Thư 1Têsalônica, bài 6
Chúa Tái Lâm (2)
1Têsalônica 5:1–11
Sau khi Đức Chúa Giêxu về trời, người ta vẫn thường đồn đoán hay quả quyết về thời điểm tận thế, mặc dù Đức Chúa Giêxu đã nói: “Về ngày và giờ đó, không một ai biết, cả các thiên sứ hay là Con cũng vậy, chỉ Cha biết mà thôi” (Mathiơ 24:36); kể cả thời điểm quốc gia Israel sẽ được tái lập, cũng không được tiết lộ. Khi các môn đồ hỏi: “Thưa Chúa, có phải đây là lúc Chúa khôi phục nước Israel không? Ngài đáp: ‘Ngày giờ và thời kỳ do Chúa Cha toàn quyền ấn định, các con không nên biết’” (Công Vụ 1:6–7). Thế mà cho đến ngày nay người trần gian, kể cả một số tín hữu, vẫn theo dõi tình hình thời sự để đoán xem ngày tháng năm mà Chúa sẽ trở lại. Phaolô nói rõ rằng: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa trở lại thì không cần phải viết cho anh em, vì chính anh em biết rất rõ là ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm giữa ban đêm” (1–2). Ông muốn anh chị em tín hữu đừng tìm biết ngày giờ đó cách vô ích. Ông nhắc lại lời Đức Chúa Giêxu cho biết: “Các con phải sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến vào giờ các con không ngờ” (Mathiơ 24:44).
Đề tài ngày tận thế vẫn hấp dẫn đối với vô số người. Một điều chắc chắn là Đức Chúa Giêxu sẽ trở lại, và chắc chắn Đức Chúa Cha đã ấn định một thời điểm. Thái độ của chúng ta là nên sẵn sàng, vì Đức Chúa Giêxu đã dặn: “Phải thận trọng! Đừng để cho lòng mình chìm đắm trong sự phóng túng, say sưa, lo lắng việc đời nầy, mà ngày ấy đến đột ngột với các con như cái bẫy sập”
(Luca 21:34). Có nhiều điều mà tính tò mò vớ vẩn của chúng ta cứ muốn biết, mặc dù có biết cũng
chẳng cần thiết hay ích lợi gì cho chúng ta. Khi Chúa không muốn cho chúng ta biết, thì sự khôn ngoan sơ đẳng của con dân Ngài phải hiểu rằng Ngài không cho biết là vì ích lợi của chúng ta. Ý nghĩ thắc mắc, đoán già đoán non về lời Chúa nói, thuộc về những người không có lòng tin rằng Đức Chúa Cha luôn luôn có ý hướng tốt lành và yêu thương đối với con dân Ngài; cho nên, luôn luôn nghi ngờ lòng thiện hảo của Chúa đối với họ, không nghĩ lời Ngài phán là sự thật.
Đối với những người không tin Chúa, những người không nghĩ rằng sẽ có ngày tận thế, hoặc những giáo hữu mải mê trong cuộc sống thế tục không chuẩn bị đời sống tâm linh mình sẵn sàng đón Chúa trở lại, thì: “Khi người ta nói: ‘hoà bình và an ninh’ thì sự huỷ diệt đột ngột giáng trên họ như cơn đau đớn đến với người phụ nữ có thai, và họ sẽ không thoát khỏi” (3). ‘Tai hoạ không ngờ’ là cách mà người thế gian sống sót sẽ mô tả sau khi sự huỷ diệt đột ngột xảy ra. Sự huỷ diệt nầy không dành cho con dân chân thật của Đức Chúa Trời, nhưng dành cho kẻ thù của Ngài cũng như kẻ thù của con dân Ngài. Thời nay, kẻ thù của Hội Thánh đã công khai ra mặt chống đối, tạo khó khăn, phá phách, phỉ báng, hãm hại, và có các hành động thù nghịch ra mặt đối với đạo Tin Lành ở ngay đất nước trước đây được xem là thiên đàng của con dân Đức Chúa Trời. Họ không còn lén lút giấu giếm như trước nữa. Đây là lời tiên tri: “họ sẽ không thoát khỏi.”
Đối với chúng ta, những người đã được xưng công chính nhờ huyết chuộc tội của Đức Chúa Giêxu, thì ngoài các đức tính thánh khiết khác hẳn loại người kia một trời một vực, chúng ta còn hơn hẳn họ vì kế hoạch tốt lành Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta: “Nhưng thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối để ngày đó đến với anh em đột ngột như kẻ trộm. Anh em đều là con của ánh sáng, của ban ngày” (4–5). Con dân Chúa có đặc quyền được Ngài đánh thức và đưa đi trước khi tai hoạ xảy ra: “Vì Đức Chúa Trời không định cho chúng ta chịu cơn thịnh nộ” (9a). Như chúng ta đã nghiên cứu và thảo luận ba (3) lý thuyết về thời điểm Hội Thánh được rước về trời: ‘Tiền đại nạn,’ ‘Trung đại nạn’ và ‘Hậu đại nạn,’ thì phần Kinh Thánh nầy củng cố thêm sự đúng đắn và hợp lý của thuyết ‘tiền đại nạn.’
Hai thuyết ‘trung’ và ‘hậu’ đại nạn đều đặt Hội Thánh dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời chung với người thế gian tội lỗi và những kẻ thù chống nghịch Ngài. Vì chúng ta tin cậy tình yêu và kế hoạch tốt lành của Chúa dành cho chúng ta, nên chúng ta biết mình là con của ánh sáng, sẽ không ở trong bóng tối để bị tai hoạ chung với kẻ thù của Chúa và của chúng ta. Mặc dù ngày tái lâm của Đức Chúa Giêxu sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm, như Ngài đã phán: “Nầy, Ta đến đột ngột như kẻ trộm” (Khải Huyền 16:15), nhưng chúng ta không bị bất ngờ, vì chúng ta “không thuộc về ban đêm, về bóng tối” (5b) như những người chưa chịu tin Chúa. Chúng ta được Đức Thánh Linh mặc khải cho biết về những điều huyền nhiệm, những biến cố trong cõi vô hình liên hệ tới sự trở lại của Đức Chúa Giêxu. Anh chị em tín hữu cần lấy ví dụ nầy: khi một địa phương thấy đủ thứ hoạt động chuẩn bị dồn dập và gấp rút của đông đảo nhân viên cảnh sát và mật vụ, thì họ biết rằng những người ấy đang dọn đường cho vị nguyên thủ quốc gia sẽ đến chỗ đó. Cũng vậy, Đức Thánh Linh sẽ mặc khải cho những người có ơn tiên tri, hoặc các ân tứ siêu nhiên khác, thấy được các hoạt động dồn dập của thiên sứ trong cõi vô hình trước khi Chúa đến. Để không bị bất ngờ, mà còn được cho biết trước, thì “chúng ta đừng ngủ như người khác, nhưng hãy thức canh và tỉnh táo. Vì ai ngủ thì ngủ ban đêm, ai say thì say ban đêm” (6-7). Những người ‘ngủ ban ngày’ là nói về người có tâm linh không tỉnh thức, mải mê kiếm tiền làm giàu mà quên mất bổn phận đối với linh hồn mình; cũng chẳng giữ mối liên hệ thân mật với Chúa. Sự ngủ ban đêm là nói về người thuộc bóng tối, tâm linh họ tối tăm, không biết sự sáng thiên thượng như người có tâm linh sáng sủa vì được soi sáng bởi ánh sáng thiên đàng. Vì con dân Chúa “thuộc về ban ngày nên phải tỉnh táo” (8). Thức canh là nhiệm vụ phải làm, còn tỉnh táo là nói về tình trạng hay thái độ của người thức canh; vì vậy thức canh và tỉnh táo có liên hệ chặt chẽ với nhau. Rất có thể mình giữ nhiều bổn phận ở Hội Thánh, nhưng nếp sống tâm linh không tỉnh táo vì không làm tròn trách nhiệm Chúa giao cho mình phải chuẩn bị đầy đủ để hướng dẫn người khác. Những việc phải làm của các chiến sĩ phúc âm tỉnh táo là: “mặc lấy áo giáp là đức tin và yêu thương, đội mũ sắt là niềm hi vọng ơn cứu rỗi” (8b). Hễ con dân Chúa còn ở thế gian là vẫn còn ở trong chiến trận chống lại ma quỷ và kẻ ác. Áo giáp đức tin và yêu thương dùng che chở thân thể chống các vũ khí tấn công của một thứ đối phương mạnh mẽ và hiểm độc. Thiếu hoặc không có tình yêu thương đối với người đang hư vong là điều không thể biện minh, khác nào chiến sĩ thiếu áo giáp khi lâm trận. Thiếu đức tin cũng giống như vậy. Niềm hi vọng ơn cứu rỗi ta đã có là mũ an toàn cho tư tưởng lẫn đức tin. Nên nhớ là Đức Chúa Trời không gán trên chúng ta trách nhiệm về linh hồn của những kẻ ghét bỏ hoặc thờ ơ với Ngài, nhưng Ngài sẽ đòi máu của những người lẽ ra được cứu, nhưng bị hư mất vì chúng ta thiếu tình yêu thương, hay đức tin yếu ớt vì nhát sợ. Tất cả những ai đã thật lòng hợp nhất với sự chết và đồng sống với Đức Chúa Giêxu Christ, thì được Đức Chúa Trời định được hưởng ơn cứu rỗi, không bị trải qua đại nạn do cơn thịnh nộ của Ngài sẽ đổ xuống thế gian (9). Vì Đức Chúa Giêxu đã thay cho chúng ta lãnh hậu quả của tội lỗi, là án chết, nên chúng ta khỏi phải chịu tai hoạ huỷ diệt từ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời; do đã quyết tâm hợp nhất với Đức Chúa Giêxu, chúng ta được “cùng sống với Ngài, dù thức hay ngủ” (10), nghĩa là dù chúng ta còn sống hay đã qua đời vào lúc Đức Chúa Giêxu trở lại thế gian. Việc “khích lệ nhau, xây dựng cho nhau” (11) là nhắc nhở nhau trong tình yêu thương về sự thức canh và thái độ lẫn tinh thần tỉnh táo. Về vấn đề nầy, thái độ sợ hi sinh, sợ mất mát tiền bạc hay mất cơ hội làm ra tiền mà dửng dưng trước tình trạng hư vong của những người lẽ ra chúng ta có thể đưa đến ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, nếu có một chút can đảm và trách nhiệm, là tội lớn. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là quá vĩ đại và vô giá. Hãy cùng nhau
cộng tác với Đức Chúa Trời trong lãnh vực rèn luyện đời sống tâm linh và truyền rao ơn cứu rỗi. Đoạn Kinh-thánh nầy là sự nhắc nhở một lần nữa của Đức Thánh Linh rằng ngày cuối cùng đang đến gần hơn bao giờ hết. Thái độ tắc trách, không hoàn thành bổn phận đã được giao phó vì nhát sợ, cẩu thả do lười biếng, là một tội lỗi khó biện minh. Hãy cùng nhau nắm lấy khải tượng tương lai huy hoàng của Hội Thánh và tên của mỗi chúng ta được gọi lên nhận phần thưởng vinh quang trên thiên đàng. Ngày ấy vui mừng biết bao! Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ.
1Tesalonica06.docx Rev. Dr. CTB