Xuất Ai-Cập, bài 25

Xuất Ai-Cập 29:1–46

Ở đoạn trước (28:41), Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn Môi se về việc phong chức tế lễ cho A-rôn và các con trai của ông. Ở đây là chi tiết cách thực hiện việc ấy gồm có năm điều: 1) Tẩy rửa (4), 2) Mặc lễ phục phong chức (5–9), 3) Xức dầu (7), 4) Nghi thức dâng tế lễ (10–23), và 5) Đặt lễ vật vào tay (24).

Tất cả các việc đó đều là những hành động có tính cách tượng trưng cho những điều thuộc cõi linh: Tẩy rửa là sự loại bỏ những điều ô uế, không thanh sạch; khoác lễ phục thánh khiết lên mình là mặc sự công chính vào để được phong chức; xức dầu để được nhận lãnh sự chỉ dẫn của Thần Đức Chúa Trời; dâng tế lễ để chuộc tội, và nhận các lễ vật để thực hiện những nghi thức dâng hiến của chức tế lễ.

Đức Chúa Giêxu đã được Đức Chúa Trời chỉ định làm Đấng Trung Bảo giữa người thế gian với Đức Chúa Trời. Ngài đã nhận lãnh chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm ở đền thờ thật trên trời (Hêbơrơ 9:11), nên Ngài đã được xức dầu bằng Đức Thánh Linh, được gọi là Đấng Mê-si-a, Chúa Cứu Thế.

Trang phục Ngài mặc là sự vinh quang và hoàn mỹ; Con Người Giêxu được thánh hóa bằng chính huyết của Ngài; Ngài được hiến dâng và trở thành Đấng Trọn Vẹn qua đoạn đường thống khổ (Hêbơrơ 2:10).

Ngày nay, mọi người nào tin nhận Đức Chúa Giêxu đều trở thành thầy tế lễ thuộc linh để dâng các lễ vật thuộc linh.

Thiết lập chức tế lễ lần đầu tiên cho dân Israel, Đức Chúa Trời dặn dò Môi-se: “Đây là việc con phải làm khi cung hiến A-rôn và các con trai người để họ thi hành chức tế lễ cho Ta. Hãy bắt một con bò tơ đực và hai con chiên đực không tì vết” (1).

Con bò tơ tượng trưng cho sức mạnh, năng lực làm việc và tính kiên nhẫn của Đấng Christ. Tính chất không tì vết của con bò và hai con chiên đực là biểu tượng về sự thanh sạch, toàn hảo trong bản thể và đời sống của Ngài, đặc biệt trong sự hi sinh của Ngài.

Cả ba loại bánh để dâng hiến đều phải làm bằng bột không men, mệnh lệnh ấy nhấn mạnh cả bánh lẫn mục đích mà chúng phục vụ, tức là người dâng hiến và sự phục vụ của những người ấy đều phải là chân thành, không được dính một chút tính giả hình hay gian ác nào.

Ngoài tính chất không men, bánh ngọt và bánh xốp còn phải được pha dầu (2); có nghĩa là tất cả những món dâng hiến và sự phục vụ đều phải chịu ảnh hưởng từ ơn thiên thượng.

Bột mì mịn là phần tốt nhất của hột lúa, có nghĩa là phần tốt nhất phải dành cho Đức Chúa Trời. Ba thứ bánh đều phải được đặt chung trong một cái giỏ để hiến dâng một lượt với con bò tơ và hai con chiên đực.

Ý nghĩa thuộc linh của chi tiết nầy là Tin Mừng của Đức Chúa Trời có nhiệm vụ sẽ mang Đấng Christ, bánh sự sống, đến phục vụ trọn gói cho mọi người nào tiếp nhận Tin Mừng (3).

A-rôn và các con trai sẽ được dẫn đến trước cửa Đền Tạm sau khi mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng [Có sự lầm lẫn từ các bản dịch hay bản sao cho rằng Lều Hội Kiến và Đền Tạm là cách gọi khác nhau của cùng một công trình. Điều đó không đúng. Bởi vì Lều Hội Kiến được dựng ngoài trại quân trước khi dân Israel rời khỏi núi Hôrếp theo lệnh của Đức Chúa Trời (Xuất 33:7). Còn sự dựng và cung hiến Đền Tạm diễn ra vào ngày mồng một tháng giêng năm thứ hai (Xuất 40:17).

Sở dĩ việc lầm lẫn cứ tiếp diễn, vì về sau Đền Tạm được gọi là Lều Hội Kiến, sau khi Môi-se không dựng ‘lều hội kiến,’ có Giôsuê phục vụ, ở ngoài trại quân nữa. Hai cái lều khác nhau là như thế].

Môi-se phải dùng nước tẩy rửa A-rôn và các con trai của người (4), mặc lễ phục cho họ để họ được phong chức (5–6). Dầu thánh đổ trên đầu A-rôn và xức cho người là dầu được pha chế cách đặc biệt theo phép hòa hương thánh, chứ không phải dầu olive bình thường (30:22–30).

Đáng lẽ ra, phần Chúa chỉ dẫn Môi-se về cách pha chế dầu thánh nên được đặt trước phần chỉ dẫn về sự xức dầu phong chức cho A-rôn. Mặc dù trên lý thuyết, tác giả của ngũ kinh là Môi-se, nhưng qua các phần đã học đến, chúng ta thấy có lẽ ‘Ngũ Kinh’ của Môi-se do người đời sau ghi chép lại và sắp xếp theo cách hiểu của người thời đó.

Xức dầu là nghi thức biểu tượng cho việc nhận lãnh sự chỉ dẫn của Thần Đức Giê-hô-va. Dầu chỉ đổ trên đầu A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm, còn các con trai của ông chỉ được thoa dầu để hành chức tế lễ (7–9).

Môi-se dẫn con bò tơ đực đến trước Đền-tạm để A-rôn và các con trai đặt tay họ lên đầu con vật. Hành động nầy biểu tượng về người đặt tay chuyển mọi tội lỗi và sự bất toàn của mình sang con thú để nó sẽ chết đền mạng cho mình (10–11).

Sau khi giết con thú trước mặt Đức Giê-hô-va tại cửa Đền Tạm, Môi se phải “lấy máu con bò, dùng ngón tay bôi lên các sừng của bàn thờ và đổ phần máu còn lại dưới chân bàn thờ” (12). Tất cả lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, các phần phụ của gan, hai quả thận và mỡ trên đó phải được thiêu trên bàn thờ (13), mọi thứ còn lại của con bò phải đem thiêu bên ngoài trại quân, vì đó là một tế lễ chuộc tội (14).

Thời Tân-Ước, Đức Chúa Giêxu đã bị đem đi đóng đinh bên ngoài thành Giêrusalem, vì Ngài là Sinh Tế chuộc tội cho nhân loại.

Môi-se sẽ dắt một trong hai con chiên đực tới cho A-rôn và các con trai người đặt tay họ trên đầu con thú. Máu của con chiên đó được rảy khắp mọi phía của bàn thờ. Sau đó nó được cắt từng miếng, đặt trên bàn thờ làm một tế lễ thiêu (15–18).

Họ cũng đặt tay trên đầu con chiên thứ nhì rồi Môi-se giết con chiên ấy, lấy máu nó bôi lên trái tai bên mặt của A-rôn và các con trai người, bôi lên ngón cái bàn tay phải và bàn chân phải của họ, với ý nghĩa là họ phải chăm chú nghe lời phán dạy của Chúa, tay không được nhận những thứ không thánh khiết và phải giữ chân bước trên con đường thánh sạch (19-20). Lễ phục của họ nhờ sự rảy máu và xức dầu mà được thánh hóa (21).

Sau đó có các nghi thức đặc biệt được thực hiện vì con chiên ấy đã được dùng vào lễ phong chức tế lễ thượng phẩm cho A-rôn và chức tế lễ cho các con trai người (22–25).

Sau khi tế lễ thiêu đã làm xong, thì Đức Chúa Trời cũng định phần cho Môi-se và cho A-rôn cùng các con trai trong chức tế lễ. Bởi vì họ không làm việc gì khác ngoài bổn phận tế lễ, nên những phần dâng hiến còn lại từ con dân Israel dâng cho Chúa đều thuộc về họ (26–28).

Lễ phục thánh của A-rôn sẽ chuyển cho các con trai ông khi họ được xức dầu lúc phong chức tế lễ thượng phẩm. Người ấy phải mặc bộ lễ phục đó trong bảy ngày khi tới Đền Tạm để phục vụ trong nơi thánh (29–30).

Họ cũng phải ăn thịt con chiên dùng cho lễ phong chức với bánh trong giỏ tại cửa lều Đền Tạm. Không người ngoài nào được ăn vì là thức ăn thánh, phần còn thừa phải đem thiêu trong lửa (31–34).

Lễ phong chức tế lễ cho A-rôn và các con trai, lễ chuộc tội cho họ, lễ chuộc tội và thanh tẩy cho bàn thờ, rồi xức dầu thánh hóa bàn thờ đều phải làm mỗi ngày trong bảy ngày liên tiếp. Nhờ sự làm lễ chuộc tội và thanh tẩy, thì bàn thờ sẽ trở nên rất thánh; đến nỗi bất cứ vật gì chạm đến bàn thờ đều sẽ trở nên thánh (35–37).

Phần cuối nói về các tế lễ thường nhật, mỗi ngày hai con chiên con một tuổi (38–42); một con buổi sáng, một con buổi chiều. Mỗi con đều phải dâng kèm với một phần mười ê-pha bộ mì mịn, một phần tư hin dầu và một phần tư hin rượu. Tế lễ nầy phải được dâng trước cửa Đền Tạm liên tục qua mọi thế hệ, vì nơi đó Đức Chúa Trời sẽ gặp gỡ dân Israel và phán dạy Môi-se.

Chi tiết ấy rất quan trọng vào thời Cựu-ước.Vì nơi đó sẽ được thánh hóa bởi vinh quang của Đức Chúa Trời khi Ngài đến nơi mang Danh Ngài.

Ngày nay, vì đền thờ không còn, mà con dân Chúa thì ở khắp nơi trên thế giới; với sự giáng lâm của Đức Thánh Linh thì bất cứ nơi nào thờ phượng Chúa bằng tâm linh chân thành, Ngài sẽ ngự đến trong Hội-thánh của Ngài (43–46).

Ta sẽ ngự giữa con dân Israel và làm Đức Chúa Trời của họ. Họ sẽ biết Ta là Giêhôva Đức Chúa Trời của họ, đã đem họ ra khỏi đất Ai-cập để ngự giữa họ. Ta là Giêhôva Đức Chúa Trời của họ” (45–46).

XuatAiCap25.docx
Rev. Dr. CTB