Phục Truyền Luật Lệ, bài 39

Phục Truyền 33:18–29

Sabulon là con trai thứ sáu của Leah, em kế của Ysaca (18). Lời chúc phước về “Sabulon hãy vui mừng trong lúc ra đi” có hai nghĩa. Vì hai chi tộc Sabulon và Ysaca cùng với chi tộc Giu-đa là đoàn quân tiên phong của quân đội Israel mỗi khi lên đường hay ra trận. Khi đóng trại thì trại quân của ba chi tộc nầy đóng ở mặt phía đông của Đền Tạm.

Nên nghĩa thứ nhất là vui mừng ra đi vì sẽ thắng trận; nghĩa thứ nhì là phần đất của Sabulon gần Địa Trung Hải, và là chi tộc quen thuộc nghề hàng hải.

Ysaca là người yên lặng, thâm trầm, thích chăn nuôi ở đồng cỏ. Jacob chúc phước cho hai người “Sabulon sẽ sống cạnh bờ biển, nơi ẩn náu cho tàu bè; bờ cõi nó chạy về hướng Sidon. Ysaca là một con lừa mạnh mẽ, nằm nghỉ giữa chuồng; thấy rằng nơi nghỉ ngơi thật là thoải mái và đất đai thật đáng yêu. Nên đã nghiêng vai gánh vác, và lao động khổ sai như nô lệ” (Sáng-thế 49:13-15).

Người Sabulon sẽ tiếp xúc với nhiều dân tộc khác và nói về Đức Chúa Trời của mình cho họ biết; rồi khi những người ấy bằng lòng tìm kiếm Chúa thì Sabulon sẽ rủ họ tới Đền Thờ nằm trên núi để “dâng sinh tế công chính tại đó” (19a), tức là tế lễ chuộc tội để được tha tội.

Họ sẽ hút tài nguyên của biển và những kho tàng ẩn giấu trong cát” (19b). Người ta tin rằng về sau họ sẽ khai thác cát thuỷ tinh và sẽ phát đạt về kỹ nghệ đó bên cạnh các món hải sản là tài nguyên của biển.

Trong chi tộc Ysaca lại có nhiều người biết thời thế (1Sử ký 12:32). Tức là biết lúc nào thì nên làm gì. Đó là những người khôn ngoan, hướng dẫn đất nước hành động đúng lúc; họ hiểu các công việc chung, tình trạng quốc gia như thế nào, và chiều hướng của thời cuộc sẽ ra sao.

Gad là con trai đầu của Zilpah, nữ tì do Leah đưa cho Jacob làm hầu thiếp. Gad nghĩa là may mắn. Khi toàn quân đội Israel tới đồng bằng Moab ở phía đông sông Jordan, sau bốn mươi năm đi lòng vòng lang thang trong hoang mạc, hai vua Amorite là Sihon và Og đem quân giao chiến với Israel nên bị đánh bại và tiêu diệt. Hai chi tộc Reuben và Gad xin Môi-se cấp cho họ lãnh thổ của hai vua nầy. Môi-se và các trưởng lão Israel đồng ý cấp toàn thể vùng đất đó cho hai chi tộc Reuben, Gad và nửa chi tộc Manasseh làm sản nghiệp.

Lãnh thổ của chi tộc Gad là cao nguyên Bashan rộng rãi với nhiều đồi cỏ nuôi gia súc. Bây giờ Môi-se chúc phước cho Gad rằng: “Tụng ca Đấng mở rộng bờ cõi Gad, Gad nằm rình như một sư tử cái vồ xé mồi cả tay lẫn đầu” (20). Các chiến binh của Gad là “những người dũng cảm, thiện chiến, sử dụng thành thạo khiên và giáo; diện mạo họ như sư tử, họ nhanh nhẹn như hoàng dương trên núi” (1Sử-ký 12:8).

Bờ cõi Gad đã rộng rãi rồi và Đức Chúa Trời là Đấng ban cho. Gad nằm rình như sư tử là đã được yên ổn và an ninh không còn sợ kẻ thù nào. Kẻ nào xâm phạm lãnh thổ Gad khác nào chọc cho sư tử nổi giận. Vồ xé mồi cả tay lẫn đầu là kẻ thù bị huỷ diệt hoàn toàn. Đầu là nơi đội mão miện vinh quang, tượng trưng cho quyền lực và sự cao trọng; tay tiêu biểu cho sức mạnh và hành động. Cả tay lẫn đầu bị tiêu diệt là từ kẻ cầm quyền đến quân đội đều bị đại bại.

Người đã chọn phần tốt nhất cho mình. Vì trong đó có dành phần cho người lãnh đạo” (21a). Vùng đất của Sihon và Og là thành quả đất đai đầu tiên trong vùng đất hứa của Israel, và là nơi Môi-se được phép đặt chân trên lãnh thổ Chúa ban. “Khi những nhà lãnh đạo dân chúng tụ họp lại, Gad thực thi công lý của Đức Giê-hô-va và các luật lệ của Ngài cho Israel” (21b).

Mọi chiến binh của Gad đều đi theo anh em mình vượt sông Jordan, tiêu diệt dân Canaan tan tành theo lời họ hứa nguyện với Môi-se trước mặt Đức Chúa Trời.

Đan là con đầu lòng của nữ tì Bilhah do Rachel gán làm hầu thiếp Jacob sinh con giùm mình. “Đan là một sư tử tơ, từ Bashan nhảy xông đến” (22). Đan mạnh bạo và can đảm như sư tử tơ; bất thần chiếm lấy Leshem rồi đặt là Đan theo tên tổ phụ của họ (Giô-suê 19:47).

Néptali là em cùng mẹ với Đan. Ngập tràn ơn phước Chúa tức là thoả mãn với các ân huệ của Đức Chúa Trời (23). Chỉ có ân huệ và chan chứa phước lành của Đức Giê-hô-va thì lòng mới thoả mãn. Môi-se nói tiên tri về vùng đất chi tộc Neptali sẽ chiếm hữu trong đất hứa. Không phải phía tây là Địa Trung Hải, nhưng là phía tây hồ Gennesaret và phía nam lãnh thổ của chi tộc Đan.

A-se nghĩa là hạnh phúc (Sáng thế 30:13); cho nên, Môi-se nói: “Nguyện A-se được phước hơn các con trai khác, được anh em ưa chuộng, và được dầm chân trong dầu!” (24). A-se là chi tộc ít được nhắc tới trong lịch sử của Israel; nhiều khi đời sống hoàn toàn bình an cứ bình thản trôi qua thì chẳng có biến cố nào đáng kể hết. Đó là tình trạng lãnh thổ của A-se nằm dọc theo Địa Trung Hải.

Dầu olive của A-se nổi tiếng khắp vùng đất Canaan, vì nơi ấy trồng rất nhiều cây olive trên đất của họ. Ý nghĩa tâm linh về ơn phước của A-se là những ai đã trở nên tín đồ của Chúa, thì ơn phước cứ tuôn đổ trên họ. Dù cho có lúc phải trải qua thử thách, thì Đức Chúa Trời vẫn yểm trợ và dẫn dắt từng bước đường.

Hội thánh luôn luôn ưa chuộng những người được phước của Chúa, vì chân của họ được dầm trong dầu bình an sẵn sàng của Tin Lành.

Then cửa bằng sắt và đồng tiêu biểu cho sự bảo vệ vững chắc không ai tấn công nổi. Giống như người Việt và Tàu hễ mua nhà chỗ nào là làm cửa sắt bên ngoài cho chắc ăn.

Sức mạnh dẻo dai suốt cuộc đời nghĩa là sống bao lâu thì khoẻ mạnh cũng bấy lâu (25). A-se được chúc phước như vậy.

Đấng ban phước cho các chi tộc Israel là Đức Chúa Trời. Israel được Ngài yêu thương nên gọi là Jeshurun. Và không có ai toàn năng và đầy tình yêu thương như Đức Chúa Trời của họ cả.

Các dân tộc khác thờ những thần không có thật, tượng chạm tượng đúc không có chút hơi thở nào ở trong mình. Nhắc đến điều nầy, chúng ta đang được làm con cái Chúa đều hãy nhớ và biết Chúa của mình toàn năng, đầy quyền phép như thế nào. “Đấng đến cứu giúp cỡi các tầng trời uy nghiêm trên những đám mây” (26), chứng tỏ rằng Ngài là Chúa của cả cõi thiên nhiên.

Đức Chúa Trời hằng hữu là nơi ẩn náu, ở dưới có cánh tay đời đời của Ngài” (27). Chỗ trú ẩn trong thời tai hoạ là nơi mà ai cũng muốn có. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Hữu, Ngài vẫn luôn luôn ở bên cạnh con dân Ngài. Bị rơi xuống vực thẳm là cảnh trạng hãi hùng của con người, nhưng ở dưới có cánh tay đời đời của Chúa nâng đỡ và giải cứu. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được điều nầy cho mọi người trên thế gian trong mọi lúc ở mọi hoàn cảnh.

Ngài sẽ đuổi kẻ thù khuất mắt và phán rằng: ‘Hãy diệt chúng đi!” Kẻ thù của Israel vào thời đó là dân Canaan đang ở trong miền đất hứa. Chúng đã bị định phải bị trục xuất ra khỏi đất ấy vì chúng đã làm cho đất bị ô uế. Chính đất mửa chúng ra vì tội lỗi đã tràn ngập (Lê-vi-ký 18:28). Israel có bổn phận tiêu diệt những dân tộc bị Đức Chúa Trời nhờm tởm. Vì nếu không, sẽ bị chúng dụ dỗ thờ hình tượng.

Nhờ vậy chỉ một mình Israel sống trong an lành; suối Jacob phun lên trong xứ sở của ngũ cốc và rượu, đượm nhuần sương móc từ trời” (28). Khi đã diệt hết kẻ thù Israel mới được sống an lành.

Suối Jacob phun có nghĩa là sự thịnh vượng sẽ tuôn trào như suối ngầm từ dưới đất trồi lên, làm cho dư dật ngũ cốc và nho để ép rượu. Bầu trời trên đất Canaan sẽ nhỏ sương tưới đẫm mùa màng và cây cối. Khi Đức Chúa Trời để mắt ban ơn, thì ơn phước cứ tuôn tràn trên ơn phước, để con dân Ngài nhận ra bàn tay bảo vệ và ban phước của Ngài cho họ.

Hỡi Israel ngươi có phước biết bao! Một dân được Đức Giê-hô-va cứu giúp! Ai được như ngươi?” (29a) Đúng vậy, từ ngàn xưa không một dân tộc nào được phước như Israel. Nhưng con cái của Chúa trong Hội thánh thời nay còn được phước hơn cả Israel thời xưa nữa, vì chúng ta có Đức Thánh Linh ngự trong lòng.

Ngài là thuẫn giúp đỡ ngươi, là thanh gươm đem vinh quang cho ngươi! Kẻ thù sẽ khúm núm trước ngươi, còn ngươi sẽ giày đạp các nơi cao của chúng.” (29b).

Thuẫn là phương tiện che chở vô hiệu hoá vũ khí tấn công của kẻ thù. Đức Chúa Trời che chở và bảo vệ Israel xưa kia, thì Ngài cũng bảo vệ và che chở chúng ta ngày nay.

Gươm là vũ khí tấn công, Chúa ban Lời Ngài là gươm vô địch cho chúng ta. Ngài vừa là thuẫn, vừa là gươm thì không kẻ thù nào thắng được; vì vậy, kẻ thù phải khúm núm trước con cái Chúa, còn chúng ta đạp đổ đồn luỹ đền đài của chúng.

PhucTruyen39.docx

Rev. Dr. CTB