Phục Truyền Luật Lệ, bài 37
Phục Truyền 33:8–11
Lời chúc phước kế tiếp của Môi se được ghi ở đây là dành cho chi tộc Lê-vi, trong đó nhắc tới Thummim và Urim, là hai vật rất đặc biệt mà cho đến ngày nay không ai biết chúng là vật gì hoặc như thế nào; bởi vì chúng bị thất lạc sau khi vua Nebuchadnezzar của Babylon đánh chiếm thành Jerusalem vào năm 586 trước Chúa giáng sinh, đoạt hết các vật thánh của đền thờ đem về Babylon, giải thể nước Giu-đa, đày tất cả tù binh từ quan tới dân sang Babylon, ngoại trừ những người Giu-đa nghèo nhất trong xứ.
Cho tới nay, người ta biết rất mù mờ về Urim và Thummim. Theo sự suy đoán có lẽ đúng nhất thì Urim làm bằng một viên đá màu đen, Thummim là viên đá màu trắng; hai viên đá nầy giống hệt nhau về hình dạng, không thể phân biệt được bằng xúc giác. Chúng được để chung trong cái bọc vải gắn phía sau bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm.
Mỗi khi dân Israel muốn cầu hỏi ý Chúa về một vấn đề gì, thì thầy tế lễ thượng phẩm mang bảng đeo ngực vào nơi thánh xin Chúa bày tỏ phán định của Ngài. Thầy tế lễ sẽ thò tay vào bọc đựng để lấy ra một viên.
Theo truyền thuyết thì viên đá màu trắng là chấp thuận hoặc vô tội, màu đen là không thuận hoặc có tội. Nhưng giải thích trên vẫn chưa được thống nhất, hai vật ấy ra sao đến nay vẫn còn rất bí hiểm. Một điều chắc chắn là người thời ấy và trước đó rất quen thuộc với Urim và Thummim.
Vì không có Urim và Thummim để cầu xin Chúa trả lời sau khi họ được hồi hương từ xứ lưu đày, nên những người Lê-vi nào không chứng minh được gia phả của họ, không được ăn vật thánh trong các cuộc tế lễ (Exơra 2:63).
Trong câu 8 thì chỉ có một bản tiếng Anh ESV ghi “Xin ban Thummim cho Lê-vi” như bản dịch tiếng Việt hiệu đính. Tất cả các bản khác đều dịch là “Xin Thummim và Urim của Chúa ở với những người thánh của Ngài.” Vậy, chẳng phải Thummim riêng cho người Lê-vi, còn Urim dành cho những người tin kính khác.
Những lời tiếp theo xác nhận người Lê-vi đã đứng về phía Chúa tại Massah (Xuất Ai-cập 17:7) và Meribah (Dân số 20:2), là hai nơi dân Israel thiếu nước uống nên muốn nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời; cho nên, những người thánh là người Lê-vi phục vụ ở Đền-tạm và Đền-thờ.
“Lê-vi nói về cha mẹ mình rằng: ‘Tôi không nhìn thấy họ,’ Người không nhận anh em mình, cũng chẳng biết con cái mình. Vì họ tuân thủ lời Chúa, giữ gìn giao ước của Ngài” (9). Có nghĩa là khi so sánh với Đức Chúa Trời và nhiệm vụ của họ, thì người Lê-vi không nể nang gia đình của mình. Người khác vi phạm điều răn, còn họ thì không (Xuất Ai-cập 32:26-29).
Sự trung thành hoàn toàn của người Lêvi đối với Đức Chúa Trời là bài học cho con cái Chúa ngày nay. Đa số người khi cần phải cân nhắc giữa nhiệm vụ thờ phụng Đức Chúa Trời hay phục vụ công việc Chúa tại Hội thánh, với những việc họ nghĩ là trách nhiệm đối với mối liên hệ ruột thịt, thì nghiêng về mối liên hệ ruột thịt chứ không phải là Chúa hay là công việc nhà Ngài.
Cho nên, khi cầu khẩn ơn phước của Chúa hoặc sự phù trợ từ Ngài thì không nhận được bất cứ sự trả lời nào của Ngài; rồi bắt đầu nghi ngờ không biết Chúa có hiện hữu hay không.
Nếu chúng ta bắt chước sự trung thành của người Lê-vi, thì chúng ta sẽ hưởng các kinh nghiệm đặc biệt về sự hiện diện của Chúa trong đời sống mỗi ngày. Ngài sẽ giúp chúng ta chọn lựa bằng Thummim và Urim đặc biệt để không nghi ngờ hay lập quyết định sai lầm; vì chúng ta đều là người thánh của Ngài.
“Họ dạy mệnh lệnh của Chúa cho Jacob và luật pháp Ngài cho Israel” (10). Người Lê-vi vừa là thầy giảng trong các buổi nhóm họp thờ phượng, đọc và giải thích luật pháp (Nêhêmi 8:7-8), vừa là thẩm phán xác định những trường hợp khó và có nghi vấn đem đến trước mặt họ (Phục 17:8-12).
Đức Chúa Trời giao trách nhiệm rất nặng cho thầy tế lễ người Lê-vi là: “Vì môi miệng thầy tế lễ phải giữ tri thức, người ta tìm luật pháp trong miệng người, vì người là sứ giả của Đức Giêhôva vạn quân” (Malachi 2:7).
Những người hầu việc Chúa ngày nay đã được xức dầu, phong chức rồi thì phải hiểu vai trò và chức vụ cao quý của mình. Vì sự suy đồi trong Hội thánh chung, hiểu biết thiếu sót và kỷ luật lỏng lẻo, cộng với sự dốt nát về luật pháp Đức Chúa Trời đã chép trong Kinh thánh do sự huấn luyện quá sơ sài của các trường huấn luyện, nên số người chăn bầy xứng đáng với thánh vụ thì không có nhiều. Từ đó tình trạng suy đồi trong Hội thánh càng gia tăng.
Có hai thái độ tâm lý tạo ra tình trạng các mục sư thiếu lời Chúa hay không được Đức Thánh Linh soi sáng. Thứ nhất là giấu giếm sự dốt nát và thiếu ơn của mình. Thứ nhì là sợ xấu hổ, kiêu ngạo nên không chịu tìm thầy để học.
Ngoài ra, nhiều người không tin rằng ngày nay Đức Thánh Linh vẫn còn phán cho con dân Ngài biết; cho nên, họ không quan tâm tới các lời làm chứng của những người được nghe tiếng Chúa.
Ngày xưa, tiên tri A-ghê được Đức Chúa Trời sai hãy đi hỏi các thầy tế lễ về luật pháp của Ngài. Tiên tri A-ghê vâng lời đến hỏi các thầy tế lễ (A-ghê 2:12). Dù là tiên tri nghe rõ tiếng Chúa phán, ông A-ghê vẫn vâng lời tới hỏi các thầy tế lễ mà không ngần ngại gì cả.
Sự kiện nầy cũng dẫn đến một tình thế mới, đó là những người nào phục vụ Chúa thì phải biết thuần thục luật pháp và các nguyên tắc thánh của Đức Chúa Trời, vì sẽ bị hỏi.
“Họ dâng hương trước mặt Chúa và tế lễ toàn thiêu trên bàn thờ Ngài” (10b). Dâng hương ở bàn thờ xông hương trong gian thánh của Đền tạm hay Đền thờ là nhiệm vụ chỉ có thầy tế lễ mới được thực hiện.
Sự dâng hương tại bàn thờ bọc vàng ròng nầy là biểu tượng của sự cầu thay, mà Đức Chúa Jesus Christ là tiêu biểu cho Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm luôn luôn cầu thay cho con cái Ngài.
Sách Khải-huyền mô tả lời cầu nguyện của các thánh sẽ theo khói hương bay lên trước mặt Đức Chúa Trời (Khải-huyền 8:3-4). Chúng ta, mọi con cái thật của Chúa đều lãnh chức vụ thầy tế lễ hoàng gia của Vua trên trời (1Phierơ 2:9), đều phải làm nhiệm vụ dâng hương của mình là cầu thay cho những người cần được sự cứu rỗi, cho các anh chị em hầu việc Chúa đang bị thiếu thốn khắp nơi, cho các anh chị em yếu đuối trong Hội-thánh, và cho những người cần được cứu giúp.
Người Lê-vi cũng trợ giúp các thầy tế lễ trong việc dâng các tế lễ thiêu trên bàn thờ; lời chúc phước của Môi se cho chi tộc Lê-vi phần nhiều nói về công việc của thầy tế lễ.
Tế lễ toàn thiêu là các tế lễ phải đốt hết trên bàn thờ, không chừa lại gì hết. Tế lễ chuộc tội là một tế lễ toàn thiêu đã định trong luật pháp. Đấng Christ, Đấng hi sinh vì nhân loại, tiêu biểu cho cả bàn thờ, sinh tế và thầy tế lễ.
Cho nên, mặc dù Đức Chúa Jesus được sinh ra trong chi tộc Giu-đa, nhưng Ngài đảm nhiệm chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời. Vì thế, lời chúc nầy cho chi tộc Lê-vi có liên quan đến công tác của Đức Chúa Jesus dâng chính mình làm sinh tế chuộc tội cho chúng dân.
Rồi Môi-se cầu nguyện cho chi tộc Lê-vi của gia đình ông: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin ban sức lực cho người, và hài lòng về công việc của tay người” (11a). Môi-se cầu xin Chúa ban phước cho sức lực thể chất và đức hạnh của việc làm.
Để ban sức lực, Đức Chúa Trời phải cung ứng các nhu cầu một cách dư dật và đến với họ cách dễ dàng. Nhưng nếu Chúa không ban phước trên các thứ vật chất ấy, thì dù có ăn no cũng chẳng được niềm vui. Vì chính Chúa thuộc về họ, nên ơn phước đặc biệt sẽ tuôn đổ trên họ.
“Hài lòng về công việc của tay người” tức là chấp nhận việc phục vụ của họ. Công việc phục vụ của thầy tế lễ gồm cả những người mà họ phục vụ cho. Mục tiêu mà người hầu việc Chúa phải nhắm tới là được Đức Chúa Trời hài lòng. Người ta có thể khen hoặc chê, chấp nhận hay không chấp nhận, điều đó không quan trọng, miễn là được Chúa hài lòng.
“Xin đánh gãy hông của kẻ thù và kẻ ghen ghét, để chúng không ngóc đầu lên nổi” (11b). Là người hầu việc Chúa ắt có nhiều kẻ thù. Có thể bị người ta ghét vì tính tình, vì lòng trung tín với Chúa, và có thể họ ước mong tai hoạ đến hoặc họ có cơ hội hãm hại. Người khác thì ganh tị với ân tứ và khả năng của đầy tớ được Chúa sử dụng.
Lời cầu nguyện nầy nói tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ lưu ý tới các kẻ thù của những đầy tớ Ngài.
Đánh gãy hông là làm hỏng kế hoạch của kẻ ác và khiến mưu mô ấy đổ lại trên đầu của kẻ gian tà. Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ bảo vệ công việc của Hội thánh Ngài cho đến cuối cùng. Những kẻ ghen ghét chẳng những không thành công mà còn chẳng ngóc đầu lên nổi.
PhucTruyen37.docx
Rev. Dr. CTB