Lý Do Nhường Nhịn

Rôma 15:1–13

Bài học nầy tiếp tục nghiên cứu các lời khuyên của Phaolô về bổn phận của tín hữu đối với nhau.  Tất cả chúng ta đều có những sự yếu kém riêng của mình.  Đức tin yếu kém ở chỗ nầy nói về những người dựa trên quan điểm của họ về vai trò của luật pháp Môise trong sự cứu rỗi Chúa ban cho loài người, chỉ trích những người không giữ luật pháp giống như họ.  Ngày nay các anh chị em theo những giáo lý từ truyền thống không còn tin vào những việc quyền năng của Chúa ở thời hiện tại, bị xem là có đức tin yếu kém so với các tín hữu đang tin và thực hành các ân tứ siêu nhiên của Đức Thánh Linh.  Nhưng những người đó lại thường xuyên công kích, bêu riếu, lên án những ai không giống họ.  Ứng dụng lời khuyên nầy vào tình trạng chia rẽ ngày càng trầm trọng giữa Cơ-đốc-nhân với nhau thật không dễ. Nếu người nào tin quyết vào Đức Chúa Trời và quyền phép Ngài, thì sự nhường nhịn, và đỡ đần các tín hữu yếu đức tin không phải là việc khó.  “Đừng chỉ lo cho vừa lòng mình” (1) vừa là một mệnh lệnh, vừa là bí quyết để đạt được mục đích ấy.

Đức Thánh Linh dùng Đạo của Ngài để biến đổi tâm linh tín hữu trở nên mềm mại nhu hoà, dạy tín hữu các nghĩa vụ và tính ân cần chân thật.  Vì vậy: “Mỗi chúng ta hãy chiều lòng người lân cận để giúp ích và gây dựng cho họ” (2). Sự tự do đã ban cho con cái Chúa không phải để họ dùng thoả mãn ý thích mình, nhưng để vinh danh Chúa và vì ích lợi cùng sự gây dựng cho người khác.  Việc “chiều lòng người lân cận” không phải là một luật vô giới hạn, cũng không phải việc gì chúng ta cũng phải chiều.  Sự chiều lòng là nhằm giúp ích và gây dựng cho người được chiều, không phải là chiều ý thích xấu, hoặc làm vừa lòng tư tưởng hay ý muốn tội lỗi của họ; hay đồng ý với sự dụ dỗ hoặc khiến họ phạm tội. “Gây dựng” không chỉ nhằm ích lợi của người đó mà còn để gây dựng thân thể của Đấng Christ. Chúng ta gây dựng bằng cách học biết và thực hiện những nghĩa vụ đối với nhau.

Lý do chúng ta phải biết chiều lòng để gây dựng nhau là vì “chính Đấng Christ cũng không chiều theo ý Ngài” (3). Ngài không có chỗ gối đầu, không muốn được tôn lên làm vua, chẳng tìm ý riêng, sẵn sàng rửa chân các môn đồ mình, tự bỏ mình đi, tự hạ mình xuống (Phil. 2:7–8).  Mọi việc Ngài làm chỉ để đem chúng ta lên chỗ công nghĩa và làm gương để chúng ta noi theo.  Sở dĩ Phaolô trích Thi Thiên 69:9 vì không gì giải thích Kinh Thánh tốt hơn là chính Kinh Thánh.  Bất cứ điều chi vô lễ với Đức Chúa Trời đều làm Đức Chúa Giêxu đau lòng. Bất kỳ tội lỗi nào đều là bất kính đối với Chúa, nhất là tánh tự phụ, kiêu căng, ngạo mạn. Đức Chúa Giêxu hứng chịu mọi lỗi của chúng ta để trở thành sinh tế chuộc tội chúng ta.  Những gì đã được chép từ xưa (4) là để dạy dỗ chúng ta về sự hi sinh và thống khổ của Đấng Christ.  Ngài đã để lại gương mẫu về sự tự bỏ mình đi.  Những gì Ngài đã nói và làm đều được chép lại để chúng ta học và bắt chước theo.  Những gì được chép tổng quát trong Cựu Ước cũng để chúng ta dùng mà học hỏi; không phải để ai giải nghĩa theo ý riêng, nhưng để chúng ta sử dụng và được ích lợi; để nhờ sự kiên nhẫn và an ủi của Kinh Thánh mà chúng ta có sự hi vọng.  Nghĩa là qua Kinh Thánh, chúng ta biết mình có hi vọng gì trong Chúa, dựa trên nền tảng nào, bằng cách nào?  Ngược lại, cách để đạt hi vọng là qua đức kiên nhẫn và sự an ủi của Kinh Thánh.  Như đã học ở Rô. 5:4 “kiên nhẫn rèn luyện đức tính, đức tính tạo hi vọng.”

Phaolô tiếp tục bằng lời cầu nguyện cho độc giả của ông rằng: “Đức Chúa Trời là Đấng ban cho … đức kiên nhẫn và niềm an ủi,” khiến họ được đồng lòng hợp ý theo ý muốn của Đức Chúa Giêxu Christ (5).  Nền tảng của tình yêu thương và sự bình an Cơ-đốc được đặt trên sự đồng lòng hợp ý với nhau, để dẹp mọi sự cãi vã khác biệt sang một bên. Tuy nhiên sự đồng lòng hợp ý phải phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Giêxu Christ, là một món quà của Đức Chúa Trời.  Mục đích của sự đồng lòng hợp ý là để tất cả tín hữu có thể một lòng một miệng “ca ngợi Đức Chúa Trời” (6).  Mục tiêu nhắm tới là con cái Chúa sẽ đồng ý với nhau về mọi việc để ca ngợi Chúa.

Vị sứ đồ nhắc lại mệnh lệnh “hãy tiếp nhận nhau” (7) chứng tỏ lòng ông thiết tha về việc ấy đến mức nào.  Tiếp nhận đây là tiếp nhận vào trong tình cảm, trong sự hiệp thông, và trong cuộc trò chuyện chung, hễ khi nào có cơ hội.  Sở dĩ chúng ta phải tiếp nhận nhau vì những thành kiến có thể khiến tín hữu đức tin kém tránh người có đức tin mạnh, hoặc sự kiêu hãnh của người đức tin vững làm người đó tránh người có đức tin yếu.  Trong cả hai trường hợp, không việc nào nên để xảy ra.  Giữa Cơ-đốc-nhân với nhau phải có sự tương thân tương ái, vì nếu ai bởi đức tin tiếp nhận Đức Chúa Giêxu Christ thì cũng phải tiếp nhận mọi tín hữu khác bằng tình yêu huynh đệ.  Lý do mà chúng ta phải tiếp nhận nhau là vì “Đức Chúa Giêxu đã tiếp nhận chúng ta.”  Vì nhân từ, Đức Chúa Giêxu đã tiếp nhận chúng ta, Ngài đã tiếp nhận chúng ta vào mối liên hệ gần gũi, thân mật nhất của Ngài, vào trong bầy của Ngài, gia đình Ngài, được làm con, ban cho giao ước bạn bè, thậm chí vào giao ước hôn nhân với Ngài, vào mối tương giao và hiệp thông với chính Ngài (mặc dù trước đây chúng ta xa lạ và thù nghịch Ngài). Chẳng lẽ chúng ta tỏ ra khó chịu đối với những người cũng thuộc về Ngài hay sao?

Như Đấng Christ đã tiếp nhận chúng ta, việc chúng ta tiếp nhận nhau sẽ làm cho “Đức Chúa Trời được tôn vinh.”  Vì mục đích Đấng Christ tiếp nhận chúng ta là để chúng ta có thể tôn vinh Đức Chúa Trời trên thế gian nầy.  Phaolô viết tiếp để ngăn ngừa sự xung khắc giữa hai nhóm có ý kiến khác nhau về việc ăn uống và giữ ngày hay không giữ ngày, tức là giữa tín hữu gốc Giuđa với tín hữu gốc dân ngoại; ông trình bày cách Đức Chúa Giêxu đã tiếp nhận cả người Giuđa lẫn dân ngoại là: “Đấng Christ đã đến làm tôi tớ của người chịu cắt bì để củng cố lời Đức Chúa Trời đã hứa với các tổ phụ, và để các dân ngoại có thể tôn vinh Đức Chúa Trời vì sự thương xót của Ngài,” (8–9). Trong Đức Chúa Giêxu cả người Giuđa lẫn dân ngoại đều trở thành người mới; thế thì nếu chúng ta đồng ý với Đấng Christ, cũng phải đồng ý với người Ngài đã tiếp nhận.

Đức Chúa Trời đã hứa với Ápraham rằng: “các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ người mà được phước” (Sáng 12:3b), là lời hứa của Ngài đối với tổ phụ về phần xác của người Dothái, và tổ phụ đức tin của mọi Cơ-đốc-nhân.  Sự xác nhận tốt nhất của lời hứa là sự thực hiện lời hứa ấy.  Đấng Mếtsaia đã đến đúng kỳ hạn phục vụ người chịu cắt bì, tất cả các lời hứa đã được xác nhận, vì tất cả lời hứa của Đức Chúa Trời đều ở trong Đấng Christ.   Ngài cũng tiếp nhận các dân ngoại như đã chép trong Kinh Thánh (9–12).  Ngài đã mời và chào đón dân ngoại vào để họ có thể hợp nhất với người Giuđa trở thành thân thể mầu nhiệm của Đấng Christ.  Vì vậy, người Dothái không thể xem thường hoặc khinh bỉ các con cái Chúa có gốc dân ngoại.  Bức màn ngăn cách giữa hai bên Dothái và dân ngoại đã bị dẹp bỏ.  Dân ngoại đã được đón chào để cùng với tuyển dân Chúa vui vẻ mừng rỡ (10).  Được đem vào Hội Thánh, họ đồng chia xẻ những khổ đau của Hội Thánh, là bạn đồng hành trong sự nhẫn nại và hoạn nạn.  Qua nhiều thế hệ, các dân ngoại đã ca ngợi, cúng bái hình tượng, nhưng nay họ được đem vào Hội Thánh để ca ngợi Chúa (11), và tin Đấng Christ để có hi vọng nơi Ngài (12).

Đức Chúa Trời là Chúa của sự hi vọng.  Ngài là nền tảng để chúng ta xây dựng hi vọng của mình trên nền ấy. Vì Ngài vừa là tác giả của niềm hi vọng, vừa là mục tiêu của sự hi vọng ấy nên Ngài là “Nguồn hi vọng” (13).  Phaolô cầu mong cho các thánh đồ: “tràn ngập vui mừng và bình an nhờ đức tin,” vì vui mừng và bình an là hai điều có sẵn trong nước của Đức Chúa Trời.  Bình an trong lương tâm và vui mừng trong Chúa là hai điều phát sinh từ việc được xưng công nghĩa của chúng ta; khác với niềm vui của xác thịt là niềm vui không lấp đầy sự trống vắng trong linh hồn người.  Phaolô cũng cầu mong họ được “chứa chan hi vọng nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh,” vì sự vui mừng và bình an của tín hữu xuất phát chủ yếu từ hi vọng của họ.  Hi vọng tràn trề khi người ta mong đợi việc lớn lao đến từ Đức Chúa Trời, niềm hi vọng không bao giờ bị xấu hổ, vì hi vọng ấy đến từ quyền năng của Đức Thánh Linh.

BHKTRoma15a.docx

Rev. Dr. CTB