Phục Truyền Luật Lệ, bài 35
Phục Truyền 32:34-52
Đức Chúa Trời chịu đựng tội lỗi và các hành động phản bội của Israel đã lâu rồi; vì Ngài chưa báo ứng nên họ tưởng Ngài đã quên các tội lỗi của họ.
Nhưng Chúa cho biết: “Việc như thế làm sao Ta quên được? Ta đã niêm phong nó trong kho tàng của Ta” (34). Nghĩa là mọi sự phản bội của họ vẫn bị ghi nhớ; cho nên, đừng tưởng các hành động ấy sẽ không đem tới hậu quả xấu nào, dù sự báo ứng chưa xảy ra.
Hội thánh là cây nho được Đức Chúa Trời trồng từ giống tuyển chọn, nhưng nếu cây nho ấy thoái hoá và sinh trái đắng cay của các giáo lý và giáo điều bội đạo, thì những thành tích gian tà đó đã bị ghi nhớ, tới ngày đã định chúng sẽ bị phơi bày. Đối với các cá nhân trong Hội thánh cũng vậy, sự trừng phạt chưa tới không phải là Chúa đã quên.
Đức Chúa Trời là Đấng Chủ Tể và Quan án Tối cao; cho nên, không ai che giấu được những sự gian ác mình đã làm nghịch lại các điều răn của Ngài. Chúa sẽ báo ứng các tội lỗi ấy đúng lúc Ngài đã định (35).
Vì những kẻ phạm tội chưa thấy sự trừng phạt đến thì tưởng chỗ mình đứng là vững vàng và cứ tiếp tục dấn sâu vào tội lỗi, nhất là những người buôn bán tham lam vẫn thường gian lận tiền bạc của khách hàng, không bao giờ quyết định thôi gian lận. Nhưng họ sẽ bị trượt ngã và ngày hoạn nạn vội vàng kéo đến, vì Chúa sẽ báo ứng.
Con cái Chúa đừng mang ý tưởng gian lận tiền bạc. Nhất là trong lãnh vực nộp phần mười thu nhập của mình cho Chúa. Chúng ta vững lòng đặt niềm tin vào Chúa, vì Ngài sẽ xót thương và xét xử công minh cho dân của Ngài (36).
Tuy vậy, trước khi cứu giúp, Chúa sẽ hỏi dân Ngài để họ nhận ra sự ngu dại khi bỏ Ngài mà đi tìm sự giúp đỡ từ hình tượng vô tri giác (37-38).
Tảng đá hay vầng đá là nơi người ta trú ẩn khi phong ba giông tố; những người bỏ Chúa đi nhờ cậy thần tượng để mong được khá giả cũng vậy. Nhưng khi tai hoạ đến, chẳng thấy sự cứu giúp đâu hết, vì thần tượng chỉ là hình câm vô tri giác làm sao có khả năng gì để cứu giúp! Bấy giờ mới biết những thứ tế lễ họ đã cúng cho thần tượng là hoàn toàn vô ích.
Người nào ăn năn tội lỗi mình, trở lại với Đức Chúa Trời sẽ biết quyền năng của Ngài, và biết rằng ngoài Chúa chẳng có thần nào khác. Ngài là Đấng “khiến cho chết và cho sống lại, làm cho bị thương và chữa cho lành” (39), còn những người miệt mài trong sự phản loạn và tội ác sẽ thấy rằng khi bị Chúa trừng phạt thì không ai có thể cứu khỏi tay Ngài được.
“Ta giơ tay lên trời và công bố: ‘Ta sống vĩnh hằng!’ Khi Ta mài lưỡi gươm lấp lánh, và tay cầm sự phán xét thì Ta sẽ báo thù các kẻ thù của Ta, báo ứng những kẻ ghét Ta” (40-41).
Thường khi để chứng tỏ một lời thề cương quyết, người thề đưa tay lên trời. Lời công bố nầy là của chính Đức Chúa Trời thề với chính Ngài, vì không có ai lớn hơn Ngài; tay giơ lên trời và công bố là sự quả quyết mà Chúa sẽ thực hiện.
Hai câu trên đi chung với nhau, vì Đức Chúa Trời lấy tính cách vĩnh hằng của Ngài mà thề rằng, nếu Ngài dùng lưỡi gươm để làm sự phán xét thì những kẻ thù của Ngài và những kẻ ghét Ngài đều sẽ bị tiêu diệt.
Mài gươm là cách nói của người thời cổ cho biết quyết tâm sẽ dùng vũ khí để chém giết. Bởi vì vào thời rất cổ đó, vũ khí của người thời ấy là gươm giáo, cung tên; và chủ đích của sách nầy là nhắm vào độc giả của thời đó.
Những mũi tên say máu và lưỡi gươm nuốt thịt là cách nói ẩn dụ về rất nhiều người bị cung tên và gươm đao tiêu diệt. Ấy là những người bị giết chết khi giao tranh, còn những tù nhân sẽ bị giết về sau. Hình ảnh ở đây tiêu biểu cho chiến trận của thời xưa, khi mà các tướng lãnh bị chém đứt đầu, thì quân sĩ của các tướng ấy phải bỏ chạy, bị giết hay bị bắt sống (42).
Phần cuối của câu nầy có hai hình thức khác nhau với ý nghĩa cũng khác nhau. Thay vì nói về các tướng lãnh bị đứt đầu, thì câu ấy nói rằng đó là lúc khởi đầu những cuộc trả thù các kẻ đối nghịch. Như sau nầy đã bày tỏ cho tiên tri Ezekiel rằng vì dân Israel đã làm ô uế thành Jerusalem, nên Đức Chúa Trời ra lệnh cho những kẻ huỷ diệt đi ra chém giết, bắt đầu từ những người già ở trước đền thờ. Sự phán xét của Chúa vào thời đại nầy cũng bắt đầu từ nhà Đức Chúa Trời (Ezekiel 9:6; 1Phierơ 4:17).
Sự báo thù của Đức Chúa Trời sẽ đến nhanh chóng và hoàn toàn hiệu quả. Những kẻ bắt bớ dân của Chúa, làm hại Hội thánh đều sẽ bị liệt bại không phương cứu chữa. Vì thế Chúa gọi các nước hãy vui mừng với dân Chúa (43).
Bản Ngũ Kinh dịch từ tiếng Hebrew sang tiếng Hy-lạp, thường được gọi là bản 70 (LXX), thì có câu trên dài hơn: “Hỡi các tầng trời, hãy mừng rỡ với Ngài, và tất cả thiên sứ của Đức Chúa Trời hãy thờ phượng Ngài;” cũng có bản dịch: “Hỡi các dân ngoại, hãy mừng rỡ với dân của Ngài, và tất cả con trai của Đức Chúa Trời hãy mạnh mẽ trong Ngài.”
“Vì Ngài rửa hận cho huyết của các đầy tớ Ngài, báo thù những kẻ thù địch Ngài, và tha tội cho xứ sở và cho dân của Ngài.” (Hãy rất cẩn thận về cách dùng chữ của các dịch giả người Việt trong bản ‘truyền thống hiệu đính,’ vì chẳng ai xứng đáng là ‘đối thủ’ của Đức Chúa Trời. Có lẽ họ chưa ý thức rõ quyền phép vô biên và sự oai nghi tột đỉnh của Chúa là ra sao).
Phần từ câu 39 tới 43 là phần kết luận của bài ca Môi-se dâng vinh quang cho Chúa. Không một ai có thể thoát khỏi quyền năng của Ngài. Quyền năng ấy đem kinh hoàng tới cho những kẻ thù. Nhất là những kẻ ghét Ngài sẽ bị kinh khủng biết bao.
Rồi phần ấy nói lời an ủi cho dân của Chúa, kết luận bằng những lời vui mừng. Bởi vì bất cứ sự phán xét nào giáng trên kẻ phạm tội, thì dân của Chúa lại được hoàn toàn bình an.
Giô-suê cùng đến với Môi-se trước mặt toàn dân, để Môi se đọc toàn thể bài ca nầy cho họ nghe (44). Không ai có thể nghe qua một lần mà nhớ nằm lòng hết cả bài ca. Thế thì, khi nói đọc cho nghe thì phải hiểu là dạy cho người ta học thuộc lòng nội dung của bài ca theo âm điệu của một bài hát mới.
Vì nếu có thuộc lòng thì dân Israel mới có thể “chú tâm vào những lời mà hôm nay tôi đã cảnh báo anh em, và truyền lại cho con cháu anh em để chúng cẩn thận làm theo mọi lời của luật pháp nầy” (45-46).
Vì chắc chắn có nhiều người thời ấy lẫn nhiều người thời nay xem những lời dặn dò của người lãnh đạo là không đáng lưu ý, nên xem nhẹ những lời giảng đem đến sự sống cho họ. Môi se nói: “Đây không phải là lời nói vô ích đối với anh em đâu, nhưng là sự sống của anh em. Nhờ lời nầy anh em sẽ được sống lâu trên đất mà anh em sắp chiếm hữu” (47).
Ngay trong ngày đó, sau khi Môi-se đã dạy xong bài ca cho dân Israel, thì ông được lệnh của Đức Chúa Trời hãy leo lên đỉnh Nebo trong dãy núi Abarim (48-49), để nhìn đất Canaan từ xa chứ không được bước chân vào đó.
Về phần Môi-se thấy rằng đã làm xong mọi công tác Chúa truyền cho ông làm và lãnh đạo dân Israel, có lẽ ông chẳng muốn sống thêm một ngày mà không được đặt chân vào vùng đất hứa. Vì vậy, đang lúc trại quân Israel còn đóng trên đất Moab, đối diện với thành Jericho phía bên kia sông Jordan, Môi-se được Chúa cho biết đã tới ngày ông qua đời.
Đối với người bình thường, sự chết là điều khiến họ kinh khiếp, nhưng Môi-se biết ông sắp bước vào cõi vinh quang của Đức Chúa Trời (50).
Đức Chúa Trời nhắc lại tội lỗi mà ông đã phạm: “Cả hai anh em con đã thất tín với Ta trước mặt dân Israel tại mạch nước MeribahKadesh, tại hoang mạc Zin, và vì các con không tôn thánh Ta giữa dân Israel” (51).
Sự nhắc nhở nầy được ghi lại cho biết ông Môi-se nhìn nhận lỗi lầm của ông và ăn năn tội lỗi đó đang khi ông còn tỉnh táo. Ông biết đó là luật công chính của Đức Chúa Trời đoán xét ông.
Sự kiện nầy là lời cảnh cáo những ai vẫn thường xuyên không tin cậy và xem nhẹ lời dạy của Chúa, cũng như vẫn thường không vâng lời.
Dù đã được Chúa xưng là thánh đồ, nhưng thà trong lúc còn đang tỉnh táo được Chúa nhắc lại những lỗi lầm trong quá khứ để ăn năn hơn là chết bất ngờ không kịp nhớ lại nhiều lỗi lầm, hoặc trước khi chết không còn tỉnh táo nữa để được nghe tiếng Chúa nhắc nhở những lỗi lầm cũ và mới.
Môi-se không than phiền, không phẫn uất khi không được Chúa cho phép bước vào đất hứa. Ông biết ông đã được một ân huệ vô cùng hiếm hoi, đó là được trò chuyện miệng đối miệng với Đức Chúa Trời.
Ông được thấy đất hứa từ xa (52), nhưng ông sớm được lìa cõi trần đầy khổ nhọc để bước vào cõi vinh quang vô cùng quý báu và được yên nghỉ.
PhucTruyen35.docx
Rev. Dr. CTB