Thư Côlôse, bài 03

Lẽ Huyền Nhiệm

Côlôse 1:18–29

Vị trí và vai trò của Đức Chúa Giêxu Christ là đầu của Hội-thánh đã được sứ đồ Phaolô nhắc lại nhiều lần. Một lần nữa, ông khẳng định “Ngài là Nguyên-thuỷ, Đấng đầu tiên sống lại từ cõi chết, để trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu” (18). Không phải Ngài chỉ đứng đầu như vua cai trị và công bố luật pháp, Ngài làm đầu để chỉ huy Hội Thánh, như cái đầu điều khiển toàn thân thể con người. Bởi vì mọi ân điển và sức mạnh của Hội-thánh đều do Ngài ban cho. Không phải rằng Đức Chúa Giêxu là người đầu tiên từ cõi chết sống lại, Ngài là người đầu tiên và duy nhất sống lại từ cõi chết bằng chính quyền năng của Ngài. Vì vậy, “trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu.” Là Đấng đầu tiên phục sinh bằng quyền năng mình, Ngài đã đem đến cho chúng ta một gương mẫu và bằng chứng rằng chúng ta rồi đây cũng sẽ sống lại từ cõi chết, vì Đấng phục sinh là trái đầu mùa của mọi người chết sống lại (1Côrinhtô 15:20).

Vai trò của Đức Chúa Giêxu làm Đầu Hội-thánh là để Ngài có thể thực hiện vai trò Trung-bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người. Đức Chúa Trời đã ban cho Đức Chúa Giêxu toàn bộ năng quyền và thuộc tính Thần-linh (19), tức là sự đầy đủ của Đức Chúa Trời. Như đã chép ở Êphêsô 1: 22–23 “Đức Chúa Trời đặt tất cả dưới chân Đấng Christ, và lập Ngài làm đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân thể của Đấng Christ, được đầy dẫy Ngài, và Ngài đầy dẫy mọi sự mọi loài.” Huyết của Đức Chúa Giêxu là yếu tố để “qua Ngài, Đức Chúa Trời đã giải hoà với muôn loài, tái lập hoà bình với vạn vật trên trời dưới đất” (20). Tín hữu không nên xem huyết của Đức Chúa Giêxu hoặc Danh của Ngài như một thứ bùa huyền bí vạn năng. Y hệt như mối liên hệ giữa các chi thể trong thân với cái đầu là mật thiết và không gián đoạn, chúng ta chỉ có thể áp dụng Danh Chúa và huyết của Ngài hoàn toàn linh nghiệm khi chúng ta có mối tương giao khắn khít với Chúa.

Quyền năng của huyết Đức Chúa Giêxu rửa sạch tội lỗi người tin cũng không thể hiểu theo nghĩa đen. Vì khi các tên lính đánh đòn và đóng đinh Đức Chúa Giêxu, thì tay của họ chắc chắn bị dính máu của Ngài. Nhưng chẳng tên nào trong số họ nhờ máu đó mà được sạch tội. Như vậy sự áp dụng quyền năng của huyết Đức Chúa Giêxu phải hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Chúng ta nhận được sự tẩy sạch tâm linh mình từ quyền phép của huyết Ngài, khi tiếp nhận Ngài làm sinh tế thay chỗ cho án tử hình của chúng ta (14). Từ lúc Ađam phạm tội và quyền quản trị thế giới bị lọt vào tay satan, thì mọi vật trong thế gian trở thành nghịch thù cùng Đức Chúa Trời thánh. Bây giờ tình trạng ấy đã đảo ngược qua sự hi sinh của Đức Chúa Giêxu. Chúng ta “trước kia vốn xa lạ, thù nghịch với Đức Chúa Trời vì tư tưởng và hành động gian ác mình, nhưng nay Đức Chúa Giêxu đã xả thân chịu chết, cho anh em được phục hoà với Đức Chúa Trời, để trình diện anh em lên trước mặt Đức Chúa Trời, những người thánh sạch toàn vẹn, không chỗ chê trách” (21–22).

Tuy nhiên, chúng ta chỉ giữ được tình trạng và vị trí ấy nếu chúng ta quyết tâm “tiếp tục giữ vững đức tin, có nền tảng chắc chắn, không lìa bỏ niềm hi vọng của Tin-lành anh em đã nghe.” (23). Địa vị được phục hoà, được trình diện trước mặt Đức Chúa Trời là những người thánh sạch, toàn vẹn, không chỗ chê trách, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục giữ vững một đức tin có nền tảng chắc chắn. Nghĩa là không theo đạo một cách thiếu hiểu biết, mù mờ về những chân lý được bày tỏ rõ ràng qua Kinh-thánh. Đó là lòng tin cậy vào một Đức Chúa Trời có thật, Ngài giáng sinh và chịu chết đền tội cho loài người là những sự kiện lịch sử đã thật sự xảy ra, không thể chối cãi; dù trước tiên chúng ta chỉ nghe giảng hoặc đọc thấy; nhưng bây giờ đức tin đó trở nên vững vàng do kinh nghiệm sự can thiệp, giúp đỡ, che chở, giải cứu, an ủi, dạy dỗ của Ngài qua những lần phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn, đứng trước những quyết định nan giải, những trở ngại của cuộc đời, vv., chúng ta thật sự biết rõ Đấng mình tin, và đức tin sẽ có nền tảng chắc chắn.

Một điều kiện nữa là “không lìa bỏ niềm hi vọng của Tin-lành anh em đã nghe.” Con đường đạt đến loại đức tin có nền tảng chắc chắn là do tính kiên trì theo đuổi niềm hi vọng của Tin-lành mà mình đã nghe. Niềm hi vọng ấy không phải về những việc trong đời nầy; vì “nếu chúng ta chỉ đặt hi vọng nơi Đấng Christ về những việc đời nầy mà thôi, chúng ta là kẻ đáng thương hại hơn hết trong cả nhân loại” (1Côrinhtô 15:19). Trong niềm hi vọng của Tin-lành thì ngoài hạnh phúc ở thiên đàng được hứa cho người tin, còn có ơn tha tội, tái sanh, thánh hoá, và sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh, Đấng sẽ ngự vào lòng người tin nữa. Dù chúng ta không chăm chú vào lợi lộc ở trần gian, nhưng chúng ta có một Đấng toàn tri hướng dẫn mình trong mọi việc.

Phaolô là một nhà truyền giáo chịu khổ vì ích lợi cho Hội-thánh (24). Về “những sự đau đớn mà Đấng Christ còn phải chịu,” không ngụ ý về sự chuộc tội; vì sự hi sinh mạng sống của Đức Chúa Giêxu trên thập tự giá đã đầy đủ để chuộc tội cho cả nhân loại rồi. Sự chịu khổ mà Phaolô và những người chăn bầy chân chính vẫn phải thường chịu đựng, đó là uốn nắn cho từng tín hữu trong bầy chiên để Đấng Christ có thể thành hình trong lòng họ: “Hỡi các con, vì các con, ta lại chịu cơn quặn thắt lúc sinh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ được thành hình trong các con” (Galati 4:19). Một nghĩa khác nữa là có một mức độ sẽ phải chịu khổ mà Chúa đã định cho ông: “Ta sẽ tỏ cho người ấy biết: phải chịu khổ nhiều vì Danh Ta” (Công vụ 9:16).

Chức vụ của Phaolô do Đức Chúa Trời uỷ thác vì lợi ích của các Hội-thánh, để ông thi hành công tác quản gia, có nghĩa là người xây dựng giỏi bậc thầy. Người quản gia trung thành sẽ công bố lời của Đức Chúa Trời thật trọn vẹn (25). Hãy cẩn thận về những lời chỉ có một nửa sự thật, vì đó là mánh khoé của satan. Bất cứ mục sư nào cũng có thể bị dẫn dụ nói một nửa sự thật của Lời Chúa, hay một nửa sự thật về một việc nào đó nhằm giành phần phải về mình.

Lời Chúa về Tin-mừng là “lẽ huyền nhiệm đã được giấu kín qua nhiều thời đại và thế hệ”(26). Lẽ huyền nhiệm trong Kinh-thánh không phải là câu đố bí hiểm. Nó là chân lý không thể dùng trí khôn để hiểu, chỉ có thể được biết qua sự mặc khải mà thôi. Nhiều khía cạnh trong kế hoạch của Đức Chúa Trời đã không được mặc khải rõ trong thời Cựu-ước. Bây giờ nó đã được khải thị cho các thánh đồ (26). Bởi lẽ “Đức Chúa Trời vui lòng bày tỏ cho họ biết lẽ huyền nhiệm vinh quang phong phú vô cùng nầy đã đến với dân ngoại, đó là Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hi vọng về vinh quang” (27). Trong thời Cựu-ước, ý niệm về Đức Chúa Trời đến cư ngụ trong lòng người là điều chưa ai dám mơ tưởng. Hơn nữa, dân ngoại đã ở ngoài giao ước của Đức Chúa Trời lập với dân Do-thái qua Môise, lại càng không có chút hi vọng gì được tham dự vào giao ước thánh. Bây giờ, chẳng những bất cứ ai cũng có thể tham dự giao ước mới, mà Đấng Christ còn đến ngự vào lòng họ nữa, thì hi vọng được hưởng vinh quang là chắc chắn.

Điều nầy có nghĩa là Đức Chúa Trời được mặc khải cho chúng ta qua Đức Chúa Giêxu. Đấng Christ ngự trong thánh đồ là niềm hi vọng về vinh quang của chúng ta. Không phải do công đức hay lòng sùng kính, hoặc năng lực thuộc linh của mình, mà chúng ta sẽ được vinh quang, nhưng ấy là sự hiện diện của Đấng Christ khi Ngài ngự vào lòng con dân Ngài. Ngài chính là Đức Chúa Giêxu mà Phaolô rao giảng bằng “tất cả sự khôn ngoan cảnh cáo và dạy dỗ mọi người”(28). Mục tiêu của ông là các thánh đồ được “hoàn hảo trong Đấng Christ,” khi Ngài ngự vào lòng họ, thì Phaolô, trong nhiệm vụ người quản gia, “có thể trình diện mọi người lên Đức Chúa Trời.

Mỗi tín hữu cần phải được cảnh cáo và dạy dỗ; cảnh cáo về những gì họ đang làm bởi đường lối riêng; rồi dạy dỗ để họ trở nên khá hơn. Người ta phải được cảnh cáo và dạy dỗ bằng sự khôn ngoan. Sự “hoàn hảo trong Đấng Christ” có thể hoặc là rất giỏi trong tri thức về giáo lý Cơ-đốc, hoặc là có nếp sống thuộc linh không tì vết, để sẽ được ban mão miện vinh quang sau nầy. Đó là mục đích mà Phaolô “nỗ lực chiến đấu,” chẳng phải bằng sức riêng của ông, nhưng “nhờ quyền năng Đức Chúa Trời đang tác động mạnh mẽ trong” ông (29). Người nào hết lòng phục vụ Chúa, thì quyền năng của Ngài được ban cho người đó để thêm năng lực hoạt động có hiệu quả.

Colose03.docx

Rev. Dr. CTB