Thư Côlôse, bài 7

Những Lời Khuyên Sau Cùng

Côlôse 4:1–18

Câu 1 của đoạn nầy, là phần tiếp nối của đoạn trước, nói về bổn phận của người làm chủ đối với những người giúp việc cho mình phải công bằng: “Người làm chủ hãy đối xử với tôi tớ mình cách công bằng, không thiên vị, vì biết rằng anh em cũng có Chủ ở trên trời.” (1). Không phải là chỉ nói đến công lý, mà còn là sự công bằng và nhân từ. Nghĩa là phải biết giữ lời hứa, thực hiện đúng các thoả thuận, không được gian lận hay quỵt lợi ích mình nợ người làm công. Lý do là đã có sự gian lận tiền công xảy ra: “Hãy nghe tiếng kêu ca của những thợ gặt! Tiếng họ đã thấu tai Chúa vạn quân. Vì anh em đã gian lận giữ lại tiền công của những người gặt hái trong ruộng đất mình.” (Giacơ 5:4). Tín hữu nào thuê mướn người giúp việc, không được phép bắt họ phải làm quá khả năng của họ, hoặc giao cho những trách nhiệm không hợp lý và quá sức họ. Phải trả tiền công xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tạo điều kiện làm việc thoải mái để họ vui vẻ phục vụ, lý do là “vì biết rằng anh em cũng có Chủ ở trên trời.” (Xem thêm Êphêsô 6:9).

Nếu xem câu 2 liên quan đến câu 1, thì một phần bổn phận của các người chủ đối với những công nhân của mình là “sốt sắng liên tục cầu nguyện” (2), hoặc cầu nguyện mỗi ngày với họ. Bởi vì chẳng phải chỉ là đối xử chính đáng và tốt bụng với người giúp việc, còn phải làm gương về bổn phận tín hữu và niềm tin của mình: Phải quan tâm đến linh hồn họ như đã quan tâm tới phần thể xác của họ nữa. “Và hết lòng biết ơn Chúa.” (2). Biết ơn hay tạ ơn Chúa là phần phải có trong mọi lời cầu nguyện; vì biết ơn là sự công nhận ơn nhân từ thương xót mình nhận được từ Chúa.

Cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi” (3). Tín hữu có bổn phận thường xuyên cầu thay cho những người lãnh đạo tinh thần của mình (1Têsalônica 5:25; Hêbơrơ 13:19). Mục đích là cầu xin “Đức Chúa Trời mở cửa rao giảng đạo Chúa, cho chúng tôi công bố lẽ huyền nhiệm của Đấng Christ (chính vì lẽ huyền nhiệm đó mà tôi đang chịu xiềng xích).” (3). Sứ đồ Phaolô thường dùng ‘huyền nhiệm của Đấng Christ’ để nói về việc rao giảng Tin Mừng trọn vẹn, nghĩa là Tin Mừng ấy cũng bao gồm tất cả dân ngoại (Côlôse 1:26); vì ơn cứu độ của Đức Chúa Trời không phải chỉ dành cho người Do-thái. Bởi sự giảng dạy đó mà ông bị người giới lãnh đạo Do-thái-giáo vu khống, kiện cáo, và bị chính quyền La-mã giam giữ chờ ngày được hoàng đế La-mã xét xử. Ông cần “trình bày lẽ huyền nhiệm cách rõ ràng, như phải trình bày” (4). Tức là bày tỏ cho người chưa biết về việc ấy, để họ cũng được biết rõ ràng.

Đối xử cách khôn ngoan” (5) với người chưa tin Chúa tức là hết sức cẩn thận trong sự trao đổi, chuyện trò với họ; để không bị họ làm tổn thương cũng không làm tổn thương họ; để không bị ảnh hưởng bởi văn hoá của họ và cũng không làm cho họ có thành kiến chống đạo Chúa. “Hãy lợi dụng thì giờ” tức là hãy biết nắm lấy cơ hội để giúp đỡ hay làm điều thiện cho họ. Đồng thời, phải khéo léo đừng để bị lợi dụng. “Lời nói anh em lúc nào cũng phải dịu dàng, mặn mà, như thế anh em sẽ biết cách đối đáp với mọi người” (6). Lời nói dịu dàng là cách hành xử thích đáng nhất của các thánh đồ, và nó luôn luôn đem tới kết quả tốt nhất. Còn lời nói mặn mà sẽ khiến người ta thích nghe. Chúng ta cần rất nhiều sự khôn ngoan và tính dịu dàng để có thể trả lời cho từng giới người vẫn thường chất vấn niềm tin của chúng ta.

Phaolô dành từ câu 7 đến hết để kết thúc bức thư. Tên của những người được ông nêu ra đây đã vĩnh viễn đi vào thánh sử Hội Thánh của Đấng Christ. Công việc và thành tích của họ đã được lưu truyền và công bố ở bất cứ nơi nào Phúc Âm được truyền đến, và sẽ được nhắc nhở mãi cho tới ngày tận thế. Đầu tiên là tên của Tychicơ, người mang bức thư nầy đến cho tín hữu ở Côlôse. Nhiệm vụ của ông không phải chỉ mang thư, nhưng còn là tường thuật cho họ biết trọn tình trạng của Phaolô đang bị giam giữ ở kinh đô Rôma. Ông được Phaolô kể là: “Người anh em yêu dấu, người tôi tớ trung thành và bạn đồng sự trong Chúa” (7); ông được cử đi Côlôse để “cho anh em biết hoàn cảnh của chúng tôi, và để anh ấy khích lệ anh em” (8). Điều rất vinh dự của một người hầu việc Chúa là được khen trung thành với Ngài, với Hội Thánh và với anh chị em đồng đức tin của mình. Được Chúa dùng để khích lệ đức tin của anh chị em mình cũng là một vinh dự nữa.

Tên Ônêsim xuất hiện lần đầu tiên ở đây (9), rồi lại được Phaolô ân cần gửi gắm trong lá thư gửi cho Philêmôn. Nhờ lá thư ấy chúng ta mới biết Ôsêsim vốn là một nô lệ trong nhà Philêmôn; Ônêsim đã trốn khỏi chủ mình và gặp Phaolô ở Rôma rồi tin nhận Chúa, trở thành người giúp đỡ cho Phaolô. Bây giờ, Ônêsim vâng lời Phaolô trở về Côlôse để tạ tội với chủ, cũng đã trở nên tín hữu trong Hội thánh (Philêmôn 10–17). Bất cứ ai đã trở thành con cái Chúa, đời sống được Chúa rờ đến, đều trở thành người rất hữu dụng cho công việc nhà Ngài, dù chỉ là những việc nhỏ nhoi.

Aristarchus (10), là một người Maxêđoan (Công Vụ 19:29), quê ở thành Têsalônica, xứ Hylạp (20:4); tháp tùng Phaolô khi ông bị giải đi Rôma (27:2). và trở thành bạn đồng tù với Phaolô. Ông cũng được nhắc đến trong Philêmôn 24. Theo truyền thuyết thì Aristarchus đã bị hoàng đế La mã Neron xử tử vì đức tin của ông. “Mác, em họ của Banaba” (10), cũng có tên là Giăng (Công Vụ 15: 37), tác giả của Phúc Âm Mác (Mác là tên theo tiếng Lamã, Giăng là tên Do-thái). Ở vòng truyền giáo đầu tiên, Phaolô không hài lòng về Mác vì đã bỏ ngang nhiệm vụ (Công Vụ 15:38–39). Nhưng bây giờ, Mác lại được nhắc đến với tình yêu thương tôn trọng “Anh em đã nhận được chỉ thị về Mác, nếu anh ấy đến, hãy tiếp đón tử tế.” Như vậy, Mác đã được tha thứ và hữu ích (2Tim.4:11).

Giêxu là tên Hylạp của tên Do-thái Joshua. Có lẽ người nầy đã đổi thành tên Lamã Justus để tôn trọng Chúa của mình; ông trở thành niềm an ủi của Phaolô (11). Êphápra (12), người thành lập Hội-thánh Côlôse cũng có tên là Êpaphroditus. “Anh ấy luôn luôn chiến đấu cầu nguyện cho anh em được đứng vững, trưởng thành và hoàn toàn vâng theo mọi ý muốn của Đức Chúa Trời,” ông được Phaolô “chứng nhận rằng … hết lòng lo lắng cho anh em, … Laođixê, và Hierapolis” (13). Bác sĩ Luca (14), người đóng góp phần quan trọng nhất trong việc ghi chép lịch sử Hội-thánh thời sơ lập, đã tận tuỵ đi theo phục vụ Phaolô, mà chẳng bao giờ thấy tự nêu tên mình ra. Đức khiêm tốn ấy được Chúa tôn trọng, vì thế tên ông được biết đến ở mọi nơi phúc âm rao giảng. Đêma là người được Phaolô nhắc đến vài lần. Nhưng về sau không giữ được lòng trung thành (2Tim.4:10).

Phaolô gửi lời thăm hỏi tới các tín hữu ở Hội-thánh Laođixê, chứng tỏ thành phố nầy không xa Côlôse bao nhiêu (15). Hơn nữa, việc ông xin hai Hội-thánh chuyển thư cho nhau để đọc (16), thì sự kiện ấy chứng minh họ là hai thành phố láng giềng của nhau. Trong các bản sao Hy-văn rõ nhất thì Nympha được xem là nữ tín hữu, vì nói “hội thánh nhóm trong nhà chị ấy” (15). Các bản sao khác thì nói là “nhà anh ấy;” vì thế, có bản dịch cho rằng người nầy là Nymphas, giống đực của chữ Nymphadorus. Hội-thánh nhóm ở nhà người nầy có lẽ ở Laođixê; vì thời ấy mọi tín hữu ở một địa phương đều nhóm chung tại một địa điểm. Do đó, nếu xem Hội-thánh nhóm ở nhà của tín hữu tên là Nympha là một nhóm độc lập với Hội-thánh tại Côlôse, thì không hợp lý.

Achíp (Archippus) chắc chắn là một người lãnh đạo tại Côlôse. Có lẽ là một giám mục hoặc mục sư có bổn phận giảng dạy cho Hội-thánh. Lời nhắc: “Hãy lưu tâm làm tròn nhiệm vụ Chúa giao cho anh” (17), ngụ ý rằng đã có sự xao lãng hoặc thiếu sót nào đó trong nhiệm vụ của người tên là Achíp. Được Chúa giao cho một thánh vụ là một vinh dự rất lớn. Đức Chúa Giêxu muốn người được vinh dự ấy phải làm tròn nhiệm vụ đã được Ngài tin cậy giao phó. Lãng quên, thiếu sót, thoái thác, hoặc trốn tránh nhiệm vụ, là phản bội sự tin cậy của Chúa mình. Thế nhưng, tình trạng nản lòng, buồn chán hay thối chí là điều thường xảy ra cho người hầu việc Chúa trước các khó khăn hay tình trạng yếu đuối của anh chị em tín hữu. Thiếu cầu thay cho người chăn bầy là một trong các nguyên nhân chính. Phaolô xin các tín hữu tại Côlôse nhớ đến tình cảnh lao tù của ông mà cầu thay cho ông (18). Bởi vì sự cứu rỗi của họ mà ông chịu xiềng xích. Ân điển sẽ được ban cho những ai yêu mến và cầu thay cho người chăn bầy của mình.

Colose07.docx

Rev. Dr. CTB