Thập Tự Giá:
Sự Khôn Ngoan và Quyền Phép của Đức Chúa Trời
1Côrinhtô 1:18 – 31
Phaolô khẳng định rằng ông không rao giảng Tin Mừng bằng lời nói khôn khéo để khỏi làm mất hiệu lực của thập tự giá Đấng Christ (17). Ông muốn hướng suy nghĩ của người đọc đến cái nguồn của sự hợp nhất Hội Thánh – thập tự giá của Đấng Christ, sự diễn đạt lớn nhất về sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, là những người đã được cứu bởi thập tự giá ấy (18). Người thế gian chê bai chế diễu vì thấy nó có vẻ ngu dại. Họ không biết rằng thập tự giá chính là niềm hi vọng duy nhất của họ. Cũng chẳng biết rằng chính suy nghĩ đó là nguyên nhân dẫn họ đến chỗ hư vong. Lời giảng về Đức Chúa Giêxu bị đóng đinh trên thập tự giá là Tin Mừng cho nhân loại, đã làm cho cả người Dothái lẫn Hylạp cười nhạo. Họ không thể chấp nhận chúng ta được sống bởi một người đã chết, được phước bởi một người bị nguyền rủa, được xưng công chính bởi một người bị lên án. Phaolô trích Êsai 29:14 để người đọc hiểu tại sao người thế gian không thể hiểu nổi đường lối và việc làm của Đức Chúa Trời (19).
Người khôn ngoan, người tri thức, nhà hùng biện của loài người, thảy đều bị trở nên khờ dại trước thập tự giá của Đấng Christ (20), vì không ai có thể tranh cãi với sự khôn ngoan của Chúa. Đọc Kinh Thánh mà không khuất phục lời Chúa, thì vô ích vì chỉ hiểu cách lộn xộn. Hiểu biết về thời đại mình đang sống mà thôi, thì vẫn chưa đủ. Khoa học dù khoe khoang nhiều lắm vẫn chưa giúp ai được cứu. Thế giới vỗ ngực về tri thức và văn minh, nhưng đại đa số người trên thế giới vẫn ngu dốt. Người ta hợm hĩnh về sự hiểu biết tưởng tượng của họ chừng nào, càng xa cách với Chúa chừng đó. Đức Chúa Trời “đã đành lòng dùng lối truyền giảng khờ dại để cứu rỗi những người tin” (21). Nghĩa là Đức Chúa Trời đã cố ý dùng phương pháp làm cho đảo lộn tiêu tan trí khôn và sự lý luận của loài người. Không một người nào bởi trí khôn mình biết được Đức Chúa Trời là như thế nào.
Sự truyền giảng ấy đã đưa đến hai hiệu ứng khác nhau. Nói về Đấng Christ bị đóng đinh làm cho người Dothái tức giận. Họ không thể hiểu hoặc chấp nhận vì vẫn kiêu hãnh trông đợi Đấng Mếtsaia đến làm Vua thế gian. Một người sống đạm bạc, chết như kẻ bị nguyền rủa, thì làm sao có thể làm vua và giải phóng họ được? (23). Họ đòi hỏi dấu lạ, mặc dù Đức Chúa Giêxu đã làm vô số phép lạ, vẫn chưa phải là dấu lạ họ trông chờ: lật đổ ách cai trị của đế quốc Lamã và thiết lập vương triều (22). Người Hylạp thì cho là điên khùng và cười nhạo lời giảng Đấng Cứu Thế bị đóng đinh. Làm sao một người không thể tự cứu mình lại có thể cứu được người khác? (23) Thế nhưng, “đối với những ai được Chúa kêu gọi, dù Dothái hay Hylạp, Đấng Christ là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời” (24). Đó là những người được gọi và thánh hoá, được soi sáng bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời, được cứu và hiểu biết giáo lý về thập tự giá rằng nhờ thập tự giá ấy mọi thế lực tối tăm đã bị đánh bại, và mọi khế ước nghịch với họ đã bị hoàn toàn huỷ bỏ (Côlôse 2:14).
Phương cách Chúa dùng để truyền rao phúc âm cũng là ngu dại đối với họ nữa. Ngài không dùng những người thông thái, hùng biện; nhưng lại dùng một số ngư dân dốt nát, ít học để sai đi môn đệ hoá muôn dân. Nhưng “những điều có vẻ khờ dại của Đức Chúa Trời là khôn ngoan hơn loài người, và những điều có vẻ yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh mẽ hơn loài người” (25). Những cách làm việc của cõi trời mà người phàm tục chê là thiếu khôn ngoan và kém cỏi lại đem đến sự khôn ngoan thật, vững chắc, và thành công hơn tất cả sở học và khôn ngoan của nhân loại cộng lại: “Anh em nghĩ xem, lúc được Chúa kêu gọi, trong anh em không có nhiều người khôn ngoan theo tiêu chuẩn loài người, không có nhiều người quyền thế, người thuộc giới quý tộc” (26). Trong Hội Thánh của Chúa ngày nay cũng vậy, không có nhiều người học thức cao, quyền thế, hoặc có danh tiếng, được Chúa kêu gọi. Bộ mặt bề ngoài đó của đạo Chúa không có nghĩa là yếu kém. Chính giáo lý chân thật của đạo Chúa đã dẫn tới lý tưởng công bằng xã hội của thế giới văn minh ngày nay. Các quốc gia lấy đạo đức Cơ-đốc làm nền tảng đều hùng cường hơn thế giới ngoại giáo.
Chúa không kêu gọi các triết gia, chính trị gia, diễn thuyết gia, các tỉ phú, nghệ sĩ danh tiếng được chọn để thi hành thánh vụ. Thế gian cho rằng các người nổi danh dễ thu hút người nghe, dễ được người ta chấp nhận. Đường lối của Đức Chúa Trời thì khác xa cách suy nghĩ của chúng ta (vì thế, các buổi truyền giảng dùng các ca sĩ nổi tiếng hoặc các hình thức nhằm lôi cuốn tội nhân đều thất bại thê thảm, nhưng các lãnh đạo giáo hội đầy ý tưởng xác thịt và nặng tinh thần thế tục vẫn chưa bao giờ chịu mở mắt). Để đánh hạ sự kiêu căng và hư không của con người, “Chúa đã chọn những gì thế gian cho là dại để làm hổ thẹn người khôn, và chọn những gì thế gian cho là yếu để làm hổ thẹn người mạnh” (27). Những văn sĩ, luật gia, thầy thông giáo của hội đồng lãnh đạo Dothái giáo đã “ngạc nhiên khi thấy Phierơ và Giăng ăn nói dạn dĩ, dù hai ông là người tầm thường ít học. Họ cũng nhận ra hai ông đã từng sống với Đức Chúa Giêxu. Lại thấy người què đã được chữa lành đứng cạnh hai ông, họ không biết nói thế nào” (Côngvụ 4:13–14).
Người Giuđa thời Đức Chúa Giêxu và thời Phaolô rất khinh bỉ và coi thường những người bị gọi là ngoại bang. Người Giuđa thường xuyên xem sự hiện hữu của người ngoại bang như không có. Có hai sách nguỵ kinh (là sách không được các học giả Kinh Thánh Cựu Ước Dothái xem là bởi Đức Chúa Trời cảm ứng) Esther và Esdras do các tác giả người Dothái viết đã xem dân ngoại bang là không có (Esther 14:11; 2Esdras 6:56, 57). Sự quy đạo của những người ‘ngoại bang’ như các tín hữu ở Côrinhtô, trở lại thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất qua Đức Chúa Giêxu Christ là Đấng Trung Bảo, đã làm những người Dothái tự cao bị xấu hổ. Vì “Đức Chúa Trời đã chọn những gì thế gian khinh bỉ, coi là hèn hạ, và ‘cái không có’ để tiêu trừ cái ‘có’” (28). Trong thư gửi cho tín hữu ở Rôma ông viết về Ápraham “Ông là cha chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời là Đấng ông tin, Đấng cho người chết được sống, và khiến những gì không có hoá thành có” (Rôma 4:17).
Đức Chúa Trời đã chọn những người rõ ràng là chẳng quan trọng gì trước mắt thế gian để hạ nhục những kẻ tự xem mình là khôn ngoan và mạnh mẽ; để làm cho những người có thế lực trên thế giới trở thành chẳng ra chi. Ngài làm như vậy để bày tỏ tình yêu của Ngài khi sẵn lòng chọn những người thấp kém, xấu xa. Ngài làm như thế để chẳng có ‘xác thịt’ nào, tức là cả nhân loại, “còn dám tự hào trước mặt Ngài” (29).
Bây giờ Phaolô nói đến phía ngược lại của lý luận mình: “Nhờ Đức Chúa Trời, anh em được ở trong Đức Chúa Giêxu Christ” (30); nghĩa là nhờ công tác hi sinh của Đức Chúa Giêxu Christ những ai ở trong Ngài đều được phước và giàu có. Người bị khinh bỉ được nâng lên làm sứ đồ. Và đó là việc làm của Đức Chúa Cha. Đấng Christ “là hiện thân của sự khôn ngoan Đức Chúa Trời.” Đức Chúa Trời đã chuyển sự khôn ngoan của thế gian thành ra ngu dại vì sự cứu rỗi của chúng ta. Đấng Christ là “sự công chính, sự thánh khiết, sự cứu chuộc của chúng ta” (30). Đời sống của chúng ta trong Đức Chúa Trời được trồng chắc chắn trong Đức Chúa Giêxu Christ. Và điều nầy là nền tảng của chủ đề Phaolô đã nói từ đầu là: Được ở trong Đấng Christ sẽ sản sinh sự hiệp nhất và thông công với những người khác cũng ở trong Christ.
Khi một người đã khám phá ra những phước hạnh và giàu có của Đấng Christ, người đó sẽ vinh danh Ngài vì sự khải thị lớn lao về sự khôn ngoan và quyền phép của Ngài. Hiểu biết như vậy, sẽ chẳng có người nào muốn làm môn đồ của ai khác ngoài Đức Chúa Giêxu (12). Như thế “Ai tự hào, hãy tự hào trong Chúa” (31). Sẽ không còn ai tự hào mình là môn đồ của một người!
1Corinhto03.docx
Rev. Dr. CTB