1 Samuel, bài 06

1Samuel 4:1–22

Người ta thường lầm tưởng câu đầu tiên là Samuel kêu gọi toàn dân Israel tập hợp để chiến tranh chống lại người Philistines (1a). Thật ra, đáng lẽ câu nầy phải thuộc về câu chót của đoạn 3 trước đó, và phải được đọc như sau: “Đức Giê-hô-va tiếp tục hiện ra tại Shiloh; vì tại đó, Đức Giê-hô-va mặc khải cho Samuel qua lời của Ngài. Lời của Samuel đến với toàn thể Israel.” Thế thì, tại sao câu ấy bị đẩy qua đoạn kế tiếp? Các nhà giải kinh cho rằng khi những người Hebrew ghi chép lại sách Samuel, họ đã lầm lẫn; bởi vì trong văn tự Hebrew không có dấu chấm hay phẩy.

Khi nghiên cứu sách 1Samuel, người học phải luôn nhớ rằng sách nầy liên quan và nối tiếp sách Các Quan Xét; bởi vì, Samuel được sinh ra trong thời Các Quan Xét ở xứ Israel, và lúc ấy dân tộc nầy bị người Philistines cai trị và áp chế; mặc dù hàng năm họ vẫn tới Shiloh để dâng sinh tế cho Đức Chúa Trời, nhưng họ cũng bắt chước người địa phương thờ lạy tà thần: “Dân Israel lại làm điều các dưới mắt Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va phó họ vào tay dân Philistines trong bốn mươi năm” (Các Quan Xét 13:1). Mỗi lần họ tụ họp thì Philistines kéo quân đánh họ.

Mỗi lần như vậy thì hai bên dàn trận. Israel thì “đóng trại gần Eben-ezer, còn người Philistines đóng trại gần Aphek” (1b). Eben-Ezer có nghĩa là “Tảng đá giúp đỡ,” là tên được Samuel đặt cho địa điểm ấy khoảng hai mươi năm sau biến cố nầy (1Samuel 7:12). Aphek nghĩa là đồn lũy. Nhưng tại đây, Israel bị Philistines đánh bại, khoảng bốn ngàn chiến sĩ Israel bị tử trận (2). Trong thời Các Quan Xét, dân Israel không hoàn toàn trung thành với Chúa; cho nên, họ không còn được Ngài hỗ trợ như thời Giô-suê còn sống. Ngày nay cũng vậy; tín hữu vừa thờ Chúa vừa thờ danh lợi quyền.

Mỗi khi thua trận thì người ta hỏi: “Tại sao ngày nay Đức Giê-hô-va để cho chúng ta bị người Philistines đánh bại?” (3); giống y người Mỹ thời nay đổ lỗi cho Chúa mỗi lần họ bị tai họa, trong khi bình an thì loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống của đất nước. Tín đồ các Hội Thánh thì chẳng hơn gì người ngoại giáo. Nhà thờ là nơi họ bấu víu để mong được phước, nhưng rất nguội lạnh trong nếp sống đạo của mình. Người chưa tin Chúa không thấy ánh sáng chân lý qua tín đồ ở các Hội Thánh; cho nên, công tác truyền giáo triền miên thất bại mà giới lãnh đạo không thấy được nguyên nhân.

Bấy giờ, dân Israel nhớ tới Rương Giao Ước như một thứ bùa vạn năng để Chúa sẽ giải cứu họ khỏi tay kẻ thù. Tâm lý nầy xem Đức Chúa Trời như một vị Thần phù hộ, một thần nhỏ bị giới hạn trong một cái lều. Giống như tín đồ ngày nay thay vì hiểu biết Lời Chúa và đặt đời sống mình dưới quyền tể trị của Ngài, để đi đâu cũng có sự hiện diện của Chúa, thì thiếu hẳn điều đó; nên khi đứng trước tai họa họ lại tra xem Kinh Thánh để tìm sự bình an và sự bảo vệ, giúp đỡ của Chúa.

Vì Aphek ở gần Shiloh, nên dân Israel trở về thỉnh Rương Giao Ước ra trận dưới sự lãnh đạo của hai thầy tế lễ tội lỗi và gian ác (4). Có lẽ đây là lần đầu tiên người Israel thời ấy được tận mắt thấy Rương Giao Ước có hai cherubim bằng vàng xòe cánh ra che trên nắp rương; nên họ reo hò vang dội (5). Tiếng reo hò ấy khiến người Philistines sợ hãi vì tin rằng có một vị thần đã đến trong trại quân của dân Israel: “Khốn khổ cho chúng ta thay! Vì trước đây chưa bao giờ có việc như thế xảy ra! Khốn khổ cho chúng ta thay! Ai sẽ giải cứu chúng ta khỏi tay các thần quyền năng nầy? Đây là các thần đã trừng phạt người Ai Cập bằng đủ thứ tai họa trong hoang mạc(6–8).

Người Philistines đã vùng dậy chiến đấu để khỏi bị làm nô lệ cho dân Israel. Trong khi Israel miệt mài trong tội lỗi mà cứ tưởng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ họ. Có lẽ họ chưa được dạy, hoặc đã quên mất mệnh lệnh của Chúa: “Các con phải thánh, vì Ta là Thánh” (Lêviký 11:44–45); cho nên, họ bị đánh bại, ba mươi ngàn bộ binh bị tử trận, còn Rương Giao Ước bị chiếm đoạt (9–11). Đây là bài học mà chúng ta phải nhớ đời. Vì điều chúng ta cần là sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình thường xuyên, có hình thức bề ngoài mà thiếu Lời Chúa, làm sao Ngài hiện diện?

Khi trận chiến nầy xảy ra thì thầy tế lễ thượng phẩm Eli vẫn đang làm Quan Xét cho cả Israel. Samuel vẫn phục vụ Chúa ở Đền Tạm dưới sự hướng dẫn của ông, chứ chưa có quyền hạn gì trên dân chúng. Những người Israel bại trận mà còn sống sót đều chạy trốn về nhà mình ở lãnh thổ của chi tộc mình (10). Những người Lêvi khiêng Rương Giao Ước phải bị tiêu diệt thì dân Philistines mới đoạt được Rương Giao Ước. Một người Benjamin chạy trốn được từ Eben-Ezer về tới Shiloh, thời ấy được xem như kinh đô của cộng đồng các chi tộc Israel, khoảng 24 dặm đường (12).

Truyền thuyết của người Israel tin rằng chiến binh Benjamin ấy đã giật được tấm bảng đá chép Mười Điều Răn, khỏi tay tên lực sĩ Philistine Goliath lấy từ trong Rương ra, rồi chạy một mạch về Shiloh. Truyền thuyết ấy nói người đó tên là Saul, về sau được Chúa chọn làm vua dân Israel. Chi tiết ấy không được chỗ nào trong Kinh Thánh hậu thuẫn. Nhưng sự mô tả người ấy quần áo rách tả tơi, đầu đầy bụi đất, thì phải do một người chứng kiến tận mắt tường thuật lại. Người ấy phải là Samuel. Ông đã chứng kiến Eli té từ trên ghế xuống, gãy cổ chết, khi biết Rương Giao Ước bị mất.

Shiloh thời đó vẫn là một thành nhỏ. Tin bại trận khiến cả thành than khóc trong lúc Eli ngồi bồn chồn lo lắng về Rương Giao Ước. Ông hỏi người ta khi nghe tiếng la khóc (13–14). Eli được 98 tuổi lúc ông qua đời sau khi làm quan xét cho Israel được bốn mươi năm (15–18). Thời nay mấy ai có lòng quan tâm tới chiếc Rương thánh như Eli? Mặc dù chưa bao giờ được gặp Đức Chúa Trời ở gian Chí Thánh, Rương Giao Ước gắn liền với chức vụ ông trong 40 năm. Israel thua trận, hai con trai chết, ông không màng; ông chỉ sợ Rương thánh bị cướp mất sau 369 năm nó ở với Israel.

Vừa nghe “Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời bị chiếm đoạt” (17), thầy tế lễ Eli bủn rủn cả thân thể, không còn sức đỡ cái xác quá mập của mình, nên ngã ngửa gãy cổ mà chết (18). Cô con dâu của ông đang có thai gần sinh cũng vậy, nghe tin Rương Giao Ước bị chiếm đoạt, cha chồng và chồng mình đều chết, “thì thình lình lên cơn đau, gập người xuống và sinh con” (19). Cơn quặn thắt khiến đứa con bị đẩy ra khỏi bụng mẹ. Người mẹ thì hấp hối sau khi sinh con, bà không màng nó là trai hay gái vì chỉ nghĩ tới cái Rương Giao Ước đã bị quân thù cướp mất (20).

Một biến động quá lớn, quá kinh khủng! Người Israel chưa bao giờ nghĩ tới. Thời Môise và Giô-suê, mỗi lần Rương Giao Ước ra trận thì Israel đều đại thắng. Bây giờ, sau hơn ba trăm năm không còn trung thành với Đức Chúa Trời, Ngài không còn hiện diện để bảo vệ và giúp họ chiến thắng nữa. Khi Rương Giao Ước còn yên vị trong Đền Tạm, người Israel tưởng Chúa sẽ ở với họ mãi mãi, dù cho họ có phản bội Ngài. Bây giờ thực tế thật rõ ràng. Vợ của Phinehas trong cơn hấp hối vì sinh con bất ngờ, đã nhận ra thực trạng phũ phàng: “Vinh quang đã lìa khỏi Israel” (21).

Trong tiếng Hebrew, chữ “chabod” nghĩa là vinh quang. Chữ “I” có nghĩa là “không” hoặc “ở đâu?” Nhưng khi chữ “I” được nói ra như một lời than, thì nó có nghĩa là “than ôi!” Vì vậy, bà đặt tên cho đứa con là “Ichabod” thì nghĩa của tên ấy là “Than ôi! Vinh quang đâu rồi?” Vì nàng nói: “Vinh quang đã lìa khỏi Israel, vì Rương Giao Ước của Đức Chúa Trời đã bị chiếm đoạt!” (22).

Áp dụng cho chúng ta ngày nay thì sao? Điều gì là cái neo cho đời sống đức tin của chúng ta? Nếu giao ước mới mà Đức Chúa Jesus đã thiết lập với mọi người thật lòng tin Ngài, bị tín hữu thời nay phá bỏ bởi cách sống thiếu đức tin, suốt ngày chú trọng vào vật chất, không dám tin vào quyền phép bảo vệ và chăm sóc của Ngài, thì sự sống mới, cũng là vinh quang của chúng ta, bị rút đi mất, người theo đạo chẳng còn gì để hi vọng hoặc dùng để làm gương cho người chung quanh mình.

1Samuel06.docx

Rev. Dr. CTB