Thư Hê-bơ-rơ, bài 04

Hê-bơ-rơ 2:1–18

Thời Cựu-ước, các thiên sứ được giao cho công tác quan trọng là ban bố luật pháp của Đức Chúa Trời cho người Do-thái.

Địa vị Đức Chúa Giêxu luôn luôn cao trọng hơn các thiên sứ; cho nên, nhiệm vụ của Ngài đến thế gian làm Con Người, rao truyền Tin-mừng của giao-ước-mới, phải cao trọng hơn chức vụ ban bố luật pháp.

Để các tín hữu Hê-bơ-rơ tránh khỏi những lỗi lầm tai hại, tác giả đưa ra một lời khuyên và vài điều suy luận. “Vậy, chúng ta phải hết sức lưu ý đến những lời đã nghe, để khỏi bị trôi giạt” (1); tức là xem những tri thức và sự chỉ dẫn mà phúc âm đã nói là quý báu, thường xuyên đọc và suy gẫm kỹ càng, gìn giữ trong lòng và yêu mến chúng, ghi nhớ ơn cứu rỗi trong ký ức và căn cứ theo ơn đó để lo liệu cách ăn nói và hành xử mỗi ngày.

Tác giả cũng suy luận rằng, nếu tín hữu không chịu chú ý suy gẫm và làm theo những lời đã nghe, thì sẽ bị trôi giạt; tức là sẽ quên, không còn áp dụng chúng cả trong lời nói và đời sống, trở thành người bị thua thiệt.

Bởi vì tâm trí và ký ức của loài người giống như một cái bình bị lủng lỗ; nếu không chăm sóc kỹ, thì sẽ không lưu giữ được những gì đã đổ vào đó.

Bản chất hư hoại và mau quên của con người ở trần gian thì có trong tất cả mọi người. Ai không hết sức lưu ý tới những lời đã nghe, thì không thể lưu giữ lời Đức Chúa Trời trong lòng cách lâu dài được.

Hơn nữa, nếu ngày xưa người vi phạm và bất tuân lời Chúa phán qua các thiên sứ sẽ bị trừng phạt đích đáng (2), thì ngày nay, người “coi thường ơn cứu rỗi lớn lao” (3) của Chúa làm sao có thể tránh thoát?

Làm sao chối được rằng mình không biết, khi “ơn cứu rỗi nầy trước tiên được chính Chúa công bố, rồi những người trực tiếp nghe Ngài xác nhận với chúng ta?

Thế nhưng, ơn cứu rỗi lớn lao đó là gì mà ai phạm tội hờ hững phải bị trừng phạt đích đáng?

Đối với Đức Chúa Trời, việc sáng tạo ra toàn cõi vũ trụ là điều quá dễ dàng so với việc Ngài thực hiện ơn cứu rỗi lớn lao. Tạo dựng nên những vật vô tri giác và làm cho chúng luân chuyển tuần hoàn nhịp nhàng, thì không có gì khó đối với Đấng Toàn Năng.

Nhưng để thực hiện ơn cứu rỗi lớn lao, thì Đức Chúa Cha phải hoạch định một chương trình toàn hảo sáng tạo loài người và ban cho họ ý chí tự do chọn lựa giữa thiện và ác. Chính trí tuệ, sự khôn ngoan của Đức Chúa Cha suy nghĩ ra kế hoạch có một không hai đó.

Giống như loài người gọi một tác phẩm trí tuệ của mình là đứa con tinh thần, thì trí tuệ và tư tưởng khôn ngoan của Đức Chúa Cha hoạch định kế hoạch cứu rỗi duy nhất ấy, được Ngài gọi là Con độc sinh của Ngài, tức là Ngôi Lời.

Ngôi Lời, hay là Đức Chúa Con đã phải giáng trần làm người vô tội để chịu chết đền tội cho cả nhân loại gian ác, Ngài phải sống lại và thăng thiên trong vai trò Con Người để mở đường cho mọi người tin.

Đến phiên Thân-Vị thứ ba là Đức Thánh Linh, phải làm công tác soi sáng và thuyết phục tội nhân biết ăn năn tội lỗi, để ơn cứu rỗi đó được áp dụng cho người nào tin và vâng theo.

Sự thực hiện ơn cứu rỗi, vì thế, không đơn giản hoặc dễ dàng như một cuộc đi dạo chơi; mà là toàn tâm huyết của Đấng Tối Cao, một công trình tuyệt đỉnh độc nhất vô nhị. Đến nỗi các thiên sứ trên trời cũng phải kinh ngạc và ước ao được hiểu thấu (1Phi-e-rơ 1:12).

Sự hoàn thành ơn cứu rỗi vĩ đại cho loài người có sự góp phần của Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Đức Chúa Giêxu Christ công bố (3b), Đức Chúa Cha xác nhận và Đức Thánh Linh đến để làm chứng.

Một sự kiện vĩ đại mà cả Ba Ngôi của Đấng Chủ Tể vũ trụ cùng tham dự vào thực hiện để loài người được biết và thụ hưởng, thì việc ấy lớn và quan trọng biết là chừng nào! Vì thế, tác giả nhắc người Hê-bơ-rơ rằng, tội khước từ ơn cứu rỗi của Chúa là một tội nặng vô cùng.

Khi Đức Chúa Giêxu đến thế gian để công bố Tin-mừng, thì Đức Chúa Trời đã “chứng thực bằng các dấu lạ, phép mầu, các việc quyền năng, và các ân tứ của Đức Thánh Linh” (4).

Rồi các sứ đồ được Đức Chúa Giêxu sai đi rao truyền Tin-mừng ơn cứu độ, cũng phải được chứng thực bằng các dấu lạ, phép mầu, các việc quyền năng, và các ân tứ của Đức Thánh Linh y như vậy.

Thì ngày nay làm thể nào chúng ta có thể rao truyền Tin-mừng cách có hiệu quả, nếu chúng ta không được Đức Chúa Trời chứng thực bằng các việc quyền năng và ân tứ của Đức Thánh Linh?

Bởi lý do đó, giáo sư nào chủ trương rằng thời nay Chúa không còn làm những việc quyền năng nữa, thì hoặc là lòng tin quá yếu, hoặc là cho rằng mình giỏi hơn Đức Chúa Giêxu và các sứ đồ ngày xưa.

Tội ấy cũng nặng chẳng kém gì tội hờ hững không tin.

Đức Chúa Giêxu trong địa vị ‘Con Loài Người’ vẫn cao trọng hơn các thiên sứ. Vì lời Kinh thánh Thi-thiên 8:4–6 (5–8) chỉ áp dụng được cho Đức Chúa Giêxu mà thôi.

Đức Chúa Trời không giao thế giới tương lai cho các thiên sứ cai trị (5), mà sẽ đặt mọi vật qui phục dưới chân Người (8), sau khi Đức Chúa Giêxu “chịu đặt thấp hơn các thiên sứ trong một thời gian ngắn,” thì Ngài được Đức Chúa Trời đội cho “mũ triều thiên vinh quang, được vinh dự vì Ngài chịu chết” (7, 9).

Như thế, số phận của những người tin Ngài cũng sẽ được vinh quang như Chúa của mình. Đức Chúa Trời đã ấn định cho những người được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, được làm vua và vạn vật phục dưới chân, khi những người đó thuộc về Đức Chúa Giêxu để cùng cai trị với Ngài.

Đức Chúa Giêxu đã đến thế gian để làm gương cho loài người thấy ý nghĩa thật của đời sống là: Con đường hạ mình và vâng phục là lối duy nhất dẫn đến vinh quang và vinh dự (10).

Vì Ngài tuy mang thể xác loài người và nhân tính, nhưng qua thể xác và nhân tính ấy, Đức Chúa Giêxu có thể nhận được vinh quang của Đức Chúa Trời đã hứa cho con người; cho nên, khi chúng ta được hợp nhất với Đức Chúa Giêxu, thì sẽ nhận lãnh được bản tính của Ngài và hưởng mọi điều Chúa đã thực hiện trên đất cho chúng ta, rồi cũng nhận mọi điều Ngài thực hiện trên trời cho ta nữa.

Vì Đức Chúa Trời “muốn cho vô số con cái được vinh quang,” nên Ngài đã cho Đức Chúa Giêxu chịu đau đớn để trở nên một Đấng Cứu Chuộc trọn vẹn (10).

Ngài đã hi sinh để có thể gọi những người tin là anh em, vì “Đấng thánh hoá và những người được thánh hoá đều từ một Cha mà ra” (11); như đã ghi trong Cựu-ước là những người tin được làm em của Đức Chúa Giêxu và hợp nhất với Ngài về phương diện thần tính (12–13).

Để làm điều đó, Đức Chúa Giêxu phải nhận lấy nhân tính để “qua sự chết, Ngài có thể tiêu diệt kẻ nắm quyền sự chết, là ác quỷ” (14).

Như vậy, sau khi suy gẫm về các việc làm của Đức Chúa Giêxu, chúng ta hiểu rằng Ngôi Lời đã nhập thể làm người vì nhiều lý do: Trước hết, Ngài phải nhận lãnh nhục hình trên thập tự giá để trở nên trọn vẹn trong chức vụ Đấng Lãnh Đạo, Đấng làm đầu mở đường cho loài người có cơ hội nhận lấy sự sống thiên đàng và được đến gần Đức Chúa Trời.

Kế đến, lý do Ngài phải xuống thế gian là để qua sự chết, Ngài có thể giải thoát loài người khỏi quyền lực của sự chết và ác quỷ.

Vì sự chết là án phạt mà luật trời đã định, mà quyền lực sự chết đã giao cho satan nắm giữ; khi Đức Chúa Giêxu phục sinh từ cõi chết, Ngài đã đánh bại sự chết và chiến thắng satan, là vua của sự chết. Do đó, Ngài đã “giải phóng những người vì sợ sự chết mà làm nô lệ suốt đời” (15) cho ý muốn của ác quỷ.

Vì Ngôi Lời nhập thể không phải để cứu giúp các thiên sứ, nhưng là để giúp đỡ dòng dõi của Áp-ra-ham (16); “bởi thế, Ngài trở nên giống như anh em mình về mọi phương diện, để trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời, Ngài có thể làm một Thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng thương xót và trung tín, có thể đền tội cho dân” (17).

Như vậy, lý do thứ ba Ngài đến là để làm thầy tế lễ thượng phẩm đầy lòng nhân từ, thay mặt loài người trước mặt Đức Chúa Trời. Vì chỉ Ngài mới có thể cảm thông chúng ta và giúp đỡ con dân Ngài trong mọi phương diện; nhất là phương diện dễ bị cám dỗ.

Lúc Đức Chúa Giêxu còn ở trần gian, Ngài đã trải qua những giây phút chịu bị cơn cám dỗ dữ dội trong vai trò Con Người. Vì thế, Ngài truyền cho con dân Ngài kinh nghiệm Ngài đã trải qua, rồi dùng quyền phép tối cao của Ngài giữ chúng ta luôn liên lạc mật thiết với Ngài, để không có sự thử thách hay cám dỗ nào thắng hơn chúng ta cả. Cho nên, Ngài “có thể cứu giúp những người đang bị cám dỗ” (18).

ThuHeboro04.docx

Rev. Dr. CTB