Thư Côlôse, bài 1
Dẫn Nhập và Cảm Tạ
Côlôse 1:1–7
Côlôse là một thành phố lớn vùng Phirigi, và khoảng cách từ đó tới Laođixê với Hierapolis có lẽ không xa lắm (4:13). Hiện nay Côlôse không còn nữa, nó chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn. Người ta biết đến Côlôse qua thư tín nầy của sứ đồ Phaolô gửi cho các tín hữu của Đức Chúa Giêxu Christ vào thời đó mà thôi. Mục đích của thư là cảnh giác họ về sự lừa dối của những tín đồ người Giuđa cuồng nhiệt với Do-thái-giáo; vì họ luôn tìm cách ép buộc các tín hữu trong dân ngoại phải giữ các lễ nghi của bộ luật Môise; và thư cũng có mục đích củng cố đức tin của tín hữu ở Côlôse chống lại sự pha trộn những triết thuyết thế tục vào các nguyên tắc của Cơ-đốc-giáo. Phaolô cũng bày tỏ sự hết sức hài lòng về việc họ có đức tin vững vàng, khích lệ họ kiên nhẫn trông đợi về hi vọng dành sẵn trên trời.
Thư Côlôse được viết đồng thời với các thư Êphêsô và Philíp vào khoảng năm 62 AD., từ cùng một nơi là thành phố Rôma, chỗ Phaolô đang bị giam giữ thời ấy. Vì thế, ba thư nầy thường được gọi là ‘các thư tín lao tù.’ Sứ đồ Phaolô dù bị cầm giữ, nhưng ông không ngồi rỗi thụ động, mà làm việc không ngừng để lời của Chúa không thể bị cầm buộc. Thư nầy cũng giống như thư gửi cho tín hữu Rôma trước đó, được viết cho những người mà hầu hết Phaolô chưa gặp mặt hay quen biết. Hơi khác với thư Rôma, là thư mà những lời chào hỏi cuối thư có nêu ra tên của nhiều người có lẽ đã quen biết với Phaolô; thư Côlôse chỉ nêu tên A-chíp, và một người nữa có lẽ đang ở đó, nhưng không được nêu tên, là chủ nô của Ônêsim (4:9), sau nầy được biết tên là Philêmôn; người kế tiếp được nêu tên là nữ tín hữu Nim-pha ở Laođixê (4:15).
Hội Thánh ở Côlôse được thành lập không phải do thánh vụ của Phaolô, nhưng do Êphápra hay Épbaphôđích, một nhà truyền giáo, một người được Phaolô cử đi truyền giảng phúc âm cho các dân ngoại. Tuy vậy, Hội Thánh ở Côlôse phát triển và có tiếng tốt trong vòng các Hội Thánh thời bấy giờ. Người ta thường nghĩ rằng chỉ những Hội Thánh nào do Phaolô thành lập mới phát triển mạnh mẽ. Nhưng Hội Thánh Côlôse do Êphápra thành lập lại là nơi phát triển không ngờ. Đức Chúa Trời dùng những người ít nổi tiếng làm công việc Ngài, “để chứng tỏ quyền năng ưu việt đến từ Đức Chúa Trời, chứ không từ [người nào]” (2Côrinhtô 4:7).
Mặc dù Hội-thánh Côlôse không do Phaolô thành lập, nhưng không phải vì thế mà ông lơ là đối với Hội-thánh ấy; và lời lẽ thư Côlôse cũng không đối đãi gì khác biệt so với các Hội-thánh khác đã nhận được thư ông. Trái lại, những tín hữu Côlôse, quy đạo dưới thánh vụ của Êphápra, được Phaolô đối xử thật thân tình, và ông cũng thật quan tâm tới tình trạng tâm linh và điều kiện sống của họ như đã quan tâm tới Hội-thánh Philíp hay bất cứ Hội-thánh nào do ông thành lập. Ý hướng và tâm tình nầy đáng được những người hầu việc Chúa khắp nơi học tập, tránh tính ích kỷ hoặc cho rằng những thánh vụ nào không liên quan tới mình thì không đáng để ý tới. Một gương nữa thấy được ở Phaolô là ông không nề hà tưới bón, chăm sóc những gì do người khác trồng.
Những đặc điểm chào thăm của thư nầy không khác gì mấy so với các thư viết cho các Hội-thánh khác. Chỉ một chi tiết đáng lưu ý: “Phaolô, sứ đồ của Đức Chúa Giêxu Christ theo ý muốn Đức Chúa Trời” (1). Chức vụ sứ đồ có thể xem như chức thủ tướng trong Vương-quốc của Đức Chúa Giêxu Christ, được Đấng Christ trực tiếp kêu gọi, có đủ điều kiện xuất chúng, công tác đặc biệt chủ yếu là thành lập Hội-thánh và xác định các giáo lý Cơ-đốc. Phaolô không kể mình xứng đáng, hoặc đủ khả năng mà được chức vụ sứ đồ, nhưng là do ân điển và ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông mà thôi. Kể tên của Timôthê vào làm đồng tác giả của thư, chứng tỏ ý khiêm tốn của Phaolô, mặc dù ông gọi Timôthê là “con thật của ta trong đức tin” (1Timôthê 1:2), nhưng ở đây ông gọi Timôthê là “người anh em chúng ta,” một gương đáng học về một người lão luyện trong chức vụ bày tỏ sự kính trọng người đồng công với mình.
Ông gọi các tín hữu tại Côlôse là “các thánh đồ tại thành Côlôse, những anh em trung tín trong Đấng Christ” (2). Các mục sư và tín hữu chân chính là anh em của nhau và nợ nhau về tình yêu thương. Đối với Chúa, họ đều là thánh đồ, được biệt riêng để vinh danh Ngài, và được thánh hoá nhờ ân điển Ngài. Cả hai tính cách anh chị em và thánh đồ đều phải có là trung tín trong mọi tánh tình và các mối liên hệ của đời sống Cơ-đốc. Lời chúc lành thường xuyên của vị sứ đồ là xin “ân điển và bình an” được ban cho mọi tín hữu từ Đức Chúa Trời, Cha chung của mọi người.
Phaolô bắt đầu nội dung chính của bức thư bằng sự tạ ơn Chúa về những gì mà ông đã được nghe về họ; mặc dù ông chưa đích thân quen biết, chỉ nghe người khác kể lại (3). Ông tạ ơn Chúa về việc họ đã tiếp nhận Tin Mừng, chứng tỏ qua lòng trung thành của họ đối với Chúa. Trong sự cầu nguyện cho họ thì ông cảm tạ Chúa vì họ. Sự tạ ơn là phải có trong mọi lời cầu nguyện. Bất cứ điều gì khiến chúng ta vui mừng, thì điều ấy là cớ để cảm tạ Chúa. Phaolô tạ ơn Chúa về các ơn của Ngài trong họ với bằng chứng: “Vì chúng tôi nghe nói về đức tin anh em trong Đức Chúa Giêxu Christ, và về tình yêu thương của anh em đối với hết thảy các thánh đồ, bởi anh em có một niềm hi vọng dành sẵn trên trời” (4–5).
Đức tin, hi vọng, và tình yêu thương là ba ân điển chính trong đời sống tín đồ. Chúng ta phải cảm tạ Chúa vì mình đã được ban cho ba ơn đó. Tạ ơn Chúa về đức tin nơi Đức Chúa Giêxu; đây không phải là một niềm tin dễ dàng, vì ngày nay chẳng bao nhiêu người được thấy Ngài, mà sẵn lòng cho linh hồn mình phiêu lưu vào đạo của Ngài. Phaolô cũng tạ ơn Chúa về tình yêu thương của họ. Ngoài tình yêu thương tổng quát đối với mọi người, chúng ta nợ nhau về tình yêu thương anh em trong Chúa. Tình yêu nầy phải có lòng tử tế và thiện ý đặc biệt với anh chị em của mình trong đức tin, mới có thể bỏ qua những khác biệt nhỏ nhặt, hoặc những nhược điểm còn có trong anh chị em mình. Tình yêu nhân ái ấy là bằng chứng về môn đồ thật của Đức Chúa Giêxu.
Phaolô tạ ơn Chúa về “niềm hi vọng dành sẵn trên trời” (5) của tín hữu ở Côlôse. Hạnh phúc của thiên đàng được gọi là niềm hi vọng của họ, bởi vì mỗi chúng ta đều “trông đợi ngày hi vọng phước hạnh, trông đợi sự hiện ra của Đức Chúa Trời lớn, và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giêxu Christ” (Tít 2:13). Những gì mà Đức Chúa Trời dành sẵn cho đời sống của chúng ta trên thế gian là rất nhiều; nhưng, những món, những phước hạnh, những gì đang dành sẵn cho chúng ta ở trên trời thì lớn và nhiều hơn bội phần. Vì thế, chúng ta có lý do để hết lòng tạ ơn Đức Chúa Trời về hi vọng ở thiên đàng mà mọi tín hữu chân chính đều có. Phaolô tạ ơn Chúa vì tín hữu Côlôse có hi vọng vững chắc về vinh quang trong tương lai. Chúng ta càng tin tưởng chắc chắn vào các niềm hi vọng về những phần thưởng và sự trả công xứng đáng cho mình ở thế giới bên kia chừng nào, thì mình sẽ trở nên rộng rãi hào phóng hơn về của cải mình đang có ở trần gian khi gặp cơ hội làm việc thiện chừng đó.
Những ơn lành thiên thượng mà tín hữu Côlôse trông đợi “là hi vọng anh em đã nghe nói đến trước kia, khi lời chân lý của Tin-lành đến với anh em. Tin-lành nầy đem lại kết quả và phát triển trên khắp thế giới thế nào, cũng đang kết quả và phát triển giữa anh em thế ấy, kể từ ngày anh em nghe đạo và biết ân điển của Đức Chúa Trời, hoàn toàn trong chân lý, đúng như điều anh em đã học với Ê-pháp-ra, người bạn đồng sự yêu quý của chúng tôi, cũng là người trung thành phục vụ Đấng Christ vì anh em” (5–7).
Tin-lành là lời chân lý, tức là sự thật về hạnh phúc của thiên đàng, là sự sống vĩnh cửu được Tin-lành ấy phô bày ra ánh sáng. Ai nghe và tin thì nhận được ơn cứu độ của Đức Chúa Trời nhờ vâng theo các giáo huấn, và đời sống được uốn nắn theo các nguyên tắc thánh thiện của Tin-lành, nên sinh ra kết quả. Một đời sống kết quả là đời sống trong sạch, thanh khiết, đem lại sự tôn kính và vinh quang cho Đức Chúa Trời, Đấng ban tin mừng và các nguyên tắc sống thánh thiện cho mọi người nào tin và tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài.
Côlôse01.docx
Rev. Dr. CTB