phải vì là người phục vụ ở Đền Tạm thì mới sống đàng hoàng để được kính trọng; nhưng tất cả tín hữu đều phải cố gắng như vậy, vì chúng ta đều giữ chức tế lễ.

Không một việc gì Đức Chúa Trời định sẽ thực hiện mà Ngài không báo trước. Một người của Đức Chúa Trời được sai đến gặp Eli (27). Đây là một biến cố quá đặc biệt, vì trải qua mấy thế hệ, người Israel không thấy Chúa phán điều gì với họ, bỗng nhiên có một tiên tri đến gặp Eli để truyền lại Lời Chúa phán. Có thể Eli không tin rằng người đó do Chúa sai đến, vì chuyện bê bối bỉ ổi của các con ông thì mọi người đều biết và căm ghét; bằng chứng là Eli chẳng có phản ứng sợ hãi nào.

Người của Chúa nhắc lại việc Ngài chọn lựa chi tộc Lêvi trong Israel để làm chức tế lễ, phục vụ tại bàn thờ dâng tế lễ, mặc lễ phục xông hương trước bàn thờ Ngài. Chúa cũng cho phép họ giữ lại một phần trong các lễ vật mà dân Israel dùng lửa dâng lên cho Ngài (28). Nhưng Eli dù biết hai con trai mình có các hành vi khinh thường các lễ vật dâng lên cho Chúa, mà vẫn nuôi mình bằng các lễ vật tốt nhất của con dân Đức Chúa Trời; vì Eli coi trọng các con trai mình hơn Chúa (29).

Vì thế cho nên, Đức Chúa Trời cho biết gia tộc của Eli sẽ không còn được phục vụ trước mặt Ngài nữa: “Vì ai coi trọng Ta sẽ được Ta coi trọng, còn ai coi thường Ta tất sẽ bị coi thường” (30). Án trừng phạt của Chúa đối với gia tộc Eli là không người nào sẽ sống đến tuổi già, và trong khi Israel được hưởng phước hạnh, thì gia đình ấy sẽ cảm thấy khốn khổ mãi mãi, hầu hết người nhà của Eli sẽ chết lúc thanh xuân; Hophni và Phinehas sẽ chết trong cùng một ngày (31–34).

Đây không phải là những lời đe dọa của Chúa, mà là những gì Ngài đã quyết định đối với gia tộc của Eli; bởi vì ông không quyết liệt trừng phạt hai người con khinh thường các tế lễ dành cho Đức Chúa Trời. Những lời trên cũng là một gương cho chúng ta ngày nay phải hết sức cẩn thận về sự phục vụ Chúa làm sao cho xứng đáng với sự thánh khiết và nhân từ của Ngài.

Đức Chúa Trời lại cho biết: “Ta sẽ lập lên cho Ta một thầy tế lễ trung tín, người sẽ làm theo lòng Ta và ý Ta” (35). Qua những điều tác giả tường thuật về Samuel, chúng ta biết thầy tế lễ được Đức Chúa Trời lập lên để làm theo lòng và ý Ngài chính là Samuel. Và dòng dõi của ông sẽ mãi mãi phục vụ trước mặt các vua của Israel về sau nầy.

Còn dòng dõi sót lại của Eli sẽ phải khốn khổ lạy lục trước dòng dõi của Samuel để có miếng ăn (36). Điều nầy đã ứng nghiệm không lâu về sau. Vào thời Solomon được vua cha David truyền ngôi cho, thì thầy tế lễ Abiathar, dòng dõi của Eli, vì theo phò để tôn hoàng tử Adonijah lên làm vua, nên bị Solomon đuổi khỏi chức vụ tế lễ, thay vì xử tử, bởi vì Abiathar đã có lần khiêng Rương Giao Ước và theo David trong thời David bị hoạn nạn (1Các Vua 2:26–27).

1Samuel04.docx

Rev. Dr. CTB