Nắm Vững Niềm Tin, bài 26
Rôma 12:3–8
Trước khi nói về các ân tứ đặc biệt, sứ đồ Phaolô khuyến cáo các con cái Chúa, nhất là những người được ban cho một hoặc vài ơn đặc biệt nào đó, hãy cẩn thận đừng để tính kiêu căng có cơ hội trỗi dậy. Chúng ta cần phải biết rằng việc được ban các ân tứ thuộc linh thì không đồng nghĩa với việc tín hữu ấy có tâm linh trưởng thành. Thường có một sự hiểu lầm tai hại là người có tâm linh trưởng thành mới được ban ân tứ. Sự hiểu lầm ấy dẫn tới tình trạng kiêu hãnh của người chưa trưởng thành về mặt tâm linh. Không phải sứ đồ Phaolô bảo tín hữu phải tự xem mình thấp kém, nhưng khuyên hãy nhận ra trình độ tâm linh thật của mình và sống trong sự hiểu biết đó. Ai biết rõ tình trạng thuộc linh của mình, người ấy sẽ khiêm nhường và chẳng dám lên mặt kiêu căng (3a).
Biết trình độ đức tin của mình được Chúa ban cho đến mức nào là yếu tố rất quan trọng trong đời sống riêng tư cũng như trong mọi sinh hoạt chung của Hội Thánh (3b). Để tránh thái độ tự đánh giá quá cao về mình, chúng ta hãy tôn kính học theo gương Đức Chúa Jesus đã hành xử và hãy đặt đức tin vào Ngài. Lý do không nên đánh giá quá cao về mình là vì mọi điều chúng ta đang có đều được ban cho chứ không phải tự mình tạo ra, kể cả lượng đức tin mình có. Phaolô nói về sự thực hiện các chức năng khác nhau của các chi thể trong thân thể, để giải nghĩa về sự liên quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi tín hữu trong Hội Thánh (4–5). Trong thư gửi cho người Côrinhtô, sứ đồ Phaolô phân tích rõ hơn về mối liên quan và phụ thuộc lẫn nhau nầy (1Côrinhtô 12:14–22).
Mọi thành viên của Hội Thánh đoàn kết nhau là vô cùng quan trọng, nhưng không có nghĩa là đồng nhất. Đức Thánh Linh ban cho tín hữu các ân tứ khác nhau để thực hiện các chức năng khác nhau theo nhu cầu của từng địa phương. Các ân tứ ấy luôn luôn cần trong mọi Hội Thánh. Hầu hết ân tứ ở chỗ nầy đồng nghĩa với khả năng, ngoại trừ ơn nói tiên tri là ơn siêu nhiên. Khả năng đặc biệt được gọi là năng khiếu, nhưng lòng rộng rãi ban phát với tính thích làm việc từ thiện là phẩm chất quý báu ít người có. Tại sao phải nói tiên tri theo lượng đức tin? Tiên tri ở đây không phải là nói trước về những điều mình biết chắc sẽ xảy ra; nhưng là ý tưởng do Đức Thánh Linh bày tỏ trong tâm trí, mà người ấy không biết chắc đúng hay sai. Vì vậy, người ấy phải cậy đức tin mà nói ra điều mình cảm nhận và tin rằng lời ấy là sự bày tỏ của Đức Thánh Linh về vấn đề nào đó (6).
Nói đến tiên tri thì chúng ta phải biết nó liên quan tới sự mặc khải; bởi vì bản năng tự nhiên của mọi người là không thể biết được tư tưởng của người khác. Người ta có thể theo kinh nghiệm mà đoán được những việc sẽ xảy ra theo thông lệ hay thói quen nào đó; nhưng đoán trước những việc lớn lao hay các điều không bình thường thì chỉ là đoán mò thôi. Vì vậy, người nào biết mình thường được Đức Thánh Linh bày tỏ vấn đề gì đó nằm ngoài khả năng hiểu biết riêng thì đó là ơn tiên tri. Tiên tri thuộc về loại ơn mặc khải, khác hẳn các ơn thuộc khả năng hay năng khiếu đặc biệt. Thông thường thì sự mặc khải tiên tri là một ý tưởng đến trong tâm trí. Có khi là một hình ảnh hay cảnh trí nào đó liên quan tới sự việc hay người được Chúa muốn báo tin hay cho biết.
Cũng có khi là lời được phán trực tiếp vào tâm linh được hồn chuyển lên trí não. Ví dụ: Tiên tri Samuel được Chúa sai đi xức dầu cho một con trai của Jesse sẽ làm vua trên Israel (1Samuel 16:1, 6-7, 12). Samuel không biết chàng trai nào được Chúa chọn; ông phải chờ tiếng phán của Chúa xác nhận. Samuel nhận ra tiếng phán của Chúa vì ông là một tiên tri. Còn chúng ta không phải tiên tri thì sao? Có được nhận ơn tiên tri không? 1Côrinhtô 14:1 “Hãy theo đuổi tình yêu thương; hãy ao ước các sự ban cho thiêng liêng, nhất là ân tứ nói tiên tri.” Vì sứ đồ Phaolô nói với mọi tín hữu ở Côrinhtô, nên ai cũng có thể ao ước được Chúa ban cho mình ơn tiên tri. Được hay không thì tùy theo đức tin, lòng có ngay thẳng trước mặt Chúa và có hết sức ao ước hay không.
Vậy, nếu ai thường cảm nhận điều chi đó chưa biết đúng hay sai, sẽ xảy ra hay không, rồi nó xảy ra y như điều mình cảm nhận, đó là dấu hiệu được ban cho ơn tiên tri. Sau khi đã luyện tập và thử nghiệm đôi lần và thấy là chính xác, thì hãy lấy đức tin mà nói theo điều mình tin rằng Chúa đã cho mình biết. Nếu nghi ngờ hoang mang về vấn đề mình cảm nhận thì đừng nói. Vì nói ra việc mình không chắc, thì thường bị sai trật. Cho nên, ông Phaolô dặn hãy nói theo lượng đức tin mình có. Tại sao các khả năng phục vụ, dạy dỗ, khích lệ, và lãnh đạo được gọi là ân tứ? Trước hết, các khả năng ấy không phải ai cũng có giống nhau. Có người rất giỏi phục vụ một cách tận tụy không nề hà hay than vãn. Người có tính lười biếng đừng viện cớ mình không được ban ân tứ phục vụ.
Ý nghĩa của sự phục vụ rất rộng (7a); nó không bị xem là hầu hạ người khác, mặc dù phục vụ quên mình gần giống như hầu hạ cả hội chúng vậy. Khi so với người phục vụ, những người có tính lười biếng bị lộ diện mà tưởng không ai biết. Phục vụ trong Hội Thánh, phục vụ anh chị em bệnh hoạn, nghèo khổ, túng bấn, neo đơn, cảnh ngộ khó khăn, vv., là tinh thần được Chúa khen thưởng hơn tất cả các ân tứ khác (Mathiơ 25:34b–36, 40). Cho nên, nếu không được ban cho ân tứ thì không thể có tinh thần phục vụ quên mình. – Có một sự liên quan rất chặt chẽ với nhau giữa hai ân tứ dạy dỗ và khích lệ (7b–8). Dạy dỗ là truyền đạt những điều chỉ dẫn; còn khích lệ là khuyến khích tín hữu thực hành những gì đã học. Ai được dạy và thực hành thì có đời sống tâm linh khỏe mạnh.
Nhưng người được dạy mà không được khích lệ thực hành thì giống như chiên mập không thể sống đời Cơ-đốc-nhân như Chúa muốn. Còn người được khuyến khích làm điều nầy, điều nọ, mà không được dạy dỗ thì rất hăng hái và năng nổ, nhưng vì thiếu sự hiểu biết về những việc mình sẽ làm nên thường hành động cách sai trật và dễ đuối sức, ngã lòng. Ví dụ rõ ràng nhất là nhiều người hăng hái đi truyền giáo trong sự thiếu hiểu biết đã khiến vô số thân hữu né tránh không muốn tìm hiểu Tin Lành. Cho nên, ai có ơn khích lệ hãy khuyến khích anh chị em khác áp dụng những điều đã được học sao cho đúng và chính xác. – Người được ân tứ ban phát không hẳn giàu có hơn người khác, nhưng là người có tinh thần muốn chia xẻ cho anh chị em thiếu thốn hơn mình.
Tục ngữ Việt có nói: “Miếng khi đói bằng gói khi no.” Đáng lẽ người giàu phải có lòng giúp đỡ người khác, nhưng sự thật ở đời không được như vậy; mà người ít giàu thường ban phát rộng rãi hơn người có của chìm của nổi. Ân tứ đó thật đáng quý và được Chúa khen ngợi. Tại sao ông Phaolô khuyên những người có ơn lãnh đạo hãy siêng năng lãnh đạo? Vì sự lãnh đạo Hội Thánh thường khó nhọc và buồn rầu hơn là được khích lệ và vui mừng. Hơn nữa, vị mục sư lãnh đạo Hội Thánh phải rất khéo léo và chịu đựng để Hội Thánh không bị tan rã, hay xung khắc nội bộ, hoặc chẳng có chút sinh khí nào. Những người lãnh đạo thường xuyên bị ngã lòng và muốn bỏ cuộc vì thường bị chỉ trích và rất ít khi được anh chị em khích lệ; nhất là các Hội Thánh người Việt.
Cuối cùng, Phaolô khuyên người được ân tứ làm việc từ thiện hãy vui vẻ mà làm. Làm từ thiện đã khó, mà còn phải vui vẻ đối với loại người nhận lãnh kiểu vô ơn lại càng khó hơn trăm bề. Cho nên, nếu không phải là ân tứ Chúa ban, thì không ai có thể vui vẻ làm việc từ thiện. Tuy nhiên, ân tứ Chúa ban luôn luôn kèm theo các phần thưởng cho người bền lòng làm lành (Galati 6:9–10). Vì vậy, hãy trung tín sử dụng các ơn đặc biệt mà Chúa đã ban cho mình.
NamVungNiemTin26.docx
Rev. Dr. CTB