Sự Khôn Ngoan Thật

2:1–16

Trong đoạn nầy, sứ đồ Phaolô nhắc tín hữu tại Côrinhtô nhớ lại cung cách truyền giảng Tin Mừng của ông khi ông tới chỗ họ lần đầu tiên (1).  Ông “đã quyết định không biết điều gì khác ngoài Đức Chúa Giêxu Christ, và Ngài chịu đóng đinh trên cây thập tự” (2).  Ông đã quyết tâm không chứng tỏ mình có kiến thức nào khác, không giảng điều chi khác ngoài Đức Chúa Giêxu và thập tự giá của Ngài.  Bởi vì thân vị và chức vụ của Đấng Christ là toàn thể tinh tuý của phúc âm; cho nên, điều đó phải là đề tài chính của mọi người rao giảng tin mừng.  Nhiệm vụ của Phao lô là trương ngọn cờ thập tự để mời người ta đến đứng dưới lá cờ ấy.  Ông không tìm cách khoe bất cứ tri thức nào khác mà ông biết, chỉ rao giảng điều ông quan tâm nhất cho người nghe.

Những điều ông không làm là “không dùng lời lẽ cao siêu hoặc tri thức” (1) và “không giảng dạy bằng lời khôn ngoan, khéo léo” (4), nghĩa là không tỏ ra mình là một diễn thuyết gia hay một triết gia tìm cách thu hút người khác bằng lời lẽ hay đẹp.  Nhưng điều ông đã làm là “truyền rao lời chứng của Đức Chúa Trời về Đấng Christ” (1), “trong tư thế yếu đuối, sợ sệt, run rẩy” (3), và “bày tỏ Thánh Linh và quyền năng” (4).  Qua lời lẽ của Phaolô và lời những kẻ ganh ghét ông nói về ông là: “Thư từ ông ấy viết thật đanh thép, mạnh bạo, nhưng đến khi gặp mặt lại là một người yếu ớt, nói năng tầm thường” (2Côr.10:10), thì có lẽ người đọc mường tượng về ông là một người nhỏ thó, ăn nói nhỏ nhẹ; tuy nhiên, nếu xem lại chuyện về người dân ở Lystra tin rằng Phaolô là thần Mercury [thần thương mại và hùng biện] (Côngvụ 14:12), thì thấy sự tưởng tượng ấy sai bét.

Thế nhưng, ông chẳng phải là người khoe khoang tìm cách tự tôn mình lên như những người đối lập với ông.  Phaolô thi hành chức vụ cao trọng của mình bằng sự khiêm tốn, quan tâm và lo tưởng đến người nghe.  Vì thế ông đã cư xử rất khiêm nhường giữa họ, không dùng sự tôn trọng và uy quyền mà ông đáng được hưởng.  Khi ông nói rằng lời giảng của ông “bày tỏ Thánh Linh và quyền năng” (4), thì những lời ấy rất có uy quyền.  Mục đích của ông là để “đức tin anh em sẽ không dựa trên sự khôn ngoan loài người, nhưng trên quyền năng Đức Chúa Trời” (5).  Điều nầy có nghĩa là người tin không bị thu hút bởi các động lực của loài người, hoặc bị thuyết phục bởi lý luận trơn của người ta. Như vậy không ai có thể nói rằng họ đã trở thành Cơ-đốc-nhân do lý luận hoặc lẽ hùng biện thu hút.

Mặc dù Phaolô đã không đến với người Côrinhtô bằng sự khôn ngoan xuất chúng của người ta, hoặc với kiến thức hay văn chương của người Dothái hay Hylạp, ông đã truyền đạt cho họ sự khôn ngoan tốt nhất và cao siêu nhất “giữa những anh em tín hữu trưởng thành, chúng tôi cũng giảng sự khôn ngoan” (6).  Đây là những người đã được dạy kỹ về tín lý Cơ-đốc-giáo, đã trưởng thành phần nào trong những việc của Đức Chúa Trời; đó là những người đã nhận rằng giáo lý ấy là thiêng liêng, và họ được soi sáng bởi Đức Thánh Linh nên đã khám phá được sự khôn ngoan trong đó.  Họ không chỉ đơn thuần hiểu lịch sử Đấng Christ và sự chết trên thập tự giá của Ngài, nhưng phân biệt được chương trình sâu nhiệm và đáng nể phục của sự khôn ngoan thần thượng ở trong lịch sử của Đức Chúa Giêxu Christ.

Do đó sự khôn ngoan nầy “không phải sự khôn ngoan của thế gian, hay của các quyền lực đời nầy, là những kẻ phải hư vong” (6), nhưng là “sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là huyền nhiệm được giấu kín” (7).  Người thế gian đã không biết một chút gì về chương trình khôn ngoan của Đức Chúa Trời.  Người Dothái lại thấy chương trình ấy thật là bí hiểm trong các sách tiên tri mà họ chưa hiểu nổi.  Nhưng bây giờ, Đức Thánh Linh khải thị cho chúng ta biết rõ ràng; những lời tiên tri được giải thích không còn bí hiểm nữa, bao lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời được in ấn, phổ biến rộng rãi: sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời về huyền nhiệm của Ngài thì bây giờ được hiển lộ cho các thánh đồ hiểu biết; việc đó “Đức Chúa Trời đã định sẵn từ trước các thời đại, cho chúng ta được vinh quang” (7).  Được khải thị cho biết sự khôn ngoan cực kỳ vinh diệu của Đức Chúa Trời là một đặc quyền đầy vinh dự; cho nên, các sứ đồ và mọi tín hữu nào được hiểu biết sự khải thị ấy đều thuộc về chữ ‘chúng ta’ nói ở đây.  Và ý định ấy của Đức Chúa Trời đã có sẵn trong cõi vĩnh hằng, trước khi dựng nên thế gian.

Câu “quyền lực của đời nầy” (8) có lẽ nói về tổng trấn Lamã cùng các người lãnh đạo Dothái giáo, là những người không thể biết chi về các kế hoạch và sự khải thị của Đức Chúa Trời, không thật sự hiểu như cầu và sự quan trọng của sự cứu rỗi. –  Nhưng, ‘quyền lực của đời nầy’ cũng nói về satan và các thế lực dưới quyền hắn lúc ấy đang được quyền làm chủ cõi thế tục. Đây chính là thế lực đã ra sức thúc đẩy giới lãnh đạo Dothái giáo và tổng trấn Lamã phải đóng đinh Đức Chúa Giêxu.  Nếu cả quyền lực thế tục lẫn quyền lực tối tăm cai trị đời nầy hiểu được kế hoạch khôn ngoan của Đức Chúa Trời, hoặc biết Đức Chúa Giêxu là “Chúa vinh hiển,” thì họ chẳng bao giờ dám đóng đinh Ngài trên cây thập tự.  Vì không hiểu, cho nên kẻ làm vua đời nầy đã bị chính mưu đồ độc dữ của mình đánh bại.

Sự khôn ngoan của thiên đàng chỉ có thể hiểu được qua sự khải thị.  Những điều trong tương lai mà Chúa sắm sẵn cho những người yêu mến Ngài thì không ai có thể thấy, nghe, hay nghĩ tới trong lòng (9).  Chỉ những ai được Đức Thánh Linh tiết lộ thì mới được biết (10).  Phaolô nói đến việc ấy trong 2Timôthê 1:9–10 “Ngài đã cứu chúng ta, gọi chúng ta vào nếp sống thánh khiết … theo ý chỉ của Ngài, và vì ân điển Ngài dành cho chúng ta trong đấng Christ từ trước vô cùng.  Ý chỉ và ân điển ấy nay được bày tỏ, vì Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa GiêxuChrist đã đến. Ngài đã tiêu diệt sự chết, trình bày sự sống bất diệt rõ ràng dưới ánh sáng Tin Lành.”  “Dò xét mọi sự” (10) nghĩa là biết hết mọi việc.  Không ai sống mà không có tư tưởng; chỉ tâm linh của người nào mới biết được tư tưởng của người đó.  Đức Thánh Linh biết ý tưởng của Đức Chúa Trời và tiết lộ cho chúng ta, vì Ngài với Đức Chúa Trời là một (11).

“Thần linh thế gian” (12) là các thế lực đã đề cập ở các câu 6, 8, và các thứ tư tưởng của loài người. Chỉ có “Thánh Linh của Đức Chúa Trời” mới giải thích và dạy dỗ được những điều thuộc về Đức Chúa Trời “ban cho chúng ta.”  Bởi vì dù cho chúng ta nhận được nhiều điều, kể cả được khải thị, chúng ta vẫn không biết các mục đích cứu rỗi của những điều ấy cho đến khi được nhận lãnh Đức Thánh Linh.  Vì thế, Phaolô “dùng những lời do Đức Thánh Linh dạy, dùng lời lẽ tâm linh để giãi bày những điều thuộc tâm linh.” Ông quyết “không dùng lời lẽ khôn ngoan học được của người đời” (13); nghĩa là không thể dùng sự khôn ngoan của thế gian để hiểu những việc của Chúa.  Ngược lại, “người sống theo bản tính tự nhiên không nhận những điều Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban cho, họ coi những điều đó là rồ dại và không hiểu được.  Vì những điều đó chỉ có thể nhận thức bằng tâm linh” (14).

Nhiều giáo hữu ngày nay vẫn sống dưới sự áp chế của thần đời nầy, với các hiểu biết thế tục, không còn tin vào quyền năng thi thố phép lạ, dấu kỳ của Chúa.  Họ hiểu rất mơ hồ về ơn cứu rỗi như một thứ hi vọng mong manh.  Nếu ai kể lại những việc Chúa làm cách hiển hiện, họ không thể tin nổi và cho các điều ấy là mê tín. Phaolô cho biết hạng người ấy “có tin cũng vô ích” (1Côr. 15:2).  Ngược lại “người sống theo Thánh Linh phán đoán mọi sự nhưng không bị ai phán đoán” (15).  Tín đồ thật của Chúa được thánh hoá, có “tâm trí hướng về Thánh Linh” (Rôma 8:6), có khả năng phán đoán những điều thuộc sự khôn ngoan của thế tục, có khả năng nhận biết chân lý thần thượng, thấy được sự khôn ngoan từ trên, kinh nghiệm được quyền phép thiên đàng.  Người đời không hiểu và không biết những điều thuộc cõi linh thì không thể phán xét những việc do Chúa khải thị, là những điều trong tâm trí của Đức Chúa Trời.  Chúng ta, con cái Chúa, thì được hiểu biết vì được Đức Thánh Linh bày tỏ cho biết rõ “tâm trí của Đấng Christ” (16) tức là chính tâm trí của Đức Chúa Trời Toàn Năng.

1Corinhto04.docx

Rev. Dr. CTB