Lời Chào Thăm và Khuyên Bảo
1Côrinhtô 1:1–17
Phaolô mở đầu thư nầy theo như cách viết thư thông thường của thế kỷ thứ nhất B.C., trong đó nêu tên tác giả, những người nhận, và lời cầu nguyện chúc lành. Ngay câu đầu, Phaolô khẳng định về chức vụ sứ đồ của ông là do sự kêu gọi của Chúa (1). Như thế, ông muốn người đọc hiểu rằng những lời ông viết trong thư là từ Chúa mà đến. Sốt-then là một cái tên rất thông dụng vào thời ấy; cho nên, khó có thể xác định Sốt-then nầy là ai. Có người cho rằng đây là người chủ nhà hội Dothái mà Công vụ 18:17 tường thuật đó là tín hữu bị người Giuđa bắt đánh đòn trước toà án Bêma của tổng trấn Gallio. Dù là ai đi nữa, thì Sốt-then rõ ràng là một mục sư hoặc lãnh đạo cấp thấp hơn Phaolô.
Sau khi đọc các phần tiếp theo, thấy những việc đầy rối rắm tại Hội Thánh Côrinhtô vào lúc ấy, người ngày nay sẽ lấy làm lạ về danh vị “những người được thánh hoá” và “thánh đồ” mà sứ đồ Phaolô dùng để nói với các tín hữu ở đó (2). Chúng ta phải hiểu rằng người ta được trở thành thánh đồ là do công tác Đức Chúa Giêxu đã thực hiện, không phải do việc làm của thể xác người hoặc sự phán định của người ta. Sự thánh khiết là kết quả của sự thanh tẩy và biến đổi bề trong của linh hồn; cho nên, ở đây gọi họ là “những người được thánh hoá.” Theo lời lẽ của phần nầy, thư không phải chỉ dành riêng cho tín hữu ở Hội Thánh Côrinhtô, mà còn dùng để dạy dỗ cho tín hữu ở nhiều nơi khác “cùng tất cả những người ở khắp nơi đang cầu khẩn danh Đức Chúa Giêxu Christ, là Chúa của họ và của chúng ta.” (2)
Mặc dù sau lời chào thăm và chúc phước lành thì Phaolô sẽ quở trách các lỗi lầm của tín hữu ở Côrinhtô, nhưng ông vẫn dành nhiều lời để nói về quyền làm Chúa trên cả mọi người của Đấng Christ. Sự thánh hoá thật sẽ sản sinh tình thông công chân thành với các anh chị em tín hữu khác trong Đức Chúa Giêxu Christ. Lời cầu xin ở phần chào thăm để người nhận thư được ân điển và bình an từ cả Đức Chúa Cha lẫn Đức Chúa Con, là lời chào thăm phổ biến của Hội Thánh thời ấy đặc biệt là trong các thư của Phaolô (3). Ông mong mỏi các phước lành và ân tứ của Chúa được ban cho những người yêu mến và phục vụ Ngài.
Trước khi phải nói những lời nghiêm khắc và chỉ dẫn những vấn đề khó khăn, Phaolô vẫn có nhiều điều để tạ ơn Chúa. Ông muốn anh chị em tín hữu ở Côrinhtô hiểu biết điều nầy: Ân điển của Đức Chúa Trời là yếu tố đầy hữu hiệu để biến những người tin nhận Đức Chúa Giêxu được đổi mới khác xa một trời một vực so với người thế gian (4); mặc dù sự thay đổi nầy ở một số tín hữu thì thấy rõ hơn so với một số người khác. Các bằng chứng về ân điển của chính Đức Chúa Trời hành động trên những ai đang ở trong Đức Chúa Giêxu Christ là rất rõ ràng, “phong phú về mọi phương diện, từ lời nói, sự hiểu biết,” (5). Ân điển của Chúa ban cho chúng ta thể hiện cụ thể qua hai cách: Lời nói, tức là nói ra hay thuật lại chân lý; sự hiểu biết hoặc là sự biết vững vàng chân lý. Hai điều nầy nếu được thực hành bằng thái độ và tâm tình đúng mức sẽ rất mạnh mẽ. Các ơn nầy là lời chứng về chân lý của giáo lý Cơ-đốc, một sự xác nhận rõ ràng vì “cho đến lời chứng về Đấng Christ, tất cả đều có căn bản vững chắc trong lòng anh em” (6). Nhưng thái độ kiêu căng của tín hữu tại Côrinhtô đã khiến Phaolô phải quở trách họ về hai ơn phước nầy.
Những người đã bằng lòng nghe phúc âm và tiếp nhận, thì kết quả là họ không thua kém bất cứ Cơ-đốc-nhân nào khác “Như vậy, anh em không thiếu một ân tứ nào …” (7). Ơn cứu rỗi, các ân tứ của Đức Thánh Linh, đều là vô cùng phước hạnh khi những người nhận và sử dụng các ơn ấy được thử nghiệm rồi thấy kết quả sự hành động của Đức Thánh Linh trên chính họ và trên Hội Thánh “trong khi trông chờ Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta trở lại.” Nghĩa là họ tập luyện các ân tứ ấy để mau mãn khoá chừng nào thì càng thúc đẩy ngày trở lại của Đức Chúa Giêxu Christ nhanh chóng chừng nấy.
Cho đến ngày ấy, Đấng Christ sẽ tiếp tục những gì Ngài đã bắt đầu. Đó là công tác củng cố đức tin, thánh hoá mọi thánh đồ ở mọi nơi, “để anh em không bị khiển trách trong ngày của Đức Chúa Giêxu Christ chúng ta” (8). Niềm hi vọng đầy khích lệ mà vị sứ đồ mong mỏi cho họ căn cứ trên sự thành tín của Đức Chúa Trời và tình yêu nồng nàn của Đấng Christ. Đấng đã bắt đầu công việc của Ngài thì Ngài sẽ không bỏ dở nửa chừng. Đấng thành tín sẽ đem những đứa con mà Ngài đã dùng Đức Thánh Linh sinh ra và đặt vào mối tương giao với Đức Chúa Giêxu Christ, sẽ tiếp tục đưa các con cái ấy vào sự hiệp thông sâu hơn, thân mật hơn với Đức Chúa Giêxu yêu quý. Con cái Chúa sẽ không bao giờ thất vọng về Đức Chúa Cha thành tín của mình (9).
Những lời thư tiếp theo hoàn toàn tương phản với phần chào thăm. Phaolô nài khuyên họ với sự nghiêm khắc nhưng hết sức dịu dàng rằng “Thưa anh em, nhân danh Đức Chúa Giêxu Christ, tôi khuyên tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, đừng chia rẽ, nhưng phải hợp nhất, có cùng một tâm trí, một mục đích” (10). Có người cho rằng những người có bối cảnh khác nhau thì rất khó đồng tâm nhất trí và hợp nhất. Thật ra ý của Phaolô nói ở đây là hãy hợp nhất về tình yêu thương giáo lý và mục đích của Hội Thánh, là những điều hết sức cần thiết và bắt buộc phải có. Phaolô mong muốn các độc giả của ông phải phục hồi tình trạng yêu thương đúng đắn trong Chúa, nếu không thể hợp nhất trong sự lựa chọn thì ít nhất cần phải duy trì sự hiệp nhất trong tình cảm đối với nhau. Để không ai có thể chối cãi điều ông nêu ra, Phaolô cho biết nguồn tin ấy là do người nhà Chloe cho ông biết (11).
Apollos đến Côrinhtô sau khi Phaolô đã rời khỏi đó (Côngvụ 18:24–28); Sêpha là tên khác của Phierơ. Sự chia rẽ là trầm trọng vì đã có tới 4 phe do tánh tự ái và tự cao (12). Vấn nạn phe phái luôn luôn có trong một tập thể. Một Hội Thánh thường không bị chia rẽ vì sứ điệp hay giáo lý, nhưng vì các phương pháp rao truyền. Có lẽ phương pháp của Apollos là hùng biện hơn Phao lô, Phierơ là người hùng của biến cố Đức Thánh Linh giáng lâm trong lễ Ngũ tuần, những người tự xưng là thuộc về Đấng Christ có lẽ thuộc phái cực kỳ bảo thủ và đầy tính kiêu ngạo. Mặc cho họ xưng mình thuộc về ai, Phaolô dùng 3 câu hỏi ngắn để đưa họ trở về thực tế “Đấng Christ đã bị phân chia ra hay sao? Phaolô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự vì anh em sao? Hay anh em đã nhân danh Phaolô chịu báp-têm?” (13) Những câu hỏi nầy gợi ý về sự hợp nhất, công việc và vị trí tối thượng của Đấng Christ. Dĩ nhiên, cách trả lời cho mỗi câu hỏi đều là KHÔNG. Christ không thể nào bị phân chia; Ngài đã chết thay cho mọi người; Ngài là Chúa của mọi người. Cãi cọ, tranh chấp, phân chia bè phái tự nó bộc lộ sự ngu dại của người mang chủ trương ấy.
Sứ đồ Phaolô nói rõ Hội Thánh chỉ là một thân thể bất khả phân dưới sự chỉ đạo chung của một cái đầu là Đức Chúa Giêxu Christ. Ông nói rằng ông mừng vì đã không tự mình cử hành báp têm bằng nước cho nhiều người tại Côrinhtô, kẻo có người nói rằng họ đã nhân danh Phaolô mà chịu báp têm (14–15). Crispus và Gaius là những tên quen thuộc trong các bài học trước đây, có lẽ đây là những tín hữu đầu tiên tiếp nhận Đức Chúa Giêxu là Đấng Christ tại Côrinhtô, cho nên Phaolô đã làm phép báp têm cho họ, kể cả gia đình Stephanas (16). Phaolô cho rằng nhiệm vụ chính của ông không phải là cử hành các thánh lễ, mà là truyền giảng Tin Lành (17a); vì thế, có lẽ các tín hữu ở Côrinhtô được những chấp sự làm phép báp têm cho họ.
Để chuẩn bị cho những điều ông muốn nói tiếp trong phần sau của thư, Phaolô xác định rằng ông không dùng lời nói khôn khéo khi truyền giảng (17b); nghĩa là ông không dùng trí khôn hay khả năng riêng của mình, nhưng bằng quyền phép của Đức Thánh Linh, mà trong đó thập tự giá của Đấng Christ là trung tâm của sứ điệp truyền giảng. Vì chỉ có thập tự giá của Đấng Christ mới đem lại hiệu lực cho phúc âm. Ở 1Tês.1:5 ông nói rằng “..khi chúng tôi truyền Tin Lành cho anh em, không phải chúng tôi chỉ nói suông, nhưng nói với quyền năng, với Đức Thánh Linh và với niềm tin quyết.” 1Côr.2:4 “Lời tôi giảng dạy không phải là những lời khôn ngoan khéo léo nhưng bày tỏ Thánh Linh và quyền năng.” Qua thập tự giá của Đấng Christ.
1Corinhto02.docx
Rev. Dr. CTB