Thư Côlôse, bài 04

Đề Phòng Sự Lừa Dối

Côlôse 2:1–11

Dù Phaolô chưa gặp mặt những tín hữu ở các Hội-thánh không phải do ông thành lập, ông vẫn lo lắng cho họ và viết thư dặn dò họ về những nguy cơ mà ông thấy đang xảy ra ở nhiều nơi. Nỗi lo lắng đã trở thành “cuộc chiến đấu cam go tôi đang tham dự vì anh em, vì người Laođixê, và tất cả những người chưa từng gặp mặt tôi” (1). Sự lo lắng cho anh chị em tín hữu khác không cần họ phải là những người mình từng quen biết. Chỉ cần biết họ có đồng đức tin vào một Chúa với mình là đủ. Mong ước của Phaolô khi chiến đấu vì họ không nhằm cho họ được mạnh khoẻ, vui vẻ, hay giàu có, mà ông muốn họ có “lòng phấn khởi, được liên kết với nhau trong tình thương” (2); vì sự thịnh vượng của linh hồn là tuyệt vời nhất. Nếu chúng ta có mong cho anh chị em mình trong đức tin được phong phú, hãy mong cho họ được phong phú trong linh hồn.

Linh hồn phong phú là khi chúng ta có tri thức đạt tới sự hiểu biết các huyền nhiệm của Đức Chúa Trời. Tức là khi chúng ta có một sự hiểu biết chân lý về Đấng Christ vững chắc, minh bạch và có hệ thống hơn, thì linh hồn sẽ càng phong phú (2). Phaolô tiết lộ rằng “lẽ huyền nhiệm của Đức Chúa Trời chính là Đấng Christ; trong Ngài được giấu kín tất cả các kho báu tri thức và khôn ngoan” (3). Tri thức của người ta ở bất cứ thời đại nào về Đấng Tạo Hoá chỉ là hiểu biết rất mù mờ. Người ta lại càng không thể nghiệm ra nổi sự nhập thể thành xác thịt của Ngôi Lời Đức Chúa Trời vào trần gian để thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại.

Khi gọi là huyền nhiệm, thì đó là vấn đề đã bị giấu kín qua nhiều thời đại, nay chỉ được bày tỏ ra qua sự mặc khải về mối liên hệ giữa Đấng Christ với Đức Chúa Cha. Qua Đấng Christ, dân ngoại vốn ở ngoài giao ước, nay được mời vào gia nhập Hội Thánh của Đức Chúa Giêxu, đồng hưởng ơn phước cứu rỗi với vô số thánh đồ khác vốn ở dưới giao ước cũ. Chương trình tuyệt vời đầy sự khôn sáng ấy do Đức Chúa Trời hoạch định, được Đức Chúa Giêxu Christ thực hiện qua sự giáng sinh, rồi chịu chết, chôn, và sống lại, vượt quá mọi sự hiểu biết của các thần linh; vì chỉ Ngài mới bày tỏ được cho loài người biết Đức Chúa Trời là ra sao, và ý muốn của Ngài cho nhân loại là thế nào; cho nên, “trong Ngài được giấu kín tất cả các kho báu khôn ngoan và tri thức.

Phaolô nhắc lại nỗi lo lắng của ông dành cho tín hữu ở Côlôse, Laođixê và các vùng phụ cận là “dù thân tôi xa cách, nhưng tâm linh tôi đang ở với anh em” (5). Tâm linh chúng ta có thể hiện diện với những Hội-thánh và anh chị em tín hữu của mình, dù thân thể chúng ta không có mặt tại đó; bởi vì sự hiệp thông giữa các thánh đồ là thuộc về tâm linh. Phaolô có nghe rằng tín hữu tại Côlôse “sống kỷ luật, vững vàng trong niềm tin Đấng Christ,” nên dù chưa bao giờ gặp mặt, ông xem tâm linh mình như đang có mặt tại đó cách dễ dàng, vì thấy họ sống kỷ luật và vững vàng. Ông khuyên họ cần phải cảnh giác: “Tôi nói điều đó để không ai có thể lấy những lời hấp dẫn lừa dối anh em” (4), cũng “đừng để ai lừa dối anh em bằng triết lý, bằng lời dối trá vô nghĩa” (8); như ông đã vạch trần tâm địa của những người gây chia rẽ trong Hội-thánh: “họ dùng lời ngọt ngào tâng bốc để lừa dối những người nhẹ dạ” (Rôma 16:18).

Cách hữu hiệu để chống lại các lời dụ dỗ là “anh em đã tiếp nhận Đấng Christ thế nào, hãy sống trong Ngài thế ấy, đâm rễ lập nền trong Ngài với một đức tin vững mạnh, như anh em đã học hỏi, và với tấm lòng vô cùng biết ơn”(6–7). Tiếp nhận Đấng Christ là Chúa Cứu Thế có nghĩa là Ngài được Đức Chúa Trời xức dầu để mặc khải ý muốn của Ngài, là Thầy-tế-lễ Thượng-phẩm và Đấng Cứu Chuộc người tin khỏi tội lỗi và hình phạt, là Chúa, tức Đấng Tể-trị và Vua mà mọi người tin đều phải vâng phục. Tiếp nhận cũng có nghĩa là bằng lòng thuộc về Ngài, bước đi với Ngài trong mỗi bước của đời sống hàng ngày và thường xuyên trò chuyện với Ngài. Càng bước đi gần gũi với Ngài chừng nào, chúng ta càng “đâm rễ lập nền trong Ngài với một đức tin vững mạnh.” Chúng ta không thể lớn lên trong Chúa nếu không đâm rễ lập nền trong Ngài “như anh em đã học hỏi, và với tấm lòng biết ơn” (7). Phương pháp để tăng trưởng đức tin là chịu học hỏi, hiểu biết ngày càng sâu hơn; và cách thức để được lợi ích và sự an ủi của ân điển Đức Chúa Trời là phải biết tạ ơn thật nhiều về những sự tiến triển, cũng như các đặc quyền mà mình được có.

Tuy nhiên, mối hiểm nguy thường xảy ra là có người chuyên lừa dối người khác “bằng triết lý, bằng lời dối trá vô nghĩa, theo truyền thống của người đời, theo các nguyên tắc sơ đẳng của thế gian, chứ không theo Đấng Christ” (8). Có một thứ triết lý hư đản và lừa dối thiết lập sự khôn ngoan loài người bác bỏ Đức Chúa Trời. Họ đề cao sự tự tu tập theo nguyên tắc sơ đẳng của thế gian để đạt đến cái gọi là ‘giác ngộ,’ hiểu các huyền nhiệm của vũ trụ, trở thành thần trong sự tưởng tượng; thế nhưng không biết con người giác ngộ đó sẽ về đâu. Triết lý ấy làm thoả mãn ảo vọng hợm hĩnh của người ta, phá huỷ đức tin của họ. Truyền thống tôn giáo lừa bịp đó đã dụ dỗ được lắm người nhẹ dạ. Điều vô cùng nực cười là thế giới với đủ thứ phương tiện tân tiến nhất vẫn còn mù mờ về vũ trụ, chỉ là đoán mò; thế mà triết lý bịp bợm nói trên hứa hẹn chỉ cần ngồi thiền để tâm trí trống không, thì sẽ ‘ngộ’ được các bí ẩn của trời đất, còn mình thì siêu thoát!

Đạo Chúa ở vùng Tiểu Á thời ấy phải đối phó với hai trào lưu tư tưởng sai lạc. Thứ nhất là giáo huấn của người Do-thái hoàn toàn tuân theo các truyền thống của tổ tiên và các nguyên tắc căn bản của thế gian, tức là các nghi lễ và những điều tuân giữ của họ chỉ là sự chuẩn bị và giới thiệu cho phúc âm sau nầy. Thứ nhì là những người gốc dân ngoại pha trộn các phương châm tôn chỉ của triết thuyết dân tộc họ với các nguyên tắc Cơ-đốc-giáo. Cả hai đều làm cho tâm trí họ trở nên xa lạ với Đấng Christ. Đặc biệt là các giáo sư Do-thái-giáo luôn tìm cách ép buộc tín hữu từ dân ngoại phải tuân giữ bộ luật Môise kết hợp với Phúc-âm của Đấng Christ. Nhưng việc ấy thật ra cạnh tranh và mâu thuẫn với Phúc-âm.

Phaolô giải thích rằng trong Đấng Christ đã có tất cả thực thể về hình bóng của luật pháp lễ nghi: “Vì trong Ngài, trong hình thái của thể xác Ngài mang, có đầy đủ trọn vẹn bản chất Thần linh của Đức Chúa Trời” (9). Người Do-thái nghĩ rằng chính họ trọn lành trong luật pháp nghi lễ; nhưng “trong Ngài, anh em được đầy đủ mọi sự” (10). Đấng Christ, bởi hoàn thành công tác hi sinh chuộc tội và khải thị ý chỉ của Đức Chúa Trời, “Ngài là Đầu, trên hết mọi chủ quyền và phó quyền.” Tiếp nhận Đấng Christ là “Trong Ngài anh em đã chịu cắt bì, không phải lễ cắt bì do tay người ta, nhưng do Đấng Christ, bằng cách lột bỏ bản chất tội lỗi của xác thịt” (11).

Dưới luật pháp, Đức Chúa Trời bày tỏ sự hiện diện của Ngài trong cụm mây dưới cánh che phủ của hai chêrubim đặt trên nắp thi-ân của rương giao ước, khi thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm một lần đem huyết của sinh tế chuộc tội vào dâng ở gian chí thánh của đền thờ. Nhưng bây giờ sự hiện diện ấy ngự trong thân vị của Đấng Cứu Chuộc, Đấng có đồng bản thể, xương và thịt giống như chúng ta, và đã rao truyền rõ ràng Đức Chúa Cha cho chúng ta. Sự đầy đủ của Đức Chúa Trời ngự trong Ngài cách thực sự, không phải chỉ là hình bóng; vì Ngài vừa là Đức Chúa Trời, vừa là người; cho nên, vì Ngài “có đầy đủ bản chất Thần linh trọn vẹn của Đức Chúa Trời,” hình thức luật pháp lễ nghi không còn cần thiết nữa khi Đấng Christ đã đến.

Lễ cắt bì ngoài xác thịt là lễ nghi của giao ước cũ Chúa lập với người Do-thái. Nhưng trong Đấng Christ, mọi người tin đều đã chịu lễ cắt bì thuộc linh qua sự tái sinh, tức là lột bỏ bản chất tội lỗi của xác thịt; vì “người Do-thái thật là người có tâm hồn Do-thái, và phép cắt bì thật là cắt bì trong lòng, trong Thánh Linh chứ không phải theo văn tự. … con người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh vào thập tự giá…, khiến thân thể tội lỗi bị diệt đi” (Rôma 2:29; 6:6). “Nếu giao ước thứ nhất không có khuyết điểm gì cả, đâu cần phải lập giao ước thứ hai” (Hêbơrơ 8:7). Chúng ta thuộc về giao ước mới của Đấng Christ. Ngài làm phép cắt bì cho chúng ta bằng cách lột bỏ bản chất tội lỗi của xác thịt. Vì Ngài là Đầu của mọi quyền, nên trong Ngài chúng ta được hưởng mọi thứ quyền lợi của các chi thể trong thân Ngài, tức là làm con cái thật của Đức Chúa Trời.

Colose04.docx

Rev. Dr. CTB