Lê-vi-ký, bài 11

puritylaw

Lê-vi-ký 19:1–37

Đoạn nầy cũng được gọi là Mười Điều Răn mở rộng; vì phần trước nói về luân thường, đạo lý trong phạm vi gia đình, thì các luật lệ trong đoạn nầy ảnh hưởng đến toàn thể đời sống thường nhật của dân Israel đối với Đức Chúa Trời và đối với người chung quanh.

Phần nầy được chia ra thành mười sáu nhóm: Có tám câu kết thúc bằng lời công bố: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con” (2, 3, 4, 10, 25, 31, 34, 36); tám câu khác được kết thúc bằng: “Ta là Đức Giê-hô-va” (12, 14, 16, 18, 28, 30, 32, 37).

Việc Chúa tuyên bố Ngài là Đức Chúa Trời của dân tộc nào, thì vừa là sự công bố uy quyền tuyệt đối của Ngài trên dân tộc đó, vừa là một niềm hãnh diện vô cùng, vừa là một mối liên hệ thương yêu có một không hai trên thế gian.

Suy gẫm về chi tiết nầy, chúng ta cần biết đó không phải là một khẩu hiệu, mà là một thực tế hết sức vinh dự và cực kỳ quý báu.

Vì tính cách quan trọng của các giới luật, nên cả hội chúng Israel phải được nghe để biết (2). Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và tuyển dân Israel của Ngài phải sống cách thánh sạch là chủ đề qua suốt sách Lê-vi-ký: “Các con phải thánh, vì Ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con là thánh” (2).

Chẳng những dân Israel bị đòi hỏi phải gần gũi với Chúa, mà cách sống và cư xử của họ cũng không được trái nguợc với bản chất thánh khiết của Ngài; đời sống họ phải mang dấu ấn và phản ảnh được tính cách của Chúa (Mathiơ 5:48).

Đặc tính đầu tiên phản ảnh sự thánh khiết của Ngài là mọi con dân Ngài phải hiếu kính cha mẹ mình. Có hiếu kính cha mẹ mình thấy, thì mới có thể vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời, mà mình không thấy, để tôn trọng ngày của Ngài (3).

Vì chẳng có thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời, nên việc hướng tình cảm yêu mến và dâng lời cầu xin cho bất cứ một hình tượng nào khác là phạm tội mang ảo tưởng nghịch lại Chúa. Làm tượng để thờ thì tội càng nặng hơn. Câu nầy nhắc lại 2 điều răn thứ nhất và thứ nhì (4).

Trước đây dân Israel vẫn thường cúng tế cho thần tượng khi giết thú để ăn thịt. Bây giờ vì ai dâng tế lễ bình an sẽ được ăn thịt của con vật, nên nguy cơ họ đem tế lễ bình an cho Đức Chúa Trời bằng tinh thần ấy là rất cao. Vì thế, họ phải “dâng cách nào để được Ngài chấp nhận” (5).

Sự dâng hiến đó còn liên hệ tới cách ăn làm sao không xúc phạm tới vật thánh nữa (6–8). Đức thánh khiết của Chúa sẽ biểu lộ qua sự nhân từ đối với người nghèo khổ, túng thiếu (9–10).

Trộm cắp, nói dối và lừa đảo bị gom lại thành thứ tội tương tự nhau; lấy danh Chúa mà thề dối cũng vậy (11–12).

Gian lận làm thiệt thòi người khác tức là bóc lột; lợi dụng sức mạnh hay quyền thế, cướp bóc người cô thế, hoặc giữ không trả tiền công cho người làm thuê cũng thuộc loại tội dối trá lừa đảo.

Chửi rủa người điếc hay làm hại người mù là tính rất gian ác, không xứng làm con của Chúa (13–14). Xét xử thiên vị, bất công, nói lời phao vu, làm chứng dối, đều đối nghịch sự thánh khiết (15– 16).

Những phần trước nói đến các tội lỗi bộc lộ qua những hành động bên ngoài; bây giờ, luật đề cập tới những tội lỗi phát xuất từ trong tâm trí: Đó là thù ghét anh em, giả ngơ dù thấy láng giềng sai trật, tức là đồng loã; tìm mưu trả thù, mang mối oán hận đối với người làm mình thiệt hại, tất cả đều không xứng hợp với Đức Chúa Trời thánh, mà phải học sự yêu thương của Ngài (17–18).

Dù các mệnh lệnh kế tiếp không chứa tính chất đạo đức cao như những câu trước, chúng vẫn cần thiết để duy trì sự thánh khiết. Đức Chúa Trời đã tạo nên mọi vật “tùy theo loại” (Sáng thế 1:11 –12, 21, 24–25); vì vậy, mỗi loại có đặc điểm thể chất của nó.

Người nào tìm cách lai tạo các chủng loại khác nhau là phá hủy các luật thánh và không vâng theo giới răn của Chúa, thì không thể đạt tới sự thánh khiết mà Ngài đòi hỏi. Vì vậy, Chúa bảo không được để cho các con thú khác giống phủ lẫn nhau mà sinh ra giống lai (19).

Tuy thế, việc sử dụng các con thú lai giống, như con la thì không bị cấm. Về lệnh cấm không được gieo hai thứ hột giống trong cùng mảnh ruộng, thì có hai vấn đề:

Thứ nhất là chống lại tục mê tín thờ thần lửa của dân Zabians cổ xưa; vì lễ nghi trong ma thuật của họ là gieo các hột giống khác nhau trong ruộng.

Thứ nhì, việc đó làm tổn hại cả hoa lẫn hột; vì cả hai giống cây sẽ sinh ra loại hột mất hẳn mùi vị và tính chất dinh dưỡng.

Hơn nữa, gieo hai thứ giống làm cho đất bị sinh bệnh, không sinh đủ hoa màu cho nhu cầu của thú và người.

Về hàng dệt thì chỉ bị cấm không được dệt len lông chiên chung với sợi gai (Phục-truyền 22:11) chứ không phải bất cứ hai loại sợi nào.

Ngoài lý do loại trừ sự mê tín, dị đoan, lệnh cấm nầy liên quan tới sức khoẻ. Vì áo xống dệt bằng lông chiên trộn với sợi vài gai sẽ làm gia tăng điện lượng đi vào thân thể; khí trời nóng có hại cho người mặc vải loại ấy (Êxê. 44:17–18).

Lệnh cấm nầy cũng dẫn đến vài ý nghĩa sâu nhiệm hơn, mặc dù nghĩa đen là đừng pha trộn hai chất sợi chỉ khác nhau trong cùng một tấm vải, nhưng nghĩa bóng là người lương thiện không thể thông đồng với những người gian ác; cũng có nghĩa là không thể pha trộn đức công chính của Đấng Christ với công đức gì của loài người trong việc xưng công nghĩa cho tội nhân.

Vì đức công chính của Đấng Chist đã thường được ví như chiếc áo trắng tinh sạch (Khải 19:8) ban cho người có đức tin và vâng lời, chứ không phải nhờ làm theo luật pháp mà được (Rôma 3:28). Nên chẳng công đức nào được kể.

Thân phận của nữ nô lệ khi chưa được chuộc ra thật là khốn khổ. Người đàn ông, không phải là chủ nô, ăn nằm với nữ nô lệ đã hứa gả, nếu cả hai đồng tình thì sẽ bị phạt, còn đàn ông ấy phải dâng tế lễ chuộc lỗi (20–22). Nếu nữ nô lệ bị ép buộc, thì sẽ không bị phạt.

Đối với cây ăn trái dân Israel sẽ trồng trong đất hứa, ngoài việc đất bị ô uế do tội lỗi của người Amôrít, cây mới trồng có hoa hay trái non bị ngắt bỏ trong ba năm đầu, thì các năm sau sẽ cho trái sai gấp bội (23–25). Thịt còn máu đã bị cấm trước rồi.

Bói toán là xem ngày, mây, trăng sao để đoán hên xui, lành dữ; ma thuật là dùng bùa chú do mê tín (26).

Dân Arabs cạo tóc quanh đầu để thờ thần Orotal, họ xén râu thành hình vuông là hình thức thờ kính (Giêrêmi 9:26, 48:37). Đức Chúa Trời không muốn dân Ngài làm giống như các dân thờ hình tượng; cũng không cho họ tự cắt da thịt để than khóc người chết, xăm vẽ dấu hiệu các thần hoặc hình ảnh để nhớ đến người thân đã khuất (27–28).

Thời ấy và mãi về sau vẫn đã có các đạo thờ thần sinh sản, mà thần Astarte là chính. Đền thờ của họ là nơi đàn ông đến hành lạc, mà hàng ngàn nữ tế sư là đàn bà mãi dâm.

Vì vậy, Đức Chúa Trời cấm dân sự Ngài bán con gái mình vào các đền miếu đó “khiến cho cả xứ rơi vào dâm loạn và đầy dẫy sự đồi bại” (29).

Phương cách tốt nhất để giữ Israel không rơi vào các thứ việc đồi bại bị nghiêm cấm là: Giữ ngày sa bát của Đức Chúa Trời một cách nghiêm khắc, để thường xuyên nhắc nhở họ tôn kính Ngài cùng Đền Thánh của Ngài (30).

Đồng bóng hay thầy bói đều tìm cách liên lạc với thế giới tối tăm, người Việt gọi là cõi âm; cho nên tìm đến họ để hi vọng biết những việc tương lai mà ma quỷ có thể tiết lộ, là thông đồng với thế giới ấy. Chưa nói gì tới việc chúng không có khả năng biết; cho nên, hành vi ấy chứng tỏ không có lòng tin vào Chúa của mình (31).

Người đã từng trải thì khôn ngoan hơn tuổi trẻ (Gióp 12:12); tôn trọng người già cả là tôn kính sự khôn ngoan của họ và cũng là kính sợ Đức Chúa Trời (32).

Loài người vẫn thường có thói hiếp đáp người thuộc nhóm thiểu số không thuộc về dân tộc của mình. Từ khi Áp-ram được Chúa gọi ra khỏi xứ Ur, thì từ ông cho đến dòng dõi của ông đã làm kiều dân trong hơn bảy trăm năm qua.

Vì họ là dân được Đức Chúa Trời tuyển chọn, nên họ phải phản ảnh bản thể của Ngài là nhân từ và yêu thương. Vì vậy, họ không được ức hiếp các ngoại kiều sẽ ở trong xứ sở họ sẽ vào (33–34).

Đức Chúa Trời là Đấng ban luật pháp thánh của Ngài cho Israel, nên họ không được phép xét xử một cách bất công, cũng không được bất nghĩa khi cân, đong, đo, đếm. Vì dân buôn bán thời xưa thường có hai thứ quả cân hoặc hai thứ đồ đong để thu nhiều lợi (Châm-ngôn 20:23). Ai làm như thế là làm nhục Đức Chúa Trời thánh khiết và công nghĩa (35–36).

Trong phần đưa ra các luật về đạo đức và sự thánh khiết, Đức Chúa Trời nhiều lần nhắc nhở dân Israel rằng:“Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con,” để họ biết niềm vinh dự được làm tuyển dân của Ngài là điều vô cùng hạnh phúc (37).

Lời nhắc nhở là cần thiết để con dân Ngài ghi nhớ và luyện tập cách sống, cách cư xử sao cho xứng đáng với hạnh phúc mình được hưởng.

Leviky11.doc
Rev. Dr. CTB