Tín Đồ Của Chúa, bài 11

Giăng 3:13-18

Sứ đồ Phao-lô viết trong thư gửi cho tín hữu ở Rôma như sau “Ngài đã bị nộp để chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và sống lại để chúng ta được xưng công chính” (Rôma 4:25). Phần đầu câu nầy thì dễ hiểu, nhưng giải thích phần sau thì không dễ.

Tại sao sự sống lại của Đức Chúa Jesus làm cho người tin được xưng công chính? Những người thật lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời phải hiểu rõ điều nầy để đức tin được càng thêm vững vàng.

Bởi vì nếu người nào theo đạo, đi thờ phượng mỗi tuần ở nhà thờ mà không biết rõ điều mình tin, cũng không nắm vững điều mình vẫn hi vọng, thì sự theo đạo của người ấy là vô ích.

Đức tin của tín đồ Đấng Christ chỉ thực sự có giá trị khi tín hữu đã thiết lập được mối liên hệ riêng tư với Chúa của họ qua Đức Thánh Linh, Đấng ngự vào lòng người đã tin vì tội lỗi người ấy đã được tha thứ.

Mối liên hệ riêng tư với Chúa chỉ thành hình khi nào người tin hiểu rõ sự chết của Đức Chúa Jesus, hiệu quả của sự chết ấy đã xoá sạch tất cả dấu vết ô dơ của tội lỗi ở nơi sâu thẳm trong tâm linh mình như thế nào; rồi hàng ngày lòng biết ơn sâu đậm ấy bày tỏ sự yêu kính Ngài bằng tinh thần thờ phượng chân thành. Nhờ đó, Đức Chúa Jesus sẽ đáp ứng tình yêu ấy bằng những lời trò chuyện thân mật với con cái Ngài.

Vậy thì, việc giải nghĩa rõ ràng sự chết hi sinh của Đức Chúa Jesus nhằm chuộc tội nhân loại sẽ chẳng bao giờ thừa, mà luôn luôn cần thiết.

Hiệu quả chuộc tội nằm trong sự chết của Ngài, nhưng bằng chứng của hiệu quả ấy phải được thấy qua sự phục sinh của Chúa. Chỉ có sự sống lại của Đức Chúa Jesus mới tạo nên lòng tin vào hiệu quả sự chết chuộc tội của Ngài trên cây mộc hình; nhờ hiệu quả đó người tin mới được xưng công chính.

Sứ đồ Phao-lô giải nghĩa hiệu quả ấy như sau: “Nếu Đấng Christ không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” (1Côrinhtô 15:17).

Một người chết đi mà không sống lại được, thì ấy chỉ là một người bình thường; nếu Đấng Christ không sống lại, thì Ngài cũng chỉ là một người bình thường, sự chết của Ngài không đem lại hiệu quả cứu chuộc nào hết! Nhưng vì Ngài đã sống lại, thì sự sống lại vinh quang ấy chứng minh Ngài thật là Chúa Cứu Thế có quyền ban sự sống vĩnh cửu cho người nào tin.

Chẳng những vậy, khi tâm linh người tin được ban cho sự sống từ thiên đàng, người ấy được có mối tương giao thân mật với Đấng ban sự sống mới đó, thì mối tương giao ấy chứng minh tội lỗi người đã được bôi xoá hết, được thiên đàng kể là người có tâm linh công chính.

Cho nên, Chúa đã sống lại để ta được xưng công chính.

Bây giờ, sự kiện người ta được tha tội và được ban cho sự sống mới diễn ra như thế nào? Tại sao Đức Chúa Jesus nói: “Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thế nào thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy, để ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời” (Giăng 3:14-15).

Câu nói nầy dẫn người học Kinh Thánh trở lại chuyện tích dân Israel được Đức Chúa Trời cứu ra khỏi xứ Ai-cập, ra khỏi thân phận làm nô lệ, và được Ngài dẫn đường đi về xứ Canaan để nhận xứ làm cơ nghiệp vĩnh viễn. Vì ngã lòng trên đường đi xuyên qua hoang mạc khô hạn, dân Israel chống đối Đức Chúa Trời và Môi-se, người được Ngài đặt làm lãnh tụ dẫn dắt họ.

Vì thế Đức Chúa Trời sai rắn lửa đến trong dân chúng và cắn chết nhiều người; dân Israel trừ rắn lửa không nổi nên đến với Môi-se xưng tội và nhờ ông kêu cầu Đức Chúa Trời khiến rắn lìa xa họ.

Đức Chúa Trời bảo Môi-se làm một con rắn lửa bằng kim khí rồi treo nó lên một cây sào. Ai bị rắn cắn mà nhìn con rắn ấy thì sẽ được sống. Môi-se vâng lời lấy đồng đúc thành hình một con rắn rồi treo lên một cây sào. Những người bị rắn cắn đang đau nhức nhìn thấy con rắn bằng đồng thì đều được sống (Dân-số-ký 21:4-9).

Con rắn tượng trưng cho cái gì? Tại sao phải treo nó lên trên cây sào? Trước hết, con rắn tượng trưng cho nọc độc giết chết người bị nó cắn. Vậy, nọc độc của con rắn là hình bóng về tội ác làm cho tâm linh người bị nhiễm tội lỗi phải chết vĩnh viễn, tức là không bao giờ được thấy ánh vinh quang của Đức Chúa Trời và sự sống đời đời; đồng là tượng trưng cho sự đoán phạt.

Con rắn bằng đồng phải bị treo lên cây sào tượng trưng cho tội lỗi phải bị trừ khử. Nghĩa bóng của việc người bị rắn cắn phải nhìn lên con rắn để được sống là người ta phải nhận biết mình đã bị ô nhiễm nọc độc của tội lỗi, và tội ác mình đã phạm phải bị trừng phạt.

Giống như người Do-thái ngày xưa bị rắn cắn phải nhìn lên con rắn lửa bằng đồng treo trên cây sào để được sống, thì ngày nay những ai nhận biết mình đang bị nọc độc của tội lỗi hành hại và sẽ bị chết vĩnh viễn nếu nọc độc tội lỗi ấy không bị tiêu trừ.

Con rắn đồng bị treo nghĩa là tội lỗi đã bị phạt trong thân xác của Đức Chúa Jesus, ai tin điều đó thì sẽ được sống. Ngôi Lời phải bị án phạt đóng đinh treo trên cây gỗ, vì Ngài sẽ gánh chịu mọi tội ác độc dữ nhất của nhân loại, mà hình ảnh con rắn là biểu tượng.

Nghĩa bóng của việc nhìn con rắn là nhận biết tội ác của mình đang chất lên Đấng Công Nghĩa Jesus Christ. Như vậy, ai tin rằng Đấng Cứu Thế đã bị treo lên cây gỗ để chịu hình phạt án chết thay thế cho tội lỗi của mình, thì sẽ người ấy được sự sống đời đời.

Đức Chúa Jesus đã giáng sinh đúng thời điểm đế quốc La-mã đang thịnh trị khắp vùng Nam Âu và Trung Đông; để khi Ngài chịu hi sinh cứu chuộc toàn thể nhân loại ra khỏi nọc độc của tội lỗi, thì Ngài phải bị xử tử hình theo luật La-mã là bị đóng đinh treo trên cây gỗ hình chữ thập, gọi theo tiếng Hán Việt là “thập tự giá.”

Đức Chúa Trời đã định Đức Chúa Jesus phải bị chết treo trên thập tự giá như thế, để sự chết hi sinh của Ngài vừa đổ huyết ra chuộc tội cho nhân loại, vừa giải thoát những ai nhận món quà cứu độ ấy ra khỏi lời rủa sả của điều răn thứ nhì trong luật pháp của Đức Chúa Trời, đối với vô số thế hệ con cháu của những người thờ lạy hình tượng (Xuất Ai-cập 20:4-5; Galati 3:13).

Cho nên, Đức Chúa Jesus tiết lộ rằng Ngài sẽ phải bị treo lên cây gỗ, như Môi se treo con rắn lên cây sào trong hoang mạc khi xưa vậy.

Biết bao nhiêu thế hệ tín hữu Cơ-đốc-giáo trong lịch sử giáo hội đã không biết vấn đề nầy vì không được ai dạy cho cả, mặc dù lời Kinh-thánh xưa nay vẫn y nguyên chẳng có gì thay đổi hết. Nếu có khác nhau chút ít là cách dịch và lời văn, còn ý nghĩa thì không suy suyển.

Chẳng những tội lỗi bị phơi bày chân tướng của nó, như tính độc dữ của con rắn phải bị phơi bày trên cây sào năm xưa, mà sự nguyền rủa của luật pháp Môi-se cũng bị cất bỏ đối với mọi người nào tin và tiếp nhận quà tặng miễn phí của Đức Chúa Trời ban cho.

Nếu ai đã biết có quà miễn phí mà không tới nhận, thì không bao giờ được hưởng ích lợi và hiệu năng của món quà. Biết có mà không nhận để sử dụng thì sự biết ấy rất là vô ích.

Mặt khác, đã nhận quà mà đem cất kỹ vì không quý trọng nó cũng không biết cách áp dụng, thì chẳng hưởng được ích lợi gì từ món quà quyền năng vô giá.  

Ai muốn được cứu độ, được giải thoát khỏi án rủa sả thì phải tới nhận món quà miễn phí của Đức Chúa Trời ban cho cho sự chết bị treo trên cây gỗ của Đức Chúa Jesus; rồi học cách áp dụng các hiệu năng của món quà ấy cho mình.

Thời đó dân Israel ăn năn các lời phản nghịch, oán trách, chống đối và được Môise cầu thay để Đức Chúa Trời chỉ dẫn cách giải quyết.

Con rắn bằng đồng ấy không có quyền lực gì cứu người ta khỏi nọc độc của rắn lửa, nhưng là sự nhận biết mình bất lực trước nọc độc của con rắn, rồi sự nhìn lên con rắn đồng đang bị treo trên cây sào là nhìn nhận tội lỗi mình đáng bị đoán phạt, nên người bị rắn cắn được sống.

Con rắn bằng đồng vẫn được dân Israel tôn trọng lâu dài. Gần 900 năm sau, vua Ê-xê-chia của vương quốc Giu-đa vâng lời Chúa đem nó ra đập vỡ nát, bởi “vì cho tới lúc đó, dân Israel vẫn xông hương cho nó, người ta gọi nó là Nêhutan” tức là tượng rắn (2Các Vua 18:4).

Bài học nầy nhắc nhở mỗi chúng ta về hiệu năng sự chết treo trên thập tự giá của Đức Chúa Jesus và hiểu những lý do nào mà chúng ta được xưng công chính bởi sự sống lại của Ngài.

Biết và hiểu rõ điều mình tin là bí quyết dẫn chúng ta lên trình độ cao hơn trên thiên trình của mình. Càng lên cao, bước đi càng dễ dàng hơn và không bị vấp chân bởi những chỗ lồi lõm, gồ ghề của mặt đất, tức là trình độ thấp kém của những người không chịu học hiểu chân lý.

TinDoCuaChua11.docx

Rev. Dr. CTB