Công Tác và Vai Trò của Chức Vụ Sứ Đồ
1Côrinhtô 4:1–21
Nan đề của các tín hữu tại Hội Thánh Côrinhtô không phải chỉ là chuyện bè phái, nhưng còn là tính tự cao của một số người sau khi học được một số hiểu biết mới, hoặc được ban cho một số ân tứ mới, đã xem thường vị thầy dạy đạo đầu tiên của mình. Phaolô nhắc nhở họ phải có sự tôn trọng những đầy tớ chân thật của Đấng Christ như ông đáng được hưởng, vì họ là “những người quản lý các điều huyền nhiệm của Đức Chúa Trời” (1). Tuy vậy, tín hữu nên cẩn thận để tránh các thái cực về việc đánh giá những người lãnh đạo tinh thần của mình: Đánh giá quá cao khiến họ dễ lạm dụng quyền hạn, hoặc đánh giá quá thấp không đúng chức vụ cao trọng của người đầy tớ Đấng Christ. Quản lý là nhận lãnh, giữ gìn, và phân phát những huyền nhiệm của Chúa đã giấu kín ở các thời đại trước, để truyền bá đức tin Cơ-đốc.
Sự trung thành của người hầu việc Chúa được phân định bằng nhiều dấu hiệu: Đáng tin cậy; không lợi dụng các bạn đồng lao để thủ lợi cho mình; không nuôi hội chúng bằng lời giảng vô bổ do mình tự sáng chế, nhưng bằng chân lý và các giáo lý bổ dưỡng của Cơ-đốc-giáo; chăm lo lợi ích của Chúa mình để vinh Danh Ngài; giảng dạy những gì do Chúa dạy dỗ, không phải các thứ điều lệ, giáo điều của loài người (2). Sự trung thành của chúng ta do Chúa nhận định; vì thế, nếu loài người chỉ trích hay lên án chúng ta theo ý họ, thì việc đó chẳng có gì là quan trọng (3). Thật ra, được danh tiếng tốt và được người ta kính trọng là những dấu hiệu tốt để trở nên hữu ích cho thánh vụ. Phaolô viết cho tín hữu ở Galati rằng: “Vậy, bây giờ tôi phải làm vừa lòng loài người, hay vừa lòng Đức Chúa Trời? … Nếu tôi còn lo lấy lòng người đời, tôi không phải là đầy tớ của Đấng Christ” (Galati 1:10).
Tuy rằng chúng ta không xem sự phán xét vội vàng, bất công, độc đoán, là sự phán xét cuối cùng, chúng ta cũng chẳng nên tự phán xét, dù lương tâm cảm thấy trong sạch; bởi vì chẳng phải nhờ đó chúng ta được kể là công chính, chỉ Đức Chúa Trời mới là Đấng xét xử chúng ta (4). Như Phaolô thố lộ trong 2Côr. 10:18 “Vì người được chấp nhận không phải người tự đề cao, nhưng là người được Chúa khen.” Vì một số người ở Côrinhtô có tinh thần phe đảng đã chê bai, nói xấu vị thầy đầu tiên của họ; nên Phaolô khuyên họ “đừng xét đoán quá sớm, hãy đợi Chúa đến. Ngài sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày các ý định trong lòng người. Lúc ấy, mỗi người sẽ được Đức Chúa Trời khen ngợi đúng mức” (5).
Phaolô không nêu tên những người đứng đầu các phe đảng, mà là tên ông và người bạn đồng lao trung thành, vì lợi ích của tín hữu tại Côrinhtô, nghĩa là không làm mất mặt một ai (6). Người lãnh đạo Hội Thánh phải khôn ngoan, thận trọng trong việc đưa ra các lời khuyên, đặc biệt là khi quở trách, để người nhận không suy nghĩ lạc đề. Giải pháp phải áp dụng là “Đừng đi ra ngoài lời Chúa. Như vậy, sẽ không ai còn kiêu ngạo theo người nầy chống người kia” (6). Lời Chúa tiết lộ rằng chỉ một số người được Ngài chọn làm sứ đồ để xây dựng nền Hội Thánh Ngài như tay thợ khéo, trồng, tưới, quản lý các lẽ huyền nhiệm, vv. Các mục sư bình thường không có đồng những đặc điểm như các sứ đồ. Nhưng có người vì tánh tự cao đã gây ra sự tranh chấp, cãi cọ.
Bây giờ Phaolô viết cho những mục sư đứng đầu các phe: “Có ai coi anh em hơn người khác đâu?”(7). Những người nhận được ân tứ của Chúa, nếu muốn khoe là tự mình tạo ra các ân tứ đó để vinh danh mình, thì phải hạ Chúa xuống! Không ai có lý do gì để tự hào về thành tích nào, vì hiện giờ mình ra sao, làm chi, được những gì, đều là từ ân điển giàu có và miễn phí của Chúa ban cho. Những lời ‘mát mẻ’ (8) là để quở trách lòng tự cao của một số tín hữu về ân tứ họ có, và tự cho rằng họ có thể được nổi tiếng mà không cần đến Phaolô nữa. Những người không biết rõ cái dở và dỏm của họ, thường có ý tưởng tự cao và cho rằng mình là nhất, không ai hơn. Phaolô cho họ biết các sứ đồ thật phải chịu đựng những gì; để những người nào ở Côrinhtô, hoặc đã đến đó sau khi ông đi khỏi, so sánh và xem thử họ có chịu nổi mọi sự khó khăn, đau khổ, nhục nhã mà các sứ đồ đã chịu hay không!
Các sứ đồ thời ấy thường xuyên đối diện với nguy cơ bị giết chết. Phaolô dùng hình ảnh của những người giác đấu bị các hoàng đế Lamã bắt phải đấu với thú dữ hay đấu với nhau để làm trò tiêu khiển cho giới quý tộc hoặc công dân Lamã có tiền. Khác với người giác đấu, Chúa đưa các sứ đồ ra giữa thiên hạ để họ bày tỏ quyền phép của ân điển thiên đàng, để xác nhận chân lý về sứ mạng của họ và giáo lý của Ngài, và để rao truyền đạo Chúa khắp thế gian. Chức vụ sứ đồ là cao trọng nhưng đầy khó khăn và nguy hiểm (9); chúng ta là con cái Chúa ngày nay cũng vậy (10–13). Các thiên sứ và loài người là những nhân chứng đang xem chúng ta bị bắt bớ, chịu khổ, nhẫn nại, và tính cao thượng của chúng ta. Họ đều thấy chúng ta chịu khổ vì trung thành với Đấng Christ, thấy những sự hiểm nguy rình rập và nghiêm trọng; nhưng họ cũng thấy chúng ta can đảm đương đầu và nhẫn nhục chịu đựng nhờ quyền năng của ân điển thiên đàng với các nguyên tắc Cơ-đốc. Khó khăn nhưng vinh dự; nguy hiểm nhưng đầy vinh quang.
Những mục sư trung thành với Chúa sẵn sàng chịu đựng bị người ta khinh thường, miễn là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và quyền phép của ân điển Ngài được bày tỏ ra. Không phải mọi con cái Chúa đều bị khó khăn như nhau. Có người phải chịu đựng nhiều hơn người khác dù phải tham gia cùng một chiến trận. Người cầm cờ của một đạo quân là người bị tấn công dữ dội nhất. Vào thời Hội Thánh sơ lập, con cái Chúa bị quy cho trách nhiệm về đủ thứ tai hoạ xảy đến cho xã hội thời ấy. Họ bị xem như là ống cống bị người ta đổ lên đầu mọi lời nguyển rủa dơ bẩn nhất. Bất cứ ai muốn là con dân trung tín của Chúa thì phải chuẩn bị chịu đựng mọi sự khinh bỉ của người thế gian. Thế nhưng, “bị nguyền rủa, chúng tôi chúc phước; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị xúc phạm, chúng tôi khuyên nhủ” (12–13).
Phaolô nhắc rằng ông viết thư cho họ không phải để quở trách, nhưng để khuyên nhủ họ như cha khuyên con: “Dù anh em có vô số thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng không có nhiều cha. Nhờ Tin Lành tôi đã sinh anh em ra trong Đức Chúa Giêxu Christ. Cho nên tôi khuyên anh em bắt chước tôi” (14–16). Phaolô đã đem họ ra khỏi sự thờ hình tượng, có đức tin vào Phúc Âm của Chúa, và vào sự thờ phượng một Đức Chúa Trời chân thật và hằng sống. Như vậy, họ đã trở nên tín hữu qua thánh vụ của ông; ông đã lập nền tảng của một Hội Thánh giữa họ. Chúa dùng ông là dụng cụ giúp họ được tái sinh. Vì thế Phaolô có quyền tuyên bố rằng ông đã sinh họ ra trong Đức Chúa Giêxu Christ. Ông đã làm gương, nên ông khuyên họ bắt chước ông; các mục sư cũng cần phải sống đúng theo những gì họ đã giảng, để hội chúng của họ có thể theo gương họ. Ngược lại khi các mục sư đã làm gương về việc bước theo Đấng Christ trong đức tin và tập quán hành xử, thì đến lượt tín hữu cũng phải làm theo những gương ấy.
Cuối thư, Phaolô giới thiệu mục sư Timôthê, là người con nuôi trung thành của ông, đem thư nầy đến Côrinhtô; để Timôthê “sẽ nhắc nhở anh em đường lối của tôi trong Đấng Christ, đúng theo lời tôi giảng dạy trong các Hội Thánh khắp nơi.” (17). Sự giảng dạy đúng theo lời Chúa thì phải giống nhau ở mọi nơi. Dù đã sai Timôthê đến, Phaolô nói cho người Côrinhtô biết rằng ông sẽ trở lại thăm; mục đích của thư là như thế. Nhưng, việc ông đến hay không là do ý Chúa muốn hay không muốn (19). Những người kiêu ngạo đừng hoang tưởng rằng ông sẽ không còn trở lại nữa (18); mà ông sẽ đến để thử nghiệm những người ấy “xem những người kiêu ngạo đó có khả năng đến đâu, chứ không phải để nghe họ nói. Vì nước Đức Chúa Trời không cốt ở lời nói mà ở năng lực” (19–20). Nghĩa là không phải ở sự hùng biện hoặc triết lý, nhưng bởi uy quyền và tính hiệu quả của những lời họ giảng dạy; có dấu kỳ phép lạ nào xác nhận lời giảng không, hay nó có được cặp theo bởi những tác động thiên đàng hoặc ảnh hưởng cứu chuộc hay không. Họ phải lựa chọn cách mà ông sẽ đối xử, hoặc với con cái ương bướng, hoặc với con cái ngoan ngoãn (21).
1Côrinhto06.docx
Rev. Dr. CTB