Truyền Giáo Vững Vàng, bài 18

Rôma 8:1-17

Vấn đề mọi tín hữu phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh hoặc bước đi theo Thánh Linh được Kinh Thánh nhắc nhiều lần (Êphêsô 4:30, 5:18; Galati 5:16), và cũng có nhiều bài giảng đề cập tới việc đó.

Tuy vậy, số người hiểu rõ vấn đề và biết chắc chắn mình đang được Đức Thánh Linh hướng dẫn trong đời thì không nhiều. Tại sao có nghịch lý đó?

Câu trả lời chính xác nhất là, nếu tín hữu tin Chúa lâu năm và trung tín đi thờ phượng ở nhà thờ mà ít được dạy về việc nầy, thì lỗi ấy thuộc về người chăn; vì làm thế nào tín hữu có thể biết và thực hiện những việc khó hiểu nếu họ không được người lãnh đạo dạy cho biết?

Còn tại sao những người có trách nhiệm không dạy thì nguyên nhân khá rõ ràng và dễ hiểu. Vì bảo tín đồ phải đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng không biết cách làm thế nào để được đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì lời khuyên ấy chẳng có giá trị gì hết.

Vậy, để biết cách làm sao được đầy dẫy Đức Thánh Linh thì chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu lời dạy dỗ của Kinh Thánh trong Rôma đoạn 8. Thần học gia Scott Spencer có lần nói rằng: “Nếu ví Kinh Thánh như chiếc nhẫn và thư Rôma là viên đá quý trên nhẫn ấy, thì đoạn 8 có thể xem như điểm chiếu lóng lánh của viên đá quý.

Phần Kinh Thánh nầy nói rất rõ về sự sống mới trong Đức Thánh Linh. Khi chúng ta hiểu rõ những lời dạy ấy, thì việc được đầy dẫy Đức Thánh Linh sẽ không có gì khó khăn cho những ai áp dụng lời chỉ dẫn của Kinh Thánh.

Điều mà Sứ đồ Phao-lô dạy trong phần Kinh Thánh nầy là Đức Chúa Trời chẳng bao giờ định ý cho tín hữu sống đạo bằng các nỗ lực của họ. Ngài cung ứng Đức Thánh Linh cho tín đồ sống đạo.

Nhưng sự hiểu biết đầu tiên mỗi người phải nắm vững là những ai thật sự ở trong Đấng Christ sẽ không bị đoán phạt chung với thế gian (1); mặc dù lúc còn sống ở thế gian họ có thể bị Đức Chúa Trời sửa trị vì các lầm lỗi.

Tại sao họ sẽ không bị kết tội? Bởi vì mọi tội lỗi từ quá khứ, hiện tại, và cả tương lai đã bị thanh toán tại thập tự giá của Đấng Christ; thậm chí nhiều tội chúng ta phạm trong vai trò tín hữu cũng được tha thứ, miễn là chúng ta chăm chú bước đi theo Đức Thánh Linh chứ không theo những sự ham muốn của xác thịt.

Trong tiến trình được thánh hoá nhờ bước đi theo Đức Thánh Linh, sau khi sự xưng nghĩa giải thoát ta khỏi án phạt của tội lỗi, thì sự thánh hoá giải thoát ta khỏi quyền lực của tội lỗi. “Vì luật của Thánh Linh sự sống trong Đấng Christ Jesus đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi sự chết” (2).

Điều luật pháp không làm nổi là nó không thể xưng nghĩa hay thánh hoá ai hết (3), vì xác thịt bất tuân luật pháp khiến luật pháp suy yếu, thì Đức Chúa Trời “sai Con Ngài mang lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và kết án tội lỗi trong xác thịt.” Vì thế, ai sống theo Thánh Linh thì được xưng nghĩa và thánh hoá, hoàn thành được điều luật pháp đòi hỏi (4).

Làm sao chúng ta biết mình đang sống theo xác thịt hoặc sống theo Thánh Linh? Ai chú tâm tìm kiếm khoái lạc xác thịt, tìm kiếm lợi lộc và danh vọng trần gian, là đang sống theo xác thịt. Còn ai tìm kiếm điều làm hài lòng Đức Chúa Trời, an lành cho linh hồn, quan tâm tới những điều vĩnh cửu, là người đang sống theo Thánh Linh (5). “Chú tâm vào xác thịt sinh ra sự chết, còn chú tâm vào Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an” (6).

Tâm trí hướng về xác thịt còn tệ hơn tâm trí của một tội nhân bình thường vì nó là tâm trí của một linh hồn chống nghịch Đức Chúa Trời, nó không phục luật pháp của Ngài, và không thể nào phục được (7); bởi “Người nào sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời” (8) do sự bất khiết nghịch luật pháp thánh của Chúa.

Thế thì, dấu hiệu để biết có Đức Thánh Linh ở trong lòng là ta không chiều theo những đòi hỏi xấu của xác thịt. Hơn nữa, có Đức Thánh Linh là sự bảo đảm mình đã thuộc về Đấng Christ (9).

Tất cả các thánh đồ đều có hồn và linh, nhưng sống theo xác thịt với sống theo Thánh Linh là hai cách sống trái ngược nhau. Người của Christ phải có tâm linh được uốn nắn và có thiên hướng giống như Đấng Christ, nghĩa là được Đức Thánh Linh chỉ dẫn trong mọi sinh hoạt của đời sống.

Sau khi được đặc quyền sẽ không bị đoán phạt thì có các đặc quyền khác theo sau: “Vậy, nếu Đấng Christ ở trong anh em, thì dù thân thể anh em chết vì tội lỗi, tâm linh anh em vẫn sống nhờ sự công chính. Nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến Đức Chúa Jesus sống lại từ cõi chết trong anh em, thì Đấng đã khiến Đấng Christ sống lại từ cõi chết cũng sẽ nhờ Thánh Linh Ngài đang trong anh em, mà ban sự sống cho thân thể hay chết của anh em” (10-11).

Điều nầy không có nghĩa là người có Đức Thánh Linh sẽ không chết về thể xác, nhưng sẽ sống bình an. Vậy bí quyết để có Đức Thánh Linh trong lòng, là ta phải lập quyết định sống theo Đức Thánh Linh.

Việc có hay không có Đức Thánh Linh ở trong lòng tín hữu là cách để biết người ấy có thật lòng tin Chúa hay không. Vậy, có mấy điều dùng để xác định:

Ai thật lòng tin và được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi thì có Đức Thánh Linh ngự trong lòng nên người ấy không chú tâm tới những ham muốn xấu của xác thịt.

Ngược lại, người nào chú tâm vào những điều thuộc trần gian mà xem nhẹ những điều thuộc về Đức Chúa Trời, thì người ấy chưa có Đức Thánh Linh ngự vào lòng.

Đó là người tin Đức Chúa Jesus nhưng chưa được dạy về quyền phép của huyết Ngài hoặc hiệu quả của quyền năng thập tự giá, vì chưa được biết nên chưa hiểu cách thức áp dụng sự xưng công nghĩa mà đáng ra mình phải nhận được, ấy là ăn năn tội lỗi để được tha tội, rồi Đức Thánh Linh chỉ dẫn lối sống thánh hoá để được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi.

Sứ đồ Phao-lô chỉ dẫn cách để bảo đảm sự sống là: a) không mắc nợ xác thịt; b) nhờ Thánh Linh làm cho chết các công việc của xác thịt thì sẽ sống (12-13);

Ông cũng nói tới hạnh phúc được Đức Chúa Trời nhận làm con. Trước hết là được Đức Thánh Linh hướng dẫn; có Đấng Toàn Tri hướng dẫn là hạnh phúc tột bậc, như người tới xứ lạ có hướng đạo viên rành rẽ chỉ dẫn; một học sinh được thầy tận tình chỉ dạy để làm bài; như người Cha đi trước dẫn đường bằng tình yêu bao bọc con mình khỏi mọi hiểm nguy. Mọi tín hữu chân thật đều được Đức Thánh Linh hướng dẫn như vậy.

Tuy nhiên, con cái phải chịu trao phó, tin cậy, và vâng lời bước theo sự hướng dẫn của Ngài, để được Ngài dịu dàng dẫn vào mọi chân lý và bổn phận.

Tin cậy và vâng lời dẫn tới đặc quyền làm con của Chúa (14). Vì nhận được tâm linh con cái đặt vào lòng, chúng ta bắt đầu yêu mến Đức Chúa Trời là Cha; nhờ đó chúng ta gọi Chúa bằng Aba, Cha, hết sức thân yêu (15).

Thân phận được làm con cái của Đức Chúa Trời không phải là một sự tưởng tượng từ sự ước ao của lòng, nhưng là một thực tế được tâm linh chúng ta và Đức Thánh Linh chứng thực cho địa vị làm con (16) bằng sự an tâm và bình an trong lòng.

Sự chứng thực ấy khiến chúng ta đọc Kinh Thánh thì biết là đúng, chân thật, và thánh khiết. Rồi đời sống thánh hoá là bằng cớ khác nữa của Đức Thánh Linh chứng thực rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, để chúng ta không lầm lẫn.

Quyền lợi của con cái là được thừa kế. Được hưởng sự “vừa là người thừa kế của Đức Chúa Trời vừa là người cùng thừa kế với Đấng Christ” (17), là điều không ai dám nghĩ đến. Nhưng tình yêu vô bờ bến của Chúa đối với người có đức tin đã bày tỏ qua đặc điểm thừa kế vô cùng đặc sắc nầy.

Tuy nhiên, cái giá để hưởng vinh quang của Đấng Christ là đồng chịu khổ đau nhục nhã với Ngài, tức là sự đau đớn khi rứt bỏ các ham muốn tầm thường của xác thịt ở cõi trần tạm bợ.

Lý thuyết và sự thực hành về khả năng nghe tiếng của Đức Thánh Linh rất là đơn giản. Ai đã làm chi thể thật của thân thể thì sẽ được bộ óc điều khiển. Đức Chúa Jesus là đầu của Hội Thánh; Hội Thánh là thân thể Ngài. Tiếng Đức Thánh Linh nói với con cái Ngài giống như lệnh từ bộ óc truyền tới các chi thể qua hệ thống thần kinh điều khiển.

Vậy, bí quyết của việc nghe được tiếng Đức Thánh Linh là mỗi người phải trở thành một chi thể thật của thân thể. Mà để trở nên chi thể thì chúng ta phải thật lòng ăn năn tội lỗi do con người cũ gây ra, nhờ đó được giải thoát khỏi luật của tội lỗi và sự chết.

Sau đó, lập quyết tâm sống theo Thánh Linh bằng cách chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh (nghĩa là tôn trọng mọi điều thuộc về Ngài và Hội Thánh của Ngài).

Ai có thể loại trừ hết những thói nết không đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì sẽ bắt đầu tập nghe được tiếng Chúa. Vì được ở trong Chúa là nhận sự sống từ Ngài, rồi sẽ nghe sự chỉ dẫn của Ngài.

TruyenGiaoVungVang18.docx

Rev. Dr. CTB