Hiệp Nhất là Có Tâm Linh Trưởng Thành

1Côrinhtô 3:1–23

Mặc dù Phaolô có một mối liên hệ rất yêu thương gần gũi với tín hữu tại Côrinhtô, họ vẫn bị ông trách là họ chưa trưởng thành về mặt tâm linh.  Không có gì sai đối với những người mới tin Chúa chưa có kinh nghiệm, kém hiểu biết về các vấn đề thuộc linh, mới được thánh hoá chút ít, có nhu cầu là phải tăng trưởng.  Tuy nhiên, nan đề của tín hữu tại Hội Thánh Côrinhtô là tình trạng ấu trĩ ấy kéo dài quá lâu, đến nỗi Phaolô phải nói với họ như người sống theo tánh xác thịt (1).  Họ đã nhận được vài nguyên tắc đầu tiên của Cơ-đốc-giáo, nhưng chưa trưởng thành trong sự hiểu biết những điều đó.  Thế mà, theo cách nói ở nhiều chỗ trong thư nầy thì họ rất hãnh diện về sự khôn ngoan và tri thức của mình.  Sự tự kiêu quá đáng là điều thường thấy ở người có chút ít tri thức nhưng chưa hiểu biết đến nơi đến chốn.

Cho uống sữa là nói về những điều sơ đẳng, dễ hiểu.  Thức ăn đặc là các việc sâu nhiệm hơn của đức tin Cơ-đốc (2).  Bổn phận của các đầy tớ trung thành của Chúa là hiểu biết trình độ nghe và tiếp nhận của tín hữu để chỉ nói những điều họ có thể hiểu được.  Về phần tín hữu thì cần tăng trưởng phù hợp với thời gian mình tin đạo, cộng với những cơ hội và phương tiện Chúa ban cho mình được học hỏi, để có thể tiếp nhận những điều sâu nhiệm của đức tin chúng ta. Một hội chúng chưa hiểu nổi những điều cao hơn bình thường, là do lười biếng không chịu học.

Tính xác thịt của tín hữu tại Côrinhtô bộc lộ qua tinh thần phe phái, tranh chấp của người đời (3).  Bằng chứng là “người nầy nói: ‘Tôi là người của Phaolô,’ người kia nói: ‘Tôi là người của Apollo’” (4).  Tính phe đảng trong tín hữu của các hệ phái ngày nay đang gây hại cho Danh Chúa chúng ta.  Linh phe đảng hành động trên các nguyên tắc loài người, không phải nguyên tắc Kinh Thánh dạy. Các mục sư, giáo sư, thậm chí các sứ đồ cũng không phải là tác giả của đức tin chúng ta (5). Phaolô và Apollo đều có công trong mục đích mà Đức Chúa Trời dùng, nhưng Ngài mới là Đấng ban sự sống và làm cho lớn lên (6–7).  Thành công của thánh vụ là ơn ban từ Chúa không phải tài cán gì của người được Ngài dùng.  Công của từng người sẽ được ban thưởng thích đáng (8).  Những vị nhận cùng một sự khải thị, lãnh ân tứ khác nhau từ cùng một Đức Thánh Linh, phục vụ cùng một mục đích; nếu kình chống nhau cũng chỉ vì bị lôi kéo vào tinh thần phe phái.

“Cùng làm việc với Đức Chúa Trời”(9) không có nghĩa là đồng chức vụ hoặc trình độ, nhưng là dưới sự chỉ đạo và sử dụng của Ngài. Chúa phán xét hay ban thưởng theo sự thật của thánh vụ,  vì Hội Thánh mọi nơi đều là “cánh đồng Đức Chúa Trời canh tác, là ngôi nhà Ngài xây cất” (9).  Phaolô tự gọi mình là “một nhà kiến trúc giỏi” (10) đã khéo lập một nền móng vững chắc, không phải để khoe khoang, nhưng để phô bày ơn của Đức Chúa Trời đã chọn ông làm người đi tiên phong.  Sự kiêu ngạo thuộc linh là điều đáng tởm, bởi vì dám dùng ân huệ của Chúa để thoả mãn tính kiêu căng vô lối, mình trở nên thần tượng của mình. Vì vậy, ai có chút ân tứ nào đó, đừng nên hãnh diện về tài năng và ân điển đã ban cho mình, nhưng phải tạ ơn Chúa về việc ấy.

“Đặt nền móng” (10) là rao truyền Tin Mừng, dạy các giáo lý căn bản, như (4:15b) ghi “Nhờ Tin Lành, tôi đã sinh anh em ra trong Đức Chúa Giêxu Christ”.  Và dù họ đang có nhiều giáo sư dạy dỗ “nhưng không có nhiều cha” (4:15a). Không ai có thể tước bỏ vinh dự của Phaolô ở Hội Thánh Côrinhtô; nhưng “mỗi người phải thận trọng về cách xây cất của mình” (10).  Đây là một lời cảnh báo đúng.  Có thể có nhiều sự xây dựng rất khác nhau trên một nền móng tốt, nhưng chỉ có thể xây dựng cái gì mà nền móng đã đặt có thể chịu đựng.  Có người thích kiểu cọ riêng hoặc xây theo những lý luận sai trật trên nền khải thị thiêng liêng.  Mục sư phải giảng giáo lý thuần nhất của Chủ mình, hoặc những gì hoàn toàn phù hợp với chân-lý của Đức Chúa Giêxu rao báo.

Giáo lý về Đức Chúa Giêxu là Đấng Cứu Thế và Đấng Trung Bảo là giáo lý chủ yếu của Cơ đốc-giáo; bởi vì “trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời giải hoà với nhân loại” (2Côr.5:19).  Cho nên “chẳng ai có thể đặt một nền khác ngoài nền đã đặt, là Đức Chúa Giêxu Christ” (11).  Trên thực tế, có hai hạng vật liệu người ta đã xây trên nền nầy: 1) Vàng, bạc, và đá quý, tức là rao giảng lẽ thật thuần tuý của phúc âm do Đấng Christ đem đến, không thêm bớt (12). 2) Gỗ, cỏ khô, rơm rạ, tức là dù dựa trên nền ấy, nhưng tẻ tách khỏi ý tưởng của Đức Chúa Giêxu, thêm thắt đủ thứ kiểu cách và sáng chế ra nhiều thứ lý thuyết quái đản, là các loại không thể chịu nổi thử nghiệm bằng lửa (13).  Phaolô viết thêm ở (4:5) “hãy đợi Chúa đến, Ngài sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối.”  Trái lại, “công việc của ai tồn tại trên nền, người ấy sẽ được thưởng” (14).

Sẽ có những người có công việc “bị thiêu huỷ” và “bị mất mát” (15). Các ý tưởng, giáo lý sai trật và những kiểu sáng chế vô ích để thờ phượng sẽ bị phanh phui, loại bỏ, trong ngày ấy. “Vượt qua lửa” là cách nói khác của “thoát cháy;” còn “chính người ấy sẽ được cứu” nghĩa là những ai giữ nền tảng của Cơ-đốc-giáo, dù dùng gỗ, cỏ khô, rơm rạ xây trên nền, vẫn có thể được cứu, mà chẳng có phần thưởng gì.  Các giáo hoàng của giáo hội Lamã vào thời ám thế dã man đã dựa trên câu nầy để sáng chế ra thuyết “lửa luyện tội.” Thuyết ấy chẳng được Kinh Thánh ủng hộ, vì ‘lửa’ ở đây rõ ràng là biểu tượng của sự thử nghiệm công việc, không phải để đốt người. ‘Lửa luyện tội’ không phải là lửa thử nghiệm công việc, mà là tà thuyết doạ trừng phạt người phạm tội, nhằm thu tiền của họ. Giáo thuyết ấy cốt để phục vụ túi tiền của giới tăng lữ, vì nhiều người thà chịu bỏ tiền ra mong mua được sự cứu độ, thay vì phải từ bỏ cách sống tội lỗi mà họ ưa thích.

Sở dĩ Phaolô phải nói rõ thân thể của mọi tín hữu “là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Ngài ngự trong” (16), nhắc lại họ “là ngôi nhà Ngài xây” (9), bởi vì ở Côrinhtô đang có các giáo sư giả, chẳng những sống cách phóng túng, mà còn dạy các thứ giáo lý phóng đãng phù hợp với tâm lý dâm dục của dân trong thành phố ấy.  Cần phải nói rõ là loại giáo lý nầy không thuộc hạng vật liệu bằng gỗ, cỏ khô, rơm rạ, là loại bị lửa thử nghiệm thiêu huỷ, còn người dùng chúng để xây dựng Hội Thánh thì thoát chết.  Nhưng, các thứ giáo lý nầy là loại tư tưởng nhằm làm hư hỏng, ô uế, đầu độc, huỷ phá Hội Thánh, là nhà được xây dựng cho Chúa, biệt riêng ra cho Ngài; vì thế, phải được giữ gìn thanh sạch và thánh khiết: “Vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ Ngài” (17b).  Bọn người truyền bá các lời dạy bậy bạ chọc tức Đức Chúa Trời sẽ nhận lấy sự huỷ diệt cho chính họ: “Ai phá huỷ đền thờ của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ phá huỷ người đó” (17a).

Do tình trạng bất thường và sự tranh chấp, chia rẽ trong Hội Thánh Côrinhtô, Phaolô khuyên họ hãy biết khiêm tốn (18). Nghĩa là đừng để bị dẫn đi lạc khỏi chân lý và tính đơn giản của Phúc Âm bởi những lời có vẻ học cao, hiểu rộng, những ý tưởng cao siêu của sự khôn ngoan hoặc văn chương nghệ thuật nhân loại; tính thanh sạch và đơn giản của đạo Chúa dễ bị khinh chê bởi bọn người có khả năng đặt ra thứ giáo lý hợp khẩu vị đồi bại của nhiều người nghe, bằng lời hay đẹp, lý lẽ cao kỳ, được yểm trợ bằng những lý luận rất sắc bén; nhưng “có ai tưởng mình khôn ngoan theo lối khôn ngoan của đời nầy, hãy trở nên rồ dại để được khôn ngoan thật” (18). “Vì sự khôn ngoan của thế gian bị Đức Chúa Trời coi là khờ dại” (19); “và, tư tưởng của người khôn ngoan Chúa biết cả, thật là vô dụng” (20).

“Đừng hãnh diện về loài người”(21) nghĩa là đừng có tâm lý tôn kính người lãnh đạo của mình hơn tôn kính Chúa, mà vâng lệnh của họ trái ngược với chân lý do Đức Thánh Linh chỉ dạy.  Các mục sư trung tín là ơn phước lớn cho tín hữu; nhưng sự ngu dại và yếu đuối của người ta có thể đem đến nhiều tai hại bởi việc tự nó là ơn phước.  Ví dụ, lòng trung thành với người hướng dẫn dễ dẫn tín hữu sa vào tinh thần phe phái, hãnh diện tôn vinh người lãnh đạo của mình, rơi vào lầm lỗi.  Cách để tránh ấy là đừng tự cho ý kiến của mình là giỏi, đúng.  Hãy nắm chắc Lời Chúa.  Mọi đầy tớ trung tín của Chúa đều phục vụ chung một mục đích, vì lợi ích chung của Hội Thánh: “dù Phaolô, hay Apollo, hay Sêpha … đều thuộc về anh em, anh em thuộc về Đấng Christ, và Đấng Christ thuộc về Đức Chúa Trời” (22–23).

1Corinhto05.docx

Rev. Dr. CTB